Khoảng cách giữa 2 lần chụp X quang là bao lâu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp X – quang là một trong những kỹ thuật cận lâm sàng phổ biến nhất hiện nay vì đây là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, kinh tế và mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, vì đây là một phương pháp có sử dụng năng lượng bức xạ nên cần phải nắm vững một số lưu ý khi chụp X – quang, chẳng hạn như khoảng cách giữa 2 lần chụp X – quang là bao nhiêu cũng như một số vấn đề khác để tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người chụp.

1. Chụp X – quang là gì?

Chụp X – quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoạt động dựa trên một dạng năng lượng bức xạ đó là tia X, có khả năng đi xuyên qua những bộ phận trên cơ thể người để ghi nhận lại những hình ảnh tại những bộ phận này. Chụp X – quang giúp phát hiện rất nhiều bệnh lý, điển hình như viêm phổi, ung thư phổi, viêm khớp, gãy xương và những bệnh lý ở hệ cơ quan khác.

Kết quả phim X – quang góp phần rất lớn vào việc chẩn đoán và phát hiện sớm những bệnh lý nguy hiểm để tiến hành điều trị kịp thời, trong khi đó nếu thăm khám thực thể thông thường thì không phát hiện được những bệnh lý này vì có những trường hợp bệnh nhân mặc dù mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng điển hình để chẩn đoán. Tia bức xạ khi chiếu vào cơ thể người bệnh với một cường độ và tần số phù hợp thì hầu hết sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bên cạnh đó sau khi đi vào một số mô cơ quan thì tia X sẽ chuyển hóa, thải ra môi trường ngoài thông qua da, nước tiểu hoặc theo đường mồ hôi và thời gian để tia X thải được ra môi trường ngoài là khác nhau với từng trường hợp bệnh nhân, phụ thuộc và cường độ và thời gian chiếu tia X ở bệnh nhân đó.

chụp x-quang bàn chân
Chụp X – quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoạt động dựa trên một dạng năng lượng bức xạ đó là tia X

2. Lưu ý khi chụp X – quang

Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người chụp nhưng tác hại của tia X cho đến nay vẫn còn tồn tại rất nhiều. Cụ thể là tia X có thể gây ảnh hưởng đến một số bộ phận trong cơ thể như cơ quan sinh dục, tủy xương, da hoặc tuyến giáp. Và nếu chụp X – quang quá thường xuyên thì sẽ gây tổn thương đến một số hệ cơ quan của người bệnh, làm biến đổi chức năng sinh lý của cơ thể.

Cần phải lưu ý khi chụp X – quang ở một số khía cạnh như đảm bảo điều kiện chụp X – quang an toàn và đạt chuẩn bao gồm những yếu tố như phòng chụp, máy chụp đạt chuẩn, đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn về chụp X – quang. Vì nhân viên y tế là người tiếp xúc nhiều nhất với tia phóng xạ nên việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên cũng như những biện pháp để theo dõi mức độ phóng xạ cũng rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế.

Những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai thì hạn chế chụp X – quang trong suốt quá trình mang thai vì rất nhiều nghiên cứu đã cho răng tia X có thể gây ảnh hưởng lên sự phát triển của bào thai trong cơ thể người mẹ khi chụp X – quang. Vì vậy, trước khi tiến hành chụp X – quang thì người phụ nữ nên thông báo với bác sĩ về tình trạng mang thai của mình để bác sĩ có thể chỉ định một cách chính xác nhất, tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi, cũng có thể sẽ chuyển hướng sang thực hiện một phương pháp cận lâm sàng khác thay vì chụp X – quang. Ngoài ra, trẻ em cũng không được khuyến cáo nên chụp X – quang quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của cơ thể.

chụp x quang viêm phổi
Nếu chụp X – quang quá thường xuyên thì sẽ gây tổn thương đến một số hệ cơ quan của người bệnh

3. Khoảng cách giữa 2 lần chụp X – quang

Trong những trường hợp quá phụ thuộc và lạm dụng phương pháp chụp X – quang trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý thì sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên chụp X quang tốt nhất là theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bất cứ khi nào cần chụp X quang để chẩn đoán, phục vụ điều trị, theo dõi bệnh theo chỉ định của bác sĩ, đều có thể thực hiện. Trong những trường hợp đặc biệt, nếu bệnh nhân phải chụp nhiều lần trong thời gian ngắn, thì chắc chắn phải có y lệnh của bác sĩ điều trị, không nên tự ý chụp X – quang ở những cơ sở y tế khác.

Tuy nhiên đối với những thiết bị chụp X – quang cũ thì khả năng ảnh hưởng của tia X lên cơ thể bệnh nhân là rất cao. Ngược lại, ngày nay với sự ra đời của nhiều máy móc và thiết bị cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh hiện đại và được cải thiện mỗi ngày đã giúp giảm đi rất nhiều những nguy cơ ảnh hưởng để cơ thể người bệnh như vô sinh hoặc đột biến gen, nhưng vẫn mang lại hiệu quả rất cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý.

Xquang xương chậu
Mỗi lần thực hiện chụp X – quang đều cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị

4. Kết luận

Chụp X – quang là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ phát hiện sớm và điều trị rất nhiều bệnh lý ngày nay với ưu điểm nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả cao. Tuy nhiên, một số nhược điểm vẫn còn tồn tại đó là tia X vẫn có khả năng gây ảnh hưởng đến bệnh nhân nếu không tuân theo những quy định cũng như những lưu ý khi chụp X – quang. Vì vậy, chỉ nên chụp X quang khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan