Mọi thứ bạn cần biết về đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa xảy ra chủ yếu liên quan đến các bệnh lý về cột sống, hoặc chấn thương vùng dây thần kinh tọa. Nó xảy ra phổ biến với tỷ lệ 40% ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể làm giảm triệu chứng bằng nhiều cách khác nhau như tập luyện, dùng thuốc, vật lý trị liệu, v.v.

1. Đau thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh tọa bắt đầu từ tủy sống, chạy qua hông và mông, sau đó phân nhánh xuống mỗi chân.

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và là một trong những dây thần kinh quan trọng nhất trong cơ thể. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát và cảm nhận của đôi chân. Khi dây thần kinh tọa bị kích thích, bạn sẽ bị đau thần kinh tọa.

Bệnh đau thần kinh tọa tạo ra cảm giác đau vừa đến nặng ở vùng lưng, mông, chân và cảm thấy yếu hoặc tê ở những vùng này.

Bệnh đau thần kinh tọa chủ yếu xảy ra do chấn thương gặp phải ở dây thần kinh tọa hoặc một vùng nào đó ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa như đốt sống, xương cổ hoặc xương lưng.

Bệnh đau thần kinh tọa khá phổ biến, có tới 40% mọi người sẽ mắc vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời và trở nên thường xuyên khi về già.

2. Triệu chứng

Đau thần kinh tọa có các triệu chứng điển hình vì nó là kết quả của chấn thương hoặc tổn thương dây thần kinh tọa. Thông thường, nếu cảm thấy đau từ lưng qua vùng mông xuống chi dưới thì nguy cơ cao là đau thần kinh tọa. Ngoài ra, nó còn có thể gây ra các triệu chứng khác như:

  • Đau mạnh hơn khi cử động
  • Tê hoặc yếu ở châ hoặc bàn chân dọc theo dây thần kinh tọa. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị mất cảm giác hoặc cử động.
  • Cảm giác như kim châm, kèm theo đau nhói ở ngón chân hoặc bàn chân.
  • Tiểu tiện không tự chủ. Đây là một triệu chứng hiếm gặp của hội chứng equina cauda (CES), là một hội chứng nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay lập tức.

3. Nguyên nhân

Bệnh đau thần kinh tọa có thể gây ra bởi các bệnh lý về cột sống, chấn thương, hoặc các khối u thần kinh cột sống hoặc thần kinh tọa. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau thần kinh tọa:

  • Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là tình trạng lớp sụn ngăn giữa các đốt sống bị rách, gây chảy chất dịch ra ngoài, có thể gây chèn ép dây thần kinh tọa, dẫn đến đau và tê bì chi dưới. Ước tính có 5% người bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm vào một thời điểm nhất định trong cuộc đời.
  • Hẹp ống sống: Hẹp ống sống hay còn gọi là hẹp ống sống thắt lưng, nó được đặc trưng bởi ống sống bị thu hẹp gây tăng áp lực lên tủy sống và các rễ thần kinh tọa, gây đau thần kinh tọa.
  • Thoái hóa cột sống: Thoái hóa đốt sống là một hệ quả của thoát vị đĩa đệm. Việc một đốt sống bị kéo dài về phía trước so với những đốt sống khác thì đốt sống kéo dài đó có thể gây chèn ép các dây thần kinh gốc của dây thần kinh tọa.
  • Hội chứng piriformis: Hội chứng Piriformis là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp, trong đó cơ piriformis bị co hoặc thắt một cách không tự chủ, gây ra đau thần kinh tọa. Cơ piriformis là cơ kết nối phần dưới của cột sống với xương đùi. Khi thắt lại, nó có thể gây áp lực lên dây thần kinh tọa, dẫn đến đau thần kinh tọa. Hội chứng Piriformis có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bạn ngồi lâu, bị ngã hoặc gặp tai nạn xe hơi.
Thoát vị đĩa đệm là một trong các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Thoát vị đĩa đệm là một trong các nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

4. Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng đau thần kinh tọa, trong đó phổ biến nhất gồm:

  • Tuổi cao, vì lúc nào có nhiều khả năng các bộ phận đã bị bào mòn và tổn thương
  • Nghề nghiệp gây ra các cơn đau lưng như nâng vật nặng, ngồi lâu hoặc cử động vặn mình
  • Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh
  • Hút thuốc có thể khiến lớp ngoài của đĩa đệm cột sống bị rách.

Người bệnh cần đi khám ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng sau:

  • Cơn đau xảy ra sau một chấn thương hoặc tai nạn nghiêm trọng.
  • Đau đột ngột, dữ dội ở lưng dưới hoặc chân kết hợp với tê hoặc yếu cơ ở chân đó.
  • Không kiểm soát được bàng quang hoặc ruột, đó là những triệu chứng của hội chứng equina cauda.

Hội chứng equina Cauda

Trong một số trường hợp hiếm hoi, đĩa đệm thoát vị có thể đè lên các dây thần kinh khiến bạn mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang, tình trạng này được gọi là hội chứng equina cauda.

Nó cũng có thể gây tê hoặc ngứa ran ở vùng háng, giảm cảm giác tình dục và tê liệt nếu không được điều trị.

Hội chứng equina Cauda thường phát triển chậm. Điều quan trọng là phải đi khám ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng:

  • Không kiểm soát được bàng quang hoặc ruột, có thể dẫn đến tiểu không tự chủ hoặc giữ lại chất thải
  • Đau ở một hoặc cả hai chân
  • Tê ở một hoặc cả hai chân
  • Yếu một hoặc cả hai chân, khiến bạn khó đứng dậy sau khi ngồi
  • Vấp ngã khi cố gắng đứng dậy
  • Tiến triển rõ rệt hoặc đột ngột mất cảm giác ở phần dưới cơ thể, bao gồm vùng giữa chân, mông, đùi trong, gót chân và toàn bộ bàn chân.

XEM THÊM: Người trẻ có bị đau thần kinh tọa?

5. Chẩn đoán

Triệu chứng của đau thần kinh tọa là khác nhau ở mỗi người tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Để chẩn đoán đau thần kinh tọa, bạn có thể được bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh (có gặp phải chấn thương nào gần đây không, cảm giác đau ở đâu và đau như thế nào, bạn làm gì để giảm đau, điều gì khiến cơn đau tăng lên, thời điểm và hoàn cảnh bắt đầu cơn đau, vv).

Sau khi hỏi bệnh, bạn có thể được bác sĩ cho kiểm tra sức khỏe, gồm có kiểm tra sức mạnh và phản xạ cơ bắp, thực hiện một số bài tập kéo giãn và di chuyển để xác định chuyển động như thế nào gây đau nhiều hơn.

Đối với những người đã điều trị chứng đau thần kinh tọa kéo dài trên 1 tháng hoặc mắc các bệnh nặng như ung thư thì cần làm thêm các xét nghiệm thần kinh. Chúng cho phép kiểm tra các xung thần kinh và tìm hiểu các bất thường giúp xác định vị trí liên quan và mức độ xung bị chậm lại.

Các xét nghiệm hình ảnh cho phép bác sĩ xem xét các bất thường trên cột sống, điều này giúp xác định nguyên nhân gây ra chứng đau thần kinh tọa.

Các xét nghiệm hình ảnh phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán đau thần kinh tọa là chụp X-quang cột sống, MRIchụp CT. Chụp X-quang bình thường sẽ không thể cung cấp cái nhìn về tổn thương dây thần kinh tọa. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT tủy sống để quan sát hình ảnh rõ ràng hơn về tủy sống và dây thần kinh.

Bác sĩ sẽ hỏi về tính chất cơn đau thần kinh tọa trong khi thăm khám
Bác sĩ sẽ hỏi về tính chất cơn đau thần kinh tọa trong khi thăm khám

6. Điều trị

Sau khi được chẩn đoán đau thần kinh tọa, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiếp tục các hoạt động hàng ngày, tránh nằm trên giường hoặc hoạt động có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm.

Một số phương pháp điều trị tại nhà có thể hiệu quả trong điều trị đau thần kinh tọa gồm:

  • Chườm lạnh: Chườm đá hoặc túi rau củ đông lạnh vào một chiếc khăn và chườm lên vùng bị đau trong 20 phút mỗi ngày, vài lần mỗi ngày, trong vài ngày đầu bị đau nhằm giảm sưng và giảm đau.
  • Chườm ấm: Chườm bằng túi chườm nóng hoặc đệm sưởi. Vài ngày đầu nên chườm lạnh để giảm sưng. Sau 2 - 3 ngày chuyển sang chườm ấm. Nếu tiếp tục đau, hãy thử xen kẽ giữa chườm lạnh và chườm ấm.
  • Kéo giãn cơ: Nhẹ nhàng kéo căng lưng dưới có thể có tác dụng với đau thần kinh tọa. Học cách kéo giãn cơ đúng cách bằng việc tham gia khóa học vật lý trị liệu.
  • Thuốc: Thuốc không kê đơn như aspirinibuprofen, cũng có thể giúp giảm đau, viêm và sưng tấy. Hãy cẩn thận khi sử dụng aspirin, vì nó có thể gây ra các biến chứng như chảy máu và loét dạ dày.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động càng nhiều, thì cơ thể càng tiết ra nhiều endorphin. Endorphins là chất giảm đau do cơ thể tiết ra. Ban đầu, hãy thực hiện các hoạt động ít tác động như bơi lội và đi xe đạp. Sau đó tăng dần lên theo mức độ cải thiện bệnh.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện tư thế và tăng cường cơ lưng.
  • Thuốc theo toa: Thuốc giãn cơ, giảm đau hoặc thuốc chống trầm cảm có thể được kê đơn trong điều trị đau thần kinh tọa.
  • Tiêm steroid ngoài màng cứng: Thuốc corticosteroid được tiêm vào một khu vực được gọi là khoang ngoài màng cứng, là ống bao quanh tủy sống. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, nên việc tiêm steroid được ngoài màng cứng chỉ được giới hạn ở một số cơ sở y tế.
  • Phẫu thuật: Sử dụng với những người có cơn đau dữ dội hoặc mất kiểm soát ruột và bàng quang hoặc bị yếu một số nhóm cơ của chi dưới.
  • Phương pháp điều trị thay thế: Đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Ví dụ như châm cứu, thôi miên, massage, v.v.

7. Biện pháp phòng ngừa

Ngăn ngừa chứng đau thần kinh tọa hoặc tái phát đau thần kinh tọa bằng các cách sau:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tăng cường cơ lưng và cơ bụng hoặc cơ cột sống là chìa khóa để duy trì lưng khỏe mạnh.
  • Chú ý đến tư thế: Đảm bảo rằng ghế thích hợp để giữ lưng đúng tư thế, đặt bàn chân trên sàn khi ngồi và sử dụng tay vịn.
  • Cách di chuyển: Nâng vật nặng theo cách thích hợp, bằng cách uốn cong đầu gối và giữ thẳng lưng.

Đau thần kinh tọa xảy ra chủ yếu liên quan đến các bệnh lý về cột sống, hoặc chấn thương vùng dây thần kinh tọa. Bệnh có thể làm giảm thiểu các triệu chứng nhờ dùng thuốc và thay đổi chế độ dinh hoạt,....

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

699 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan