Nguyên nhân tăng nồng độ Bilirubin liên hợp

Bài viết bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bilirubin (hay còn được gọi dưới tên sắc tố mật) là một xét nghiệm quan trọng trong việc đánh giá và chẩn đoán các bệnh lý gan mật và tình trạng tan máu. Vậy bilirubin được hình thành từ đâu, và vì sao việc xét nghiệm bilirubin lại giúp chúng ta chẩn đoán được các bệnh lý này?

1. Sự hình thành bilirubin

Bilirubin có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình phá hủy các hồng cầu, một số lượng nhỏ hơn được tạo thành từ các cytochrome và myoglobin.

Quá trình phá hủy các hồng cầu có thể được tiến hành trong tủy xương (do quá trình tạo hồng cầu không hiệu quả), trong máu tuần hoàn (do có các tự kháng thể), trong lách sau thời gian sống trung bình 120 ngày của hồng cầu. Quá trình phá hủy hồng cầu giải phóng ra các hemoglobin, tạo nên nhân Hem, sắt và globin – trong đó sắt sẽ được gắn với C, globin sẽ được haptoglobin giữ lại, nhân Hem sẽ được chuyển thành biliverdin nhờ enzyme oxygendase của microsom, sau đó chuyển thành bilirubin dưới tác dụng của enzyme biliverdin reductase.

Như vậy, bilirubin không liên hợp (bilirubin tự do) được tạo thành và chiếm 80% bilirubin toàn phần lưu hành trong máu, gắn với albumin và không được lọc qua thận. Bilirubin không liên hợp còn được gọi là bilirubin gián tiếp do cần sử dụng một phương pháp gián tiếp để định lượng loại bilirubin này. Bilirubin không liên hợp được chuyển hóa ở gan và bài xuất vào trong đường mật, có khả năng tan trong mỡ. Mỗi ngày có khoảng 50 μmol ( 2,9 mg ) bilirubin tự do được tạo thành.

Bilirubin liên hợp (bilirubin trực tiếp) chiếm 20% lượng bilirubin toàn phần lưu hành trong máu, không gắn với protein và tan được trong nước, do đó lọc được qua thận. Loại bilirubin này có thể được định lượng trực tiếp. Một lượng bilirubin liên hợp (khoảng 20%) được tái hấp thu vào máu, phần còn lại được thải trừ trong đường mật rồi vào ruột. Ở ruột, dưới tác động của các vi khuẩn, bilirubin được chuyển thành urobilinogen, rồi thành stercobilin và được thải trừ trong phân. Chỉ có một lượng rất nhỏ urobilinogen có trong đường tiêu hóa sẽ được tái hấp thu vào hệ thống tĩnh mạch cửa, thực hiện chu trình gan-ruột và xuất hiện trong nước tiểu.

Quá trình trên có thể được tóm tắt như sau:

Bilirubin không liên hợp
(Bilirubin tự do)
Bilirubin liên hợp
Nguồn gốc Nguồn gốc
Phá hủy các hồng cầu, cytochrome và myoglobin
Gan hay đường mật
Gắn với Protein Có Không
Thải trừ qua nước tiểu Không Có
Tên khác Bilirubin gián tiếp Bilirubin trực tiếp


Chuyển hóa bilirubin có thể tóm tắt qua sơ đồ dưới đây:

nồng độ bilirubin
Chuyển hóa bilirubin

2. Giá trị bình thường của bilirubin trong huyết thanh là bao nhiêu?

Với trẻ sơ sinh và người lớn giá trị bilirubin bình thường có sự khác biệt rõ rệt.

Với trẻ sơ sinh, giá trị bilirubin toàn phần (là tổng bilirubin liên hợp và không liên hợp) là <171 μmol/L (hay < 10 mg/dL). Sau một tháng, giá trị bilirubin toàn phần bình thường của trẻ nằm trong khoảng 5.1 – 20.5 μmol/L (0.3 – 1.2 mg/dL). Giá trị bilirubin toàn phần ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành là 3.4 -17.1 μmol/L (0.2 – 1.0 mg/dL).

Giá trị bình thường của bilirubin trực tiếp (bilirubin liên hợp) nằm trong khoảng 0-7 μmol/L (0 – 0.4 mg/dL). Giá trị bình thường của bilirubin gián tiếp (bilirubin không liên hợp) nằm trong khoảng 1- 17 μmol/L (0.1 – 1.0 mg/dL). Tỷ lệ giữa bilirubin trực tiếp/bilirubin toàn phần không quá 20%.

3. Nguyên nhân khiến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao

Các nguyên nhân chính thường gặp dẫn đến nồng độ bilirubin liên hợp (bilirubin gián tiếp) trong máu tăng cao là:

  • Các bệnh lý tế bào gan như viêm gan virus, viêm gan do thuốc (do sử dụng các thuốc như INH, Rifampicin, paracetamol, salicylate ..), viêm gan nhiễm độc ( nhiễm độc CCl4, Amanit phalloide), suy tim mất bù, xơ gan, các bệnh lý khối u gan, nhiễm thiết huyết tố .. Khi bilirubin liên hợp tăng cao trong các tế bào gan sẽ gây trào ngược bilirubin liên hợp vào dòng tuần hoàn và gây hiện tượng vàng da.
  • Bệnh Wilson.
  • Bệnh lý thiếu hụt enzym α1-antitrypsin
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nồng độ Bilirubin tăng cao
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nồng độ Bilirubin tăng cao

  • Bệnh lý Dubin Jonson (bệnh rối loạn bài xuất bilirubin).
  • Do tắc mật: tắc mật trong gan (viêm đường mật, sử dụng thuốc ngủ, thuốc ngừa thai quá liều ..), tắc mật ngoài gan (do sỏi mật, viêm tụy cấp hay mạn tính, nang giả tụy, ung thư tụy, ung thư đường mật ..)

Ngoài ra, khi nồng độ bilirubin không liên hợp (gián tiếp) trong máu tăng cao, nguyên nhân chính lại thường do sự phá hủy hồng cầu quá mức (do tan máu, bệnh Biermer, cường lách) hoặc do quá trình liên hợp bilirubin tại gan bị khiếm khuyết (ở trẻ đẻ non và trẻ sơ sinh; người mắc hội chứng Crigler-Najjar).

Hiện xét nghiệm định lượng bilirubin liên hợp (bilirubin trực tiếp) và bilirubin toàn phần trong máu có thể thực hiện được dễ dàng và nhanh chóng tại Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec với hệ thống máy móc tân tiến và hiện đại cùng đội ngũ Bác sỹ và Kỹ thuật viên tay nghề cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan