Rối loạn khớp thái dương hàm ảnh hưởng thế nào tới chất lượng sống?

Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý gây ra đau vùng miệng - mặt đứng thứ 2 sau đau răng. Vậy rối loạn khớp thái dương hàm có nguy hiểm không và cần làm gì để phòng ngừa?

1. Rối loạn khớp thái dương hàm là gì?

Khớp thái dương hàm có vai trò như một bản lề trượt kết nối xương hàm với hộp sọ. Đây là một trong những khớp phức tạp nhất trong cơ thể với trách nhiệm đưa hàm dưới ra trước, lui sau và sang 2 bên. Bất kể vấn đề nào làm cho hệ thống cơ, đĩa đệm, dây chằng và cấu trúc xương hoạt động sai lệch đều được gọi là rối loạn khớp thái dương hàm. Khi mắc phải chứng này, bệnh nhân sẽ có cảm giác như hàm đang nhô lên kèm theo có tiếng lục cục khi nhai hoặc cảm nhận rằng hàm bị kẹt lại trong phút chốc.

Rối loạn khớp thái dương hàm là một bệnh lý rất phổ biến và được xem là nguyên nhân gây đau vùng miệng - hàm - mặt đứng thứ hai chỉ sau đau răng. Các khảo sát cho thấy tỷ lệ rối loạn khớp thái dương hàm chiếm từ 14 - 88% trong cộng đồng với tỉ lệ có ít nhất một triệu chứng là 41% và ít nhất một dấu hiệu lâm sàng là 56%. Trong số các triệu chứng lâm sàng thì dấu hiệu tiếng kêu khớp chiếm tỉ lệ cao nhất, còn đau mới là triệu chứng khiến bệnh nhân đi thăm khám.

2. Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm

Khớp thái dương hàm là một khớp động nối giữa xương hàm dưới và xương sọ với vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của hệ thống nhai. Vì một nguyên nhân nào đó làm cho đĩa khớp bị trật, ảnh hưởng đến đĩa sụn khiến bệnh nhân luôn bị đau khi há miệng hoặc nghe tiếng kêu lọc cọc.

Một số nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm thường gặp như:

  • Nhiễm khuẩn xuất hiện sau chấn thương cấp tính, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, hoặc viêm - thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm.
  • Chấn thương do tai nạn giao thông, bị đánh, ngã hoặc do há miệng một cách đột ngột với biên độ quá rộng làm trật khớp.
  • Do một số thói quen xấu như nghiến răng khi ngủ, ăn nhai một bên hoặc thức ăn dai, cứng. Tình trạng nghiến răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khi nghiến răng hoặc nhai một bên lâu ngày làm siết chặt hàm, tạo một lực quá lớn tác động lên khớp bên đó.

3. Triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, rất khó để chẩn đoán xác định vì một hoặc tất cả các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở các vấn đề về răng miệng khác. Bác sĩ có thể giúp chẩn đoán chính xác bằng cách kiểm tra lâm sàng và sử dụng phương pháp chụp X-quang thích hợp.

Các triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm thường gặp nhất là

  • Đau nửa đầu, đau tai, nhức mắt kết hợp với tăng nhãn áp.
  • Nghe âm thanh lục cục hay lọc cọc há hoặc đóng hàm.
  • Cảm thấy đau khớp thái dương hàm khi ngáp, mở miệng rộng hoặc ăn nhai.
  • Khi há miệng có cảm giác bị kẹt hàm, cứng khớp hoặc khớp không vào đúng vị trí.
  • Đau mỏi cơ vùng cổ và hàm mặt.
  • Răng hàm trên và hàm dưới không ăn khớp với nhau.

4. Rối loạn khớp thái dương hàm có chữa được không?

Điều trị nội khoa:

  • Điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc chủ yếu là giúp làm giảm đi triệu chứng. Tùy thuộc vào triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau như thuốc giảm đau, kháng viêm để làm dịu đi những cơn đau, khó chịu.

Nắn chỉnh khớp:

  • Nắn chỉnh khớp là thủ thuật nhằm đưa lồi cầu định vị trở lại trên đĩa khớp trong trường hợp bệnh nhân mới bị há miệng hạn chế lần đầu với thời gian không quá 3 tuần.

Vật lý trị liệu:

  • Vật lý trị liệu bao gồm các biện pháp chườm ấm, massage thư giãn, chiếu tia hồng ngoại để điều trị hỗ trợ nhằm tăng tuần hoàn vùng khớp, giúp cải thiện triệu chứng đau. Đây không phải là phương pháp điều trị chính mà chỉ góp phần hỗ trợ.
  • Các bài tập vận động hàm dưới hoặc các bài tập phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng ở những bệnh nhân rối loạn khớp thái dương hàm sau khi được điều trị phẫu thuật can thiệp khớp thái dương hàm.

Đeo máng nhai thư giãn:

  • Máng nhai là một khí cụ bằng nhựa trong suốt được đặt giữa 2 cung răng và bệnh nhân có thể tự tháo lắp được với nhiều loại khác nhau:
    • Máng nhai phía trước: Đây là loại máng tiếp xúc 6 răng trước với tác dụng giúp nhả khớp răng sau. Mục tiêu khi mang máng nhai phía trước là thư giãn cơ và được sử dụng trong thời gian ngắn từ 3 – 4 ngày, sau đó chuyển tiếp sang sử dụng máng thư giãn.
    • Máng thư giãn: Máng thư giãn (relaxation splint) là loại máng nhai phổ biến nhất với tác dụng phục hồi tạm thời khớp cắn chức năng, từ đó tác động làm giãn cơ các cơ nhai. Loại máng này vừa giúp điều trị triệu chứng và vừa điều trị nguyên nhân một cách tạm thời.. Ngoài ra, máng thư giãn còn là một thử nghiệm chẩn đoán liên quan giữa rối loạn khớp cắn và rối loạn khớp thái dương hàm trước khi bác sĩ quyết định có can thiệp khớp cắn hay không. Đây là loại máng sử dụng phổ biến trong điều trị nghiến răng và thường mang vào ban đêm khi đi ngủ trong thời gian 3 – 6 tháng. Có một số trường hợp máng nhai có chỉ định mang liên tục 24/24 trong 3 ngày đầu tiên, rồi sau đó mang vào ban đêm.
    • Máng định vị lồi cầu và máng định vị hàm dưới ra trước: Máng định vị hàm dưới ra trước được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có tình trạng dời đĩa ra trước. Bệnh nhân sẽ mang loại máng này liên tục trong thời gian 3 – 5 ngày liên tục, rồi sau đó mang ban đêm hoặc liên tục trong thời gian 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Máng định vị lồi cầu là một loại máng nhai đặc biệt với công dụng định vị lồi cầu xuống dưới hoặc ra trước cho từng bên hoặc cả 2. Máng này giúp lồi cầu đạt được vị trí tối ưu trong hõm khớp và là vị trí tham chiếu cho các điều trị phục hồi khớp cắn sau đó. Loại máng này yêu cầu thực hiện sau khi ghi vận động chức năng lồi cầu và phải có giá khớp chuyên dụng trong định vị lồi cầu. Máng được chỉ định khi bệnh nhân có tình trạng dời đĩa ra trước một bên hoặc trong điều trị phẫu thuật khớp thái dương hàm. Máng định vị lồi cầu sẽ mang liên tục trong 8-12 tuần.

Tái tạo hướng dẫn răng nanh hoặc mài chỉnh khớp cắn:

  • Mài chỉnh khớp cắn hoặc tái tạo hướng dẫn răng nanh được thực hiện sau khi bệnh nhân mang máng nhai từ 6 tuần đến 3 tháng để các răng được tiếp xúc đều và tốt hơn, hàm dưới cũng vận động trơn tru. Mài chỉnh khớp không chỉ trong một lần thực hiện mà phải trải qua nhiều lần điều trị và đánh giá đáp ứng.

Chỉnh nha hoặc phục hình:

  • Khi khớp cắn rối loạn nghiêm trọng mà không thể điều trị bằng mài chỉnh thì sẽ khắc phục bằng giải pháp phục hình, chỉnh nha hoặc phẫu thuật chỉnh hình xương. Trong đó, chỉnh nha là phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay để tái tạo khớp cắn toàn bộ.

Phẫu thuật khớp đơn giản bằng phương pháp nội soi:

  • Phẫu thuật nội soi khớp nhằm rửa khớp, loại bỏ tổ chức viêm và được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn.

Phẫu thuật khớp bằng phương pháp nội soi phức tạp vi phẫu thuật tạo hình khớp:

  • Phương pháp này được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với nội soi khớp đơn giản. Nội soi khớp phức tạp được thực hiện bằng phương pháp gây mê.

Phẫu thuật thay khớp thái dương hàm:

  • Phẫu thuật thay khớp là biện pháp cuối cùng khi các phương pháp phẫu thuật kể trên không thành công hay thất bại. Thay khớp đòi hỏi phải thực hiện 2 lần trong trường hợp sử dụng khớp cá nhân hóa. Phẫu thuật thay khớp được thực hiện tại bệnh viện dưới sự gây mê.

5. Phòng ngừa rối loạn khớp thái dương hàm

Một số phương pháp phòng ngừa rối loạn khớp thái dương hàm thường được sử dụng như:

  • Hạn chế vận động cơ nhai bằng cách không nên ăn những thức ăn quá cứng hoặc quá dai.
  • Chia thức ăn thành những miếng nhỏ vừa ăn, tránh ăn miếng quá lớn.
  • Không nên ngáp quá lớn.
  • Thực hiện các bài tập xoa bóp hay vận động khớp thái dương hàm theo sự tư vấn của bác sĩ.
  • Nên chườm nước ấm lên vùng cơ bị đau để giúp thư giãn và làm dịu cơn đau.

Nhìn chung rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh lý có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, rất khó để chẩn đoán xác định vì một hoặc tất cả các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở các vấn đề về răng miệng khác. Do đó, nếu thấy bất cứu dấu hiệu nào bất thường ở vùng miệng, bạn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan