Các triệu chứng tiêu hóa thường gặp ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huyền Nhung - Bác sĩ Nội Tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ. Khi mắc phải căn bệnh này, con người sẽ mất hoặc giảm khả năng tương tác với xã hội. Không những thế, có thể người đó còn xuất hiện triệu chứng bệnh đường tiêu hoá. Bài viết sau sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về tình trạng rối loạn phổ tự kỷ.

1. Tổng quát về rối loạn phổ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ bao gồm tự kỷ, asperger, rối loạn phân ly và một số loại rối loạn lan tỏa không xác định. Người mắc hội chứng Asperger được cho là đã đi đến giai đoạn cuối của rối loạn phổ tự kỷ nhẹ. Những hội chứng này thường xuất hiện từ thời thơ ấu và bộc lộ khi người bệnh bắt đầu tiếp xúc với xã hội.

Trẻ em thường sẽ xuất hiện triệu chứng tự kỷ trong năm đầu tiên cuộc đời. Tuy nhiên, có một số trẻ phát triển bình thường nhưng đến năm thứ 2 thì lại được phát hiện mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Tuy rằng triệu chứng này rất khó điều trị loại bỏ nhưng nếu được phát hiện sớm và ngăn ngừa thì sẽ giảm tối đa ảnh hưởng cho các bé.

2. Triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ

Các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện với nhiều nguyên nhân khác nhau nên rất khó đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của bệnh. Sau đây là một số triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ thường gặp.

2.1. Không phát triển kỹ năng giao tiếp và tương tác với xã hội:

Mọi đối tượng khi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp vấn đề về khả năng giao tiếp và tương tác với xã hội. Bạn có thể nhận biết triệu chứng này dựa vào một số dấu hiệu như:

  • Có vấn đề về thính lực.
  • Khó thể hiện biểu cảm khi giao tiếp.
  • Giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ, nói chậm, nói lắp,...
  • Không biết cách kéo dài hay gợi chủ đề cho cuộc trò chuyện.
  • Giọng nói đều đều không có ngữ điệu.
  • Sử dụng sai từ biểu đạt và lặp đi lặp lại vô thức.
  • Không nhận thức được nội dung khi giao tiếp.
  • Không chủ động tương tác với các đối tượng xa lạ.
  • Không biết dùng phương pháp giao tiếp phi ngôn ngữ.

2.2. Xuất hiện một số hành vi bất thường:

Dù ở trẻ nhỏ hay người lớn tuổi, khi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ đều khó điều khiển hành vi bản thân. Có thể họ sẽ lặp đi lặp lại một hành động mà không nhớ rằng mình đã làm trước đó. Sau đây là một số dấu hiệu về mất kiểm soát hành vi:

  • Lặp đi lặp lại một số động tác như vỗ tay, xoay vòng tròn hay chơi bập bênh,...
  • Làm ra những hành động gây tổn thương cho chính bản thân mà không hay biết.
  • Dễ bị kích động khi xuất hiện sự thay đổi dù rất nhỏ.
  • Khả năng phối hợp các cơ quan kém linh hoạt.
  • Có thể bị thu hút sức chú ý bởi một đồ vật.
  • Các giác quan có phần nhạy cảm hơn nhưng xúc giác lại khá kém.
  • Không thể bắt bước hành động của người khác.
  • Thường chú tâm vào một hoạt động và bỏ qua mọi vấn đề khác xung quanh.

Theo quan sát, một số trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ có xu hướng hòa đồng và giảm bớt hành vi tiêu cực sau khi trưởng thành. Khi tình trạng được cải thiện, những đối tượng này sẽ có khả năng trở lại bình thường. Tuy nhiên, với nhóm đối tượng gặp cản trở về giao tiếp hay kỹ năng ngôn ngữ thì mọi thứ sẽ có thể tồi tệ hơn.

Rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường gặp hạn chế trong việc tương tác và giao tiếp với mọi người

2.3. Một số biểu hiện cần được hỗ trợ từ bác sĩ:

Mỗi trẻ sơ sinh lại có mốc phát triển riêng. Do vậy, các bạn cần quan sát để nắm bắt sự thay đổi của con từng ngày. Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường xuất hiện dấu hiệu chậm phát triển trước khi tròn 2 tuổi. Nếu bạn có nghi ngờ hay thắc mắc về tình trạng của con, hãy đưa bé đến bác sĩ. Đôi khi, sự rối loạn cũng sẽ làm bé bị gián đoạn sự phát triển tự nhiên.

Thông thường, các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ sẽ xuất hiện sớm khi mà bé có vấn đề về ngôn ngữ. Nếu con bạn xuất hiện những bất thường trong danh sách dưới đây, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ:

  • Trẻ 6 tháng không biết biểu lộ cảm xúc khi được nô đùa.
  • Không biết bắt chước âm thanh hay biểu cảm khi 9 tháng.
  • Không biết nói các từ đơn theo hướng dẫn khi 12 tháng.
  • Không biết sử dụng tay cầm nắm khi 14 tháng.
  • Không nói được bất kỳ từ nào khi 16 tháng.
  • Không biết giả vờ khi 18 tháng.
  • Không thể nói hơn 2 từ khi qua 24 tháng.
  • Không hòa đồng với bạn bè và mọi người.

3. Nguồn gốc xuất hiện hội chứng rối loạn phổ tự kỷ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, chúng khá phức tạp và khó có thể xác định được rõ ràng. Trong đó, chúng ta nên chú ý tới 2 nguyên nhân chính là môi trường và nhân tố di truyền:

  • Nhân tố di truyền

Một số mã gen dường như được tìm thấy sự liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ. Đối với trẻ, đây cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng tự kỷ. Một số khác có thể xuất hiện triệu chứng do quá trình biến đổi gen. Đôi khi, gen ảnh hưởng trực tiếp lên não trẻ còn nguy hiểm hơn các triệu chứng nghiêm trọng được cảnh báo.

  • Yếu tố môi trường

Theo các nghiên cứu khoa học, một số yếu tố như vi rút, thuốc hay biến chứng khi mang thai. Thậm chí, ô nhiễm môi trường cũng có nguy cơ là nguyên nhân dẫn đến rối loạn phổ tự kỷ.

Rối loạn phổ tự kỷ
Chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây rối loạn phổ tự kỷ

4. Các yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ

Rủi ro dẫn đến chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể ảnh hưởng tới mọi trẻ em. Tuy nhiên, có một số yếu tố nhất định sau trực tiếp ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh của trẻ:

  • Giới tính: Bé trai có nguy cơ mắc cao hơn gấp 4 lần so với bé gái.
  • Di truyền: Gia đình từng có người mắc bệnh thì sẽ tăng nguy cơ đời sau mắc bệnh.
  • Các rối loạn khác: Đôi khi, trẻ gặp rối loạn tâm lý hay chuyển hóa cũng có thể dẫn đến vấn đề về rối loạn phổ tự kỷ.
  • Trẻ sinh non: Những bé có tuổi sinh dưới 26 tuần sẽ có nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ nhiều hơn.
  • Tuổi sinh sản: Cha mẹ lớn tuổi thì con sẽ tăng nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm, kể cả rối loạn phổ tự kỷ.

Hội chứng rối loạn này được cho là gây trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt, đồng thời xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, chúng ta cần có giải pháp phòng ngừa sớm để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có phương pháp nào ngăn chặn được hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nên các nhà khoa học khuyến khích đối tượng đã mắc hội chứng này cần học cách vượt qua và tham gia nhiều hoạt động để cải thiện tâm lý tốt hơn.

5. Rối loạn phổ tự kỷ và triệu chứng bệnh đường tiêu hoá ở trẻ

Trẻ em mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ sẽ tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác hơn. Trong đó, có thể kể đến bệnh đường tiêu hóa. Do vậy, những trẻ này cần được hết sức chú trọng về dinh dưỡng và thực phẩm mỗi bữa ăn để giảm thiểu tối đa các biểu hiện đau bụng, táo bóntiêu chảy.

Bên cạnh đó, các bé có thể đối diện với chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, gây ảnh hưởng lâu dài. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, các tổ chức y tế đã đưa ra một số khuyến nghị sau:

  • Tham khảo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bổ sung đầy đủ nhất có thể những dưỡng chất cơ thể bé cần.
  • Chọn lọc thực phẩm và thay thế những nhóm thực phẩm xuất hiện kích ứng.
  • Rèn luyện và lên kế hoạch tốt cho bữa ăn của trẻ, đồng thời có sự hưởng ứng từ gia đình

Triệu chứng bệnh đường tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, bạn hãy cân đối chế độ dinh dưỡng phù hợp và tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để giảm thiểu hạn chế tối đa bệnh đường tiêu hóa cho bé.

Nếu trẻ có các biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các trung tâm chuyên biệt cho tự kỷ càng sớm càng tốt. Về cơ bản, giáo dục can thiệp được coi là phương pháp hàng đầu trong điều trị tự kỷ. Việc can thiệp sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng hòa nhập và khả năng ngôn ngữ của trẻ. Gần đây, liệu pháp ghép tế bào gốc đã và đang mở ra hướng đi mới trong điều trị chứng tự kỷ và hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan