Sâu răng, răng xỉn màu và các vấn đề về răng thường gặp khác

Vệ sinh răng miệng kém có thể gây ra các vấn đề khác nhau, đau răng, sâu răng, ê buốt răng đến răng xỉn màu hay các bệnh nướu răng nặng hơn. Tuy nhiên, nếu có ý thức vệ sinh răng miệng đúng cách và kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì có thể dễ dàng ngăn ngừa hầu hết các vấn đề về răng miệng thường gặp.

1. Sâu răng

Sâu răng là những khu vực bị tổn thương vĩnh viễn trong hoặc xung quanh bề mặt răng, dẫn đến các lỗ nhỏ trên men răng, răng xỉn màu. Đây là một trong những vấn đề răng miệng phổ biến nhất gây đau răng.

Nguyên nhân gây sâu răng là do các mảng bám từ thức ăn có nhiều đường hoặc hàm lượng tinh bột lắng đọng trên bề mặt răng. Vi khuẩn trong miệng ăn đường và tinh bột, do đó dẫn đến lớp men răng từ từ bị hư hỏng. Điều này dẫn đến sâu răng và rất có thể cần phải trám răng. Mặc dù cũng có thể do vi khuẩn sống trong miệng gây ra nhưng việc tiêu thụ đồ uống có đường như sô-đa, ăn vặt thường xuyên và hút thuốc là những nguyên nhân chính gây sâu răng ở trẻ em và người lớn.

Vì vậy, để ngăn ngừa sâu răng, mọi người cần phải:

  • Tránh thực phẩm có hàm lượng đường hoặc tinh bột cao - thực phẩm và đồ uống như soda, kem, bánh ngọt, kẹo cookie,... vốn có rất nhiều tinh bột và đường.
  • Đảm bảo chải răng kỹ - nếu ăn những thực phẩm này, hãy đánh răng sau khi ăn để ngăn ngừa mảng bám tích tụ.
  • Súc miệng - nếu không thể chải răng ngay lúc đó, hãy súc miệng bằng nước sạch.
  • Uống nhiều nước hơn - nếu có thể hãy tránh xa các đồ uống khác không phải là nước. Đồ uống sản xuất có hóa chất và nhiều đường gây ra mảng bám.
  • Đặt lịch hẹn nha sĩ để kiểm tra răng miệng định kỳ.
Sâu răng
Sâu răng

2. Bệnh nướu răng

Bệnh nướu răng là một trong những bệnh răng miệng phổ biến nhất mà người lớn mắc phải. Bệnh có ba giai đoạn phát triển bắt đầu từ viêm lợi. Viêm nướu là một bệnh lý về nướu có thể hồi phục được nhưng nếu không được điều trị thích hợp có thể dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng hơn gọi là bệnh nha chu.

Bệnh nha chu phải được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không, sẽ dẫn đến giai đoạn 3 của bệnh nướu răng hay còn gọi là bệnh nha chu tiến triển khiến răng lung lay.

Các dấu hiệu của bệnh viêm lợi bao gồm:

  • Chảy máu nướu răng - nướu dễ bị chảy máu khi dùng chỉ nha khoa hoặc chải răng.
  • Hôi miệng - nếu nhận thấy hơi thở có mùi hôi mặc dù đã duy trì thói quen vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt, hãy nghĩ đến bệnh viêm lợi.
  • Nướu bị sưng, đỏ hoặc mềm - nướu khỏe mạnh phải có màu hồng và khít quanh gốc răng. Nếu thấy sưng, tấy đỏ hoặc đau quanh chân răng nơi răng tiếp xúc với nướu, hãy đến gặp nha sĩ ngay lập tức.
  • Răng lung lay - răng lung lay có thể là dấu hiệu của bệnh nha chu nặng. Đừng xem nhẹ vì nếu được điều trị càng sớm càng tốt sẽ giảm được nguy cơ mất răng.
  • Hình thành mủ - nếu nhận thấy có mủ xung quanh chân răng, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nặng hơn có thể dễ dàng lây lan sang các bộ phận khác trong miệng. Hãy điều trị ngay lập tức và nha sĩ sẽ cần chỉ định đơn thuốc kháng sinh.

Giống như mọi vấn đề răng miệng thông thường khác, mọi người đều có thể ngăn ngừa bệnh nướu răng. Vì bệnh nướu răng cũng là do vi khuẩn có trong mảng bám tấn công dây chằng nướu nên có thể dễ dàng ngăn ngừa bệnh này bằng cách có thói quen chăm sóc răng đúng cách.

3. Hơi thở nặng mùi

Không có gì đáng xấu hổ hơn là hôi miệng. Đáng buồn thay, hơi thở có mùi, còn được gọi là chứng hôi miệng, là một vấn đề răng miệng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Theo các chuyên gia nha khoa, hôi miệng là triệu chứng phổ biến của bệnh nướu răng, sâu răng hoặc ung thư miệng.

Tuy vậy, hơi thở nặng mùi cũng có thể được gây ra bởi những gì đã ăn vào. Có một số loại thực phẩm gây hôi miệng như tỏi, hành tây, đồ ngọt hoặc rượu trong số nhiều loại khác.

Đây là lý do tại sao đánh răng sau mỗi bữa ăn giúp kiểm soát hơi thở có mùi cũng như các vấn đề răng miệng khác. Hãy mang theo một chai nước súc miệng nhỏ nếu không thể chải ngay sau đó. Hoặc ít nhất súc miệng bằng nước sạch ngay sau khi ăn. Nếu mùi hôi vẫn còn, hãy đến gặp nha sĩ để loại trừ các tình trạng răng miệng nghiêm trọng khác.

Hơi thở nặng mùi
Hơi thở nặng mùi có thể do sâu răng hoặc một số vấn đề khác gây ra

4. Khô miệng

Khô miệng là tình trạng các tuyến nước bọt không thể sản xuất đủ nước bọt để giữ ẩm bên trong miệng. Nước bọt vốn có các thành phần kháng khuẩn giúp loại bỏ mảng bám trên bề mặt răng. Khô miệng thường được gây ra bởi một số nguyên nhân như hút thuốc, hóa trị, thuốc kháng tiết, lão hóa hoặc căng thẳng.

Các triệu chứng thông thường của khô miệng có thể đơn giản như môi nứt nẻ, lở miệng, nhưng các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể biểu hiện như kích ứng nướu và cảm giác nóng rát trong miệng. Hệ quả của tình trạng không có độ ẩm trong miệng góp phần làm tích tụ nhiều mảng bám và cuối cùng là sâu răng.

Mặc dù không có cách chữa khô miệng tuyệt đối nhưng uống nhiều nước hơn được chứng minh là giúp giữ cho miệng luôn ngậm nước.

5. Răng mọc chen chúc

Răng mọc chen chúc không chỉ là một vấn đề thẩm mỹ nha khoa mà còn có thể gây ra các vấn đề về sự liên kết và cuối cùng có thể gây ra rối loạn thái dương hàm. Các khớp cắn lệch sẽ là nguyên nhân gây bất thường hàm mặt và có thể cần phẫu thuật để khắc phục.

Vấn đề răng miệng này đôi khi xảy ra tự nhiên. Khi răng sữa rụng và răng mới mọc ở vị trí di lệch có thể xảy ra tình trạng chen chúc sau đó. Mặt khác, trong quá trình phát triển, răng cũng có thể bị dịch chuyển nên cuối cùng có thể dẫn đến sắp xếp lại hàm răng.

Cuối cùng niềng răng là lựa chọn điều trị thích hợp cho tình trạng răng mọc chen chúc, lệch lạc nghiêm trọng. Tùy thuộc vào sự đông đúc, các bác sĩ chỉnh nha thậm chí có thể giảm răng, tạo không gian và lực kéo để giúp răng dịch chuyển về vị trí hợp lý hơn.

6. Nhiễm trùng chân răng

Nhiễm trùng chân răng xảy ra khi vi khuẩn lây nhiễm phần chân răng, xâm nhập vào giữa răng và tấn công mô tủy bên trong. Tình trạng này khá nghiêm trọng, gây đau răng một cách đau đớn và rất khó chịu.

Cuối cùng, một ổ áp xe sẽ hình thành tại vị trí này cho thấy nhiễm trùng chân răng đã đến mức độ nặng nề hơn. Lúc này, bác sĩ sẽ cần lấy tủy răng, hút hết mủ và các mô bị nhiễm trùng ra ngoài để đảm bảo làm sạch răng. Sau đó, bề mặt răng sẽ được bịt kín bằng một lớp vật liệu cứng, giúp ngăn vi khuẩn xâm nhập vào chân răng một lần nữa cũng như làm chắc răng hơn, cải thiện răng xỉn màu.

Nhiễm trùng chân răng có thể gây đau răng và khó chịu cho người bệnh
Nhiễm trùng chân răng có thể gây đau răng và khó chịu cho người bệnh

7. Mất răng

Những vấn đề về răng miệng phổ biến trên đây có thể dẫn đến kết cục là mất răng. Bệnh nha chu cuối cùng này là hệ quả nếu các tình trạng trên không được điều trị ngay lập tức. Sâu răng cũng có thể cần phải nhổ răng nếu răng không thể cứu được nữa. Tương tự đối với nhiễm trùng chân răng.

Do đó, khi đã bị mất răng, người bệnh chỉ có hai lựa chọn: dùng răng giả hoặc cấy ghép nha khoa. So với dùng răng giả, implant nha khoa là kỹ thuật hiện đại hơn với một chiếc răng nhân tạo sẽ được gắn vĩnh viễn vào xương hàm một cách bền chắc và lâu dài. Từ đó, răng mới trông giống như răng tự nhiên và phục hồi hoàn toàn chức năng hàm răng.

8. Ung thư miệng

Ung thư miệng là vấn đề răng miệng nguy hiểm nhất mà người bệnh có thể gặp phải, được coi là một loại ung thư đầu và cổ. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong do ung thư miệng cao hơn so với các loại ung thư khác vì không biểu hiện bất kỳ cơn đau hoặc triệu chứng nào trước đó.

Bệnh lý này thường bắt đầu một cách kín đáo với một khối nhỏ màu hồng nhạt trong miệng. Điều này khó có thể được chú ý vì miệng luôn có màu hồng hoặc đỏ tự nhiên. Đó là lý do tại sao những lần thăm khám nha sĩ định kỳ thường hữu ích.

Tóm lại, các vấn đề về răng miệng thường gặp có thể được ngăn ngừa và hoàn toàn tránh khỏi nếu mọi người có trách nhiệm với sức khỏe răng miệng của mình. Cụ thể là giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách tránh xa thực phẩm góp phần hình thành mảng bám cũng là một bước trong việc chăm sóc sức khỏe tổng quát. Ngoài ra, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nên tham khảo ý kiến ​​nha sĩ để có biện pháp phòng ngừa sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan