Tăng áp động mạch phổi vì sao nguy hiểm?

Tăng áp động mạch phổi là một bệnh lý phức tạp và thường bị bỏ sót. Khác với tăng huyết áp đơn thuần, bệnh lý này có thể được phát hiện dễ dàng bằng cách dùng vòng đo huyết áp. Trong tăng áp động mạch phổi, chỉ có các mạch máu trong phổi bị ảnh hưởng, trở nên cứng, dễ tổn thương, hẹp lại khiến tim bên phải làm việc nhiều hơn và lâu ngày dẫn tới suy tim.

1. Tăng áp động mạch phổi là gì?

Buồng tim dưới bên phải, là tâm thất phải, có chức năng nhận máu thiếu oxy từ đại tuần hoàn trở về và bơm vào các động mạch phổi. Máu sau đó đi đến phổi để được oxy hóa và sẽ trở về buồng tim trên bên trái, là tâm nhĩ trái. Từ đó, máu giàu oxy di chuyển vào buồng tim dưới bên trái, là tâm thất trái, trước khi được bơm đến các hệ cơ quan trong cơ thể thông qua động mạch chủ.

Không giống như huyết áp hệ thống, là đại diện cho áp lực máu di chuyển trong các mạch máu trong cơ thể, huyết áp động mạch phổi phản ánh trực tiếp áp lực của tim tác động để bơm máu từ tim qua các động mạch phổi. Theo đó, huyết áp động mạch phổi thường thấp hơn rất nhiều so với huyết áp hệ thống. Áp lực động mạch phổi bình thường là 8-20mmHg khi nghỉ ngơi. Nếu áp suất trong động mạch phổi lớn hơn 25 mmHg khi nghỉ ngơi hoặc 30mmHg khi hoạt động thể chất, tình trạng cao bất thường này sẽ gọi là tăng áp động mạch phổi.

Tăng áp động mạch phổi có nguy hiểm hay không là tùy thuộc vào ảnh hưởng lâu dài của nó. Tương tự như hệ quả của tình trạng huyết áp cao toàn thân có thể khiến tim trái phải làm việc nhiều hơn, tạo ra sức co bóp mạnh hơn để cung cấp máu cho cơ thể, tăng áp phổi có thể xảy ra khi các động mạch trong phổi hẹp và dày lên, làm chậm dòng chảy của máu qua động mạch phổi đến phổi. Do đó, áp lực trong các động mạch phổi càng tăng lên khi phần tim phải cần tăng sức co bóp. Về lâu dài, suy tim sẽ xảy ra khi không còn đủ khả năng co bóp, tim trở nên quá yếu để bơm đủ máu đến phổi và các triệu chứng sẽ biểu hiện ra ngoài. Người bệnh mất khả năng gắng sức hay thậm chí cũng có thể khó thở, tím tái ngay khi nghỉ ngơi.

Điều trị tăng áp động mạch phổi
Tăng áp động mạch phổi có nguy hiểm hay không là tùy thuộc vào ảnh hưởng lâu dài của nó

2. Các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi là gì?

Các triệu chứng phổ biến của tăng áp động mạch phổi bao gồm:

  • Khó thở
  • Hụt hơi
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt
  • Đau ngực như cơn đau thắt ngực
  • Hồi hộp hay đánh trống ngực
  • Sưng (phù) ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc ổ bụng

Các triệu chứng như trên ban đầu thường mơ hồ, khó nhận biết nhưng về lâu ngày sẽ trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh gắng sức hay tập thể dục. Chính vì vậy, tình trạng tăng áp động mạch phổi có thể gây hạn chế khả năng tham gia các hoạt động thể chất của người bệnh lẫn các sinh hoạt cá nhân hằng ngày.

Ngược lại, cũng có không ít bệnh nhân gặp phải tăng áp động mạch phổi hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tình trạng tiến triển đến giai đoạn nặng.

3. Nguyên nhân gây ra tăng áp động mạch phổi là gì?

Những thay đổi trong các động mạch phổi dẫn đến tình trạng tăng áp động mạch phổi có thể được gây ra bởi:

  • Bất thường tại các nhánh nhỏ của động mạch phổi (tăng áp động mạch phổi thực sự)
  • Hệ quả của các ảnh hưởng tác động lên phần bên trái tim
  • Biến chứng của các bệnh phổi như xơ phổi hoặc tình trạng thiếu oxy trong cơ thể
  • Sự hiện diện của cục máu đông gây hẹp hoặc tắc nghẽn trong động mạch phổi

Các nguyên nhân khác của tăng áp động mạch phổi, ít phổ biến hơn, bao gồm: bệnh đa hồng cầu và tăng tiểu cầu; các rối loạn hệ thống như sarcoidosis và viêm mạch máu; rối loạn chuyển hóa như bệnh tuyến giáp và bệnh dự trữ glycogen...

4. Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi như thế nào?

Tăng áp động mạch phổi có thể rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng thường tương tự như các bệnh về tim hoặc phổi khác. Điều này có thể gây ra chẩn đoán nhầm hay đôi khi làm chậm trễ việc chẩn đoán.

Theo đó, trong phần lớn các trường hợp, chẩn đoán tăng áp động mạch phổi là dựa trên các phát hiện của hai xét nghiệm chính sau:

  • Siêu âm tim: Bằng cách sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của huyết động trong tim, siêu âm sẽ ước tính được áp lực trong các động mạch phổi và phát hiện ra bệnh. Đồng thời, siêu âm tim cũng giúp kiểm tra sức co bóp của cả hai bên tim để tìm nguyên nhân gây bệnh.
  • Thông tim phải: Một ống mỏng, linh hoạt được đưa vào tĩnh mạch ở cổ, cánh tay hoặc đùi và đi qua động mạch phổi để xác nhận chẩn đoán này bằng cách đo chính xác huyết áp ở bên phải tim và động mạch phổi. Đây là một xét nghiệm xâm lấn và chỉ được thực hiện tại các trung tâm chuyên khoa tim mạch chuyên sâu.

Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng cần thiết để tìm nguyên nhân bệnh như điện tâm đồ, chụp X-quang ngực, xét nghiệm chức năng phổi, khí máu...

Siêu âm tim
Chẩn đoán tăng áp động mạch phổi là dựa trên các phát hiện của siêu âm tim

5. Làm sao để điều trị tăng áp động mạch phổi?

Dù cho có xác định được nguyên nhân, phần lớn các trường hợp bị tăng áp động mạch phổi là khó có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị tăng áp phổi cần thực hiện càng sớm càng tốt có thể có hiệu quả làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh cải thiện hoạt động sống của mình. Mặt khác, tăng áp động mạch phổi nguy hiểm là khi tình trạng này thường có khuynh hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây ra biến chứng suy tim, có thể gây tử vong nên việc điều trị quan trọng cần được bắt đầu càng sớm càng tốt.

Nếu người bệnh có một tình trạng khác gây ra hệ quả là tăng huyết áp phổi, điều kiện cơ bản này nên được điều trị trước tiên. Chính những sang chấn do bệnh gốc gây ra có thể làm tổn thương các động mạch phổi vĩnh viễn.

Các phương pháp điều trị tăng áp động mạch phổi đơn thuần bao gồm thuốc chống đông máu để làm tránh sự hình thành cục máu đông, thuốc lợi tiểu để loại bỏ chất lỏng dư thừa do suy tim và các thuốc giúp giãn nở các mạch máu phổi. Đôi khi người bệnh cũng cần xem xét can thiệp nong động mạch phổi. Ngoài ra, việc bổ sung oxy tại nhà cũng có thể được chỉ định nếu nồng độ oxy trong máu của người bệnh luôn ở mức thấp, dù là khi nghỉ.

6. Tăng áp động mạch phổi có nguy hiểm không?

Tiên lượng và triển vọng lâu dài của tăng áp động mạch phổi trong mỗi trường hợp là rất khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Nguyên nhân gây bệnh
  • Thời gian được xác định chẩn đoán
  • Mức độ đáp ứng với điều trị
  • Các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác

Theo đó, tăng áp động mạch phổi nguy hiểm là sẽ có thể ảnh hưởng đến khả năng gắng sức cũng như khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày; nếu để lâu dài sẽ gây biến chứng suy tim phải. Vì vậy, không chỉ bản thân người bệnh mà còn cả gia đình, người chăm sóc hay những người sống chung cũng cần được cung cấp thông tin và các hỗ trợ thiết thực trong các sinh hoạt thông thường cho bệnh nhân

Tóm lại, vì mỗi trường hợp tăng áp động mạch phổi là mỗi dạng khác nhau; do đó, điều quan trọng trong phác đồ điều trị tăng áp phổi đối với từng bệnh nhân là tùy vào chính xác nguyên nhân gây ra tăng áp phổi. Khi bệnh lý này được phát hiện sớm, các kế hoạch điều trị phù hợp với thể bệnh cũng thực hiện càng sớm càng tốt sẽ nhanh chóng giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh cũng như tiên lượng lâu dài.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường khách hàng nên đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan