Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: Cơ chế gây bệnh, phân loại, triệu chứng

Bài viết được viết bởi bác sĩ xét nghiệm Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia - CAH) là bệnh di truyền, biểu hiện của bệnh là tình trạng rối loạn tổng hợp hormon vỏ thượng thận.

1. Cơ chế gây bệnh

Tuyến thượng thận gồm hai tuyến nhỏ, hình bẹt, cao 2 -5 cm , rộng 3-5 cm, nặng khoảng 4-6 gram, nằm úp phía trên thận.

Gồm 2 phần: phần vỏ (80%) và phần tủy (20%)

Có khoảng 50 steroid được chiết xuất từ vỏ thượng thận, nhưng chỉ có 10 chất có hoạt tính hormon chia làm 3 nhóm chính:

  • Hormon chuyển hóa đường (Glucocorticoid): Gồm Cortisol, cortison và corticosterone. Các hormon này 21 carbon (C) và có oxy ở C11 nên còn gọi là 11- oxysteroid.
  • Hormon chuyển hóa muối nước (Mineralocorticoid): Gồm Aldosteron, 11-desoxycorticosterone (DOC). Các hormon này có 21C, được bài tiết từ lớp cầu của vỏ thượng thận.
  • Hormon sinh dục vỏ thượng thận: Gồm dehydroepiandrogen (DHEA) androstendion, 17 cetoandrostendion (androstentrion) và 11 β-hydroxyandrostendion. Nhóm này có 19 carbon.

Tất cả các hormon vỏ thượng thận là hormon steroid, được tạo thành từ cholesterol qua chất trung gian là ∆5-pregnenolon theo sơ đồ chuyển hóa dưới đây:

tang-san-tuyen-thuong-than-bam-sinh-co-che-gay-benh-phan-loai-trieu-chung-1
Sơ đồ: Sinh tổng hợp hormon vỏ thượng thận

Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital Adrenal Hyperplasia - CAH) là bệnh di truyền, biểu hiện của bệnh là trình trạng rối loạn hormon vỏ thượng thận.

  • Nguyên nhân:

Thường gặp nhất là do di truyền đột biến gen CYP21A2 dẫn đến thiếu enzym 21-hydroxylase (chiếm 95% các trường hợp), làm gián đoạn 2 con đường chuyển hóa tạo thành Cortisol (Hormon chuyển hóa đường) và Aldosteron trong quá trình sinh tổng hợp hormon vỏ thượng thận.

Có thể gặp nguyên nhân do thiếu men 11-beta-hydroxylase, gây gián đoạn con đường chuyển hóa hóa tạo thành Cortisol (Hormon chuyển hóa đường) trong quá trình sinh tổng hợp hormon vỏ thượng thận.

Sự gián đoạn trong chuỗi chuyển hóa do thiếu men 21-hydroxylase và 11-beta-hydroxylase dẫn đến tình trạng thiếu hormon cortisol, thiếu hoặc không thiếu aldosterone, ứ đọng sản phẩm chuyển hóa trung gian 17OH-Progesterone, dư thừa androgen (một loại hormone nam tính, sản phẩm chuyển hoá của con đường tạo thành hormon sinh dục của vỏ thượng thận).

2. Phân loại tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh

  • Cách phân loại của Hội Chu sinh và Sơ sinh thành phố Hồ Chí Minh: kiểu lâm sàng chia làm 2 thể là cổ điển và không cổ điển:

Thể cổ điển: thể nặng, được phân hai nhóm nhỏ (mất muối và không mất muối);

Thể không cổ điển: nhẹ và khởi phát chậm.

  • Cách phân loại của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam: chia thành 2 dạng chính là cơ bản và không cơ bản.

Tăng sản thượng thận bẩm sinh cơ bản: là dạng phổ biến hơn, được phân 2 nhóm nhỏ là thể mất muối và thể nam hóa.

Tăng sản thượng thận bẩm sinh không cơ bản: khi sinh ra trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường, sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh tăng sản thượng thận ở giai đoạn sau của cuộc đời.

Tần suất:

Thể cổ điển (cơ bản) nặng xảy ra khoảng 1/15.000 trẻ sing sống. Người mang mầm bệnh (gen lặn) khoảng 1/60. Thể mất muối chiếm 67%, thể không mất muối chiếm 33%.

Tần suất mắc bệnh thể không điển hình (không cơ bản) khoảng 1/1.000 trẻ sinh sống trong những người da trắng. Thể không điển hình thường xảy ra ở một vài chủng tộc nào đó, như người có nguồn gốc Châu Âu.

tang-san-tuyen-thuong-than-bam-sinh-co-che-gay-benh-phan-loai-trieu-chung-2
Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh

3. Biểu hiện lâm sàng

3.1. Với trẻ bị bệnh CAH thể cổ điển/cơ bản

Cơ thể thai nhi sẽ sản xuất ra lượng hormon androgen nhiều hơn bình thường trước khi trẻ sinh ra. Androgen là hormon sinh dục nam có vai trò kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục ở nam giới. Ở giai đoạn sau của cuộc đời, chúng kích thích quá trình tăng trưởng và dậy thì.

Nữ giới cũng có hormon androgen nhưng không nhiều như nam giới. Sản xuất quá nhiều androgen sẽ gây ra những bất thường về cấu tạo giải phẫu cơ thể ở cả nam và nữ.

  • CAH thể mất muối: Khoảng 75% những trẻ mắc CAH dạng cơ bản (cổ điển) nằm trong nhóm này. CAH thể mất muối là tình trạng cơ thể trẻ sản xuất ra quá nhiều androgen nhưng lại không đủ cortisol và aldosteron. Cortisol là hormon có tác dụng duy trì ổn định nồng độ đường máu, nó cũng giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật và nhiễm trùng. Aldosteron là hormon giúp cân bằng muối và nước trong cơ thể để giữ ổn định huyết áp. Nếu không được điều trị, những trẻ mắc CAH thể mất muối có thể bị mất nước dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Trẻ sinh ra với hội chứng CAH thể mất muối thường xuất hiện một số triệu chứng như sau trong một vài tuần đầu sau sinh: Mất nước (trẻ khóc khan, trên 6 h không thấy dấu hiệu ướt tã, nước tiểu sẫm màu, buồn ngủ, quấy khóc), nôn mửa, không chịu ăn, sút cân, tiêu chảy. Trường hợp trẻ mắc CAH thể mất muối bị mất nước nặng và huyết áp hạ quá thấp, trẻ có thể bị sốc giảm thể tích. Nếu không được điều trị, trẻ có thể tử vong. Các triệu chứng của sốc giảm thể tích do CAH bao gồm mạch đập nhanh, mất tỉnh táo...

Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh có thể xảy ra ở cả bé trai và bé gái. Mức độ nặng nhẹ của lâm sàng phụ thuộc và mức độ thiếu men 21-hydroxylase. Trẻ mắc bệnh này do thiếu men cần thiết cho tuyến thượng thận sản xuất ra hormone cortisol và aldosterone, cơ thể sẽ tạo ra nhiều androgen, do đó những đặc tính nam sẽ xuất hiện trội và sớm. Về mặt hình thể, thể cổ điển (cơ bản) lúc sinh các bé có thể có bất thường bộ phận sinh dục ngoài, như:

Bé gái thường có bất thường cơ quan sinh dục ngoài (âm vật to, lỗ niệu đạo và âm đạo bình thường) và vì có bất thường cơ quan sinh dục ngoài nên trẻ thường sẽ được phát hiện bệnh sớm trước khi có những cơn cường tuyến thượng thận trong giai đoạn sơ sinh;

Bé trai thường không có dấu hiệu gì lúc sinh, đôi khi có sự tăng sắc tố da kín đáo, dương vật lớn. Việc chẩn đoán phụ thuộc vào mức thiếu aldosterone. Trẻ sẽ có cơn cường thượng thận với mất muối nước hiện diện lúc 7-14 ngày tuổi.

  • CAH thể nam hóa: Trẻ sinh ra vẫn có lượng aldosteron bình thường, nhưng sản xuất quá ít cortisol và quá nhiều androgen. Những trẻ này cũng thường bị cao huyết áp.

3.2. Thể không cổ điển (không cơ bản)

Thường không biểu hiện gì trong giai đoạn sơ sinh nhưng biểu hiện dậy thì sớm trong giai đoạn 2 – 4 tuổi. Trẻ có lông mu sớm, mụn trứng cá, có nhiều lông, kinh ít hay vô kinh kèm đa nang buồng trứng, vô sinh. Một số trẻ nữ và nhiều trẻ nam không có triệu chứng lâm sàng.

4. Cận lâm sàng

tang-san-tuyen-thuong-than-bam-sinh-co-che-gay-benh-phan-loai-trieu-chung-3
Xét nghiệm hóa sinh

4.1. Các xét nghiệm hóa sinh

  • 17-OH progesterone (17-OHP): là xét nghiệm đầu tiên được lựa chọn để sàng lọc phát hiện bệnh Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Xét nghiệm đang sẵn có 2 loại (định tính bằng máu lấy từ gót chân trẻ hoặc định lượng làm bằng máu lấy từ tĩnh mạch). Trong đó, xét nghiệm định lượng sẽ cho biết cụ thể mức nồng độ 17-OHP, có thể được thực hiện ngay hoặc sau khi xét nghiệm định tính cho kết quả nguy cơ cao.
  • Định lượng Aldosteron máu: giảm hoặc bình thường tùy từng thể
  • Định lượng Cortisol: giảm
  • Testosterone: tăng
  • Điện giải đồ: Na+ giảm, K+ tăng
  • Đường máu (Glucose): giảm

Thiếu men 21-hydroxylase được đặc trưng bởi sự gia tăng sản phẩm chuyển hóa trung gian 17-OH progesterone; Các sản phẩm cuối của các con đường tổng hợp hormon tuyến thượng thận aldosterone và cortisol giảm, androgen tăng. Trong trường hợp kết quả các xét nghiệm trên chưa rõ ràng để chẩn đoán thì test kích thích ACTH có thể được sử dụng và là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thể không cổ điển.

4.2. Chẩn đoán hình ảnh

  • X-quang xương dài cho thấy sự vôi hóa sớm các đầu xương so với tuổi.
  • Siêu âm khung chậu để xác định giới tính và các bất thường của hệ tiết niệu.

4.3. Xét nghiệm Karotype

Được thực hiện khi cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng để xác định giới tính cho trẻ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan