Tế bào học dịch khoang cơ thể: Hình thái các tế bào thường gặp trong tràn dịch lành tính

Bài viết được viết bởi ThS. BS. Bùi Thị Hồng Khang - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Các loại tế bào thường gặp trong tràn dịch lành tính chủ yếu là tế bào trung mạc, đại thực bào (mô bào) và lympho bào.

A. Thành phần tế bào

1. Tế bào trung mạc (Mesothelial cell)

1.1 Tế bào trung mạc bình thường

Tế bào trung mạc bình thường trên lát cắt mô học có dạng dẹt, khi bong vào trong khoang cơ thể sẽ có hình tròn, kích thước thay đổi và nằm riêng rẽ hay hợp thành đám nhỏ dạng mảng 2 chiều (ít hơn 15 tế bào) với bờ lồi không đều. Bào tương ái kiềm với vùng trung tâm gần nhân bắt màu đậm hơn vùng ngoại vi, bờ tế bào khá rõ hoặc không rõ khi có thêm viền đăng-ten ở ngoài (tạo bởi các vi nhung mao).

Nhân tế bào hình tròn hay bầu dục, đường kính nhân bằng phân nửa đường kính tế bào, ở trung tâm hoặc hơi lệch tâm, chất nhiễm sắc dạng hạt mịn, có 1 hạch nhân nhỏ, màng nhân rõ đều. Giữa 2 tế bào trung mạc kế cận, có thể thấy 1 khoảng trống gọi là cửa sổ. Ít gặp hình ảnh phân bào, nhưng nếu thấy thì cũng không đồng nghĩa với tế bào ung thư. (Hình 1)

Tế bào trung mạc nằm riêng rẽ hoặc kết đám nhỏ bờ lồi không đều
Hình 1: Tế bào trung mạc nằm riêng rẽ hoặc kết đám nhỏ bờ lồi không đều, tế bào có bờ rõ, giữa 2 tế bào có thể thấy cửa sổ (A); tế bào bờ không rõ do có viên đăng-ten (mũi tên, B), tế bào trung mạc đang phân bào (C).

1.2 Tế bào trung mạc tăng sinh phản ứng và tế bào trung mạc thoái hoá (reactive mesothelial cells and degenerated mesothelial cells)

Trong tràn dịch do các bệnh lý không phải ung thư (nhồi máu phổi, suy tim, xơ gan, suy thận mãn tính, bệnh tự miễn...), tế bào trung mạc bị kích thích tăng sản thành các tế bào phồng to hình vuông, nhân lớn; có thể xếp thành nhiều lớp, thậm chí tạo nhú. Khi bị thoái hoá, tế bào có nhiều không bào trong bào tương, thấy rõ trên lát cắt mô học. (Hình 2)

Tế bào trung mạc màng phổi tăng sinh
Hình 2: Tế bào trung mạc màng phổi tăng sinh phản ứng phồng to hình vuông, nhân lớn (A); có thể xếp thành nhiều lớp (B), tạo nhú (C), khi bị thoái hoá, bào tương có nhiều không bào (D).

Hình 2: Tế bào trung mạc màng phổi tăng sinh phản ứng phồng to hình vuông, nhân lớn (A); có thể xếp thành nhiều lớp (B), tạo nhú (C), khi bị thoái hoá, bào tương có nhiều không bào (D).

Phết tế bào từ các trường hợp tràn dịch lành tính này sẽ có mật độ tế bào cao (phết giàu tế bào), các tế bào trung mạc phản ứng chủ yếu nằm riêng rẽ nhưng cũng có thể kết thành các đám nhỏ 2 chiều (ít hơn 15 tế bào).

Tế bào và nhân có kích thước to nhỏ không đều, có 1 hoặc 2-3 nhân, nhân vẫn nằm ở trung tâm hay hơi lệch tâm, không tăng sắc, chất nhiễm sắc vẫn khá mịn, hạch nhân lớn hơn và màng nhân vẫn rõ đều, tỉ lệ nhân/bào tương có thể tăng nhưng vẫn tìm thấy hình ảnh viên đăng-ten và cửa sổ (Hình 3A). Tỉ lệ phân bào tăng nhưng không có hình ảnh phân bào bất thường.

Tế bào trung mạc phản ứng có thể kết thành các đám đặc 3 chiều hình cầu giống trái dâu tằm (morula), túi tuyến hoặc nhú; tuy các đám thường có kích thước nhỏ, nhú không phân nhánh nhưng đôi khi vẫn có thể lầm với tế bào trung mạc ác tính. (Hình 3B,C)

Phết giầu tế bào
Hình 3: Phết giầu tế bào, tế bào trung mạc phản ứng có kích thước to nhỏ không đều, chủ yếu nằm riêng rẽ, chứa 1-3 nhân, hạch nhân to và rõ hơn, tỷ lệ nhân/bào tương có thể tăng, vẫn còn thấy viền đăng-ten và cửa sổ (mũi tên, A); đôi khi tế bào hợp thành đám đặc 3 chiều giống túi tuyến (B) hoặc nhú (C). Tế bào trung mạc thoái hoá trông giống tế bào ung thư tiết nhầy dạng mặt nhẫn (D)

Để phân biệt, cần nắm rõ các thông tin vê lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân và đôi khi phải dùng đến kỹ thuật nhuộm đặc biệt hoặc hoá tế bào miễn dịch, thực hiện trên các lát cắt mỏng từ block tế bào (cell block) như trong bảng sau:

Calretinin EMA Desmin GLUT-1 p53
Tế bào trung mạc phản ứng + - + - -
Tế bào trung mạc ác tính + + - + +

Bảng 1: Phân biệt tế bào trung mạc lành và ác bằng phương pháp hoá tế bào miễn dịch

Khi tế bào trung mạc bị thoái hoá, bào tương có nhiều không bào chứa glycogen, làm nhân bị đẩy lệch qua một bên, có thể lầm với tế bào ung thư chế tiết nhầy (mucin). Phân biệt bằng phương pháp nhuộm đặc biệt hoặc hoá tế bào miễn dịch (Bảng 2)

Phân biệt tế bào trung mạc thoái hoá v
Bảng 2: Phân biệt tế bào trung mạc thoái hoá và tế bào carcinôm tuyến bằng nhuộm đặc biệt và hoá tế bào miễn dịch

1.3 Mô bào / Đại thực bào (Histiocytes / Macrophages)

Là loại tế bào luôn được tìm thấy trong tràn dịch nằm riêng lẻ. Nhân tế bào hình bầu dục hay hình quả thận, nằm lệch một bên, chất nhiễm sắc thưa, hạch nhân thường nhỏ; bào tương nhiều và bắt màu nhạt, có nhiều không bào mà bên trong có thể chứa các vật thể được thực bào (lympho bào chết, mảnh vỡ nhân...). (Hình 4A)

1.4 Lympho bào (Lymphocytes)

Được tìm thấy dễ dàng trong các tràn dịch, đa số là lympho bào T. Tế bào có kích thước nhỏ, nhân tròn bắt màu tím đậm, hạch nhân không rõ và rất ít bào tương. (Hình 4B)

Các mô bào / Đại thực bào với các không bào có chứa các mảnh vụn nhân của lympho bào chết
Hình 4: Các mô bào / Đại thực bào với các không bào có chứa các mảnh vụn nhân của lympho bào chết (mũi tên, A); các lympho bào nhỏ có nhân tròn và rất ít bào tương (B).

Ngoài 3 loại tế bào chủ yếu là tế bào trung mạc, đại thực bào (mô bào) và lympho bào; trong tràn dịch còn có thể thấy các loại tế bào khác như bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu ái toan, hồng cầu.

B. Một số loại tràn dịch trong các bệnh lành tính

1. Tràn dịch mủ (Purulent effusions)

Các vi khuẩn có thể gây viêm cấp tính màng phổi, màng bụng và màng tim theo nhiều cơ chế khác nhau, dẫn đến tràn mủ trong khoang cơ thể. Dịch mủ có màu vàng nhạt hoặc ngả xanh, có thể có mùi hôi. Phết tế bào cho thấy chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính, các mảnh vụn tế bào chết, một số đại thực bàolympho bào; ít thấy tế bào trung mạc.

2. Tràn dịch bạch cầu ái toan (Eosinophilic Effusions)

Gọi là tràn dịch bạch cầu ái toan khi số lượng tế bào này chiếm hơn 10% tế bào có nhân. Tràn dịch ái toan có thể xảy ra khi khoang cơ thể bị chọc hút nhiều lần, khiến máu và khí lọt vào trong đó; hoặc do nhiễm ký sinh trùng, phản ứng thuốc, nhồi máu phổi. Phết tế bào có nhiều bạch cầu ái toan, nhân 2 thùy, bào tương chứa đầy các hạt màu cam.

3. Tràn dịch lympho bào (Lymphocytic effusions)

Gọi là tràn dịch lympho bào khi số lượng tế bào này chiếm hơn 50% tế bào có nhân. Có thể do lao, bệnh tạo keo hoặc sau một phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Dịch trong màu vàng nhạt, đôi khi hơi đục và có màu máu. Phết tế bào gồm toàn các lympho bào nhỏ, ít thấy tế bào trung mạc và mô bào.

4. Tràn dịch dưỡng trấp (Chylous effusions)

Hiếm gặp, xảy ra do chấn thương hoặc phẫu thuật làm bể ống ngực khiến dưỡng trấp tràn vào khoang cơ thể. Tràn dịch dưỡng trấp có màu trắng đục như sữa do chứa nhiều lipid và một ít lympho bào.

Cần lưu ý rằng tất cả các loại tràn dịch trên cũng có thể xảy ra trong bệnh cảnh ung thư; do đó phải luôn cảnh giác tìm kiếm tế bào ác tính khi đọc tiêu bản tế bào.

Tràn dịch mủ
Hình 5: Tràn dịch mủ (A); tràn dịch bạch cầu ái toan (B); tràn dịch lympho bào (C); tràn dịch dưỡng trấp (D)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Giáo trình Tế bào Học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan