Tiêu chí phân loại danh mục các bệnh truyền nhiễm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội truyền nhiễm - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Tuy nhiên, không phải bệnh truyền nhiễm nào cũng có mức độ nặng – nhẹ giống hệt nhau. Phân loại bệnh truyền nhiễm tùy thuộc đặc điểm của bệnh.

1. Phân loại bệnh truyền nhiễm

Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 phân ra các bệnh truyền nhiễm nhóm A B C theo các đặc điểm sau đây:

  • Bệnh truyền nhiễm nhóm A

Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt, cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg) gây ra, bệnh sốt Tây sông Nile, bệnh sốt vàng, bệnh tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh và chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Ngày 29 tháng 01 năm 2020 Bộ Y tế quyết định bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019 - nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

  • Bệnh truyền nhiễm nhóm B

Bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm nhóm B bao gồm: Bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno), bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bệnh bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, bệnh do liên cầu lợn ở người, lỵ A-míp, lỵ trực trùng, quai bị, sốt Dengue), sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay-chân-miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, thương hàn, uốn ván, bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon), viêm gan vi rút, viêm màng não do não mô cầu, viêm não vi rút, bệnh xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota).

bệnh truyền nhiễm nhóm B
Bệnh truyền nhiễm nhóm B có khả năng gây tử vong cao

Video đề xuất:

Dấu hiệu cảm sốt thương hàn và vacxin phòng tránh

  • Bệnh truyền nhiễm nhóm C

Bệnh truyền nhiễm nhóm C bao gồm các bệnh ít nguy hiểm và có khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm: Bệnh do Chlamydia, giang mai, bệnh do giun, bệnh lậu, bệnh mắt hột, bệnh do nấm Candida albicans, bệnh Nocardia, bệnh phong, bệnh do vi rút Cytomegalo, bệnh do vi rút Herpes, bệnh sán dây, sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột, bệnh sốt mò, ,sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia), sốt xuất huyết do vi rút Hanta, bệnh do Trichomonas, bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm, viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Coxsackie, viêm ruột do Giardia, viêm ruột do Vibrio Parahaemolyticus và các bệnh truyền nhiễm khác.

2. Các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm

  • Tiêm vắc-xin

Đây là biện pháp chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể người, đặc biệt là người có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh. Việc tiêm phòng phải được thực hiện khi cơ thể khỏe mạnh và tuân theo đúng lịch tiêm phòng. Tỉ lệ người tiêm phòng càng cao, số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn, từ đó bệnh càng khó lây truyền và ít có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Tuy nhiên, mặt hạn chế đó là không phải bệnh truyền nhiễm nào cũng có vắc-xin và chi phí tiêm vắc-xin cũng là một trở ngại lớn.

Video đề xuất:

Tiêm vắc xin ho gà ở trẻ sơ sinh

  • Giữ vệ sinh cá nhân

Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với đồ vật. Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Tắm rửa thường xuyên để phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm trên da. Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là khi đến chỗ đông người.

giữ vệ sinh
Rửa tay thường xuyên theo đúng các bước Bộ Y tế khuyến cáo

  • Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ăn thức ăn nấu chín, uống nước đun sôi được lọc hoặc xử lý, bảo quản thức ăn đã chế biến, ngăn không cho ruồi nhặng bâu vào, không dùng lẫn lộn các dụng cụ chế biến thức ăn sống và chín. Các biện pháp này sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: bệnh tả, bệnh lỵ, bệnh thương hàn...

  • Vệ sinh môi trường

Loại bỏ chỗ sinh sản của muỗi, cung cấp nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Thu gom và xử lý rác thải, chất thải của người và động vật. Nuôi cá diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi - ruồi, loại bỏ các dụng cụ chứa nước để hạn chế nơi sinh sản của muỗi.

  • Sống lành mạnh và quan hệ tình dục an toàn

Lối sống chung thủy, không quan hệ bừa bãi, sử dụng bao cao su, không tiêm chích ma túy... Việc sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV,...) và các bệnh lây qua các dịch tiết cơ thể khác (viêm gan B, viêm gan C...).

Khi xác định bị mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, tránh tiến triển nặng và tránh nguy cơ tử vong, giảm sự lây truyền bệnh cho cộng đồng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan