Tìm hiểu xét nghiệm nội tiết E2 trong phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thụ tinh ống nghiệm là một trong những phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm diễn ra hiệu quả thì việc thực hiện các xét nghiệm nội tiết là không thể thiếu, trong đó bao gồm xét nghiệm nội tiết E2.

1. Thế nào là thụ tinh ống nghiệm?

Thụ tinh ống nghiệm là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị sinh sản dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Phương pháp được thực hiện bằng cách cho tinh trùng và trứng kết hợp với nhau ở bên ngoài cơ thể, thường là trong ống nghiệm và sẽ trở thành phôi thai.

Phôi thai sau khi được hình thành sẽ được đặt vào trong buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi tiếp tục làm tổ và phát triển thành thai giống như các trường hợp thụ thai tự nhiên khác

Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất hiện nay và nhờ sự phát triển không ngừng của các chuyên khoa cận lâm sàng, khả năng thụ tinh thành công hiện nay ngày càng tăng cao.

lam-ivf-lan-1-bai-nghi-bao-lau-roi-moi-lam-ivf-lan-2
Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến

2. Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm được thực hiện như sau:

  • Trước khi thực hiện IVF, cặp vợ chồng sẽ được chỉ định một số xét nghiệm nhằm kiểm tra, đánh giá chức năng sinh sản và sức khỏe tổng quát để đánh giá sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng.
  • Khám tiền mê cũng là một bước quan trọng vig bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của người vợ, xem xét người vợ có đủ điều kiện thực hiện quá trình gây mê hay không, một phần trong quá trình chọc hút trứng sau này.
  • Dựa vào kết quả khám ban đầu để quyết định có đưa ra chỉ định thụ tinh ống nghiệm hay không.

Thông thường có năm bước thực hiện IVF như sau:

  • Người phụ nữ ở ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt sẽ được tiến hành siêu âm và các xét nghiệm nội tiết, đồng thời bắt đầu dùng thuốc để kích thích buồng trứng.
  • Bác sĩ tiến hành tiêm thuốc nội tiết tố kích trứng 9 – 12 ngày cho người phụ nữ.
  • Trước khi chọc hút noãn từ 36 – 40 giờ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây rụng trứng. Thời gian chọc hút trứng khoảng 10 – 15 phút cho mỗi ca.
  • Trứng và tinh trùng sẽ được chuyển đến phòng Labo để thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy trong môi trường chuyên dụng khoảng từ 2 – 5 ngày trước khi chuyển vào buồng tử cung của người vợ.
  • Số lượng và chất lượng phôi được tạo thành được thông báo cho cặp vợ chồng hiếm muộn
  • Khi phôi hình thành chuyển lại vào tử cung của người phụ nữ ngày 3 – 5.
  • Sau 14 ngày chuyển phôi sẽ tiến hành thử thai và siêu âm khi đủ 28 ngày.

Video đề xuất:

Những điều cần biết về thụ tinh ống nghiệm

3. Xét nghiệm nội tiết E2 trong thụ tinh ống nghiệm

Có thể thấy, xét nghiệm nội tiết là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Với các xét nghiệm nội tiết, bác sĩ có thể đánh giá sức khỏe sinh sản và có phương pháp điều trị phù hợp.

3.1 Xét nghiệm nội tiết E2

E2 hay Estradiol là một dạng của hormone Estrogen và là một hormone Estrogen có hoạt lực mạnh nhất, được tiết ra bởi các tế bào hạt trong buồng trứng và được sản xuất tại tinh hoàn, tuyến thượng thận đối với nam giới. Hormone này hỗ trợ quá trình phát triển của trứng cũng như niêm mạc tử cung. Cùng với progesteron, Estradiol giúp tạo thành kinh nguyệt. Xét nghiệm Estradiol thường được chỉ định nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến dậy thì ở nam và nữ.

Trong giai đoạn tạo nang buồng trứng của chu kỳ kinh nguyệt, estradiol được sản xuất nhờ hoạt động của FSH tại các nang Graaf, sau đó 2 hormone này luôn hoạt động cùng nhau để giúp nang buồng trứng phát triển hơn nữa. Trong thời kỳ mang thai, các estrogen được hình thành chủ yếu trong nhau thai,

Estrogen có nhiệm vụ phát triển các đặc điểm giới tính thứ cấp ở phụ nữ. Cùng với các gestagen progesterone, chúng kiểm soát tất cả các quy trình sinh sản quan trọng của phụ nữ.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, estrogen được bài tiết thành hai đợt. Định lượng estradiol được sử dụng trên lâm sàng để làm rõ những rối loạn về khả năng sinh sản trong trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục, chứng vú to ở nam giới, các khối u buồng trứng tăng sản estrogen, các khối u tinh hoàn. Các chỉ định lâm sàng khác là theo dõi điều trị khả năng sinh sản và xác định thời gian rụng trứng trong khuôn khổ thụ tinh nhân tạo.

Kết quả xét nghiệm nội tiết E2 có thể phản ánh phần nào tình trạng hoạt động của buồng trứng. Những người có chỉ số E2 đầu kỳ thấp thường bị teo hoặc suy buồng trứng. Không chỉ vậy, nồng độ E2 quá thấp còn gia tăng nguy cơ teo niêm mạc tử cung khiến quá trình chuyển phôi khó khăn khiến cho việc mang thai càng trở nên không dễ dàng.

Bên cạnh chỉ số E2, còn có các yếu tố khác quyết định đến sự thành công của thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm các chỉ số AMH, FSH, LH,..

Xét nghiệm nội tiết E2 có thể phản ánh tình trạng hoạt động của buồng trứng. Theo đó, giới hạn bình thường của hormone E2 là từ 46 – 607 pmol/L.

Buồng trứng
Xét nghiệm nội tiết E2 có thể phản ánh tình trạng hoạt động của buồng trứng

3.2 Xét nghiệm FSH

FSH là một hormone kích thích nang được tuyến yên trong não sản xuất ra, cùng với LH thì FSH được phóng thích theo xung từ các tế bào tiết nội tiết tố sinh dục của thùy trước tuyến yên và qua hệ tuần hoàn vào buồng trứng. Tại đây nội tiết tố sinh dục kích thích sự phát triển và trưởng thành của các nang trứng và do vậy cũng kích thích sinh tổng hợp estrogen và progesterone. Tuy nhiên hormone chịu trách nhiệm chính trong việc kích thích sản xuất trứng chính là hormone FSH .Trong giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh nguyệt, FSH kích thích sự phát triển và trưởng thành của trứng trong buồng trứng. Chỉ số FSH tham chiếu trong giai đoạn này nằm trong khoảng từ 3,03 – 8,08 mlU/mL.

Người có nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường có chỉ số FSH cao hơn bình thường. Ngoài ra các bệnh nhân nữ có cắt tử cung cũng thường gặp tình trạng nồng độ FSH cao hơn ngưỡng bình thường. Nồng độ FSH giảm gặp ở các bệnh nhân có tăng sản tuyến thượng thận, có bất thường chức năng vùng dưới đồi, có sử dụng thuốc làm giảm nồng độ FSH: estrogen, thuốc tránh thai, progesteron ..

Xét nghiệm FSH là cần thiết trong thụ tinh ống nghiệm bởi thuốc kích trứng được tiêm vào cơ thể người phụ nữ thực chất chính là thành phần hormone FSH.

Dựa vào kết quả xét nghiệm FSH có thể biết người đó có đang bị suy buồng trứng hay không. Với những người có nồng độ FSH quá thấp thì siêu âm buồng trứng gần như không thấy hình ảnh do buồng trứng đã teo hết.

3.3 Xét nghiệm LH

LH (nội tiết tố tạo hoàng thể) cũng là một hormon được tuyến yên trong não sản xuất ra. Nồng độ LH đạt đỉnh vào giữa chu kỳ kinh nguyệt và gây rụng trứng và tạo thành hoàng thể, thành phần chính được tiết ra là progesterone - đây là một trong những nội tiết tố nữ có vai trò quan trọng nhất trong quá trình sinh sản.

Trong tế bào Leydig của tinh hoàn, LH kích thích sự sản sinh testosterone. Xác định nồng độ LH giúp làm sáng tỏ sự rối loạn chức năng trong hệ thống hạ đồi‐tuyến yên‐tuyến sinh dục. LH cũng là tác nhân kích thích quá trình tiết steroid (chủ yếu là estradiol) tại buồng trứng. Chỉ số LH bình thường nằm trong khoảng từ 2,4 – 12,6 mU/mL

Nồng độ hormone LH cao chính là dấu hiệu quá trình rụng trứng sẽ diễn ra trong vài ngày tới (thường chỉ 1 – 2 ngày).

Phòng xét nghiệm
Labo xét nghiệm tại Vinmec thực hiện các xét nghiệm cho kết quả chính xác

3.4 Xét nghiệm AMH

AMH là hormone ức chế ống Müllerian (hai ống phôi sẽ phát triển thành bộ phận sinh dục ở nữ). Ở nam giới, AMH được tiết ra từ các tế bào Sertoli của tinh hoàn. Trong quá trình phát triển phôi thai nam, việc tiết AMH từ các tế bào Sertoli của tinh hoàn chịu trách nhiệm cho sự thoái hóa các ống Müllerian và sự phát triển bình thường của đường sinh sản nam. Việc tiết AMH bởi các tế bào Sertoli bắt đầu trong quá trình phát triển phôi và liên tục trong suốt cuộc đời. AMH được tạo ra liên tục bởi tinh hoàn cho đến khi dậy thì và sau đó giảm dần khi qua tuổi dậy thì.

Ở nữ giới, AMH đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý sự phát triển nang noãn của buồng trứng. Nang noãn phát triển trong buồng trứng bao gồm hai giai đoạn riêng biệt, trong đó nang trội (dành để rụng trứng) được lựa chọn. Biểu hiện AMH trong tế bào hạt bắt đầu trong nang noãn nguyên thủy và đạt tối đa trong tế bào hạt của nang noãn tiền hốc và có hốc nhỏ.

Vai trò đầu tiên của AMH là ức chế sự chuyển đổi của nang noãn từ giai đoạn nguyên thủy qua giai đoạn trưởng thành và do đó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa số lượng nang noãn còn lại trong hồ nang noãn nguyên thủy. Thứ hai, AMH có tác dụng ức chế độ nhạy nang noãn đối với FSH và do đó có một vai trò trong quá trình lựa chọn nang noãn.

Nồng độ AMH huyết thanh hầu như không phát hiện được ở nữ giới khi mới sinh, đạt nồng độ đỉnh sau khi dậy thì, sau đó giảm dần theo tuổi, và trở nên không phát hiện được khi ở thời kỳ mãn kinh. Nồng độ AMH huyết thanh tương đối ổn định trong suốt chu kỳ kinh nguyệt do đó xét nghiệm AMH có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào chứ không cần bắt buộc vào ngày 2 hay 3 của kỳ kinh. Chỉ số AMH thông thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8 ng/ml.

Nồng độ AMH huyết thanh giảm đáng kể khi sử dụng các thuốc tránh thai dạng phối hợp.

Nồng độ AMH trong máu cho biết khả năng dự trữ buồng trứng, khả năng sinh sản càng cao khi dự trữ buồng trứng càng tốt. Nếu một người có chỉ số AMH quá thấp thì cần phải tiến hành điều trị tăng AMH để cải thiện chất lượng noãn trước rồi mới có thể xem xét có thụ tinh ống nghiệm được hay không.

Định lượng AMH huyết thanh về lâm sàng được sử dụng chủ yếu để đánh giá dự trữ buồng trứng phản ánh số lượng nang noãn có hốc và nang noãn tiền hốc, được gọi là chỉ số nang noãn có hốc (AFC), và để dự đoán đáp ứng với kích thích buồng trứng có kiểm soát. Các ứng dụng lâm sàng khác của AMH là chẩn đoán rối loạn phát triển giới tính (DSD - disorders of sex development) ở trẻ em và kiểm soát u tế bào hạt nhằm phát hiện khối u vẫn còn hoặc tái phát.

Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF của bệnh viện Vinmec
Trung tâm hỗ trợ Sinh sản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Hiện nay, xét nghiệm AMH là một xét nghiệm nội tiết có độ chính xác cao và có thể thực hiện thay thế cho LH, FSH hay estradiol trong việc đánh giá khả năng dự trữ ở buồng trứng. AMH đã được đề nghị dùng làm dấu ấn sinh học trong chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS ) và trong dự đoán thời gian mãn kinh.

Bên cạnh xét nghiệm nội tiết, trước khi làm thụ tinh ống nghiệm thì người bệnh cũng có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm khác như xét nghiệm xác định các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay siêu âm phụ khoa,...

Với sự tiến bộ của nền y học tiên tiến, xét nghiệm nội tiết được coi là phương pháp đánh giá chính xác nhất tình trạng hoạt động và khả năng dự trữ của buồng trứng. Thông qua các xét nghiệm này, quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng cách thụ tinh ống nghiệm có thể đạt hiệu quả tốt hơn.

Video đề xuất:

Sau chuyển phôi bao lâu thì phôi làm tổ?

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: