Uống collagen có hại thận và dạ dày không?

Collagen đóng vai trò quan trọng trong duy trì độ đàn hồi và vững chắc của các mô liên kết trong cơ thể. Việc bổ sung collagen đường uống là một cách thật sự đơn giản nhưng mang đến nhiều lợi ích quan trọng đối với sức khỏe và sắc đẹp, nhất là ở phụ nữ. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít người lo lắng về việc uống collagen có hại cho thận và dạ dày hay không?

1. Collagen?

Collagen là một loại protein có cấu trúc đặc biệt chứa đầy đủ các axit amin hữu ích. Trên thực tế, collagen là loại protein chiếm phần lớn trong cơ thể chúng ta, giúp liên kết các tế bào và mô lại với nhau. Nó được tìm thấy ở xương, răng, cơ, dây chằng và da của chúng ta. Collagen tạo nên 90% mô liên kết và khối lượng xương, chiếm đến gần 70% trong da.

Khi càng già đi cơ thể chúng ta càng sản xuất ít collagen hơn, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa: Nếp nhăn, da chảy xệ, khớp và xương yếu hơn,... Do đó, việc bổ sung collagen dạng uống hay từ các thực phẩm chứa nhiều collagen (như nước hầm xương, bơ, cá hồi,...) là rất cần thiết để bù lại lượng collagen đang suy giảm của cơ thể khi chúng ta già đi.

Collagen
Collagen là một loại protein có cấu trúc đặc biệt chứa đầy đủ các axit amin hữu ích.

2. Collagen peptide là gì?

2.1. Cấu tạo collagen peptide

Các collagen dạng uống hầu hết là collagen peptide hay collagen thủy phân là một dạng thủy phân của collagen, một loại protein dạng sợi có mặt trong chất nền ngoại bào, trong mô liên kết và màng ngoài của các tế bào sống. Sau khi thủy phân, collagen sẽ mất khả năng tạo gel và trở nên có thể hòa tan dù là trong nước nóng hay lạnh. Các collagen peptide có trọng lượng phân tử thấp và nhỏ hơn nhiều nên chúng dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn.

Collagen peptide có hàm lượng cao các axit amin, glycine, glutamin, proline và hydroxyproline cao hơn từ 10 - 20 lần so với những loại protein thông thường. Hàm lượng các Protein có thể chiếm đến 90 - 97% trong collagen peptide.

collagen peptide
Collagen peptide có hàm lượng cao các axit amin, glycine, glutamin, proline và hydroxyproline cao hơn từ 10 - 20 lần so với những loại protein thông thường.

2.2. Hấp thu

Khi dùng đường uống, collagen peptide đến ruột non, nơi nó được hấp thụ vào máu, ở dạng peptide collagen nhỏ và axit amin tự do. Thông qua mạng lưới mạch máu, các collagen peptide và axit amin tự do này sẽ được phân phối đi khắp cơ thể và đến mô đích để thực hiện hoạt tính sinh học của chúng. Ngoài ra việc sử dụng collagen dạng nước sẽ cho kết quả hấp thu tốt hơn dạng viên và dạng bột.

2.3. Vai trò

Là thực phẩm chức năng, collagen peptide đã được chứng minh là có chức năng sinh lý quan trọng với tác động tích cực đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của collagen peptide với sự cải thiện độ đàn hồi da, đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa, phục hồi mô sụn bị mất, giảm đau khớp liên quan đến hoạt động, tăng cường gân dây chằng, tăng khối lượng nạc ở nam giới cao tuổi và phụ nữ tiền mãn kinh, tăng mật độ khoáng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và bảo vệ cơ thể khỏi bức xạ UVA,...

3. Collagen uống và chức năng thận

3.1. Chức năng thận là gì?

Về cơ bản, thận của chúng ta lọc các chất thải, chất dinh dưỡng dư thừa và chất lỏng ra khỏi máu theo nước tiểu thải ra ngoài. Khoảng 20% lượng máu từ tim của cơ thể đi qua thận. Ở người lớn, thận có thể lọc đến 180 lít máu mỗi ngày. Một xét nghiệm nhằm đo lường mức độ lọc máu và loại bỏ chất thải của thận còn gọi là xét nghiệm đo tốc độ lọc cầu thận (GFR). Tốc độ thanh thải creatinine là thể tích huyết tương loại bỏ được creatinine trên mỗi đơn vị thời gian và là biện pháp hữu ích để tính độ lọc cầu thận (GFR).

ung thư thận
Về cơ bản, thận của chúng ta lọc các chất thải, chất dinh dưỡng dư thừa và chất lỏng ra khỏi máu theo nước tiểu thải ra ngoài.

3.2. Dùng collagen đối với người không có bệnh thận

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2005 trên tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa ở London về lượng protein trong chế độ ăn và chức năng thận cho thấy:

  • Không có bằng chứng đáng kể nào về tác động bất lợi của việc hấp thụ nhiều protein đối với chức năng thận ở những người khỏe mạnh qua nhiều thập kỷ của chế độ ăn nhiều protein của người phương Tây.
  • Dù thấy rằng chế độ ăn nhiều protein làm thay đổi tốc độ lọc cầu thận (GFR) và nội tiết liên quan có thể gây hại cho người bệnh thận nhưng chưa đủ bằng chứng có bất lợi trên những người khỏe mạnh.

Gần đây, một loạt các nghiên cứu ban đầu đã được công bố về quy định việc sử dụng hàm lượng protein cực cao (# 3,4 - 4,4 g/kg/ngày) và đã liên tục báo cáo không có tác dụng có hại, bao gồm các điểm chính sau:

Vì vậy, đủ để kết luận rằng:

Ở người lớn không mắc bệnh thận, việc chứa nhiều protein trong khẩu phần ăn có thể làm tăng độ lọc cầu thận (GFR), tăng ure huyết thanh và bài tiết canxi nước tiểu. Tuy nhiên, nó không gây thải albumin qua nước tiểu, đây là dấu hiệu nhạy cảm nhất của tổn thương thận. Những thay đổi này có thể là cơ chế thích ứng sinh lý bình thường do ăn nhiều protein hơn. (Kết luận này đã được tổ chức Y tế Thế giới WHO chia sẻ trong báo cáo chính thức của học năm 2002 về Yêu cầu của Protein và Amino axit trong dinh dưỡng con người).

Vậy uống collagen thủy phân có an toàn cho thận không?

Hầu hết collagen thủy phân chứa khoảng 90 - 97% protein. Do đó, một chế độ ăn giàu protein (>1,2g/kg/ngày) hoặc ngay cả bổ sung liều cực cao collagen thủy phân cũng không gây hại cho thận ở những người khỏe mạnh.

Collagen
Ở người lớn không mắc bệnh thận, việc chứa nhiều protein trong khẩu phần ăn có thể làm tăng độ lọc cầu thận (GFR), tăng ure huyết thanh và bài tiết canxi nước tiểu.

3.3 Collagen đối với bệnh thận mạn tính (CKD)

Đối với những người có bệnh thận mạn (CKD) thì việc ăn nhiều protein hay dùng các thực phẩm bổ sung chứa nhiều protein có thể dẫn đến tăng áp lực nội cầu thận và tăng lọc cầu thận. Điều này có thể gây tổn thương thêm cấu trúc cầu thận dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm bệnh thận mạn tính (CKD). Do đó, chế độ ăn ít protein (LPD) 0,6-0,8g/kg/ngày thường được khuyến cáo để kiểm soát bệnh thận mạn (CKD).

Kết luận: Đối với những người có bệnh thận mạn hoặc bệnh về thận, cần cân nhắc khi ăn hoặc bổ sung các thực phẩm giàu protein.

4. Uống collagen có hại dạ dày không?

Một số triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy và đau quặn bụng đã được báo cáo khi uống collagen trong một số ít các trường hợp. Hiện chưa có bằng chứng nào đáng tin cậy đủ để khẳng định về việc uống collagen gây hại đến dạ dày hay không. Nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều lợi ích về việc sử dụng collagen đối với dạ dày nói riêng và đường tiêu hóa nói chung.

Từ bao đời nay, người dân ta đã biết được tác dụng của nước hầm xương và gelatin trong việc điều trị các vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên, cho đến gần đây thì các nhà khoa học mới khám phá ra rằng, đằng sau sức mạnh dinh dưỡng của những thực phẩm này: Đó chính là Collagen. Đặc tính axit amin của collagen cho phép loại protein đặc biệt này mang lại cho bạn nhiều lợi ích đáng kinh ngạc, đặc biệt khi nói đến sức khỏe đường ruột. Bao gồm các việc giúp giảm viêm ruột, chữa lành vết loét dạ dày, hỗ trợ tiêu tiêu và điều chỉnh chế tiết axit của dạ dày.

5. Tác dụng của Collagen đối với sức khỏe đường ruột

5.1. Collagen điều chỉnh tiết axit dạ dày

Collagen đã được phát hiện là có vai trò trong sự điều chỉnh sự tiết dịch vị bằng cách đảm bảo tiết vừa đủ lượng axit để tiêu hóa tốt. Collagen cũng ngăn ngừa tình trạng dư thừa dịch vị qua đó giúp ngăn ngừa các chứng ợ nóng, ợ chua, loét dạ dày và các vấn đề tiêu hóa khác do quá axit.

Dịch vị
Collagen đã được phát hiện là có vai trò trong sự điều chỉnh sự tiết dịch vị.

5.2. Hỗ trợ chữa vết loét dạ dày

Hai axit amin chính trong các Peptide collagen là Glycine và Proline, có thể giúp chữa lành niêm mạc dạ dày và ngăn ngừa các vết loét do căng thẳng gây ra nhờ tác động tích cực đến hệ thần kinh trung ương. Các nghiên cứu xác định rằng Glycine có trong collagen có khả năng ngăn chặn các chất tiết dịch vị có hại cho dạ dày, qua đó ngăn ngừa loét dạ dày hiệu quả.

5.3. Giúp tiêu hóa tốt

Đối với sức khỏe đường ruột, Collagen giúp quá trình tiêu hóa được diễn ra tốt hơn. Vì collagen là một phân tử ưa nước, nó có sức hút mạnh mẽ với nước và các phân tử có tính axit. Khi collagen được ăn vào, các phân tử nước và axit của dạ dày sẽ bao quanh nó di chuyển trong đường ruột, giúp quá trình phân hủy protein và carbohydrate khác trong ruột được tốt hơn. Với tính năng ưa nước và giữ nước trong ruột, collagen giúp cho quá trình di chuyển thức ăn trong ruột được trơn tru hơn.

ruột ngắn
Đối với sức khỏe đường ruột, Collagen giúp quá trình tiêu hóa được diễn ra tốt hơn.

5.4. Collagen giúp lành niêm mạc ruột và lớp lót dạ dày

Collagen là thành phần quan trọng trong quá trình sửa chữa và làm lành niêm mạc ruột. Khi có tổn thương hoặc viêm niêm mạc dạ dày, ruột. Các tế bào cơ trơn mới được tạo ra để chữa lành các niêm mạc bị tổn thương, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, hàm lượng collagen được sản xuất trong ruột là rất lớn trong quá trình tạo ra các tế bào cơ trơn mới này. Vì vậy, collagen là thành phần chủ yếu giúp chữa lành các tổn thương niêm mạc thành ruột, dạ dày.

5.5. Giúp điều trị bệnh Leaky Gut và IBS

Glutamine là một axit amin quan trọng có trang thành phần của Collagen, đã được khẳng định là axit amin vai trò ngăn ngừa viêm thành ruột và hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS). Các nghiên cứu đã tìm thấy việc mất cân bằng tiêu hóa làm giảm nồng độ collagen huyết thanh, cụ thể là tình trạng viêm ruột. Qua đó, việc bổ sung collagen là chìa khóa để giảm thiểu các bệnh về đường hóa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: collagenx.com.au, healthcentral.com, kidney.org, furtherfood.com, ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

93.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan