Vôi hóa màng ngoài tim được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Vôi hóa màng ngoài tim là một trong những vấn đề thường gặp ở bệnh nhân viêm màng ngoài tim co thắt. Chẩn đoán vôi hóa màng ngoài tim sớm thông qua các phương pháp như siêu âm, chụp X-quang,... mang lại giá trị rất lớn cho việc điều trị bệnh hiệu quả.

1. Vôi hóa màng ngoài tim là gì?

1.1 Giải phẫu và sinh lý màng ngoài tim

Màng ngoài tim che phủ tim và phần gần của đại động mạch và tĩnh mạch chủ xuất phát từ tim. Màng ngoài tim gồm lá thành và lá tạng. Màng ngoài tim gắn với các cơ quan gồm cột sống, xương ức và cơ hoành bởi các dây chằng. Bộ phận này được điều hòa, nuôi dưỡng bởi mạch bạch huyết, thần kinh hoành, động mạch vú trong và các nhánh động mạch chủ. Thông thường, màng ngoài tim chứa 15 - 50ml dịch.

Màng ngoài tim có chức năng:

Chức năng cơ học: Lá thành giúp thực hiện chức năng ngăn chặn sự giãn nở buồng tim quá mức trong các tình trạng gia tăng khối lượng tuần hoàn. Các tế bào trung mô của lớp màng trong liên tục tiết ra eicosanoids, prostaglandin E1, prostacyclin (PGI2), các bổ thể C3, C4, C5,... để đáp ứng tình trạng thiếu oxy - tình trạng căng màng ngoài tim, tăng tải cơ tim hoặc tăng công cơ tim. Các chất này giúp thay đổi trương lực động mạch vành, tăng công của tim, chống kết dính tiểu cầu và chống tạo huyết khối trong lòng động mạch vành;

Áp lực trong xoang màng ngoài tim bình thường là từ - 5mmHg đến + 5mmHg.

Viêm màng ngoài tim
Vôi hóa màng ngoài tim thường xảy ra ở bệnh nhân viêm màng ngoài tim co thắt

1.2 Vôi hóa màng ngoài tim là gì?

Canxi là một khoáng chất có nhiều trong xương, răng và máu. Đôi khi, trong thăm khám, có thể phát hiện các mảng tích tụ canxi trong màng ngoài tim - tình trạng này được gọi là vôi hóa. Các mảng tích tụ canxi có thể lớn dần, bắt đầu ảnh hưởng tới chức năng của tim hoặc gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác.

Ở các trường hợp mắc viêm màng ngoài tim co thắt, thường có hiện tượng hình thành một lớp vôi hóa dày, thay thế lớp lót bình thường xung quanh tim hoặc màng ngoài tim. Lớp lót sẽ dày hơn, khiến các buồng dưới của tim thường không chứa được đầy máu.

Nguyên nhân chính gây vôi hóa màng ngoài tim và viêm màng ngoài tim. Trong khi đó, hầu hết các nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim đều chưa được xác định chính xác. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây vôi hóa màng ngoài tim gồm phẫu thuật tim (dẫn tới viêm màng ngoài tim co thắt và vôi hóa), nhiễm virus ở màng ngoài tim, chấn thương, bệnh mô liên kết, xạ trị, sự xuất hiện của những tác nhân ác tính khác,...

2. Phương pháp chẩn đoán vôi hóa màng ngoài tim

2.1 Dựa trên các triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng của vôi hóa màng ngoài tim thường tương tự như suy tim. Chúng có xu hướng xảy ra khi bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim co thắt. Các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Mệt mỏi;
chan-doan-va-dieu-tri-suy-tim-o-nguoi-cao-tuoi
Vôi hóa màng ngoài tim có triệu chứng gần giống như suy tim
  • Khó thở khi ở trạng thái nằm, nghiêng người về phía trước hoặc khi gắng sức.

Ở một số bệnh nhân, vôi hóa màng ngoài tim có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

2.2 Dựa trên các kỹ thuật cận lâm sàng

  • Siêu âm tim: Là phương pháp thăm dò chức năng không chảy máu, có khả năng giúp bác sĩ quan sát trực tiếp những cấu trúc của tim, sự vận động của van tim, thành tim, xác định được kích thước buồng tim, chiều dày thành tim, màng tim, đánh giá được chức năng thất trái,... Siêu âm kiểu Time Motion có thể phát hiện thấy màng tim dày thể hiện ở 2 đường song song của 2 lớp lá thành và lá tạng trên màng tim. Giữa 2 lớp này có một khoảng trống siêu âm cách biệt từ 1mm trở lên. Từ siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện thấy màng tim dày, vôi hóa;
  • Chụp X-quang: Trước khi chụp X quang vôi hóa màng ngoài tim, cần chọc hút dịch trong khoang màng phổi và khoang màng bụng để tạo điều kiện cho việc dễ ghi nhận hình ảnh X-quang. Trong nhiều trường hợp, màng tim bị đóng vôi - đây là chứng cứ cho thấy màng tim bị dính, dày và vôi hóa. Hình ảnh đóng vôi thấy rõ trên phim nghiêng và dọc theo phía trước, trên cơ hoành;
Siêu âm tim cơ bản phát hiện được bệnh gì?
Tình trạng bệnh được chẩn đoán và đánh giá bằng các kỹ thuật cận lâm sàng
  • CT tim: Chụp CT tim là phương tiện hữu hiệu trong chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt và vôi hóa màng ngoài tim. Chụp CT scan giúp đánh giá chính xác bề dày màng ngoài tim và tình trạng vôi hóa. Vôi hóa màng ngoài tim không đều có thể gặp ở mọi vị trí trên bề mặt tim, nhưng thường thấy nhiều nhất ở vùng màng ngoài tim có nhiều mỡ (đáy tim và rãnh nhĩ thất). Chụp CT cũng phát hiện được biến chứng xơ - vôi hóa lan vào tới cơ tim. Từ việc xác định vị trí, mức độ nặng của tình trạng dày màng tim, vị trí và độ rộng của vôi hóa màng ngoài tim, bác sĩ sẽ lập kế hoạch, tiên lượng được chính xác nguy cơ của phẫu thuật bóc màng ngoài tim.

Sau khi được chẩn đoán, nếu không có triệu chứng vôi hóa màng ngoài tim thì bệnh nhân có thể không cần điều trị. Số khác, bệnh nhân có thể cần một số thuốc chống viêm như corticosteroid, colchicine hoặc thuốc chống viêm không steroid. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt màng ngoài tim để điều trị bệnh hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan