Thở nhanh - một trong những dấu hiệu cảnh báo viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi là tình trạng khá nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh viêm phổi sẽ gây các biến chứng sức khỏe về sau cho trẻ. Một trong những dấu hiệu điển hình của viêm phổi ở trẻ sơ sinh là thở nhanh.

1. Thở nhanh ở trẻ sơ sinh nguy hiểm thế nào?

Triệu chứng thở nhanh được phát hiện thông qua cách đếm nhịp thở của trẻ, cùng với quan sát lồng ngực di động khi trẻ thở. Thở nhanh được đánh giá là dấu hiệu lâm sàng có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất ở trẻ.

Triệu chứng thở gấp ở trẻ em được Tổ chức Y tế thế giới xác định như sau:

  • Từ 60 lần/ phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi
  • Từ 50 lần/phút với trẻ 2 tháng - 12 tháng tuổi
  • Từ 40 lần/phút với trẻ 1-5 tuổi
Thở nhanh - một trong những dấu hiệu cảnh báo viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Thở nhanh là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi hay gặp ở trẻ sơ sinh

Bình thường khi hít vào thở ra được tính là một nhịp thở. Cha mẹ cần chú ý đếm nhịp thở của trẻ khi con nằm yên, không gắng sức. Đối với trẻ sơ sinh thì đếm khi trẻ không trong tình trạng sợ hãi, quấy khóc. Có thể dùng đồng hồ có kim giây để đếm nhịp thở và đếm trong vòng 1 phút, không được tùy tiện đếm nhanh trong 15 giây rồi nhân lên cho 4 vì nhịp thở của trẻ sơ sinh không đều ( có cơn ngừng thở ngắn) chính vì vậy đếm không đủ 1 phút thì đánh giá nhịp thở trong 1 phút là không chính xác.

Triệu chứng thở nhanh ở trẻ sơ sinh từ 0- 12 tháng tuổi là có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Khi đếm nhịp thở cần lưu ý nhìn vào bụng hoặc lồng ngực của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi thường có nhịp thở không đều, vì vậy nếu đếm lần 1 thấy nhịp thở lớn hơn 60 lần/phút thì nên đếm lại lần 2. Nếu kết quả vẫn hơn 60 lần/phút thì mới có thể xác định trẻ thở nhanh.

Thở nhanh là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 1-3 tuổi. Đối với trẻ trên 3 tuổi thì độ nhạy của dấu hiệu thở nhanh lại tương đối thấp. Với trẻ dưới 1 tuổi mà nhịp thở trên 70 lần một phút thì thường là triệu chứng của viêm phổi nặng.

2. Các biểu hiện khác của viêm phổi ở trẻ sơ sinh

2.1 Rút lõm lồng ngực

Cùng với biểu hiện thở gấp ở trẻ em, cha mẹ có thể dễ dàng nhận dấu hiệu rút lõm lồng ngực ở trẻ. Bình thường khi trẻ hít vào, không khí vào phổi làm lồng ngực căng phồng ra. Nhưng nếu trẻ hít vào thấy phần lồng ngực dưới ở chỗ tiếp giáp với ngực bị lõm thì đó là biểu hiện bất thường báo hiệu triệu chứng của viêm phổi ở trẻ.

Cụ thể rút lõm lồng ngực là dấu hiệu xảy ra khi phần dưới của lồng ngực ở ranh giới giữa ngực và bụng bị lõm xuống khi trẻ hít vào. Nhưng nếu chỉ thấy dấu hiệu các khe liên sườn co rút, hoặc bên trên xương đòn thì không phải dấu hiệu của rút lõm lồng ngực.

Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi có dấu hiệu rút lõm lồng ngực ở mức độ nhẹ là biểu hiện bình thường vì thành ngực còn mềm. Nhưng nếu dấu hiệu rút lõm nặng, sâu thì là dấu hiệu của viêm phổi nặng ở trẻ sơ sinh.

2.2 Tiếng thở rít, khò khè

Tiếng thở rít xảy ra ở trẻ khi bị viêm thanh quản, nắp thanh quản bị phù nề, gây nên sự co thắt, hẹp lại, cản trở thông khí ở phổi. Sự co thắt và tắc nghẽn ở phế quản nhỏ khiến tiếng thở của trẻ khò khè. Cha mẹ cần ghé sát miệng trẻ để nghe, đồng thời quan sát nhịp thở của trẻ thì mới có thể phát hiện dấu hiệu thở khò khè và có tiếng rít trong khi thở.

tho-nhanh-o-tre-2
Tiếng thở rít xảy ra ở trẻ khi bị viêm thanh quản

Ngoài ra trẻ bị viêm phổi sẽ có các dấu hiệu đi kèm khác như sốt cao, luôn luôn khò khè thở; các biểu hiện lâm sàng như có thể thấy cánh mũi trẻ bị phập phồng, thở rên, bú kém, kích thích... Các biểu hiện này có thể thay đổi tùy vào từng độ tuổi của trẻ.

Một số trường hợp trẻ có biểu hiện như ho, chảy mũi, thở bằng miệng, sốt... và không có dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, thở rít thì nhiều khả năng trẻ không bị viêm phổi mà chỉ bị ho cảm thông thường.

Nhìn chung để phát hiện viêm phổi, triệu chứng chính cha mẹ cần để ý phát hiện ở trẻ là thở nhanh, rút lõm lồng ngực, thở rít, khò khè. Cần cho trẻ đến bệnh viện ngay nếu có biểu hiện này để được điều trị viêm phổi kịp thời. Nếu cha mẹ chủ quan với các biểu hiện này của trẻ, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh sẽ khiến viêm phổi nặng, khó điều trị dứt điểm và gây ra những biến chứng nguy hiểm, dai dẳng cho sức khỏe của trẻ về sau. Đặc biệt, bố mẹ cũng nên lưu ý tiêm phòng cho con đúng lịch để nâng cao sức đề kháng với căn bệnh này.

Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp thậm chí tử vong. Vì vậy, ngay khi trẻ xuất hiện hiện tượng thở nhanh, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức để được các bác sĩ chuyên khoa nhi khám và điều trị sớm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện hàng đầu về Nhi khoa quy tụ đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu thường xuyên, liên tục với các chuyên gia Nhi hàng đầu quốc tế. Khoa Nhi tại Vinmec cũng là một trong số ít bệnh viện có đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa về hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tim mạch, tâm lý, dinh dưỡng, gan mật.... và có sự hỗ trợ của các chuyên khoa chuyên sâu đặc thù khác điển hình là Y học tái tạo trong việc điều trị và phục hồi cho trẻ tự kỷ, bại não. Vì vậy, ngay khi thấy bé có biểu hiện thở nhanh, hãy đặt lịch khám cho bé tại website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

192.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan