Thận trọng nếu mắc sốt xuất huyết trong thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Ổ dịch sốt xuất huyết thường lan truyền thông qua đường muỗi đốt. Trong nhiều trường hợp bệnh có biểu hiện giống cúm nhẹ, một số trường hợp khác lại có triệu chứng và diễn tiến phức tạp như sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến suy tuần hoàn do giảm thể tích, rối loạn đông máu, và suy đa phủ tạng....Nếu không may bị sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ lẫn thai nhi.

1. Các giai đoạn của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh có diễn biến nhanh và đa dạng, chia ra làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn sốt (Mức độ nhẹ): Là thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết: Người bệnh có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục. Cảm giác nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau nhức cơ, khớp, nhức hai hố mắt. Có thể chảy máu dưới da (da sung huyết), chảy máu chân răng, chảy máu cam. Cơ thể mệt mỏi kiệt sức.
  • Giai đoạn nguy hiểm (Mức độ nặng): Thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt, có thể có các biểu hiện sau: vật vã hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp, tiểu ít. Xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, lợi; tiểu ra máu, ra máu âm đạo bất thường). Cận lâm sàng: máu cô đặc, tiểu cầu giảm, men gan tăng. Trong trường hợp nặng có dấu hiệu rối loạn đông máu.
  • Giai đoạn hồi phục: Qua 1 - 2 ngày của giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân dần hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định, tiểu nhiều.
Ở giai đoạn phục hồi tâm trạng thai phụ sẽ tốt lên và có cảm giác thèm ăn
Ở giai đoạn phục hồi tâm trạng bệnh nhân sẽ dần tốt lên, thèm ăn

Ngoài các dấu hiệu trên, phụ nữ có thai cần lưu ý thêm các dấu hiệu: thai ít máy, ra máu âm đạo, đau bụng cơn và bụng co cứng liên tục, đau dữ dội có thể là triệu chứng của suy thai, rau bong non, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân. Trong lúc chuyển dạ trẻ có thể bị suy thai cấp, khi người mẹ có chỉ định sinh mổ thì có nguy có chảy máu nặng đe dọa đến tính mạng.

Trong lúc chuyển dạ, nếu mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai có thể em bé sẽ bị sốt trong 1-2 tuần tuổi, gây nhiều khó khăn cho việc điều trị. Em bé sinh ra nếu có những dấu hiệu sau thì cần đặc biệt lưu ý: sốt cao từ 40 độ trở lên hoặc hạ nhiệt độ dưới 36 độ, cáu gắt, kích động hoặc li bì, phát ban, bỏ bú...

2. Sốt xuất huyết khi mang thai có nguy hiểm không?

Sốt xuất huyết khi mang thai được nhận định là tình trạng nguy hiểm cần được theo dõi và xử lý kịp thời do nhiều nguyên nhân:

  • Cơ thể phụ nữ đang mang thai có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh hơn, tình trạng bệnh có thể nguy hiểm hơn so với người khác.
  • Gia tăng nguy cơ mắc tiền sản giật.
  • Tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu ở những tháng đầu thai kỳ.
  • Tăng nguy cơ sinh non.
  • Ở thời điểm cuối thai kỳ và trong quá trình chuyển dạ, có thể gây xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh có nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con.

3. Làm gì khi bị sốt xuất huyết khi mang thai?

Do không có vắc-xin dự phòng sốt xuất huyết Dengue cho phụ nữ mang thai và không có thuốc điều trị đặc hiệu nên ta chỉ có thể tập trung điều trị triệu chứng.

  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, thai phụ cần đi khám để có chỉ định điều trị. Cụ thể:
    • Cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán sớm bệnh, đưa ra phương hướng điều trị càng sớm càng tốt.
    • Điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người nên không được tự ý mua thuốc sử dụng thuốc trong thời gian mang thai.
  • Đối với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi trong vòng vài ngày và có thể điều trị, theo dõi bệnh tại nhà.
  • Đối với trường hợp vừa và nặng, thai phụ phải được điều trị ở bệnh viện chuyên khoa lây hoặc khoa hồi sức có kết hợp với sản khoa.
    • Nếu sốt cao >39 độ, cần hạ sốt bằng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng (thuốc hạ sốt Paracetamol có thể dùng cho phụ nữ có thai), nới lỏng quần áo, chườm mát. Nếu sốt <39 độ chưa cần dùng thuốc, chỉ cần uống nhiều nước, sữa, nước hoa quả và chườm mát, mặc thoáng mát. Người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại ở mức tối đa.
    • Về chế độ ăn, nên ăn lỏng như cháo, súp để giúp dễ tiêu và cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giảm cảm giác chán ăn.
Khi bị sốt xuất huyết thai phụ nên ăn đồ ăn lỏng để dễ tiêu
Khi bị sốt xuất huyết thai phụ nên ăn đồ ăn lỏng cho dễ tiêu

Thai phụ cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh quá lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu đã gần kỳ sinh nở mà đang bệnh, nên sắp xếp để đi sinh tại bệnh viện phụ sản lớn, bệnh viện tuyến tỉnh - nơi có đầy đủ phương tiện và nhân lực để ứng phó với các tình huống xấu.

Lưu ý: Nếu bị sốt xuất huyết khi mang thai, thai phụ và gia đình không tự động truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Không dùng các thuốc hạ sốt khác không phải paracetamol (nếu dùng phải hỏi bác sĩ). Trong quá trình điều trị cần theo dõi ở các khoa cấp cứu hoặc khoa lây và có sự kết hợp chuyên môn của bác sĩ sản khoa. Sốt xuất huyết khi chuyển dạ là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ băng huyết sau sinh và có thể tử vong.

4. Cách dự phòng sốt xuất huyết khi mang thai

  • Để ngăn ngừa ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát, cách tốt mọi người nên chủ động phòng bệnh trong mùa mưa, vệ sinh môi trường sống, phun thuốc định kỳ để diệt trừ các mầm mống gây bệnh như muỗi, lăng quăng, bọ gậy...
  • Thai phụ nên mặc áo dài tay, quần dài, sử dụng thuốc bôi chống muỗi để tránh bị đốt, khi ngủ cũng nên mắc màn kể cả ban ngày.
  • Trong gia đình nên lắp sẵn tấm lưới che cửa ra vào và cửa sổ ngăn muỗi, thường xuyên khai quang vệ sinh môi trường sống. Tránh để nước đọng trong và xung quanh nhà; chum, vại, các chai lọ, có nước để lâu không nắp... đều là những môi trường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi gây bệnh.
  • Thai phụ cũng nên tránh đi nghỉ ở vùng có nhiều ao tù nước đọng hay rừng rậm có nhiều muỗi.

Sốt xuất huyết khi mang thai rất nguy hiểm vì có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi, nếu khi chuyển dạ mất máu nhiều có nguy cơ tử vong mẹ và bé. Chính vì vậy khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết bà bầu nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và theo dõi bệnh. Chủ động phòng muỗi đốt là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất, bà bầu nên chủ động phòng tránh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan