Hóa trị trong điều trị ung thư cổ tử cung

Hóa trị là phương pháp tiêm tĩnh mạch hoặc uống các loại thuốc chống ung thư để chúng đi vào máu và tiêu diệt tế bào ung thư ở hầu hết các bộ phận cơ thể. Không phải tất cả bệnh nhân đều cần hóa trị, nhưng có một số trường hợp nên điều trị ung thư cổ tử cung bằng cách này.

1. Khi nào cần hóa trị ung thư cổ tử cung?

1.1. Hóa trị ung thư cổ tử cung là một phần của phương pháp điều trị chính

Trong một số giai đoạn diễn tiến của bệnh, phương pháp điều trị ưu tiên là hoá xạ trị ung thư cổ tử cung (được gọi là hóa trị đồng thời). Khi thực hiện xạ trị và hóa trị cùng nhau, hóa chất sẽ giúp tia bức xạ hoạt động tốt hơn. Các hình thức hoá xạ trị ung thư cổ tử cung đồng thời bao gồm:

  • Tiêm Cisplatin hàng tuần trong quá trình xạ trị: Thuốc này được tiêm vào tĩnh mạch (IV) trước khi xạ trị. Nếu dùng cisplatin không thích hợp, bác sĩ có thể thay thế bằng carboplatin.
  • Cisplatin kết hợp với 5-fluorouracil (5-FU), cứ cách 3 tuần tiêm một lần trong suốt quá trình xạ trị.

1.2. Hóa trị ung thư cổ tử cung đã di căn hoặc tái phát sau khi điều trị

Liệu pháp này có khả năng điều trị ung thư cổ tử cung đã di căn đến các cơ quan và mô khác (ung thư cổ tử cung tiến triển). Hóa trị cũng có thể hữu ích khi bệnh tái phát dù đã hoá xạ trị ung thư cổ tử cung (ung thư cổ tử cung tái phát).

Các loại thuốc hóa trị thường được sử dụng (đơn lẻ hoặc kết hợp) để điều trị ung thư cổ tử cung đã tái phát hoặc lây lan sang các khu vực khác bao gồm:

  • Cisplatin
  • Carboplatin
  • Paclitaxel (Taxol)
  • Topotecan.

Một số loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như: docetaxel (Taxotere), ifosfamide (Ifex), 5-fluorouracil (5-FU), irinotecan (Camptosar), gemcitabine (Gemzar) và mitomycin.

Ngoài ra, một loại thuốc nhắm mục tiêu có tên Bevacizumab (Avastin) cũng có thể được dùng khi hóa trị ung thư cổ tử cung.

2. Các bước tiến hành hóa trị

Thuốc hóa chất điều trị ung thư cổ tử cung thường được tiêm vào tĩnh mạch (IV) trong vài phút hoặc truyền chậm trong thời gian dài hơn. Quy trình này sẽ được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ, trung tâm y tế truyền dịch hoặc trong bệnh viện.

Hóa chất sẽ được tiêm theo chu kỳ, sau đó là thời gian nghỉ ngơi để bệnh nhân phục hồi sau tác dụng của thuốc. Chu kỳ thường kéo dài hàng tuần hoặc 3 tuần. Lịch trình sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Ví dụ, một vài loại thuốc hóa trị chỉ được tiêm vào ngày đầu tiên của chu kỳ, số khác lại được tiêm trong vài ngày liên tiếp hoặc 1 lần/ tuần. Sau đó vào cuối chu kỳ, lịch hóa trị ung thư cổ tử cung sẽ lặp lại để bắt đầu chu kỳ tiếp theo.

Đôi khi, các bác sĩ cần dùng đường truyền lớn hơn và cứng hơn để truyền hóa chất. Dụng cụ này được gọi là ống thông tĩnh mạch trung tâm (CVC)/ thiết bị tiếp cận tĩnh mạch trung tâm (CVAD)/ đường truyền trung tâm,... với chức năng đưa thuốc/ máu/ chất dinh dưỡng hoặc chất lỏng vào máu của người bệnh. Ống thông này cũng có thể dùng để lấy máu xét nghiệm. Có nhiều loại ống thông tĩnh mạch trung tâm (CVC) khác nhau, phổ biến nhất là cổng (port) và đường PICC.

Nhiễm HPV có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung không
Hóa trị ung thư cổ tử cung là phương pháp nhằm tiêu diệt tế bào ung thư qua đường máu

3. Tác dụng phụ khi hóa trị ung thư cổ tử cung

Thuốc hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng làm tổn hại đến một số tế bào bình thường, dẫn đến tác dụng phụ nhất định. Các tác dụng phụ sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại và liều lượng của thuốc, cũng như khoảng thời gian người bệnh hóa trị ung thư cổ tử cung. Nhiều tác dụng phụ xảy ra trong thời gian ngắn và biến mất sau khi kết thúc điều trị, nhưng một số có thể kéo dài hoặc thậm chí tồn tại vĩnh viễn. Điều quan trọng là phải báo cho nhân viên y tế biết nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào để được hướng dẫn cách kiểm soát.

Các tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp khi hóa trị có thể bao gồm:

  • Buồn nôn và ói mửa
  • Ăn mất ngon
  • Rụng tóc
  • Lở miệng
  • Mệt mỏi, chóng mặt

Bởi vì hóa trị có thể làm tổn hại các tế bào sản xuất máu của tủy xương, làm giảm số lượng tế bào máu, nên có thể dẫn đến:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng do thiếu tế bào bạch cầu (giảm bạch cầu trung tính)
  • Chảy máu hoặc bầm tím sau vết thương nhỏ hoặc chấn thương vì thiếu tiểu cầu trong máu (giảm tiểu cầu)
  • Khó thở hoặc mệt mỏi do số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu)

Kết hợp hoá xạ trị ung thư cổ tử cung thường dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Tình trạng buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy và các vấn đề liên quan đến công thức máu kể trên cũng sẽ nặng hơn.

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ theo dõi các tác dụng phụ và có thể cung cấp những loại thuốc để ngăn ngừa hoặc điều trị, giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn. Ví dụ, bạn có thể được cung cấp các loại thuốc để ngăn ngừa hoặc giảm buồn nôn và nôn.

Các tác dụng phụ lâu dài của hóa trị ung thư cổ tử cung có thể bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Đối với những phụ nữ trẻ chưa cắt bỏ tử cung trong quá trình điều trị, rối loạn kinh nguyệt là tác dụng phụ thường gặp khi hóa trị. Nhưng ngay cả khi kỳ kinh đã ngừng lại trong lúc đang hóa trị, bạn vẫn có thể mang thai. Mang thai trong khi tiêm hóa chất là không an toàn, vì có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và cản trở việc điều trị. Vì vậy, phụ nữ chưa mãn kinh và đang sinh hoạt tình dục phải thảo luận với bác sĩ về những cách kiểm soát sinh sản trước khi điều trị. Những bệnh nhân đã kết thúc điều trị thường có thể tiếp tục có con, nhưng điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về thời điểm mang thai an toàn.
  • Mãn kinh sớm và vô sinh (có thể là vĩnh viễn): Một số loại thuốc hóa trị nhất định có nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ này. Khi được hóa trị, phụ nữ càng lớn tuổi càng dễ bị vô sinh hoặc mãn kinh, kéo theo tăng nguy cơ mất xương và loãng xương. Các vấn đề về mất xương vẫn có thể điều trị hoặc ngăn ngừa được bằng những loại thuốc có sẵn.
  • Bệnh thần kinh: Một số loại thuốc điều trị ung thư cổ tử cung - như paclitaxel và cisplatin, có thể làm tổn thương các dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống. Tổn thương đôi khi cũng có thể dẫn đến bệnh lý thần kinh ngoại vi với các triệu chứng như: tê, đau, nóng rát hoặc cảm giác ngứa ran, nhạy cảm với nóng/ lạnh, yếu ở bàn tay và bàn chân. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ thuyên giảm hoặc thậm chí hết hẳn sau khi ngừng điều trị. Tuy nhiên một số phụ nữ cũng có thể tiếp tục mắc bệnh lý thần kinh một thời gian dài.
  • Độc tính trên thận: Cisplatin - loại thuốc hóa trị chính trong điều trị ung thư cổ tử cung, có thể gây hại cho thận. Nhiều loại tổn thương có thể ngăn ngừa và phục hồi được, nhưng đôi khi cũng để lại hậu quả lâu dài. Thông thường tình trạng này không biểu hiện triệu chứng, nhưng có thể phát hiện qua xét nghiệm máu (thực hiện thường xuyên trong quá trình hóa trị). Nếu xảy ra tổn thương thận, bác sĩ thường ngừng dùng cisplatin và có thể thay thế bằng carboplatin.

Ngoài ra còn có những triệu chứng không mong muốn khác, bạn có thể hỏi nhân viên y tế về tác dụng phụ tiềm ẩn của các loại thuốc hóa trị ung thư cổ tử cung cụ thể mà bạn đang dùng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer.org, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan