Hướng dẫn bằng hình ảnh về ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung

Ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung (UPSC) là một dạng ung thư nội mạc tử cung hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp mắc ung thư tử cung. Bệnh có thể lây lan nhanh, tái phát trở lại sau khi điều trị dù được phát hiện sớm. Bệnh gây ra khoảng 40% các trường hợp tử vong do ung thư nội mạc tử cung.

1. Nguyên nhân, triệu chứng ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung

Bệnh còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ cổ tử cung hoặc ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh phổ biến ở phụ nữ da đen, có cân nặng bình thường và sau mãn kinh. Có một số đột biến gen làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Phụ nữ mắc bệnh này cũng thường có người thân bị ung thư nội mạc tử cung, buồng trứng và tuyến tụy.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là chảy máu sau mãn kinh. Nếu mắc loại ung thư này, bệnh nhân cũng có thể bị đau sau khi quan hệ tình dục, đau bụng và sụt cân không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có xét nghiệm Pap bất thường khi đi khám phụ khoa định kỳ.

2. Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể lấy 1 mẫu mô từ nội mạc tử cung và đem đi sinh thiết nhằm phát hiện ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Siêu âm vùng chậu là 1 cách khác để chẩn đoán bệnh. Hình ảnh quét được đo độ dày của 1 đường sọc trong tử cung có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh.

Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung
Siêu âm vùng chậu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung

3. Điều trị ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung

3.1 Phẫu thuật mở bụng

Phân giai đoạn khối u: Bệnh nhân mắc UPSC thường không phát hiện các triệu chứng cho tới khi ung thư đã lan ra ngoài tử cung. Khi đó, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật mở ổ bụng để kiểm tra các cơ quan xung quanh xem ung thư đã di căn chưa - phân giai đoạn khối u.

Sinh thiết: Trong khi phẫu thuật mở bụng, bác sĩ sẽ lấy các mẫu mô và hạch bạch huyết để sinh thiết. Bệnh nhân cũng có thể được rửa vùng chậu. Bác sĩ phẫu thuật lựa chọn phương pháp nội soi ít xâm lấn hơn.

Cắt bỏ tử cung: Việc điều trị ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung bắt đầu bằng việc cắt bỏ tử cung. Bác sĩ đồng thời sẽ loại bỏ cả ống dẫn trứng, buồng trứng, các mô có thể bị ảnh hưởng bởi ung thư và các hạch bạch huyết. Nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn II, bệnh nhân có thể bị cắt bỏ cổ tử cung và phần trên của âm đạo.

3.2 Xạ trị

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng xạ trị. Bác sĩ sẽ sử dụng tia bức xạ để điều trị ung thư tại chỗ hoặc ngăn ngừa ung thư tái phát. Tuy nhiên, xạ trị không hiệu quả như 1 phương pháp điều trị độc lập. Bác sĩ có thể sử dụng tia bức xạ bên ngoài hoặc cận xạ trị (xạ trị trong). Cận xạ trị là việc đặt 1 xi lanh phóng xạ cực nhỏ vào âm đạo nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ cũng có thể kết hợp xạ trị ngoài và xạ trị trong.

3.3 Hóa trị

Ngay cả trong giai đoạn đầu của bệnh UPSC, các bác sĩ có thể sử dụng hóa trị liệu để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật. Các thuốc được sử dụng để trị bệnh giai đoạn đầu gồm Cisplatin và Carboplatin kết hợp với Paclitaxel. Đôi khi, bác sĩ cũng đề nghị hóa trị và xạ trị cùng lúc hoặc theo chu kỳ của cả 2 phương pháp điều trị.

Hóa trị
Hóa trị được ứng dụng trong điều trị ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung

3.4 Liệu pháp nhắm mục tiêu

Ở khoảng 30% phụ nữ mắc ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung, 1 gen là HER2/neu tạo ra quá nhiều bản sao của chính nó. Các bác sĩ sử dụng thuốc trastuzumab (Herceptin) nhắm vào HER2/neu để ngăn chặn. Khi kết hợp sử dụng thuốc này với hóa trị, giúp phụ nữ mắc bệnh sống lâu hơn, bệnh tiến triển chậm hơn.

Ngoài ra, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu thêm các loại thuốc điều trị nhắm mục tiêu khác để trị bệnh. Pertuzumab (Perjeta) có thể có tác dụng tốt hơn so với trastuzumab. Lapatinib (Tykerb) ngăn chặn HER2 và có thể ngăn chặn sự phát triển của khối u ác tính.

4. Lưu ý sau khi điều trị ung thư biểu mô tại chỗ cổ tử cung

Sau khi điều trị UPSC, bệnh nhân nên gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra xem bệnh có tái phát hay không, kiểm tra sức khỏe tổng thể. Nếu thấy bị chảy máu từ âm đạo hoặc trực tràng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau vùng chậu, phù chân hoặc bụng sưng phồng, bị ho hoặc khó thở,... bạn nên gọi cho bác sĩ ngay.

Bệnh ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung có tỷ lệ tái phát khá cao, kể cả khi được phát hiện sớm. Có khoảng 30 - 80% bệnh nhân mắc UPSC ở giai đoạn I và II bị tái phát. Bệnh nhân và bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị dựa trên vị trí của khối u ác tính và mức độ di căn. Ngoài ra, người bệnh có thể lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau khi điều trị UPSC, người bệnh nên duy trì một lối sống lành mạnh, ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, không hút thuốc, không uống rượu bia,... Đồng thời, bạn nên chú ý tập thể dục nhiều hơn để phục hồi sau khi điều trị ung thư, tăng cường sức khỏe, giảm mệt mỏi và căng thẳng. Bạn có thể bắt đầu từ từ rồi nâng cao dần mức độ hoạt động nếu cảm thấy thích hợp.

Ung thư biểu mô tế bào nhú tử cung là loại ung thư khá nguy hiểm với tỷ lệ tái phát rất cao. Vì vậy, dù được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn cần tuân thủ tốt mọi chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh thật tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

216 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan