U nguyên bào thần kinh ở người lớn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

U nguyên bào thần kinh là một loại u ác tính rất hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhưng lại ít nghe thấy u nguyên bào thần kinh ở người lớn. Vậy u nguyên bào thần kinh có gặp ở người lớn hay không, cần lưu tâm đến những điều gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. U nguyên bào thần kinh là gì?

U nguyên bào thần kinh (neuroblastoma) là một loại khối u rắn ác tính bắt nguồn từ các tế bào thần kinh của trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Nó có thể khởi đầu ở các mô thần kinh gần khu vực cột sống cổ, ngực, bụng và khung chậu, nhưng thông thường nhất nó sẽ xuất hiện đầu tiên ở tuyến thượng thận (mỗi người có hai tuyến thượng thận, là các tuyến nằm ở cực trên của hai thận, giữ vai trò sản xuất ra các nội tiết tố giúp kiểm soát hoạt động của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim và huyết áp).

Nguyên bào thần kinh là các tế bào thần kinh chưa trưởng thành ở bào thai. Bình thường nguyên bào thần kinh phát triển trưởng thành, biệt hóa thành tế bào thần kinh hoặc tế bào tủy thượng thận (là các tế bào nằm ở vùng trung tâm của tuyến thượng thận). U nguyên bào thần kinh hình thành khi nguyên bào thần kinh không phát triển như bình thường.

Đôi khi, trẻ sơ sinh ra đời khi vẫn còn một số nguyên bào thần kinh, nhưng chúng cuối cùng vẫn trưởng thành, biệt hóa thành các tế bào thần kinh bình thường mà không bị ung thư hóa. Một nguyên bào thần kinh không trưởng thành có thể tiếp tục phát triển, lớn lên, hình thành khối bất thường gọi là khối u.

U nguyên bào thần kinh thường gặp nhất ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nó có thể hình thành từ thời kỳ bào thai, và đôi khi được phát hiện thông qua siêu âm thai. Tuy nhiên phần lớn trường hợp u nguyên bào thần kinh chỉ được phát hiện sau khi ung thư đã di căn tới các phần khác của cơ thể, chẳng hạn như hạch bạch huyết, gan, phổi, xương, và tủy xương.

U nguyên bào thần kinh chiếm khoảng 6% tổng số trường hợp ung thư ở trẻ em trên toàn Hoa Kỳ, và tới 90% tổng số trường hợp mắc u nguyên bào thần kinh được phát hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi. U nguyên bào thần kinh khá hiếm gặp (<10%) ở trẻ em trên 10 tuổi, và tương tự, u nguyên bào thần kinh ở người lớn là cực kì hiếm gặp.

u-nguyen-bao-kinh-o-nguoi-lon-1
U nguyên bào thần kinh thường gặp nhất ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Với u nguyên bào thần kinh nguy cơ trung bình, tỉ lệ sống của trẻ sau 5 năm là từ 90% tới 95%. Đối với u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, tỉ lệ sống sau 5 năm của trẻ chỉ còn khoảng 40% - 50%. Như vậy những trẻ mắc u nguyên bào thần kinh hoàn toàn có cơ hội để có thể vượt qua ung thư và lớn lên, sau này trở thành người trưởng thành, tuy nhiên những người này là những người sống sót sau ung thư, do đó vẫn cần có những chú ý riêng biệt.

2. Trở thành người sống sót sau u nguyên bào thần kinh

Trong quá trình điều trị u nguyên bào thần kinh, mối quan tâm lớn nhất đối với đa số gia đình là sinh hoạt hàng ngày trong quá trình điều trị để chiến thắng ung thư, nhưng sau khi điều trị thành công, mối quan tâm dần chuyển sang các ảnh hưởng lâu dài của u nguyên bào thần kinh và của quá trình điều trị, đặc biệt là nguy cơ tái phát u nguyên bào thần kinh.

Bất kỳ bệnh nhân và gia đình nào cũng muốn quay lại cuộc sống bình thường, đưa u nguyên bào thần kinh và quá trình điều trị lùi vào quá khứ, nhưng muốn làm được như vậy thì những chăm sóc, theo dõi sau điều trị cần được tuân thủ, để bệnh nhân có được cơ hội hồi phục tốt và lớn lên thành người trưởng thành bình thường.

3. Quá trình theo dõi sau khi điều trị

Sau khi điều trị, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm theo dõi cũng như thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết để xem khối u có còn tồn tại hay không. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thực hiện sẽ dựa trên nhóm nguy cơ, kích thước và vị trí khối u, cũng như các yếu tố nguy cơ khác.

U nguyên bào thần kinh có thể tái phát, do đó bệnh nhân nên tuân thủ đầy đủ các lần tái khám cũng như cần thông báo cho bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng mới nào. Thời gian đầu sau điều trị, số lần tái khám cũng như các xét nghiệm cần làm sẽ nhiều hơn so với sau khi bệnh đã ổn định được một thời gian. Tần suất tái khám và theo dõi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến độ lan rộng của bệnh, các điều trị trước đây như xạ trị, hóa trị,...

u-nguyen-bao-kinh-o-nguoi-lon-2
Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên

4. Có cách nào làm giảm nguy cơ tái phát u nguyên bào thần kinh ở người lớn?

Cho đến hiện nay, chưa có bằng chứng rõ ràng cho bất kì yếu tố hay hành vi nào có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát u nguyên bào thần kinh ở người trưởng thành đã từng trải qua căn bệnh này. Tuy nhiên khi bệnh nhân lớn lên và trở thành người trưởng thành, duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, giữ cân nặng ở mức hợp lý dù chưa chứng minh được khả năng làm giảm nguy cơ tái phát, nhưng chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, cũng như giúp hạn chế mắc một số loại ung thư khác.

5. Những vấn đề cảm xúc và xã hội ở người trải qua u nguyên bào thần kinh

Thời điểm chẩn đoán u nguyên bào thần kinh có thể gây khủng hoảng cho cả gia đình bệnh nhân. Nếu bệnh nhân còn nhỏ tuổi, có thể bệnh nhân sẽ không lưu giữ được nhiều kí ức về quá trình điều trị và chiến thắng căn bệnh. Đối với những trẻ lớn hơn, trẻ sẽ có nhiều khó khăn, như trẻ cần nghỉ học, không được tham gia các hoạt động ưa thích, sợ hãi điều trị, bị ám ảnh về căn bệnh của bản thân,... Do đó cần có những trợ giúp từ phía chuyên gia y tế, từ gia đình và xã hội để giúp các bệnh nhân vượt qua bệnh tật và hòa nhập trở lại với cuộc sống, phát triển thành người trưởng thành bình thường như những người khác.

Những người trưởng thành sống sót sau khi mắc u nguyên bào thần kinh cần chấp nhận một thực tế là căn bệnh có thể sẽ tái phát, và do đó họ cần được chuẩn bị tâm lý để đối diện với tình huống đó khi nó trở thành sự thật, cùng những vấn đề phát sinh kèm theo như vấn đề tài chính, người chăm sóc, cần phải xin tạm nghỉ việc để điều trị, nguy cơ thất nghiệp,... Đó là những gánh nặng thực sự, và không có cách nào tốt hơn là lên sẵn kế hoạch và chuẩn bị tâm lý để đối diện và giải quyết nó. Bảo hiểm là một trong những phương án nên được tính đến để giúp đỡ đi một phần gánh nặng khi tình huống khó khăn xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cancer.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan