Vệ sinh ngoài da đúng cách cho trẻ nhỏ bị thủy đậu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Người bệnh thủy đậu bị ngứa là biểu hiện rất thường gặp, với đặc điểm là các tổn thương dạng phỏng nước trên da và niêm mạc, bệnh nếu không được điều trị kịp thời và vệ sinh đúng cách thì sẽ rất dễ gây biến chứng viêm da và làm tăng độ trầm trọng của bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan do vi rút Varicella-zoster (VZV) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em, vào mùa đông - xuân. Khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh từ 10 - 14 ngày trước khi phát bệnh. Nó gây ra phát ban giống như phồng rộp, ngứa, mệt và sốt. Thủy đậu có thể nghiêm trọng đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, người lớn và những người có hệ miễn dịch kém.

Nó lây lan dễ dàng từ người nhiễm bệnh sang người khác chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa bao giờ tiêm vắc-xin thủy đậu. Khi một người mang vi rút thủy đậu nói, hắt hơi chảy nước mũi hoặc ho... thì các vi rút đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi và người khác hít phải những hạt bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bên cạnh đó, vi rút này có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu khi bong ra và tồn tại trong không khí nên bệnh cũng có thể lây lan từ dịch của nốt phỏng thủy đậu. Mặt khác, bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gián tiếp với đồ vật, dụng cụ sinh hoạt có dính vi-rút gây bệnh. Một đường lây truyền khác là từ mẹ truyền sang thai nhi qua nhau thai hoặc khi sinh. Do đó, biện pháp phòng chống thủy đậu hiệu quả là tiêm phòng vắc-xin thủy đậu và vệ sinh ngoài da đúng cách để phòng lây lan bệnh thủy đậu cho trẻ nhỏ.

2. Bị bệnh thủy đậu có tắm được không?

Nguyên tắc trong việc điều trị bệnh thủy đậu là tránh để vết thương bị nhiễm trùng. Do đó, việc kiêng tắm sẽ khiến cho số ngày mắc bệnh tăng lên hoặc gây ra những nguy hiểm nhất định.

Nhiều cha mẹ cho rằng thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ. Đây là một quan niệm sai lầm. Vừa không tắm vừa mặc quá nhiều quần áo để tránh gió sẽ tạo cơ hội cho các ổ virus lan rộng. Nhất là khi thời tiết nóng, mồ hôi chảy xuống các nốt mụn nước nếu không được vệ sinh tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng, lở loét, viêm da bội nhiễm, nhiễm trùng huyết. Trong thời gian chăm sóc bệnh, nên giữ gìn vệ sinh thân thể bằng cách sử dụng nước ấm hoặc các dung dịch tắm sát khuẩn để tắm rửa. Không cọ xát da hoặc sử dụng xà phòng, chú ý không tắm lâu. Luôn để trẻ sống trong không gian thoáng đãng, tránh gió lộng và nắng gắt.

Tuyệt đối không được gãi để phòng ngừa vỡ mụn nước và dây phần dịch mủ ra các vùng da xung quanh. Ngoài ra, người bệnh cũng nên cắt móng tay và giữ tay sạch sẽ. Nếu trẻ nhỏ bị thủy đậu, bố mẹ nên sử dụng bao tay vải cho bé để tránh gây tổn thương đến các mụn nước. Rất nhiều trẻ còn bị thủy đậu trong miệng và phụ huynh cần phải vệ sinh răng miệng cho trẻ.

3. Chăm sóc trẻ bị thủy đậu

Thủy đậu bôi gì
Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc và vệ sinh thân thể một cách sạch sẽ

Quá trình chăm sóc trẻ bị thủy đậu cần được thực hiện cẩn thận, trẻ không những cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn cần được vệ sinh sạch sẽ cơ thể hàng ngày. Nước cam hoàn toàn tốt cho bệnh nhân thủy đậu do có chứa nhiều vitamin C để nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, nên với thắc mắc trẻ bị thủy đậu có uống nước cam được không thì câu trả lời là có.

Quá trình chế biến đồ ăn cho trẻ bị thủy đậu, nên kiêng đồ nếp và đồ tanh vì chúng có thể làm cho nốt mụn thủy đậu sưng tấy hơn. Ngoài ra cần hạn chế trẻ ăn đồ cay nóng, các món xào nhiều dầu mỡ để cơ thể chuyển hóa năng lượng tốt hơn.

Quá trình chăm sóc trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý:

  • Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn...
  • Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
  • Nên để người bệnh nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, học sinh phải nghỉ học).
  • Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: Khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.
  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰.
  • Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm.
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng
  • Trẻ cần được cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
  • Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Bổ sung thêm vitamin C

4. Trẻ bị thủy đậu bôi gì?

. Trẻ bị thủy đậu bôi gì?

Rất nhiều bậc phụ huynh không biết trẻ bị thủy đậu bôi gì, theo các bác sĩ chuyên khoa thì cha mẹ có thể sử dụng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ bọng nước ra.

Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt phỏng bị nhiễm trùng, có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh... Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.

Nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ thì nên đưa ngay đến các cơ sở y tế .

Tiêm phòng vacxin tại vinmec
Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu Varivax 0,5ml là cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất hiện nay

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan