Vì sao cần tiêm vắc-xin cúm định kỳ hàng năm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh cúm là bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều chủng loại virus cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Virus cúm liên tục biến đổi vì vậy việc tiêm phòng vắc-xin hàng năm là biện pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất.

1. Vắc-xin cúm có tác dụng trong bao lâu?

Khi tiêm vắc-xin cúm sẽ giúp sản sinh kháng thể bảo vệ cơ thể để chống lại virus cúm và thông thường vắc-xin sẽ phát huy tác dụng trong thời gian là dưới 1 năm. Mặt khác, virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên, các nhà nghiên cứu phải nghiên cứu và sản xuất vắc-xin cúm với những thành phần vắc-xin ngừa cúm được điều chỉnh phù hợp với chủng virus cúm đang lưu hành trên thế giới.

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm và rất dễ bùng phát thành dịch và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm xoangviêm tai và có khả năng làm người mắc bệnh dẫn đến tử vong. Vì vậy, tiêm chủng ngừa cúm hàng năm là khuyến nghị của các bác sĩ dành cho sức khoẻ của bạn.

2. Nên tiêm vắc-xin cúm vào thời điểm nào?

Tiêm vắc-xin
Tiêm vắc-xin cúm cho phụ nữ vào 3 tháng giữa thai kỳ

Chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm vắc-xin cúm mùa trước khi vào mùa cúm của năm đó và nên tiêm càng sớm càng tốt khi có vắc-xin của năm đó.

  • Ở Việt Nam, theo nghiên cứu dịch tễ học cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Nên tiêm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
  • Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang trong dịch cúm mùa mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ. Phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ biến chứng cao do cúm gây ra và vắc-xin cúm là vắc-xin bất hoạt nên có thể tiêm khi mang thai.
  • Bệnh cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong đó, trẻ em, phụ nữ có thai và người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi) dễ bị virus cúm tấn công nhất. Những đối tượng này nếu mắc cúm thì nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn.
  • Đối với trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus cúm nên tiêm vắc-xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

3. Đối tượng nào nên tiêm phòng cúm mùa?

Người trên 65 tuổi cũng cần tiêm vắc-xin
Người trên 60 tuổi cũng cần tiêm phòng cúm

Những đối tượng nên tiêm vắc xin cúm hàng năm:

  • Tất cả trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi.
  • Những người 50 tuổi trở lên.
  • Những người làm giúp việc gia đình.
  • Những người mắc các bệnh tim hay phổi mãn tính như hen suyễn hoặc bất kỳ bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
  • Những người tiếp xúc thường xuyên với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
  • Những người thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao chẳng hạn như nhân viên y tế...

4. Những ai không nên tiêm phòng cúm?

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, bạn không nên tiêm phòng cúm nếu:

  • Đã từng bị dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó.
  • Dị ứng với trứng.

Từng bị hội chứng Guillain-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.

5. Tác dụng phụ của vắc-xin phòng cúm?

Chỗ tiêm có thể bị sưng tấy sau khi tiêm.

Một số người có biểu hiện giống như cảm lạnh: hắt hơi, đau đầu, chảy nước mũi, viêm họng, ho và đau nhức mình mẩy 1-2 ngày sau khi tiêm phòng. Trong một số trường hợp có thể sốt nhẹ.

Điều quan trọng là nghĩ tới những lợi ích từ vắc-xin phòng cúm, từ đó sẽ thấy những tác dụng phụ này là có thể chấp nhận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan