Có thể bảo tồn các chi trong điều trị ung thư xương?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Thanh - Bác sĩ Phẫu thuật u xương và phần mềm - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương là một trong những mong muốn của bệnh nhân ung thư xương. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, ung thư xương được tiến hành phẫu thuật bảo tồn chi ( giữ lại chân, tay) ở 80-90% các trường hợp.

1. Vai trò của phẫu thuật trong điều trị bệnh ung thư xương

Phẫu thuật là một phương pháp quan trọng trong điều trị hầu hết các loại ung thư xương. Phẫu thuật trong điều trị ung thư xương thường bao gồm các loại sau:

  • Sinh thiết mẫu mô để chẩn đoán xác định ung thư xương
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính
  • Tạo hình lại các khuyết hổng xương, phần mềm sau khi cắt bỏ khối u.

Điều quan trọng là phải lên kế hoạch sinh thiết và phẫu thuật loại bỏ khối u, người thực hiện nên là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có kinh nghiệm thực hiện cả sinh thiết và phẫu thuật. Đảm bảo nguyên tắc lấy chính xác mô bệnh. Đồng thời không làm lây lan phát tán tế bào ung thư.

Phẫu thuật bảo tồn
Hình ảnh minh hoạ đường sinh thiết tiêu chuẩn

Mục tiêu chính của phẫu thuật là loại bỏ tất cả các khối u ác tính. Nếu chỉ để lại một lượng nhỏ tế bào ung thư, nó cũng có thể phát triển và tạo thành một khối u mới, thậm chí có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Để giảm nguy cơ này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u cùng với một số mô bình thường xung quanh nó. Đây được gọi là phương pháp phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi.

Sau khi phẫu thuật, các mô bệnh được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh để xem xét, đánh giá rìa ngoài mẫu mô có tế bào ung thư hay không. Nếu các tế bào ung thư được nhìn thấy ở các rìa của mô, có nghĩa là một số tế bào ung thư đã bị bỏ sót. Khi không có tế bào ung thư nào được nhìn thấy ở rìa mô, rìa được cho là âm tính, sạch hoặc trong. Việc cắt bỏ khối u rộng rãi với vùng mép sạch sẽ giúp hạn chế nguy cơ ung thư tái phát.

cách điều trị ung thư xương
Phẫu thuật là một phương pháp quan trọng trong cách điều trị ung thư xương

Sau khi cắt bỏ khối u để lại khuyết hổng lớn. Các bác sĩ sẽ dựng hình 3D các khuyết hổng này. Căn cứ vào dữ liệu đó lên kế hoạch phẫu thuật tái tạo lại các khuyết hổng. Ngày nay với công nghệ và trang thiết bị hiện đại, hàng loạt các phương pháp và thiết bị cấy ghép được phát triển. Giúp bảo tồn phục hồi chi thể với chức năng và thẩm mỹ rất tốt.

Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư xương bằng phẫu thuật chủ yếu phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u. Mặc dù tất cả các phẫu thuật để loại bỏ ung thư xương đều phức tạp, nhưng các khối u ở chi (tay hoặc chân) nói chung không khó loại bỏ như các khối u ở xương hàm, đáy hộp sọ, cột sống hoặc xương chậu (hông) khúc xương.

2. Có thể bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương không?

Tất cả các trường hợp ung thư xương khi phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì tỉ lệ thực hiện phẫu thuật bảo tồn là 80-90% các trường hợp

Khi thảo luận để lựa chọn cách điều trị ung thư xương, điều quan trọng là phải xem xét ưu và nhược điểm của một trong hai loại phẫu thuật. Ví dụ, hầu hết mọi bệnh nhân đều mong muốn bảo tồn chi hơn là cắt cụt chi, nhưng đó là một ca phẫu thuật phức tạp và có thể có nhiều biến chứng hơn. Nếu cắt cụt chi, bệnh nhân sẽ cần học cách sống chung và sử dụng chân giả. Tuy nhiên chi phí dùng chân giả có khi còn lớn cuộc phẫu thuật bảo tồn. Đặc biệt cắt cụt chi cũng không khỏi hoàn toàn được bệnh.

Tất cả các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ tái phát tại chỗ giữa 2 nhóm phẫu thuật bảo tồn và cắt cụt là không có sự khác biệt. Hơn nữa một số nghiên cứu gần đây chỉ ra nhóm phẫu thuật bảo tồn có thể tăng thời gian sống thêm hơn là nhóm cắt cụt. Bởi khi bệnh nhân còn nguyên vẹn chi thể, họ có thể quay trở lại tái hoà nhập cộng đồng như: đi học, tự sinh hoạt cá nhân không cần trợ giúp hay làm các công việc nhẹ nhàng nuôi bản thân mà không cần sự trợ giúp của gia đình... Điều này kích thích hệ miễn dịch và cải thiện tâm lý làm cơ thể khoẻ mạnh hơn. Do đó phẫu thuật bảo tồn được thực hiện rộng rãi và trở thành xu thế trên thế giới.

Mục tiêu của phẫu thuật bảo tồn chi là loại bỏ toàn bộ khối u ác tính và để lại một chân hoặc cánh tay có thể hoạt động được. Thách thức đối với bác sĩ phẫu thuật là loại bỏ toàn bộ khối u trong khi vẫn “cứu” được các gân, dây thần kinh và mạch máu gần đó để giữ được chức năng, hình dáng của chi nhiều nhất có thể. Nếu ung thư đã phát triển xâm lấn vào những cấu trúc này, chúng cần được loại bỏ cùng với khối u. Các chuyên khoa tạo hình và mạch máu phát triển khiến cho các khối u xâm lấn phần mềm hay mạch máu được giải quyết một cách an toàn.

Phần xương bị loại bỏ cùng với khối u được thay thế bằng phương pháp ghép xương (mảnh xương từ một bộ phận khác của cơ thể hay từ người khác) hoặc bằng một bộ phận giả làm bằng kim loại và các vật liệu khác để thay thế một phần hoặc toàn bộ xương. Một số thiết bị mới có thể kết hợp giữa một mảnh ghép và một bộ phận giả.

Các biến chứng của phẫu thuật bảo tồn chi có thể bao gồm nhiễm trùng và mảnh xương ghép hoặc vật liệu nhân tạo bị lỏng lẻo, gãy rời. Những người được phẫu thuật bảo tồn cánh tay có thể cần phẫu thuật nhiều hơn trong những năm tiếp theo.

3. Phương pháp phẫu thuật cắt cụt chi

Đối với một số bệnh nhân, cắt cụt một phần hoặc toàn bộ chi là lựa chọn điều trị tốt nhất. Ví dụ, nếu khối u có kích thước lớn hoặc đã xâm lấn vào các dây thần kinh và/ hoặc mạch máu quan trọng, phẫu thuật bảo tồn chi và loại bỏ khối u đơn thuần có thể không nên lựa chọn.

Bác sĩ phẫu thuật là người xác định cần cắt bỏ chi bao nhiêu dựa trên kết quả chụp MRI và kiểm tra giải phẫu bệnh của mép phần chi được cắt bỏ. Phẫu thuật thường được lên kế hoạch để phần cơ và da tạo thành một vòng đai xung quanh xương cụt.

Phẫu thuật tái tạo có thể giúp một số bệnh nhân bị mất một chi có thể hoạt động tốt. Ví dụ, nếu chân phải bị cắt cụt giữa đùi (bao gồm cả khớp gối), cẳng chân, bàn chân có thể được xoay và gắn vào xương đùi, để khớp mắt cá chân có chức năng như một khớp gối mới. Phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật xoay, chân giả vẫn cần thiết để thay thế phần dưới của chân.

Nếu khối u xương ở vai hoặc cánh tay trên và cần phải cắt cụt, trong một số trường hợp, khu vực có khối u có thể được cắt bỏ và gắn lại với cánh tay dưới để bệnh nhân có một cánh tay chức năng, nhưng ngắn hơn nhiều.

Phục hồi chức năng sau khi cắt cụt chi thường mất ít thời gian hơn so với phẫu thuật cắt bỏ chi. Đối với khối u trên xương chân, người bệnh thường đi lại được từ 3 đến 6 tháng sau khi cắt cụt chân, trong khi trung bình phải mất khoảng một năm bệnh nhân mới có thể tập đi lại sau phẫu thuật bảo tồn chi. Việc phục hồi thể chất sau phẫu thuật bảo tồn chi cũng khó khăn hơn nhiều so với sau khi cắt cụt chi, nhưng nó vẫn cực kỳ quan trọng. Nếu bệnh nhân không tích cực tham gia vào chương trình phục hồi chức năng, phần cánh tay hoặc chân được cứu vãn có thể trở nên vô dụng và có thể phải cắt cụt.

cách điều trị ung thư xương
Các biến chứng của phẫu thuật bảo tồn chi có thể bao gồm nhiễm trùng

4. Phương pháp điều trị đối với khối u xương ở các bộ phận khác của cơ thể

Các khối u trong xương chậu thường khó có thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Một số loại khối u có thể được điều trị bằng hóa trị liệu trước tiên để thu nhỏ khối u và giúp quá trình phẫu thuật dễ dàng hơn. Xương chậu đôi khi có thể được tái tạo sau phẫu thuật, nhưng trong một số trường hợp, xương chậu và phần chân gắn vào có thể cần phải được loại bỏ.

Đối với khối u ở xương hàm dưới, toàn bộ nửa hàm dưới có thể bị cắt bỏ và sau đó được thay thế bằng xương từ các bộ phận khác của cơ thể. Nếu bác sĩ phẫu thuật không thể loại bỏ toàn bộ khối u, xạ trị cũng có thể được sử dụng.

Đối với các khối u ở các khu vực như cột sống hoặc hộp sọ, có thể không thể loại bỏ toàn bộ khối u một cách an toàn. Các khối u ác tính trong những xương này có thể yêu cầu sự kết hợp của các phương pháp điều trị như nạo, phẫu thuật lạnh và bức xạ.

Trường hợp sau khi cắt bỏ khối u liên quan đến khớp, có thể không thể tái tạo lại khớp. Do đó, phẫu thuật có thể được thực hiện để hợp nhất hai xương với nhau. Phương pháp này thường được sử dụng cho các khối u ở cột sống, nhưng nó cũng có thể được sử dụng ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như vai hoặc hông. Mặc dù giúp ổn định khớp, nhưng loại phẫu thuật này có khả năng dẫn đến mất khả năng vận động.

5. Phẫu thuật điều trị ung thư xương di căn

Nếu ung thư xương di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, những khối u này cần được ưu tiên loại bỏ để người bệnh có cơ hội chữa khỏi bệnh. Tất nhiên điều trị toàn thân là bắt buộc.

Khi ung thư xương di căn, nó thường di căn đến phổi. Nếu phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ khối u tại các cơ quan di căn, nó phải được lên kế hoạch rất cẩn thận. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét số lượng khối u, vị trí, kích thước của chúng và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT ngực có thể không hiển thị tất cả các khối u, vì vậy bác sĩ phẫu thuật sẽ chuẩn bị sẵn kế hoạch điều trị trong trường hợp phát hiện thêm khối u trong quá trình phẫu thuật. Một số bệnh nhân ung thư xương có thể gặp phải tình trạng di căn sang các xương khác hoặc đến các cơ quan như thận, gan hoặc não.

Thật không may, không phải tất cả các bệnh ung thư đã di căn đều có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Một số khối u di căn có thể quá lớn hoặc nằm quá gần với các cấu trúc quan trọng (chẳng hạn như các mạch máu lớn) khó có thể loại bỏ một cách an toàn.

Những người có sức khỏe tổng thể không tốt như các vấn đề về tim, gan hoặc thận, có thể không chịu được áp lực của việc gây mê và phẫu thuật để loại bỏ di căn. Các phương pháp điều trị khác có thể được đưa ra để cố gắng kiểm soát những khối u này càng lâu càng tốt.

Các cách điều trị ung thư xương
Các cách điều trị ung thư xương đối với khối u xương ở các bộ phận khác của cơ thể sẽ khác nhau

6. Tác dụng phụ của phẫu thuật điều trị ung thư xương

Phẫu thuật loại bỏ ung thư xương thường có thể là một ca phẫu thuật kéo dài và phức tạp. Các tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian ngắn không phổ biến, nhưng chúng có thể bao gồm phản ứng với thuốc mê, chảy máu quá mức, cục máu đông và nhiễm trùng.

Đau thường xảy ra sau khi phẫu thuật và có thể cần các loại thuốc giảm đau mạnh trong một thời gian để vết thương lành lại. Các tác dụng phụ lâu dài của phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào vị trí khối u và loại phẫu thuật được thực hiện. Các biến chứng của phẫu thuật bảo tồn chi có thể bao gồm ghép xương hoặc bộ phận giả bị lỏng, gãy. Nhiễm trùng cũng là một mối quan tâm ở những người đã cắt cụt chi, đặc biệt là một phần của chân, vì áp lực đặt lên da tại vị trí cắt cụt có thể khiến da bị tổn thương theo thời gian.

Quá trình phẫu thuật cũng có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở chi, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng của chi hoặc gây đau, được gọi là đau thần kinh. Đặc biệt dấu hiệu đau thần kinh gặp ở hầu hết các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt cụt với mức độ khá nghiêm trọng và kéo dài đến vài tháng.

Như đã nói ở trên, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là rất quan trọng sau khi phẫu thuật ung thư xương. Tuân theo chương trình phục hồi chức năng mang lại cơ hội tốt nhất để phục hồi khả năng vận động trong tương lai. Ngay cả khi được phục hồi chức năng thích hợp, người bệnh vẫn có thể phải điều chỉnh cách đi lại hoặc làm các công việc khác, thay đổi về ngoại hình. Các liệu pháp thể chất, hỗ trợ nghề nghiệp và các liệu pháp khác thường có thể giúp mọi người điều chỉnh và đối phó với những thách thức này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

822 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan