Tìm hiểu phẫu thuật lấy nhân đệm chữa thoát vị đĩa đệm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thắt lưng thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng xơ, đẩy ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Đây là bệnh lý rất thường gặp, có đến 30 % dân số mắc phải căn bệnh này, lứa tuổi thường gặp từ 20-55 và đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là ở người lao động nặng. Bệnh lý này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây đau đớn cho người bệnh, làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh hoạt, lao động trong đời sống xã hội.

1. Nguyên tắc điều trị thoát vị đĩa đệm

Tùy từng trường hợp sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Đa số các trường hợp phải được điều trị nội khoa và phục hồi chức năng bảo tồn càng sớm càng tốt, thường được áp dụng ở giai đoạn bao xơ đĩa đệm chưa bị rách, nếu điều trị sớm, đúng cách thì tỷ lệ thành công cao tới 90% trong giai đoạn này. Thời gian điều trị ít nhất từ 5 đến 8 tuần lễ, nếu trong thời gian điều trị nội khoa và phục hồi chức năng mà bệnh nhân đáp ứng trên 50% thì sẽ áp dụng phương pháp này lâu dài hơn. Ngược lại, người bệnh sẽ được xem xét can thiệp ngoại khoa.

Một số trường hợp khi vòng xơ đã vỡ, nhân đệm đi qua khe hở của dây chằng dọc sau vào trong ống sống hoặc lỗ thần kinh (intervertebral foramen ) chèn ép nặng rễ và chùm đuôi ngựa, được biểu hiện rõ trên MRI thì nên can thiệp ngoại khoa sớm.

Chỉ định phẫu thuật cần dựa vào hai yếu tố chính là lâm sàng có dấu hiệu đau rễ và xem xét trên hình ảnh MRI. Các chỉ định phẫu thuật cột sống thắt lưng là:

  • Điều trị nội khoa và phục hồi chức năng tích cực nhưng thất bại sau 5-8 tuần
  • Nhân đệm đã nằm trong ống sống
  • Thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm đau rễ điển hình (đau một hoặc hai chân)
  • Hẹp quá nặng lỗ thần kinh biểu hiện rõ trên MRI kèm đau rễ điển hình
  • Thoát vị đĩa đệm thắt lưng kèm teo cơ cẳng chân và tê ở bàn chân-ngón chân
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể kèm đau rễ một chân hoặc 2 chân

2. Phẫu thuật lấy nhân đệm chữa thoát vị đĩa đệm

Để điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng hiệu quả, cần chọn lựa phương pháp phù hợp.

Hiện nay, có hai phương pháp ngoại khoa phổ biến được áp dụng trên thế giới để điều trị thoát vị cột sống đĩa đệm thắt lưng.

2.1 Ứng dụng vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm (microdiscectomy )

  • Phương pháp này được áp dụng rộng rãi như là một “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng ngoại khoa.
  • Đây là một phương pháp sử dụng kính vi phẫu thuật để loại bỏ nhân đệm nhằm giải phóng rễ thần kinh. Phương pháp này đã được áp dụng khá rộng rãi từ cuối thập niên 90 và hiện nay phương pháp này được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới với kết quả rất tốt.
  • Phương pháp này giúp phẫu thuật viên thấy rất rõ tủy sống, các tĩnh mạch quanh màng cứng, nhân đệm, các rễ thần kinh nên hạn chế thấp nhất tai biến cho người bệnh.
  • Hiện nay, để giảm thiểu tổn thương cho bệnh nhân, các bác sĩ còn sử dụng hệ thống ống nong kết hợp với kính vi phẫu (tubular microdiscectomy).
  • Thời gian mổ ngắn, sau 24 giờ mổ là bệnh nhân có thể đứng dậy đi lại bình thường và sau 3 - 4 ngày có thể xuất viện.
Phẫu thuật ERAS giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn
Sau khi mổ, tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh, có thể mất từ 3 - 4 ngày xuất viện

2.2 Lấy nhân đệm qua nội soi (neuroendoscopic discectomy)

Nội soi để điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng là phương pháp cũng rất phổ biến hiện nay. Kết quả điều trị của phương pháp và vi phẫu này hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, nội soi để lấy nhân đệm vẫn còn nhiều hạn chế so với phương pháp lấy nhân đệm vi phẫu. Trong một số trường hợp sau đây không thể sử dụng được nội soi:

  • Thoát vị đĩa đệm tái phát và xơ hóa
  • Hẹp ống sống kèm theo
  • Bệnh nhân đã có phẫu thuật cột sống thắt lưng trước đây
  • Hẹp lỗ liên hợp
  • Hẹp ngách bên
  • Mất vững cột sống
  • Thoát vị đĩa đệm nhiều tầng và thoát vị trung tâm
  • Hẹp khoang đĩa đệm và hẹp lỗ liên hợp

Để biết được bản thân phù hợp với phương pháp điều trị nào, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn từ các bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan