Bạn có biết tác dụng phụ của Vitamin E

Hàm lượng vitamin E trong cơ thể luôn ở mức ổn định và hầu hết những người ăn theo chế độ bình thường không cần bổ sung thêm vitamin E. Việc bổ sung vitamin E được sử dụng cho trẻ sinh non và những người có vấn đề trong việc hấp thụ đủ vitamin E từ chế độ ăn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức vitamin E sẽ gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe.

1. Tác dụng của Vitamin E

Vitamin E là một loại vitamin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm dầu thực vật, ngũ cốc, thịt, gia cầm, trứng, trái cây, rau và dầu mầm lúa mì, và có khả năng hòa tan trong chất béo.

Tác dụng của vitamin E chủ yếu là để bổ sung tình trạng thiếu vitamin E. Ngoài ra, còn có tác dụng trong điều trị các bệnh như: Alzheimer, thiếu máu, Beta - thalassemia, Tổn thương thần kinh liên quan đến hóa trị, đau bụng kinh, các vấn đề về thận ở trẻ em, chữa lành u hạt, vô sinh nam, chảy máu nội sọ, các bệnh về gan, hội chứng tiền kinh nguyệt, viêm khớp dạng thấp, viêm màng bồ đào.... Bên cạnh đó, vai trò của vitamin E rất quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào của cơ thể và vitamin E được biết đến như một chất chống oxy hóa. Hiện nay, vitamin E có sẵn dưới các tên thương hiệu khác nhau như sau: Aquasol E, alpha-tocopherol và tocopherol.

Không hiệu quả với các bệnh như thoái hóa điểm vàng, đau thắt ngực, xơ vữa động mạch, đục thủy tinh thể, chàm, suy tim, ung thư đại trực tràng, huyết áp cao, lở miệng, bệnh xương khớp, ung thư vòm họng, ung thư tuyến tụy, nhiễm trùng đường hô hấp, sẹo...

Vitamin E có
Vitamin E là một loại vitamin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm

2. Dùng vitamin E có an toàn?

Vitamin E an toàn tuyệt đối với hầu hết những người khỏe mạnh khi dùng bằng đường uống hoặc bôi lên da. Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng liều khuyến cáo hàng ngày, là 22,4 IU.

Vitamin E có thể không an toàn nếu dùng đường uống với liều lượng cao. Nếu bạn bị bệnh tim hoặc tiểu đường, không dùng liều 400 IU/ngày hoặc hơn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng liều cao có thể làm tăng cơ hội tử vong và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Liều càng cao, càng có nhiều nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một số lo ngại cho rằng vitamin E có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ nghiêm trọng do tình trạng xuất huyết não. Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống vitamin E với liều 300-800 IU mỗi ngày có thể làm tăng 22% nguy cơ mắc loại đột quỵ này. Tuy nhiên, ngược lại , vitamin E có thể làm giảm nguy cơ bị đột quỵ ít nghiêm trọng hơn được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Có nhiều luồng thông tin trái chiều về tác dụng của vitamin E đối với khả năng phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu cho thấy rằng dùng một lượng lớn vitamin tổng hợp cùng một loại thuốc bổ sung vitamin E riêng biệt có thể có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.

Liều vitamin E quá cao có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, co thắt dạ dày, mệt mỏi chán ăn , suy nhược , nhức đầu, mờ mắt, phát ban, bầm tím, chảy máu...

3. Các cảnh báo đặc biệt

  • Mang thai: Khi được sử dụng với liều lượng khuyến nghị hàng ngày, vitamin E có thể an toàn cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên trước khi sử dụng bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Cho con bú: Vitamin E tuyệt đối an toàn nếu dùng đường uống với lượng khuyến cáo hàng ngày trong thời gian cho con bú.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Vitamin E tuyệt đối an toàn khi dùng đường uống một cách thích hợp. Lượng vitamin E tối đa được coi là an toàn cho trẻ em dựa trên độ tuổi. Dưới 298 IU mỗi ngày - an toàn cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi. Ít hơn 447 IU mỗi ngày - an toàn cho trẻ em từ 4 đến 8 tuổi. Dưới 894 IU mỗi ngày - an toàn cho trẻ em từ 9 đến 13 tuổi. Dưới 1192 IU mỗi ngày - an toàn cho trẻ em từ 14 đến 18 tuổi. Vitamin E (alpha-tocopherol) có thể không an toàn khi tiêm tĩnh mạch (bằng IV) cho trẻ sinh non với liều lượng cao.
  • Bệnh tiểu đường: Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở những người mắc bệnh tiểu đường. Những người bị bệnh tiểu đường nên tránh dùng vitamin E liều cao.
  • Đau tim: Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở những người có tiền sử đau tim, do đó đối với những người có tiền sử đau tim không nên sử dụng vitamin E liều cao.
  • Thiếu vitamin K: Sử dụng vitamin E có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề về đông máu ở người có mức vitamin K thấp.
  • Rối loạn chảy máu: Vitamin E có thể làm rối loạn chảy máu trầm trọng hơn. Nếu bạn bị rối loạn chảy máu, hãy tránh bổ sung vitamin E.
  • Ung thư đầu cổ: Không bổ sung vitamin E với liều lượng 400 IU / ngày trở lên. Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ ung thư tái phát.
  • Đột quỵ: Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở những người có tiền sử đột quỵ. Những người có tiền sử đột quỵ nên tránh dùng vitamin E liều cao.
  • Phẫu thuật: Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng vitamin E ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
Vitamin e uống hàng ngày có an toàn không?
Vitamin E an toàn tuyệt đối với hầu hết những người khỏe mạnh

4. Tương tác thuốc

  • Kháng sinh chống ung thư: Vitamin E là một chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng chất chống oxy hóa có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh được sử dụng cho bệnh ung thư. Nhưng cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy liệu tương tác có xảy ra hay không. Một số kháng sinh được sử dụng cho bệnh ung thư gồm doxorubicin (Adriamycin), daunorubicin (DaunoXome), epirubicin ( Ellence ), mitomycin ( Mutamycin ), bleomycin ( Blenoxane ), .....
  • Thuốc chống đông máu: Vitamin E có thể làm chậm quá trình đông máu. Dùng vitamin E cùng với các loại thuốc làm chậm đông máu bao gồm aspirin, clopidogrel ( Plavix ), diclofenac ( Voltaren, Cataflam...), ibuprofen(Advil, Motrin...), naproxen (Anaprox, Naproxen...), dalteparin (Fragmin ), enoxaparin ( Lovenox ), heparin , warfarin ( Coumadin ), và những loại khác có thể làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu.
  • Thuốc giảm cholesterol máu (Statins): Dùng vitamin E, beta-carotene, vitamin C và selen cùng nhau có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc được sử dụng để giảm cholesterol. Một số loại thuốc được sử dụng để giảm cholesterol bao gồm atorvastatin ( Lipitor ), fluvastatin ( Lescol ), lovastatin (Mevacor) và pravastatin ( Pravachol ).
  • Niacin: Dùng vitamin E cùng với beta-carotene, vitamin C và selen có thể làm giảm một số tác dụng có lợi của niacin . Niacin có thể làm tăng cholesterol tốt. Uống vitamin E cùng với những loại vitamin khác này có thể làm giảm lượng cholesterol tốt.
  • Warfarin (Coumadin) - Thuốc làm chậm quá trình đông máu. Dùng vitamin E cùng với warfarin (Coumadin) có thể làm tăng khả năng bị bầm tím và chảy máu. Đảm bảo kiểm tra máu thường xuyên.

5. Liều dùng thích hợp

Để tăng cường khả năng điều trị kết hợp cũng như giảm tối đa các tác dụng phụ do dùng quá liều. Các nhà khoa học đã đưa ra liều dùng vitamin E tiêu chuẩn cho một vài bệnh cụ thể sau:

  • Đối với tình trạng thiếu vitamin E: Liều thông thường ở người lớn là RRR-alpha tocopherol (vitamin E tự nhiên) 60-75 IU mỗi ngày.
  • Đối với bệnh thiếu máu: Vitamin E 447-745 IU mỗi ngày với erythropoietin 93-74U / kg / tuần.
  • Để cải thiện khả năng sinh sản của nam giới: vitamin E 298-894 IU mỗi ngày.
  • Đối với bệnh Alzheimer: Lên đến 2000 IU mỗi ngày. Liệu pháp kết hợp donepezil ( Aricept ) 5mg và vitamin E 1000 IU mỗi ngày đã được sử dụng để làm chậm sự suy giảm trí nhớ ở những người bị bệnh Alzheimer.
  • Đối với bệnh gan được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: 800 IU mỗi ngày ở người lớn đã được sử dụng; 400-1200 IU mỗi ngày đã được sử dụng ở trẻ em.
  • Đối với cơn đau do viêm khớp dạng thấp: Vitamin E 600 IU hai lần mỗi ngày.
  • Để cải thiện hiệu quả của nitrat được sử dụng cho bệnh tim: vitamin E 298 IU ba lần mỗi ngày.
  • Để giảm protein trong nước tiểu của trẻ em bị bệnh thận được gọi là xơ cứng cầu thận phân đoạn khu trú: Vitamin E 200 IU.
  • Đối với tình trạng thiếu men G6PD: vitamin E 800 IU mỗi ngày.
  • Đối với hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): RRR-alpha-tocopherol (vitamin E tự nhiên) 400 IU mỗi ngày.
  • Đối với thời kỳ kinh nguyệt đau đớn: Vitamin E 200 IU hai lần hoặc 500 IU mỗi ngày bắt đầu từ 2 ngày trước kỳ kinh nguyệt và tiếp tục trong 3 ngày đầu ra máu.
  • Để chữa lành mắt sau phẫu thuật cắt bỏ sừng : 343 IU vitamin E (alpha-tocopheryl nicotinate) và vitamin A ( retinol palmitate ) 25.000 đơn vị đã được sử dụng 3 lần mỗi ngày trong 30 ngày, tiếp theo là hai lần mỗi ngày trong 2 tháng.
  • Đối với xơ hóa do bức xạ: Vitamin E 1000 IU mỗi ngày kết hợp với pentoxifylline 800 mg.
  • Đối với bệnh beta-thalassemia: Vitamin E 750 IU mỗi ngày.
  • Đối với sưng ở lớp giữa của mắt (viêm màng bồ đào): Vitamin E (dạng không xác định) 149 IU kết hợp với vitamin C 500 mg x 2 lần / ngày.
  • Để ngăn ngừa cháy nắng: RRR-alpha-tocopherol (vitamin E tự nhiên) 1000 IU kết hợp với 2 gam axit ascorbic .
Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ hay gặp phải khi uống vitamin
Liều vitamin E quá cao có thể gây buồn nôn, tiêu chảy

Tóm lại, bất kỳ loại thuốc nào từ thuốc bổ cho đến thuốc điều trị bệnh hay điều trị triệu chứng cũng đều có tác dụng phụ của chúng. Khi bác sĩ kê đơn cho bạn hãy thông báo cho họ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Các bác sĩ sẽ cân nhắc những lợi ích thiệt hơn cũng như tương tác thuốc trước khi cho bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào. Đồng thời họ cũng sẽ cung cấp cho bạn những tác dụng phụ có thể gặp phải. Nhiệm vụ của bạn là tuân thủ điều trị, nghe theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi các tác dụng phụ khi dùng thuốc, ăn uống nghỉ ngơi điều độ, thông báo ngay cho bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng của các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com, rxlist.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan