Bị viêm họng uống thuốc gì?

Viêm họng là một bệnh lý rất phổ biến. Mặc dù hầu hết các trường hợp là do virus gây ra, viêm họng cũng có thể do hút thuốc, dị ứng, các chất kích thích không khí như ô nhiễm, điều hòa không khí hoặc la hét quá nhiều hay do vi khuẩn gây ra. Biết được những nguyên nhân này, mỗi người có thể tự kê đơn thuốc viêm họng an toàn cho chính mình.

1. Cách điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn

1.1. Viêm họng do virus

Viêm họng do nhiễm virus thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày và không cần điều trị y tế gì đặc hiệu cũng có thể tự thuyên giảm.

Để giảm đau và hạ sốt, người bệnh viêm họng rát cổ uống thuốc acetaminophen hoặc các loại thuốc giảm đau nhẹ khác để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, cần cân nhắc khi cho trẻ nhỏ dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, dù được bào chế dành cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em, chẳng hạn như cả acetaminophen hoặc ibuprofen. Cần nhớ là không bao giờ cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên uống aspirin vì có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng, gây sưng gan và não.

1.2. Viêm họng do vi khuẩn

Nếu cơn đau họng là do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Lúc này, người bệnh cần phải dùng đủ liều thuốc kháng sinh theo quy định ngay cả khi các triệu chứng đã hết.

Việc không dùng đủ phác đồ thuốc theo chỉ dẫn có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn hoặc lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Mặt khác, không hoàn thành đủ liệu trình kháng sinh để điều trị viêm họng liên cầu khuẩn có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị sốt thấp khớp hoặc viêm thận nghiêm trọng.

viêm họng do liên cầu khuẩn (nhiễm trùng liên cầu nhóm A)
Hình ảnh bệnh nhân bị viêm họng do liên cầu khuẩn

2. Các phương pháp điều trị viêm họng hỗ trợ tại nhà

Bất kể nguyên nhân gây đau họng là gì, các phương pháp điều trị viêm họng tại nhà dưới đây có thể hỗ trợ giúp làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu do họng bị sưng đau gây ra:

  • Nghỉ ngơi. Nên dành thời gian nghỉ dưỡng, kết hợp với thực đơn ăn uống lành mạnh sẽ giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Đồng thời, nên nghỉ ngơi cả về giọng nói.
  • Uống nước nhiều. Chất lỏng sẽ giúp giữ ẩm cho cổ họng và ngăn ngừa mất nước. Tránh caffeine và rượu, những thứ có thể làm tăng sự mất nước.
  • Dùng thức ăn và đồ uống dễ chịu. Uống nước ấm, trà không chứa caffein hoặc nước ấm với mật ong hay cả các đồ lạnh như đá lạnh có thể giúp làm dịu cơn đau họng.
  • Súc miệng bằng nước muối. Súc miệng bằng nước muối được pha chế từ 1/4 đến 1/2 thìa cà phê muối ăn trong 120 đến 240 ml nước ấm có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Trẻ em trên 6 tuổi và người lớn có thể súc miệng dung dịch và sau đó nhổ ra.
  • Làm ẩm không khí. Sử dụng máy làm ẩm không khí mát để loại bỏ không khí khô có thể gây kích ứng thêm cho bệnh viêm họng. Đảm bảo vệ sinh máy tạo ẩm thường xuyên để không phát triển nấm mốc hoặc vi khuẩn. Có một biện pháp thay thế là ngồi vài phút trong phòng tắm nước nóng.
  • Dùng kẹo ngậm. Phương cách đơn giản này có thể làm dịu cơn đau họng, nhưng không nên cho trẻ từ 4 tuổi trở xuống dùng vì nguy cơ nghẹt thở do dị vật.
  • Tránh các chất gây kích ứng. Giữ nhà cửa không có khói thuốc lá và các sản phẩm tẩy rửa có thể gây kích ứng cổ họng.

3. Các lưu ý trong điều trị viêm họng

Mặc dù một số phương pháp điều trị tại nhà cũng cần áp dụng để làm dịu cơn đau họng, bằng chứng về hiệu quả còn hạn chế. Thay vào đó, nếu cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, đừng chỉ dựa vào các phương pháp điều trị hỗ trợ. Thay vào đó, cần tuân thủ phác đồ đủ ngày và đúng về liều lượng để tình trạng nhiễm trùng có thể được kiểm soát một cách hiệu quả.

Ngoài ra, có một số loại thảo dược cũng đã được quan sát là có khả năng cải thiện các triệu chứng khó chịu do viêm họng gây ra. Tuy nhiên, cần kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp điều trị bằng thảo dược nào, vì chúng có thể tương tác với thuốc theo toa và có thể không an toàn cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng như những người có tình trạng sức khỏe nhất định.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Người bệnh viêm họng cần được sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Các sản phẩm thảo dược hoặc chiết xuất từ thảo dược đã có kinh nghiệm dùng cho chứng đau họng thường được đóng gói dưới dạng trà, thuốc xịt hoặc viên ngậm, phổ biến bao gồm cây du trơn, rễ cây cam thảo và rễ Thục quỳ. Ngoài ra, mật ong và trà thảo mộc chứa chất chống oxy hóa cũng có lợi cho việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Tóm lại, bởi vì hầu hết các bệnh viêm họng đều có nguồn gốc từ virus, các biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng nêu trên là có hiệu quả. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn luôn là ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, không dùng chung đồ dùng, ăn nhiều rau quả, uống đủ nước, hạn chế rượu, không hút thuốc và không la hét để có một giọng nói luôn khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, cdc.gov, mayoclinic.org, drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

217.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan