Công dụng thuốc Acemetacin

Thuốc Acemetacin có tác dụng gì, có giúp giảm đau không? Thực tế, Acemetacin là thuốc kháng viêm không chứa steroid, có tác dụng giảm đau và chống viêm.

1. Thuốc Acemetacin có tác dụng gì?

Acemetacin thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid, có thành phần chính là Acemetacin. Acemetacin có tác dụng giảm đau và chống viêm.

Acemetacin được bào chế dưới dạng viên nang phóng thích tức thời 60mg và viên nang phóng thích chậm 90mg. Thuốc Acemetacin được chỉ định dùng trong điều trị một số tình trạng viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm đau sau phẫu thuật, đau thắt lưng.

2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Acemetacin

Thuốc Acemetacin được dùng theo đường uống, uống nguyên viên thuốc với nước, không được nhai, bẻ hoặc nghiền nát thuốc để uống. Nên uống thuốc trong hoặc sau khi ăn.

Liều dùng Acemetacin ở người lớn trung bình là từ 30 - 60mg/lần, uống thuốc từ 1 - 3 lần/ngày. Đối với con đau gout cấp tính, liều dùng có thể lên đến 180mg/ngày và thời gian dùng thuốc là đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Hoặc có thể dùng liều cao hơn nhưng không vượt quá 300mg/ngày và chỉ được dùng ở người bệnh không có vấn đề về tiêu hóa.

Quá liều Acemetacin có thể gây ra các triệu chứng như đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy (hiếm khi), nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, ù tai, kích thích, mất phương hướng, ngất xỉu, hôn mê, co giật (thỉnh thoảng). Trường hợp quá liều nghiêm trọng có thể gây tổn thương gan và suy thận cấp.

Khi bị quá liều Acemetacin, tùy vào tình trạng trên lâm sàng, người bệnh cần được điều trị triệu chứng. Cân nhắc dùng than hoạt tính hoặc áp dụng biện pháp rửa dạ dày sau khi uống thuốc quá liều trong vòng 1 giờ.

Bên cạnh đó, người bệnh uống thuốc Acemetacin quá liều cần được theo dõi chức năng gan, thận chặt chẽ, đảm bảo lượng nước tiểu. Trong vòng tối thiểu 4 giờ sau khi quá liều, người bệnh cần được theo dõi sát sao để phòng trường hợp co giật nhiều thì tiêm tĩnh mạch Diazepam.

3. Tác dụng phụ của thuốc Acemetacin

Thuốc Acemetacin có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Rất thường gặp: Rối loạn tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa mức độ nhẹ, thiếu máu.
  • Thường gặp: Đầy hơi, khó tiêu, thủng loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa (nhất là ở người cao tuổi); phát ban, ngứa; buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt, kích động, khó chịu; tăng men gan.
  • Ít gặp: Thuốc Acemetacin ít khi gây tác dụng phụ là viêm dạ dày, nổi mày đay, nhìn đôi, nhìn mờ; nôn, đi ngoài ra máu, gan tổn thương; phù, rụng tóc.
  • Hiếm gặp: Tăng kali trong máu, cáu kỉnh.
  • Rất hiếm gặp: Viêm cấp tính; giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu, thiếu máu do xuất huyết; hen phế quản, co thắt phế quản, khó thở, phản ứng giả dị ứng; rối loạn da như nổi mày đay, phát ban, ban xuất huyết, hồng ban đa dạng, ngứa, phù mạch, hoại tử biểu bì. Thuốc Acemetacin rất hiếm khi gây tác dụng phụ là viêm phổi, viêm mạch; glucose niệu, tăng glucose huyết; mất phương hướng, rối loạn tâm thần, ảo giác, rối loạn cảm giác, ác mộng, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, run, động kinh, trầm cảm, hôn mê, mất ý thức, giảm trí nhớ; rối loạn trương lực, suy nhược cơ; viêm màng não vô khuẩn, suy giảm thính lực. Acemetacin cũng rất ít khi gây tăng huyết áp, suy tim, đau thắt ngực, đánh trống ngực; táo bón, viêm miệng lưỡi, viêm loét đại tràng, viêm tụy, bệnh Crohn, thực quản tổn thương; suy thận cấp, tổn thương thận, tiểu ra máu, protein niệu, tăng ure trong máu; xuất huyết âm đạo.
  • Chưa xác định được tần suất: Suy giảm tuần hoàn, loạn cảm, viêm dây thần kinh thị giác.

Nếu thấy có biểu hiện bất thường sau khi dùng thuốc Acemetacin, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Acemetacin

  • Không dùng Acemetacin ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, dị ứng với Aspirin, Ibuprofen, Indomethacin hay các thuốc kháng viêm không steroid; người có tiền sử hoặc đang bị loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa do thủng đường tiêu hóa; người bị suy gan, suy thận, suy tim nặng; người bị polyp mũi kèm theo phù nề thần kinh; phụ nữ đang mang thai ba tháng cuối; trẻ em dưới 18 tuổi.
  • Để hạn chế gặp phải tác dụng phụ của thuốc Acemetacin, nên sử dụng thuốc với liều thấp nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả điều trị.
  • Không được dùng đồng thời Acemetacin với các thuốc kháng viêm không chứa steroid khác.
  • Cần thận trọng khi chỉ định Acemetacin ở người cao tuổi vì có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn như thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và dẫn đến tử vong.
  • Người có tiền sử hen phế quản hoặc mắc bệnh hen cần thận trọng khi dùng Acemetacin nói riêng và thuốc kháng viêm không chứa steroid nói chung có thể gây co thắt phế quản, làm sưng niêm mạc mũi, phản ứng quá mẫn, cơn hen tái phát, nổi mày đay, phù niêm mạc hoặc da.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận và suy tim cần được theo dõi để tư vấn dùng thuốc Acemetacin một cách phù hợp, nhất là khi người bệnh bị tăng huyết áp, có tiền sử suy tim, thuốc có thể gây phù và giữ nước. Ở một số người bệnh, tùy vào liều dùng, thuốc có thể gây giảm Prostaglandin và suy thận, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu. Nếu dùng thuốc cần theo dõi chức năng gan và thận ở nhóm đối tượng này.
  • Cân nhắc và thận trọng khi dùng thuốc Acemetacin ở người bị tăng huyết áp nhưng không kiểm soát được, người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu não, động mạch ngoại vi vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ cục máu đông trong động mạch nhỏ, nhất là khi sử dụng liều cao trong thời gian dài.
  • Người có tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa cần cân nhắc việc dùng thêm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày khi dùng Acemetacin hoặc đang dùng cùng lúc với Aspirin liều thấp, hay các loại thuốc có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, vì thuốc có thể gây thủng, loét và xuất huyết đường tiêu hóa, dẫn đến tử vong.
  • Người bị rối loạn đông máu cần được theo dõi cẩn thận khi dùng Acemetacin vì thuốc có thể gây kết tập tiểu cầu và làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Người bị lupus ban đỏ hệ thống hoặc rối loạn mô liên kết hỗn hợp cần thận trọng khi dùng Acemetacin vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ viêm màng não vô khuẩn.
  • Ngừng dùng thuốc Acemetacin ngay khi những phản ứng trên da hoặc phản ứng quá mẫn xuất hiện như viêm da tróc vảy, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson vì có thể dẫn đến tử vong.
  • Thăm khám chuyên khoa mắt định kỳ và ngừng dùng Acemetacin nếu gặp những bất thường về mắt khi dùng thuốc để điều trị bệnh viêm khớp mạn tính.
  • Người bị rối loạn tâm thần nếu dùng thuốc Acemetacin thì các triệu chứng của bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn, bao gồm cả Parkinson hoặc động kinh.
  • Người bị nhiễm virus herpes hoặc thủy đậu chỉ được sử dụng Acemetacin khi được bác sĩ chỉ định vì thuốc có thể che giấu các dấu hiệu nhiễm trùng và tăng nguy cơ biến chứng.
  • Người bệnh uống Acemetacin cần được chăm sóc đặc biệt nếu trước khi dùng thuốc có phẫu thuật hoặc chuẩn bị phẫu thuật sau đó.
  • Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu hoặc cuối không được dùng Acemetacin vì thuốc có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi hay sảy thai. Trường hợp cần thiết thì chỉ nên dùng liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
  • Phụ nữ đang nuôi con cho bú cân nhắc và thận trọng khi dùng Acemetacin vì thuốc có bài tiết qua sữa mẹ với một lượng ít.
  • Hạn chế các hoạt động cần sự tập trung và tỉnh táo như lái xe hay điều khiển máy móc khi dùng Acemetacin vì thuốc có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn thị giác.
  • Không sử dụng đồng thời các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid với nhau vì nguy cơ gặp tác dụng phụ có thể cao hơn.
  • Dùng đồng thời Acemetacin với thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm giảm tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp; với thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn thụ thể có thể làm tăng nguy cơ gây độc thận; với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali có thể làm tăng kali trong máu.
  • Dùng đồng thời Acemetacin với Digoxin hoặc Glycosid tim có thể làm tăng nồng độ Glycosid trong huyết tương, tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn, độ lọc cầu thận giảm; với Lithium, Methotrexate, Penicillin, Phenytoin có thể làm giảm thải trừ của các loại thuốc này.
  • Dùng đồng thời Acemetacin với Mifepristone có thể làm giảm tác dụng của Mifepristone; với Corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ đối với đường tiêu hóa; làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu.
  • Dùng đồng thời Acemetacin với thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin hoặc thuốc chống tiểu cầu có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa và giảm tác dụng của thuốc; với Probenecid, Sulfinpyrazone có thể làm giảm thải trừ hoạt chất Acemetacin.
  • Dùng đồng thời Acemetacin với Furosemid có thể làm tăng bài tiết thành phần Acemetacin; với thuốc chống rối loạn tâm thần có thể gây ngủ; với thuốc kháng axit có thể làm giảm tốc độ tái hấp thu của hoạt chất Acemetacin; với rượu có thể làm tăng tác dụng phụ đối với thần kinh hoặc hệ tiêu hóa.
  • Để hạn chế những ảnh hưởng của tương tác thuốc khi dùng Acemetacin, tốt nhất người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ danh mục các loại thuốc đã hoặc đang dùng, trong đó phải đầy đủ thuốc kê đơn và không kê đơn, các loại thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm thảo dược.

Công dụng của thuốc Acemetacin là kháng viêm, giảm đau ở người bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm đau sau phẫu thuật, đau thắt lưng. Vì Acemetacin là thuốc kê đơn nên người bệnh không được tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ hay người có chuyên môn để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

142 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan