Chữa thoái hóa khớp gối không dùng thuốc

Bài viết bởi Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Thoái hoá khớp gối là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật vận động và gánh nặng kinh tế cho điều trị rất lớn. Hiệp hội Nghiên cứu Viêm xương khớp Quốc tế và Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ đã khuyến cáo phương pháp đa phương thức kết hợp các phương pháp điều trị không dùng thuốc và dược lý vẫn là lựa chọn tốt nhất để điều trị viêm xương khớp.

1. Điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc

Tuỳ theo giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối dùng thuốc hay can thiệp phẫu thuật. Khi sự kết hợp của các phương pháp không dùng thuốc và dược lý trở nên không thành công trong việc kiểm soát các triệu chứng, điều trị phẫu thuật có thể được xem xét. Tuy nhiên, nền tảng của mọi điều trị vẫn là các biện pháp không dùng thuốc.

Điều trị không dùng thuốc chủ yếu dựa vào giáo dục bệnh nhân, tập thể dục, phòng ngừa chấn thương, giảm cân ở bệnh nhân thừa cân và sử dụng các thiết bị hỗ trợ và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Một phương pháp đa phương thức kết hợp các phương pháp điều trị không dùng thuốc và dược lý vẫn là lựa chọn tốt nhất để điều trị viêm xương khớp. Đây cũng chính là khuyến cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Viêm xương khớp Quốc tế và Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ.


Điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc là lựa chọn tốt nhất để điều trị
Điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc là lựa chọn tốt nhất để điều trị

2. Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc

2.1 Giáo dục bệnh nhân

Giáo dục bệnh nhân là nền tảng của mọi điều trị đối với bệnh thoái hoá khớp. Bệnh nhân nên kiểm soát tình trạng của mình càng nhiều càng tốt: Biết thoái hoá khớp là bệnh mãn tính, về sự tiến triển của tình trạng theo thời gian như cũng như các biện pháp quản lý bệnh. Mục tiêu điều trị không phải là để khỏi bệnh mà nhằm kiểm soát các triệu chứng gây khó chịu, trong đó quan trọng nhất là đau khớp và giới hạn vận động. Hiểu biết đúng đắn về bệnh sẽ góp phần giảm đau và giúp người bệnh chấp nhận “sống chung với bệnh”.

2.2 Chương trình tập luyện vận động

Thông thường, bệnh nhân sẽ có tâm lý ít vận động khớp để khớp bớt “mòn”, bớt đau. Đây là quan điểm sai lầm. Việc lười vận động sẽ không tạo ra kích thích cơ học lên khớp, nên làm cho thoái hóa sụn nhanh hơn do làm mềm và mỏng sụn khớp, cơ học khớp bị suy yếu và kém linh hoạt. Hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối: Bên cạnh những cải thiện về chức năng khớp, vận động còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, biến cố tim mạch, té ngã, tàn tật và cải thiện tâm lý và giúp người bệnh hòa nhập cuộc sống.

Các thói quen tập thể dục nên được điều chỉnh theo nhu cầu, khả năng chịu đựng và sở thích của từng bệnh nhân. Người bệnh nên tránh các hoạt động cường độ cao và cần tuân thủ lâu dài để tăng hiệu quả. Các bài tập vận động nên được thực hiện ít nhất ba ngày trong một tuần và để đánh giá đáp ứng của cơ thể, bệnh nhân nên hoàn thành ít nhất 12 buổi tập luyện.


Các bài tập vận động nên được thực hiện trong điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc
Các bài tập vận động nên được thực hiện trong điều trị thoái hóa khớp gối không dùng thuốc

Hoạt động thể chất được khuyến khích là các bài tập aerobic, đi bộ, tập khí công, yoga, bơi... Các bài tập này giúp tăng cường cơ bắp và thể lực chung đều được khuyến nghị cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Các bài tập tăng cường sức cơ vùng đùi, có thể làm giảm tải cho khớp gối. Các bài tập dưới nước có tác dụng ngắn hạn trong việc giảm đau cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng và khớp gối. Trái với suy nghĩ phổ biến cho rằng việc chạy bộ trên đường trường sẽ gây hại cho khớp gối, trên thực tế chạy bộ thường xuyên ở mức độ vừa phải vẫn có thể an toàn cho bệnh nhân thoái hoá khớp, trong khi những người chạy chuyên nghiệp có thể tăng nguy cơ viêm xương khớp.

2.3 Phòng tránh thương tích

Phòng ngừa chấn thương là cần thiết trong các hoạt động thể dục thể thao, cũng như trong các sinh hoạt cá nhân thường ngày. Khớp gối bị chấn thương sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển thoái hoá khớp nhanh hơn ở khớp gối không bị chấn thương.

Viêm khớp gối có thể xảy ra ở người thường xuyên đi giày cao gót. Việc tiếp xúc lâu với giày cao gót sẽ tạo ra thay đổi lực ở khớp gối khi đi bộ, điều này có thể dẫn đến những biến đổi thoái hóa ở khớp và làm tăng nguy cơ viêm khớp.

2.4 Giảm cân

Giảm cân có làm giảm các triệu chứng viêm xương khớp và ngăn ngừa tiến triển tổng thể của tổn thương cấu trúc không? Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong việc quản lý viêm xương khớp. Ở những bệnh nhân béo phì, giảm cân và duy trì cân nặng ở mức độ thấp hơn làm giảm đau do viêm xương khớp. Giảm cân ở người béo phì có thể cải thiện cấu trúc sụn khớp, cũng như độ dày của sụn.

Chúng ta thường suy nghĩ rằng: khi trọng lượng tăng 1 kilogam, thì mỗi bên khớp gối sẽ gánh thêm nửa kilogam. Thực tế chúng ta đã lầm tưởng. Trọng lượng tăng thêm 1 kilogam sẽ làm tăng thêm 1-2 kilogam áp lực cho mỗi bên khớp gối. Trọng lượng dư thừa làm tăng tải trọng khớp, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sụn khớp và góp phần gây ra các tác động viêm khớp.

Trắc nghiệm: Người thoái hóa khớp gối có nên đi bộ?

Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Vậy bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Võ Sỹ Quyền Năng , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Võ Sỹ Quyền Năng
Võ Sỹ Quyền Năng
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Ngoại chấn thương chỉnh hình
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

2.5 Dụng cụ chỉnh hình hỗ trợ

Các thiết bị chỉnh hình như giày dép đặc biệt, đế lót, nẹp khớp gối và gậy được khuyên dùng cho bệnh nhân thoái hóa khớp hông hoặc khớp gối. Nạng tay nên chống ở phía đối bên với khớp bị đau. Nạng sẽ như một trợ thủ đắc lực cho bệnh nhân khi di chuyển. Hơn nữa, nẹp khớp gối có thể làm giảm bớt lượng thuốc giảm đau cần thiết cho người bệnh.

2.6 Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại, phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối cũng đạt được những kết quả mới. Và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu đã được chứng minh là an toàn, hiệu quả, nhanh chóng chấm dứt triệu chứng đau và đảm bảo hiệu quả lâu dài. Huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được chiết tách trực tiếp từ chính máu của bệnh nhân, do đó phương pháp này đạt độ an toàn cao, cũng như quá trình điều trị nhẹ nhàng, cùng với chi phí hợp lý.


Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại với các bệnh lý cơ xương khớp, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói điều trị bệnh cơ xương khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu, ứng dụng công nghệ PRP (hay còn gọi là huyết tương giàu tiểu cầu) trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, bao gồm các bệnh:

  • Bệnh lý gân và viêm gân; Viêm gân gót
  • Viêm mỏm lồi cầu (thường gặp ở khuỷu tay người chơi gôn và chơi tennis)
  • Viêm cân gan chân
  • Tạo hình dây chằng và viêm gân gối (1 bên đối với chấn thương của người chơi: bóng đá, bóng rổ, bóng ném)
  • Hội chứng chóp xoay vai
  • Chấn thương do thể thao
  • Tổn thương và chèn ép dây thần kinh
  • Viêm xương khớp giai đoạn đầu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe