Công dụng thuốc Anthrasil

Anthrasil thuộc nhóm thuốc điều trị và dự phòng bệnh than qua đường hô hấp dành cho cả trẻ em và người lớn. Anthrasil được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa trong suốt quá trình nhận thuốc nhằm ngăn ngừa và xử lý sớm các tác dụng phụ ngoại ý.

1. Anthrasil là thuốc gì?

Thuốc Anthrasil có tên chung là globulin miễn dịch bệnh than, được sử dụng phối hợp với kháng sinh để điều trị và dự phòng bệnh than qua đường hô hấp ở trẻ em và người lớn, xảy ra khi cơ thể có hệ thống miễn dịch kém. Thuốc có nguồn gốc từ huyết tương người, được chủng ngừa bằng BioThrax, sau đó tinh chế thêm.

Anthrasil là thuốc tiêm truyền tĩnh mạch chậm (IV), có chứa kháng thể đa dòng liên kết với PA (thành phần kháng nguyên bảo vệ của độc tố Bacillus anthracis gây phù và chết người). Sự gắn kết của PA với kháng thể đa dòng giúp ngăn cản sự xâm nhập và tấn công của các yếu tố độc hại thông qua trung gian PA.

Hiện nay, thuốc Anthrasil được sử dụng phối hợp với liệu pháp kháng sinh phù hợp, vì globulin miễn dịch ở người không có hoạt tính kháng khuẩn chống lại trực tiếp vi khuẩn gây bệnh than, thậm chí có thể tiếp tục phát triển và sản sinh ra những độc tố bệnh than trong cơ thể. Thuốc Anthrasil chỉ được sử dụng khi có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Anthrasil

Thuốc Anthrasil (globulin miễn dịch bệnh than) được chỉ định sử dụng chủ yếu trong điều trị và dự phòng bệnh than qua đường hô hấp ở cả trẻ em và người lớn. Thuốc Anthrasil thường được bác sĩ kết hợp cùng những loại thuốc kháng khuẩn phù hợp khác để tăng công hiệu. Theo nghiên cứu, globulin miễn dịch đa nhân anthrax đóng vai trò là yếu tố miễn dịch thụ động, có khả năng liên kết với kháng nguyên bảo vệ (PA) để trung hòa độc tố bệnh than, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây chết người và phù nề.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Anthrasil

Thuốc Anthrasil được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, sử dụng theo liều lượng và tần suất dựa trên chỉ định của bác sĩ, cụ thể:

Liều dùng Anthrasil và tỷ lệ truyền tĩnh mạch

  • Người lớn ≥ 17 tuổi: Dùng 7 lọ Anthrasil, tốc độ truyền bắt đầu 0,5 mL / phút (trong 30 phút đầu tiên), tốc độ truyền tăng dần nếu dung nạp 1 mL / phút (30 phút 1 lần), tỷ lệ truyền tối đa là 2 mL / phút.
  • Bệnh nhi < 1 tuổi - 16 tuổi: Dùng 1 – 7 lọ dựa trên trọng lượng của người bệnh, tốc độ truyền bắt đầu 0,01 mL / kg / phút (30 phút đầu), tốc độ truyền tăng dần nếu dung nạp 0,02 mL / kg / phút (30 phút / lần), tỷ lệ truyền tối đa là 0,04 mL / kg / phút.

Liều dùng Anthrasil dựa trên trọng lượng:

  • Bệnh nhân < 5 kg: Dùng 1 lọ / liều.
  • Bệnh nhân < 10 kg: Dùng 1 lọ / liều.
  • Bệnh nhân từ 10 đến < 18 kg: Dùng 2 lọ / liều.
  • Bệnh nhân từ 18 đến < 25 kg: Dùng 3 lọ / liều.
  • Bệnh nhân từ 25 đến < 35 kg: Dùng 4 lọ / liều.
  • Bệnh nhân từ 35 đến < 50 kg: Dùng 5 lọ / liều.
  • Bệnh nhân từ 50 đến < 60 kg: Dùng 6 lọ / liều.
  • Bệnh nhân ≥ 60 kg: Dùng 7 lọ / liều.

Liều khởi đầu tiêm truyền tĩnh mạch Anthrasil để điều trị bệnh than qua đường hô hấp đối với người lớn phối hợp với liệu pháp kháng sinh thích hợp là 7 lọ, tương đương 420 đơn vị. Có thể cân nhắc cho bệnh nhân dùng liều Anthrasil khởi đầu 14 lọ, tương đương 840 đơn vị, tuỳ thuộc vào tình trạng lâm sàng của họ.

Ngoài ra, dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và đáp ứng điều trị mà cân nhắc dùng liều khởi đầu Anthrasil 14 lọ và lặp lại liều, nhất là ở bệnh nhân bị xuất huyết, mất dịch khoang do chọc hút điều trị nhiều lần lồng ngực hoặc nội soi bụng. Để xác định khoảng thời gian giữa các liều lặp lại Anthrasil, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ mất chất lỏng và máu đang diễn ra cũng như tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

4. Một số tác dụng phụ của thuốc Anthrasil

Thuốc tiêm truyền Anthrasil có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh dưới đây:

  • Kích động, đau lưng / chân / dạ dày.
  • Hôn mê, ớn lạnh, mờ mắt, chảy máu nướu răng.
  • Ho, lú lẫn, nước tiểu đậm hoặc giảm lượng nước tiểu.
  • Khó nuốt, khó thở, phiền muộn, chóng mặt, ngất xỉu hoặc choáng váng.
  • Đau đầu, sốt, khàn tiếng, cáu gắt, sưng tấy toàn thân.
  • Đỏ da, phát ban, phù nề lưỡi họng, mí mắt,...
  • Viêm họng, cứng cổ / lưng, co giật, buồn nôn, nôn ói.
  • Đau ở ngực, chân, bẹn, bắp chân.
  • Thở chậm / không đều, mất phối hợp đột ngột.
  • Đổ mồ hôi, vàng da / mắt, mệt mỏi và suy nhược bất thường.

Những tác dụng phụ được nêu trên đây chưa chưa phải là danh sách đầy đủ, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng ngoài ý muốn khác khi điều trị bệnh than bằng Anthrasil. Khi nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý thích hợp.

5. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Anthrasil

5.1 Những đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc tiêm truyền Anthrasil?

Dưới đây là những đối tượng bệnh nhân cần hết sức thận trọng khi điều trị bệnh than qua đường hô hấp bằng thuốc Anthrasil, cụ thể:

  • Người có các vấn đề về đông máu.
  • Người có tiền sử dị ứng với IgA (globulin miễn dịch ở người).
  • Tránh tiêm Anthrasil cho người bị thiếu hụt IgA với các kháng thể chống lại IgA.
  • Người mắc bệnh tiểu đường, đau tim hoặc mới gặp cơn đột quỵ.
  • Người mắc các vấn đề về mạch máu hoặc bệnh tim mạch.
  • Người có độ nhớt máu cao (máu đặc).
  • Người mắc bệnh thận hoặc bệnh Paraproteinemia.
  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết cần sử dụng Anthrasil thận trọng, vì dễ gặp các tác dụng phụ nguy hiểm.

5.2 Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Anthrasil

Trong quá trình sử dụng thuốc Anthrasil, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra các tác dụng ngoại ý do thuốc Anthrasil gây ra.
  • Tiêm truyền thuốc Anthrasil có thể dẫn đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ, có khả năng đe dọa tới tính mạng và cần được xử lý ngay lập tức.
  • Những người bị thiếu hụt IgA và một số kháng thể chống lại IgA, có tiền sử mẫn cảm với những sản phẩm globulin miễn dịch ở người không nên tiêm truyền Anthrasil.
  • Thuốc có chứa maltose dễ gây ra những thay đổi về lượng đường huyết, do đó bệnh nhân có thể nhận thấy sự thay đổi này khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc đo lượng đường trong máu.
  • Anthrasil có thể thúc đẩy sự hình thành cục máu đông, đặc biệt có nguy cơ cao ở những bệnh nhân có vấn đề về đông máu, mắc bệnh tim mạch, béo phì, đang dùng thuốc chứa estrogen hoặc nằm giường lâu, vì bệnh tật hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ ngay nếu đột nhiên cảm thấy khó thở, đau chân, đau ngực, đau đầu dữ dội, có vấn đề về thị lực, đi lại hoặc lời nói.
  • Báo cho bác sĩ biết nếu sau khi tiêm Anthrasil có dấu hiệu chuyển màu nước tiểu sang đỏ hoặc nâu sẫm, kèm triệu chứng đau bên hông / lưng, tăng cân đột ngột, sưng chân / tay / mặt bất thường, giảm lượng nước tiểu hoặc gặp các vấn đề tiểu tiện. Những triệu chứng này có thể đang cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chức năng thận.
  • Tiêm thuốc Anthrasil có thể gây ớn lạnh, sốt, đau đầu, đỏ bừng, buồn nôn và nôn ói.
  • Thuốc Anthrasil cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu hoặc thiếu máu tán huyết. Báo cho bác sĩ ngay nếu bạn có dấu hiệu đau lưng / bụng, giảm đi tiểu, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, khó thở, nhịp tim tăng, vàng da / mắt sau khi tiêm truyền thuốc.
  • Báo cho bác sĩ sớm nếu nhận thấy triệu chứng như buồn ngủ, cứng cổ, đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, đau khi chuyển động mắt hoặc mắt nhạy cảm với ánh sáng. Những dấu hiệu này có thể đang cảnh báo hội chứng viêm màng não vô khuẩn (AMS), cần được điều trị sớm.
  • Tiêm truyền thuốc Anthrasil có thể gây xanh móng tay / môi, da nhợt nhạt, ho (đôi khi có đàm lẫn bọt hồng), tăng tiết mồ hôi, sưng tấy chân / mắt cá chân, khó thở. Đây có thể là những triệu chứng liên quan đến vấn đề nghiêm trọng về phổi sau khi dùng Anthrasil.
  • Anthrasil được làm từ máu người hiến tặng, có thể chứa một số loại vi rút nhất định và lây truyền sang cho người được nhận. Tuy nhiên, nguy cơ lây truyền là rất thấp, vì máu người hiến và người nhận đều được xét nghiệm vi rút trước khi áp dụng.
  • Người đang tiêm globulin miễn dịch bệnh than không được chủng ngừa vắc – xin sống trong vòng 3 tháng khi chưa có sự chấp thuận từ bác sĩ.

5.3 Tương tác của thuốc Anthrasil

Khi phối hợp dùng Anthrasil với một số thuốc khác có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động hoặc tăng mức độ ảnh hưởng của tác dụng phụ mà thuốc mang lại. Theo nghiên cứu cho biết, những loại thuốc có thể tương tác với Anthrasil, bao gồm:

  • Estrone.
  • Ethinylestradiol.
  • Estriol.
  • Estrone sulfate.
  • Mestranol.
  • Dienestrol.
  • Estradiol.
  • Conjugated estrogens.
  • Chlorotrianisene.
  • Diethylstilbestrol.

Ngoài những thuốc trên, một số dược phẩm, vitamin, sản phẩm thảo dược khác cũng có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng cùng lúc với Anthrasil. Do đó, trước khi tiêm truyền Anthrasil điều trị bệnh than qua đường hô hấp, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ những loại thuốc hoặc bất kỳ thực phẩm chức năng nào mà mình đang sử dụng để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tương tác.

Anthrasil thuộc nhóm thuốc điều trị và dự phòng bệnh than qua đường hô hấp dành cho cả trẻ em và người lớn. Anthrasil được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch, bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

109 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan