Công dụng thuốc Atimetrol

Atimetrol là thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về thuốc, giúp bạn dùng thuốc đúng cách và hạn chế được những tác dụng phụ nguy hiểm đối với sức khỏe.

1. Thuốc Atimetrol có tác dụng gì?

Thuốc Atimetrol có chứa thành phần chính là hoạt chất Metronidazol 500mg. Đây vốn là 1 dẫn chất 5 – nitro – imidazol, có phổ hoạt tính rộng trên động vật nguyên sinh như amip, Giardia và đặc biệt trên cả vi khuẩn kỵ khí.

Về cơ chế hoạt động của thuốc, trong ký sinh trùng, nhóm 5 – nitro của thuốc bị khử thành các chất trung gian độc với tế bào. Các chất này sẽ tạo sự liên kết với cấu trúc xoắn của phân tử DNA để từ đây phá vỡ các sợi này và cuối cùng khiến cho tế bào vi khuẩn bị tiêu diệt.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định

Với tác dụng trên, thuốc Atimetrol được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân nhiễm Trichomonas đường tiết niệu – sinh dục ở cả nam và nữ.
  • Người bị nhiễm Giardia lambia và nhiễm amib.
  • Người đang bị viêm loét miệng.
  • Sử dụng Atimetrol trong phòng ngừa nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí, phòng ngừa sau phẫu thuật đường tiêu hóa và phẫu thuật phụ khoa.

2.2. Chống chỉ định

Atimetrol chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân dị ứng và mẫn cảm với các thành phần trong thuốc, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và cho con bú. Ngoài ra, những người mắc các bệnh liên quan đến gan, thận hay rối loạn tế bào máu, nhiễm nấm, rối loạn thần kinh, bệnh động kinh cũng cần tránh sử dụng thuốc này.

Để đảm bảo an toàn, bạn nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng trước khi sử dụng Atimetrol.

3. Liều lượng và cách dùng

Thuốc Atimetrol thường được sử dụng trong hoặc sau bữa ăn, uống với 1 ít nước. Liều dùng thuốc tham khảo như sau:

  • Nhiễm khuẩn kỵ khí: Người lớn sử dụng với liều 30 - 40mg/ kg/ ngày, chia 4 lần uống; trẻ em sử dụng với liều 20 - 30mg/ kg/ ngày, chia 4 lần uống. Thời gian dùng thuốc được các chuyên gia khuyến cáo là 7 ngày.
  • Lỵ amip ruột: Người lớn sử dụng với liều 1,5 g - 2g/ ngày, chia 4 lần uống; trẻ em sử dụng với liều 40 - 50mg/ kg/ ngày, chia 4 lần uống. Thời gian sử dụng thuốc nên kéo dài từ 7 - 10 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Amip gan: Người lớn sử dụng với liều 1,5g - 2g/ ngày, chia 4 lần uống, trẻ em sử dụng với liều 40 - 50 mg/kg/ngày, chia 4 lần uống. Thời gian sử dụng thuốc Atimetrol nên kéo dài 5 ngày.
  • Nhiễm Trichomonas ở đường sinh dục: Sử dụng với liều 250mg, ngày dùng 3 lần (phụ nữ & nam giới). Thời gian sử dụng Atimetrol trong 7 ngày là tốt nhất.
  • Nhiễm Giardia: Sử dụng với liều 2g/ ngày, chia 4 lần uống. Thời gian sử dụng thuốc Atimetrol tốt nhất trong 3 ngày.

4. Tác dụng phụ

Thuốc Atimetrol có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, khô miệng, đắng miệng, tiêu chảy. Bạn cần thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc.

5. Tương tác thuốc

Không phối hợp Atimetrol với các thuốc có chứa những thành phần sau bởi chúng sẽ gây tương tác, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

  • Dùng chung với Warfarin và các thuốc chống đông máu đường uống khác có nguy cơ làm tăng tác dụng chống đông máu.
  • Dùng chung với Disulfiram có thể gây độc trên thần kinh (loạn thần và lú lẫn).
  • Dùng chung với Lithium sẽ gia tăng nồng độ Lithium trong máu, gây độc.

Ngoài ra, hãy thận trọng khi phối hợp Atimetrol với:

  • Thuốc có chứa Phenobarbital làm tăng chuyển hóa Atimetrol nên Metronidazole trong Atimetrol thải trừ nhanh hơn.
  • Thuốc có chứa Vecuronium làm tăng tác dụng của Vecuronium là một thuốc giãn cơ không khử cực.

6. Thận trọng khi dùng Atimetrol

  • Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong thời gian dùng thuốc Atimetrol và trong ít nhất 3 ngày sau khi bạn ngừng dùng thuốc. Cồn và chất kích thích có thể là nguyên nhân gây ra những tác dụng phụ như nhịp tim nhanh, nôn mửa, đau bụng, đổ mồ hôi, mặt đỏ bừng,...
  • Cần kiểm tra chức năng gan thường xuyên khi dùng thuốc Atimetrol dài ngày. Nếu bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh gan trong quá trình điều trị như buồn nôn, nôn ói liên tục, chán ăn, đau dạ dày hoặc đau bụng dữ dội, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu bạn cần báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Atimetrol có thể gây chóng mặt nên người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc khi lái xe, sử dụng máy móc hoặc đang làm công việc cần sự tỉnh táo.
  • Atimetrol có thể gây ảnh hưởng khiến một số loại vắc-xin sản xuất từ vi khuẩn sống (như vắc-xin thương hàn) làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không tiêm phòng khi đang sử dụng loại kháng sinh này trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.
  • Nếu bạn bỏ lỡ một liều Atimetrol, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua và dùng liều tiếp theo như chỉ định tuyệt đối không dùng gấp đôi để bù liều.
  • Dùng thuốc Atimetrol quá liều có thể gây nguy hiểm, vì vậy bạn cần thận trọng. Nếu không may dùng quá liều, hãy đến ngay bệnh viện để được hỗ trợ khắc phục kịp thời.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Atimetrol, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Atimetrol điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan