Công dụng thuốc Cirab

Thuốc Cirab được dùng theo đường tiêm nhằm điều trị các vấn đề về tiêu hoá như loét tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,... Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và sớm khắc phục bệnh, bạn nên dùng thuốc Cirab theo đúng chỉ định của bác sĩ.

1. Tác dụng thuốc Cirab là gì?

Cirab thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá. Cirab được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm, mỗi hộp gồm 1 lọ 5ml. Thành phần dược chất chính trong thuốc Cirab là Rabeprazol Natri hàm lượng 20mg, ngoài ra còn có sự kết hợp của các tá dược phụ trợ khác.

Rabeprazol thuộc nhóm thuốc chống tiết, có khả năng ngăn chặn quá trình tiết dịch vị thông qua cơ chế H+/ K+ATPase dạ dày tại bề mặt tiết của những tế bào thành dạ dày. Theo nghiên cứu cho biết, Rabeprazol có đặc tính như một chất ức chế bơm proton dạ dày và có tác dụng ức chế giai đoạn cuối của quá trình tiết dịch vị. Trong các tế bào thành dạ dày, hoạt chất Rabeprazol nhận thêm một proton, sau đó tích lũy và biến đổi thành dạng Sulfenamide có hoạt tính.

Nhìn chung, hoạt chất Rabeprazol mang lại các tác dụng sau:

  • Ức chế tiết acid dạ dày.
  • Chống loét dạ dày.
  • Cải thiện các sang thương tại niêm mạc dạ dày.
  • Cải thiện cho các tình trạng bị hồi lưu dạ dày thực quản và hội chứng Zollinger-Ellison.

Hiện nay, thuốc Cirab thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị ngắn hạn khoảng 4 – 8 tuần nhằm làm giảm triệu chứng và chữa lành bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ăn mòn hoặc loét. Nếu người bệnh không chữa khỏi sau 8 tuần trị liệu có thể dùng thêm một đợt thuốc nữa.
  • Điều trị duy trì cho bệnh nhân sau khi khỏi bệnh trào ngược dạ dày thực quản, đồng thời làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phát hiện tượng ợ nóng.
  • Điều trị chứng ợ nóng ban ngày và đêm, đồng thời đẩy lùi các triệu chứng khác do trào ngược dạ dày thực quản gây ra.
  • Điều trị ngắn hạn trong vòng 4 tuần để làm giảm triệu chứng và chữa lành cho bệnh nhân mắc tình trạng loét tá tràng. Đa số bệnh nhân có thể khỏi bệnh sau khoảng 4 tuần trị liệu.
  • Phối hợp thuốc Cirab cùng với kháng sinh khác như Clarithromycin và Amoxicillin để điều trị nhiễm Hp, từ đó làm giảm nguy cơ tái phát bệnh loét tá tràng. Đối với bệnh nhân gặp thất bại trong điều trị có thể thực hiện các xét nghiệm tính nhạy cảm. Trong trường hợp đề kháng với Clarithromycin hoặc bệnh nhân không thể thực hiện xét nghiệm tính nhạy cảm, bác sĩ có thể đề nghị một liệu pháp kháng sinh khác.
  • Điều trị lâu dài cho các trường hợp tăng tiết bệnh lý, bao gồm cả hội chứng Zollinger – Ellison.

Tuy nhiên, cần tránh tự ý dùng thuốc Cirab cho các đối tượng bệnh nhân sau khi chưa được bác sĩ chấp thuận:

  • Người bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Rabeprazol hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Cirab cho người quá mẫn cảm với các Benzimidazol thay thế.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Cirab cho phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang trong giai đoạn nuôi con bú.
  • Chống chỉ định thuốc Cirab cho trẻ em do chưa có đầy đủ nghiên cứu chứng minh thuốc an toàn khi dùng cho đối tượng này.

2. Liều lượng và hướng dẫn dùng thuốc Cirab đúng cách

Thuốc Cirab thường được dùng bằng đường tiêm dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên môn. Dựa trên tình trạng sức khoẻ cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị về liều dùng phù hợp:

  • Điều trị loét dạ dày tá tràng cấp tính: Dùng liều thông thường 20mg / lần / ngày, sau đó tiếp tục duy trì điều trị với liều từ 10 – 20mg / ngày tùy theo đáp ứng.
  • Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Dùng liều từ 10 – 20mg / lần / ngày.
  • Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: Dùng liều ban đầu 60mg / ngày, sau đó có thể tăng lên tối đa 60 mg × 2 lần / ngày tuỳ thuộc vào sự cần thiết đối với mỗi bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân bị suy gan hoặc suy thận sẽ không cần phải điều chỉnh liều. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tham khảo kỹ lời khuyên của bác sĩ về việc sử dụng thuốc Cirab sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Tránh tự ý áp dụng, thay đổi liều lượng hoặc kéo dài thời gian điều trị khi chưa được bác sĩ chấp thuận.

3. Thuốc Cirab gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Trong một số nghiên cứu cả ngắn hạn và dài hạn đã cho thấy thuốc Cirab có thể gây ra các tác dụng phụ ngoại ý cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, cụ thể:

  • Phản ứng toàn thân: Sốt, suy nhược, phản ứng dị ứng, khó chịu, ớn lạnh, cứng cổ, đau ngực dưới xương ức hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Phản ứng trên hệ tim mạch: Bất thường điện tâm đồ, đau thắt ngực, cao huyết áp, ngất, đau nửa đầu, nhịp xoang tim chậm, hồi hộp hoặc nhịp tim nhanh.
  • Phản ứng trên hệ tiêu hoá: Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, khô miệng, táo bón, viêm dạ dày ruột, ợ hơi, đại tiện máu đen, xuất huyết trực tràng, loét miệng, chán ăn, khó nuốt, viêm miệng, viêm túi mật, viêm lợi, viêm lưỡi, viêm trực tràng, viêm kết tràng, viêm tuỵ, viêm thực quản và tăng sự thèm ăn.
  • Phản ứng trên hệ nội tiết: Hiện tượng nhược giáp hoặc cường giáp.
  • Phản ứng trên hệ bạch huyết và máu: Mảng bầm trên da, thiếu máu hoặc bệnh hạch bạch huyết.
  • Các rối loạn chuyển hóa – dinh dưỡng: Tăng cân, phù ngoại biên, giảm cân hoặc mất nước.
  • Phản ứng trên hệ cơ – xương: Vọp bẻ chân, đau cơ, bệnh khớp, viêm khớp và viêm túi thanh mạc.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh: Chóng mặt, mất ngủ, lo âu, căng thẳng, suy nhược, tăng trương lực, buồn ngủ, hoa mắt, đau thần kinh, co giật, bệnh thần kinh, run, giảm khả năng tình dục và dị cảm.
  • Phản ứng trên hệ hô hấp: Chảy máu cam, hen, khó thở, nấc cụt, viêm thanh quản và tăng thông khí.
  • Phản ứng trên da hoặc các phần phụ: Toát mồ hôi, nổi ban, ngứa da, rụng lông tóc và nổi mày đay.
  • Rối loạn các giác quan đặc biệt: Giảm thị lực, đục thuỷ tinh thể, khô mắt, tăng nhãn áp, ù tai, bất thường thị giác và viêm tai giữa.
  • Phản ứng trên hệ niệu – dục: Thống kinh, tiểu dắt, viêm bàng quang, xuất huyết tử cung, khó tiểu hoặc đa niệu.
  • Thay đổi các giá trị xét nghiệm: Albumin niệu, bất thường tiểu cầu, tăng cholesterol máu, tăng creatine phosphokinase, bất thường hồng cầu, tăng lipid máu, tăng đường huyết, giảm kali / natri huyết, tăng SGPT, xét nghiệm chức năng gan bất thường hoặc dấu hiệu bất thường về nước tiểu.

Bạn cần nhanh chóng báo cho bác sĩ biết nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được liệt kê ở trên trong quá trình điều trị bằng thuốc Cirab. Việc phát hiện và xử trí sớm các phản ứng bất lợi có thể giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác.

4. Một số điều cần lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc Cirab

Trong suốt quá trình điều trị các vấn đề tiêu hoá bằng thuốc Cirab, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Hoạt chất Rabeprazol có nguy cơ gây viêm thận kẽ, nếu dùng thuốc trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 của bệnh nhân và gây ra các tình trạng như tiêu chảy, loãng xương, gãy xương cổ tay, hông hoặc cột sống. Do đó, người bệnh nên dùng Rabeprazol với liều lượng thấp nhất và trong khoảng thời gian ngắn nhất.
  • Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Cirab cho bệnh nhân cao tuổi vì đối tượng này có độ nhạy cảm với Rabeprazol cao hơn so với người trẻ.
  • Khi dùng chung Rabeprazol cùng thuốc chống đông máu Warfarin (Coumadin) có thể làm tăng hiệu quả làm loãng máu của thuốc này.
  • Rabeprazol có thể ảnh hưởng đến sự thải trừ của Cyclosporin trong gan, dẫn đến tăng nồng độ Cyclosporin trong máu và gây ngộ độc.
  • Rabeprazol làm giảm đáng kể nồng độ và sự hấp thu của thuốc Ketoconazole (Nizoral), trong khi đó làm tăng hấp thu và nồng độ của thuốc Digoxin (Lanoxin) trong máu, từ đó làm giảm hiệu quả và dễ gây ngộ độc các loại thuốc này.
  • Rabeprazol làm ảnh hưởng đến nồng độ của thuốc Atazanavir (Reyataz) trong máu.
  • Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết mọi loại thuốc khác đang sử dụng trong thời điểm hiện tại để tránh xảy ra phản ứng tương tác khi dùng cùng với Cirab.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và chất lượng thuốc trước khi dùng nhằm ngăn ngừa nguy cơ dùng thuốc đã quá hạn hoặc hư hỏng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

160 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan