Công dụng thuốc Cutaquig

Thuốc Cutaquig là một Globulin miễn dịch được dùng ở những người bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát. Thuốc giúp làm giảm nhiễm trùng nghiêm trọng và số lần dùng thuốc, nhập viện. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cũng có thể mang đến một số nguy cơ ít gặp. Để hiểu rõ về thuốc cùng tìm hiểu thuốc qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Cutaquig có tác dụng gì?

Thuốc Cutaquig có thành phần chính là Immunoglobulin G 165mg trong 1mL (16.5%), bào chế dạng dung dịch tiêm dưới da.

Thuốc Cutaquig cung cấp các kháng thể Immunoglobulin G giúp vô hiệu hóa và chống lại nhiều loại vi khuẩn và vi rút. Cơ chế hoạt động trong người suy giảm miễn dịch dịch thể nguyên phát vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ.

Cutaquig được tiến hành nghiên cứu cho thấy giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não do vi khuẩn, viêm tủy xương và viêm khớp nhiễm trùng, viêm phổi do vi khuẩn và áp xe nội tạng. Từ đó, giúp giảm số đợt của bất kỳ bệnh nhiễm trùng, giảm số ngày sử dụng và tỉ lệ kháng sinh hàng năm.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Cutaquig

Chỉ định: Thuốc Cutaquig được dùng trong điều trị được chỉ định là liệu pháp thay thế cho tình trạng suy giảm miễn dịch dịch thể nguyên phát (PI) ở người lớn và bệnh nhi từ 2 tuổi trở lên.

Chống chỉ định: Thuốc Cutaquig được chống chỉ định:

  • Không dùng thuốc này ở những bệnh nhân đã có phản ứng phản vệ hoặc phản ứng toàn thân nghiêm trọng với việc tiêm dưới da globulin miễn dịch của người hoặc với bất kỳ thành phần nào của Cutaquig.
  • Không dùng ở những bệnh nhân thiếu IgA, có kháng thể chống lại IgA.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Cutaquig

3.1. Cách dùng

Thuốc Cutaquig được dùng bằng cách tiêm dưới da, không tiêm vào mạch máu. Cutaquig là một dung dịch trong suốt và không màu, có thể chuyển sang hơi trắng đục và vàng nhạt trong suốt quá trình bảo quản. Không sử dụng dung dịch này nếu như nó đã xuất hiện vẩn đục hoặc chứa các hạt. Các lưu ý khi dùng thuốc Cutaquig:

  • Cần đảm bảo sử dụng kỹ thuật vô trùng khi chuẩn bị và sử dụng thuốc.
  • Trước khi sử dụng, kiểm tra trực quan từng lọ Cutaquig để tìm các chất dạng hạt, bất cứ khi nào dùng dung dịch. Không trộn thuốc với các sản phẩm khác, không pha loãng Cutaquig và bạn cũng không lắc dung dịch.
  • Đảm bảo kiểm tra nhãn để biết ngày hết hạn và không sử dụng quá ngày này.
  • Thuốc Cutaquig nên được nhân viên y tế hoặc người chăm sóc hoặc bệnh nhân tự tiêm hàng tuần sau khi được đào tạo thích hợp.
  • Thuốc Cutaquig có thể được truyền ở những vùng như sau bụng, đùi, cánh tay trên và hoặc cẳng chân, vùng hông. Thuốc có thể được truyền đồng thời vào tối đa 6 vị trí khác nhau. Các vị trí tiêm truyền phải cách nhau ít nhất 5 cm. Luân phiên các vị trí tiêm truyền giữa các lần tiêm tiếp theo.
  • Đối với bệnh nhân chưa điều trị bằng Globulin miễn dịch tiêm dưới da (IGSC), thể tích ban đầu tối đa trên mỗi vị trí tiêm không được vượt quá 25ml. Từ lần tiêm thứ 6 trở đi, thể tích có thể được tăng dần lên đến tối đa 40mL/ vị trí khi có thể dung nạp. Từ lần truyền số 7 trở đi, có thể tăng dần lên 50ml mỗi giờ cho tất cả các vị trí kết hợp, sau đó lên tùy khả năng dung nạp.

Các bước thực hiện tiêm thuốc Cutaquig:

  • Chuẩn bị sẵn sàng cho việc truyền dịch: Chọn và chuẩn bị khu vực tiêm sạch sẽ; chuẩn bị các dụng cụ y tế và thuốc cần để sử dụng. Rửa tay thật sạch và để khô.
  • Lấy thuốc: Nếu lấy ra khỏi tủ lạnh, hãy để sản phẩm này ở nhiệt độ phòng (≤ 25 độ C). Kiểm tra kỹ lọ thuốc và liều lượng cho người bệnh. Tháo nắp bảo vệ và khử trùng nút cao su bằng cách dùng khăn vô trùng lau và để khô.
  • Cho thuốc vào ống tiêm: Mở ống tiêm vô trùng và kim tiêm. Gắn kim vào ống tiêm bằng thao tác vặn. Rút pít-tông trở lại để đổ đầy không khí vào ống tiêm, lượng không khí phải gần bằng lượng dung dịch cần thiết để lấy ra từ lọ. Đưa kim lấy thuốc vào giữa nút lọ và lật ngược lọ. Để tránh tạo bọt, đảm bảo rằng đầu kim không nằm trong dung dịch, sau đó bơm không khí vào. Tiếp theo giữa chặt pít tông, di chuyển kim sao cho đầu kim nằm trong dung dịch, rồi từ từ thả tay để rút thể tích thuốc Cutaquig mong muốn. Rồi rút kim ra khỏi lọ. Quy trình này có thể được lặp lại nếu bạn cần sử dụng nhiều hơn một lọ. Khi hoàn tất, hãy lấy kim ra và vứt vào thùng đựng vật sắc nhọn và tiến hành bước tiếp theo.
  • Chuẩn bị bơm và ống truyền dịch: Xoay ống để loại bỏ khí còn sót lại.
  • Chuẩn bị vị trí truyền: Tùy thuộc vào tổng liều dùng mà chuẩn vị vị trí phù hợp. Tránh đưa kim vào các vết sẹo, hình xăm hoặc các vùng da bị thương, viêm và kiểm tra da để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng. Làm sạch da tại vị trí tiêm bạn đã chọn bằng khăn lau da sát trùng bắt đầu từ trung tâm và hướng ra ngoài theo chuyển động tròn và để khô từng vị trí trước khi tiếp tục.
  • Tiến hành tiêm: Véo da giữa ngón tay cái và ngón tay trước xung quanh vị trí tiêm và đưa kim vào mô dưới da. Cố định kim vào vị trí bằng cách đắp gạc và băng vô trùng hoặc băng trong suốt.
  • Kiểm tra vị trí đặt kim bằng cách kéo lại pít-tông ống tiêm. Không được có máu trở lại trong ống. Nếu thấy máu trở lại, rút ​​kim và bắt đầu lại từ bước 5 với kim mới ở vị trí khác.
  • Bắt đầu truyền dịch: Khi xác định được vị trí thì bắt đầu truyền dịch. Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất bơm truyền.
  • Kết thúc tiêm: Nhẹ nhàng rút kim và đặt ngay vào thùng đựng vật sắc nhọn. Nếu cần, hãy để một miếng gạc nhỏ lên chỗ kim tiêm và băng lại.

3.2. Liều lượng của thuốc Cutaquig

Liều dùng được thể hóa liều dựa trên phản ứng dược động học và lâm sàng của bệnh nhân. Theo dõi nồng độ đáy IgG trong huyết thanh thường xuyên để hướng dẫn điều chỉnh liều tiếp theo khi cần thiết.

  • Liều dùng cho bệnh nhân chuyển sang Cutaquig từ Immonoglobin dạng tiêm tĩnh mạch (IGIV): Đảm bảo rằng bệnh nhân đã được điều trị bằng Globulin miễn dịch qua đường tĩnh mạch (IGIV) đều đặn trong ít nhất 3 tháng. Để tính liều hàng tuần ban đầu của thuốc cutaquig, hãy chia liều IGIV hàng tháng theo gam cho số tuần giữa các lần truyền IGIV và sau đó nhân giá trị này với Hệ số điều chỉnh liều là 1.40. Để chuyển đổi liều (tính bằng gam) sang mililit (mL), nhân liều đã tính (tính bằng gam) với 6.
  • Liều cho bệnh nhân chuyển sang thuốc Cutaquig từ Immunoglobulin tiêm dưới da (IGSC) khác: Đảm bảo rằng bệnh nhân đã nhận được IGSC đều đặn ít nhất 3 tháng trước khi chuyển sang Cutaquig. Nên duy trì cùng một liều lượng hàng tuần (tính bằng gam) Cutaquig đã được sử dụng cho liệu pháp Globulin miễn dịch dưới da (IGSC) trước đó. Để chuyển đổi liều (tính bằng gam) sang mililit (mL), nhân liều đã tính (tính bằng gam) với 6.

Điều chỉnh liều: Theo thời gian, liều lượng có thể cần phải được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, phụ thuộc vào phản ứng lâm sàng và vào mức đáy IgG trong huyết thanh mong muốn. Đánh giá nồng độ đáy IgG trong huyết thanh của bệnh nhân 2-3 tháng sau khi chuyển sang Cutaquig hoặc sau lần điều chỉnh liều Cutaquig cuối cùng, để xác định xem có cần điều chỉnh liều hay không.

Liều dùng sau khi tiếp xúc với bệnh sởi: Nếu bệnh nhân đã tiếp xúc với bệnh sởi, có thể thận trọng tiêm một liều Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch càng sớm càng tốt và trong vòng 6 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Liều dùng khoảng 400mg/ kg nên cung cấp lượng kháng thể sởi trong huyết thanh > 240mIU/ mL trong ít nhất hai tuần. Nếu một bệnh nhân có nguy cơ bị phơi nhiễm với bệnh sởi trong tương lai và nhận được liều dưới 245mg/ kg tiêm dưới da mỗi tuần, thì nên tăng liều lên khoảng 245mg/ kg.

4. Tác dụng phụ của thuốc Cutaquig

Phản ứng phụ mà bạn có thể gặp phải khi dùng thuốc Cutaquig bao gồm:

  • Bệnh hen suyễn; Ho; nôn mửa; nghẹt mũi; sốt; đau đầu; Alanine aminotransferase tăng; giảm bạch cầu; giảm bạch cầu trung tính; viêm da; đau hầu họng; nổi mày đay; Aspartate aminotransferase tăng; đau bụng; đau tai.
  • Các phản ứng có hại phổ biến nhất được quan sát thấy ở ≥ 5% đối tượng nghiên cứu là các phản ứng có hại tại chỗ tiêm truyền tại chỗ như mẩn đỏ, sưng và ngứa; phản ứng nhức đầu, sốt, viêm da, tiêu chảy và ho.
  • Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết.
  • Phản ứng phản vệ, phản ứng dị ứng, phù thần kinh mạch.
  • Kích động; Mất ý thức, tai biến mạch máu não, viêm màng não vô khuẩn, co giật, đau nửa đầu, run, dị cảm, chóng mặt.
  • Ngừng tim, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực; huyết khối tắc mạch, huyết khối, trụy tuần hoàn, tăng huyết áp, tụ máu.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp, suy hô hấp, thuyên tắc phổi, ngừng thở, tím tái, thiếu oxy, phù phổi, gây ra co thắt phế quản, khó thở, ho, thở khò khè.
  • Chức năng gan bất thường, buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng trên;
  • Hội chứng Stevens-Johnson, tiêu da, ban đỏ đa dạng, chàm, mày đay, phát ban (ban đỏ), rụng tóc, đổi màu da, khối da, phản ứng da, loét da trên vết tiêm truyền, hoại tử da hay vết tiêm truyền
  • Đau lưng, đau khớp, đau tứ chi, đau cơ
  • Suy thận; Ớn lạnh, đau tức ngực, khó chịu ở ngực; nóng bừng mặt, đỏ bừng, chứng tăng tiết nước, mệt mỏi, bệnh giống cúm, khó chịu.
  • Men gan tăng, xét nghiệm coombs dương tính, hiện diện hemoglobin tự do, hemoglobin tăng, haptoglobin giảm.

Khi dùng thuốc cần báo với bác sĩ nếu như gặp phải những tác dụng phụ.

5. Cảnh báo những nguy cơ gặp phải khi dùng thuốc Cutaquig

Quá mẫn cảm:

  • Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng có thể xảy ra với thuốc Cutaquig, ngay cả ở những bệnh nhân đã dung nạp điều trị trước đó với Globulin miễn dịch của người. Nếu phản ứng quá mẫn xảy ra khi dùng thuốc, cần ngừng truyền Cutaquig ngay lập tức và bắt đầu điều trị thích hợp.
  • Những bệnh nhân thiếu IgA, có kháng thể kháng IgA đã biết có nguy cơ cao bị phản ứng quá mẫn hoặc phản vệ nghiêm trọng tiềm ẩn bao gồm cả sốc phản vệ.

Huyết khối:

  • Huyết khối có thể xảy ra sau khi điều trị bằng các sản phẩm globulin miễn dịch, bao gồm cả thuốc Cutaquig. Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm tuổi cao, nằm bất động kéo dài, tình trạng tăng đông máu, tiền sử huyết khối tĩnh mạch hoặc huyết khối động mạch, sử dụng estrogen, đặt ống thông mạch máu trung tâm, tăng độ nhớt máu và các yếu tố nguy cơ tim mạch. Huyết khối cũng có thể xảy ra khi không có các yếu tố nguy cơ đã biết.
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho bệnh nhân trước khi dùng. Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng huyết khối và đánh giá độ nhớt của máu ở những bệnh nhân có nguy cơ tăng độ nhớt.

Hội chứng viêm màng não vô trùng (AMS):

  • Hội chứng viêm màng não vô trùng có thể xảy ra với Cutaquig. AMS đã được báo cáo sau khi sử dụng globulin miễn dịch ở người được tiêm tĩnh mạch và kể cả tiêm dưới da. Nó thường bắt đầu vài giờ đến 2 ngày sau khi điều trị và xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
  • AMS được đặc trưng bởi các dấu hiệu và triệu chứng như sau: Đau đầu dữ dội, cứng gáy, buồn ngủ, sốt, sợ ánh sáng, chuyển động mắt đau đớn, buồn nôn và nôn. Các nghiên cứu về dịch não tủy (CSF) thường cho thấy tăng bạch cầu lên đến vài nghìn tế bào trên mm3 , chủ yếu là từ chuỗi bạch cầu hạt, và nồng độ protein tăng lên đến vài trăm miligam/ dL, nhưng kết quả nuôi cấy vi sinh vật âm tính.
  • Để loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm màng não, hãy tiến hành kiểm tra thần kinh kỹ trên những bệnh nhân có các triệu chứng và dấu hiệu nghi ngờ, bao gồm cả các nghiên cứu về dịch não tủy. Việc ngừng điều trị bằng immunoglobulin đã làm thuyên giảm AMS trong vòng vài ngày mà không để lại di chứng.

Suy thận:

  • Rối loạn chức năng thận hay suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, thận hư thẩm thấu và tử vong có thể xảy ra khi sử dụng globulin miễn dịch ở người, đặc biệt là những thuốc có chứa sucrose. Mặc dù, Cutaquig không chứa sucrose. Nhưng cần đảm bảo rằng bệnh nhân không bị giảm thể tích trước khi dùng Cutaquig.
  • Ở những bệnh nhân có nguy cơ phát triển rối loạn chức năng thận do bất kỳ mức độ suy thận nào có từ trước hoặc có khuynh hướng suy thận cấp tính (chẳng hạn như mắc bệnh đái tháo đường, tuổi trên 65, suy giảm thể tích, nhiễm trùng huyết hoặc bệnh nhân đang dùng các thuốc gây độc cho thận đã biết) đang theo dõi thận, chức năng và cân nhắc việc dùng liều thấp hơn, thường xuyên hơn

Tan máu:

  • Các sản phẩm IgG, bao gồm Cutaquig, có thể chứa các kháng thể của nhóm máu, gây ra kết quả xét nghiệm kháng thể trực tiếp dương tính (Coombs). Bệnh thiếu máu tan máu chậm có thể phát triển sau khi điều trị bằng globulin miễn dịch do tăng cường cô lập RBC( Red blood cell) và tán huyết cấp tính.
  • Theo dõi những người nhận Cutaquig về các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của tán huyết, đặc biệt là những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao (chẳng hạn như nhóm máu không phải O, sử dụng liều IgG cao (≥ 2g/ kg BW)).

Tác nhân truyền nhiễm có thể lây truyền:

  • Bởi vì thuốc Cutaquig được làm từ huyết tương người, nó có thể mang nguy cơ truyền các tác nhân lây nhiễm, ví dụ như vi rút, tác nhân gây bệnh Creutzfeldt-Jakob (vCJD) biến thể và về mặt lý thuyết là tác nhân gây bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD). Điều này cũng áp dụng cho các loại vi rút chưa biết hoặc mới xuất hiện và các mầm bệnh khác.
  • Hiện tại, không có trường hợp lây truyền các bệnh do vi rút hoặc CJD có liên quan đến việc sử dụng Cutaquig. Nhưng nếu có, thì tất cả các bệnh nhiễm trùng mà nghi ngờ có thể do Cutaquig lây truyền phải được báo cáo.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cutaquig

Khi dùng thuốc cần thận trọng khi dùng cho những trường hợp sau:.

  • Thai kỳ: Không có dữ liệu về người để chỉ ra sự hiện diện hoặc không có nguy cơ liên quan đến thuốc Cutaquig. Các nghiên cứu về sinh sản của động vật không được thực hiện với Cutaquig. Người ta không biết liệu rằng thzoocs Cutaquig có thể gây hại cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Các globulin miễn dịch có thể đi qua nhau thai từ tuần hoàn mẹ ngày càng tăng sau 30 tuần tuổi thai. Nên thận trọng khi dùng nếu thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ cho con bú: Hiện có dữ liệu về người để chỉ ra sự hiện diện hoặc không có nguy cơ liên quan đến thuốc. Các lợi ích phát triển và sức khỏe của việc cho con bú cần được xem xét cùng với nhu cầu lâm sàng của người mẹ đối với Cutaquig và bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào đối với trẻ bú sữa mẹ từ Cutaquig. Thận trọng khi lựa chọn dùng thuốc.
  • Trẻ em: Các nghiên cứu đã được đánh giá việc dùng thuốc cho trẻ trên 2 tuổi. Đối với trẻ dưới 2 tuổi hiện không có dữ liệu về an toàn.
  • Người cao tuổi: Thuốc đã được đánh giá và nghiên cứu trên người nhiều hơn 65 tuổi. Người ta nhận thấy việc lựa chọn liều cho bệnh nhân cao tuổi nên thận trọng. Các bác sĩ nên bắt đầu ở mức thấp nhất của khoảng liều dùng để giảm nguy cơ tăng độ nhớt và kết tủa của phản ứng có hại cho tim, thận hoặc gan; ảnh hưởng tới các bệnh đồng thời hoặc điều trị bằng thuốc khác.
  • Thận trọng khi kết hợp với các vắc xin sống giảm động lực, vì việc dùng Cutaquig làm giảm hiệu lực của vắc xin này.

Cutaquig được dùng dưới chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ có kinh nghiệm điều trị. Trong suốt quá trình điều trị cần theo dõi và kiểm tra định kỳ đảm bảo dùng thuốc an toàn, phát hiện sớm phản ứng phụ có thể xảy ra.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan