Công dụng thuốc Flametro

Thuốc Flametro có thành phần hoạt chất chính là Metronidazole và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc kháng sinh thuộc họ Nitro-5 Imidazole có công dụng điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng các loại virus và kháng nấm.

1. Thuốc Flametro là thuốc gì?

Thuốc Flametro có thành phần hoạt chất chính là Metronidazole và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc kháng sinh thuộc họ Nitro-5 Imidazole có công dụng điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng các loại virus và kháng nấm.

Thuốc Flametro được bào chế dưới dạng viên nén, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp. Quy cách đóng gói là hộp gồm 10 vỉ và mỗi vỉ chứa 10 viên thuốc.

1.1. Dược lực học của hoạt chất Metronidazole

Hoạt chất chính Metronidazole là thuốc kháng khuẩn thuộc họ nitro-5 imidazole.

1.2. Dược động học của hoạt chất Metronidazole

  • Khả năng hấp thu: Sau khi uống, dược chất Metronidazole được hấp thu nhanh, ít nhất 80% sau 1 giờ. Với liều tương đương, nồng độ huyết thanh đạt được sau theo đường uống và tiêm truyền như nhau. Ðộ khả dụng sinh học khi uống là 100% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
  • Khả năng phân bố: Khoảng 1 giờ sau khi uống 500 mg, nồng độ huyết thanh tối đa đạt trung bình 10mcg/ml.Thời gian bán hủy huyết thanh trung bình từ 8 đến 10 giờ. Hoạt chất này có khả năng khuếch tán nhanh, mạnh, với nồng độ ở phổi, thận, gan, mật, dịch não tủy, nước bọt, tinh dịch, dịch tiết âm đạo tương đương bằng nồng độ huyết thanh. Hoạt chất Metronidazole qua được hàng rào nhau thai và qua sữa mẹ.
  • Khả năng chuyển hóa sinh học: Hoạt chất chính Metronidazole được chuyển hóa chủ yếu ở gan, bị oxy hóa cho ra 2 chất chuyển hóa chính:
  • Chất chuyển hóa alcohol, là chất chuyển hóa chính, có công dụng diệt vi khuẩn kỵ khí (khoảng 30% so với metronidazole), thời gian bán hủy: 11 giờ.
  • Chất chuyển hóa acid, có tác dụng diệt khuẩn khoảng 5% so với metronidazole.
  • Khả năng bài tiết: Nồng độ cao ở gan và mật, thấp ở kết tràng. Hoạt chất này ít bài tiết qua phân. Bài tiết chủ yếu qua nước tiểu do dược chất Metronidazole và các chất chuyển hóa oxyde hóa hiện diện trong nước tiểu từ 35 đến 65% liều dùng.

1.3. Tác dụng của dược chất Metronidazol

  • Dược chất Metronidazol có tác dụng tốt với cả amip ở trong và ngoài ruột, cả thể cấp tính và thể mạn tính. Trong điều trị bệnh lỵ amip mạn tính ở ruột, thuốc có công dụng yếu hơn do ít xâm nhập vào đại tràng.
  • Dược chất Metronidazol còn có tác dụng tốt với Trichomanas vaginalis, Giardia, các vi khuẩn kỵ khí gram âm kể cả Bacteroid, Clostridium, Helicobacter nhưng không có tác dụng trên vi khuẩn ưa khí.
  • Cơ chế tác dụng của dược chất Metronidazol như sau: Nhóm nitro của metronidazol bị khử bởi protein vận chuyển electron hoặc bởi ferredoxin. Metronidazol dạng khử làm mất cấu trúc xoắn của ADN, tiêu diệt vi khuẩn và các sinh vật đơn bào.

2. Thuốc Flametro có tác dụng gì?

Thuốc Flametro có công dụng trong điều trị các bệnh lý như sau:

  • Điều trị nhiễm Trichomonas đường tiết niệu – sinh dục đối với cả nam và nữ.
  • Điều trị nhiễm Giardia lambia và nhiễm amib.
  • Điều trị viêm loét miệng.
  • Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn nguyên nhân do vi khuẩn kỵ khí.
  • Điều trị dự phòng sau phẫu thuật đường tiêu hóa và phẫu thuật phụ khoa.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Flametro

3.1. Cách sử dụng của thuốc Flametro

  • Thuốc Flametro bào chế dưới dạng viên nén, thích hợp sử dụng theo đường uống.
  • Thời điểm uống thuốc là uống vào trong hoặc sau bữa ăn với một ít nước.

3.2. Liều dùng của thuốc Flametro

  • Liều dùng điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí đợt dùng 7 ngày: Đối với người lớn: uống 30 - 40 mg/kg/ngày, chia 4 lần; đối với trẻ em: uống 20 - 30mg/kg/ngày, chia 4 lần.
  • Thời gian liều dùng điều trị lỵ amip ruột từ 7 đến 10 ngày; thời gian điều trị amip gan đợt dùng 5 ngày; đối với người lớn: 1,5 g - 2 g/ngày, chia 4 lần trong ngày; đối với trẻ em: 40 - 50 mg/kg/ngày, chia 4 lần trong ngày.
  • Liều dùng điều trị nhiễm Trichomonas ở đường sinh dục sử dụng 250mg, ngày 3 lần (đối với người sử dụng là phụ nữ và nam giới) đợt 7 ngày, đối với nữ có thể phối hợp với đặt âm đạo.
  • Liều dùng điều trị nhiễm Giardia ngày uống 2 g, chia 4 lần, thời gian điều trị là 3 ngày.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Flametro

Trong quá trình sử dụng thuốc Flametro hiếm khi gặp tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, cũng đã có trường hợp được ghi nhận các tác dụng ngoại ý như rối loạn nhẹ đường tiêu hóa: buồn nôn, biếng ăn, miệng xuất hiện vị kim loại, đau rát vùng thượng vị, ói mửa, tiêu chảy.

Một số tác dụng không mong muốn khác không rõ tần suất có thể xảy ra khi sử dụng thuốc, bao gồm:

  • Những phản ứng đối với da, niêm mạc: nổi mề đay, cơn bừng vận mạch, ngứa ngáy, viêm lưỡi với cảm giác khô rát miệng;
  • Những dấu hiệu thần kinh và tâm thần: đau nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, lẫn, co giật;
  • Viêm tụy, hồi phục khi ngưng điều trị với loại thuốc này.
  • Giảm số lượng bạch cầu.
  • Bệnh thần kinh cảm giác ngoại biên, các dấu hiệu triệu chứng này luôn luôn giảm rồi hết hẳn khi ngưng điều trị.
  • Nước tiểu có thể nhuộm sang màu nâu đỏ, nguyên nhân là do các sắc tố hình thành trong quá trình chuyển hóa của thuốc.

5. Tương tác của thuốc Flametro

Không nên phối hợp thuốc Flametro với các loại thuốc như sau:

  • Disulfiram: vì có thể gây ra cơn hoang tưởng và rối loạn tâm thần.
  • Rượu: hiệu ứng antabuse với các dấu hiệu bao gồm nóng, đỏ, nôn mửa, tim đập nhanh.

Thận trọng khi phối hợp thuốc Flametro với:

  • Các thuốc chống đông máu dùng uống, cụ thể như Warfarin: tăng tác dụng thuốc chống đông máu và tăng nguy cơ xuất huyết (nguyên do giảm khả năng chuyển hóa ở gan). Bác sĩ điều trị sẽ điều chỉnh liều dùng của thuốc chống đông trong thời gian điều trị với thuốc có chứa hoạt chất Metronidazole đến 8 ngày sau khi ngưng điều trị.

Các phối hợp khác của thuốc Flametro cũng nên lưu ý:

  • Sử dụng thuốc Flametro với thuốc 5 Fluoro-uracil: làm tăng độc tính của 5 Fluoro-uracil do giảm sự thanh thải.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Hoạt chất Metronidazole có thể làm bất động xoắn khuẩn, do đó làm sai lệch kết quả xét nghiệm Nelson.

6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Flametro

6.1. Chống chỉ định của thuốc Flametro:

  • Người có cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn cảm với thành phần hoạt chất chính Metronidazole hay các thành phần khác có trong thuốc.
  • Người bị hay có tiền sử bị động kinh.
  • Người bị rối loạn đông máu.
  • Người phụ nữ đang trong thời gian mang thai 3 tháng đầu, thời kỳ cho con bú.

6.2. Những lưu ý, thận trọng khác khi sử dụng thuốc Flametro

  • Theo dõi số lượng bạch cầu đối với những người điều trị liều cao hay điều trị với loại thuốc này trong thời gian kéo dài. Trường hợp bị giảm bạch cầu, việc tiếp tục điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng của tình trạng nhiễm trùng.
  • Sử dụng thuốc đối với phụ nữ có thai: Theo như những nghiên cứu ở động vật cho thấy, hoạt chất Metronidazole không gây quái thai và không độc đối với phôi thai. Nghiên cứu trên hàng trăm phụ nữ có thai sử dụng hoạt chất Metronidazole trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ nhưng không có trường hợp gây dị dạng nào và nghiên cứu sử dụng sau thời gian 3 tháng này không thấy độc đối với phôi. Do đó, hoạt chất Metronidazole không chống chỉ định ở phụ nữ có thai, nhưng người bệnh vẫn chỉ nên sử dụng trong trường hợp cần thiết.
  • Sử dụng thuốc đối với phụ nữ đang cho con bú: Tránh dùng thuốc có chứa hoạt chất Metronidazole khi nuôi con bú bằng sữa mẹ. Nguyên nhân là do hoạt chất này có thể được bài tiết qua sữa mẹ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Flametro, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Flametro để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

240 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan