Công dụng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg

Thuốc Getvilol Tablets 2.5mg được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là nebivolol. Thuốc được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp vô căn và suy tim mạn tính ổn định.

1. Công dụng của thuốc Getvilol Tablets 2.5mg

Thuốc Getvilol có các dạng hàm lượng: 5mg (Getvilol 5mg) và 2.5mg (Getvilol thuốc 2.5mg). Bài viết chủ yếu đề cập tới thuốc Getvilol Tablets 2.5mg với thành phần chính là Nebivolol hàm lượng 2.5mg.

Nebivolol là hỗn hợp racemic của SRRR và RSSS. Đây là thuốc chẹn β có chọn lọc β1, có tác dụng giãn mạch nhẹ.

Chỉ định sử dụng thuốc Getvilol:

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn;
  • Điều trị suy tim mạn tính ổn định nhẹ và trung bình bên cạnh các liệu pháp điều trị chuẩn cho người trên 70 tuổi;
  • Sử dụng 1 mình hoặc kết hợp với các loại thuốc chống tăng huyết áp khác.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Getvilol 2.5 mg:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với hoạt chất hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Người bệnh suy tim nặng;
  • Bệnh nhân suy tim cấp tính, shock tim, trong cơn suy tim mất bù cần tới liệu pháp gây co cơ tim tĩnh mạch;
  • Người mắc hội chứng bệnh xoang, gồm cả chẹn xoang nhĩ thất;
  • Bệnh nhân block tim độ 2 và 3 (không sử dụng thiết bị điều hòa nhịp tim);
  • Người có tiền sử co thắt phế quản, hen phế quản;
  • Người bệnh có u tế bào ưa crom không điều trị;
  • Bệnh nhân toan chuyển hóa;
  • Người bị chậm nhịp tim (nhịp tim dưới 60 lần/phút trước khi bắt đầu dùng thuốc);
  • Bệnh nhân hạ huyết áp (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg);
  • Người bệnh rối loạn tuần hoàn ngoại biên trầm trọng.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg

Cách dùng: Đường uống. Thuốc Getvilol 2.5mg có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn.

Liều dùng điều trị tăng huyết áp:

  • Người lớn: Dùng liều 5mg/ ngày, tốt nhất là cùng 1 thời điểm mỗi ngày. Chỉnh liều đầu tiên sau mỗi 1 - 2 dựa trên mức độ dung nạp của người bệnh. Liều khuyến cáo là 10mg/ lần/ ngày. Tác dụng hạ huyết áp sẽ thấy rõ sau 1 - 2 tuần điều trị, hiệu quả tối ưu đạt được sau 4 tuần. Trong giai đoạn điều chỉnh liều, nếu tình trạng suy tim xấu đi hoặc không dung nạp, trước tiên nên giảm liều Nebivolol hoặc ngừng dùng thuốc (nếu bị hạ huyết áp nặng, suy tim nặng thêm đi kèm shock tim, phù phổi cấp, có triệu chứng nhịp tim chậm, block nhĩ thất);
  • Người bệnh suy thận: Dùng liều khởi đầu 2,5mg/ ngày. Nếu cần thiết, liều hằng ngày có thể tăng lên tới 5mg/ ngày. Cần thận trọng khi điều chỉnh liều dùng thuốc Getvilol;
  • Bệnh nhân suy gan: Chưa có nhiều dữ liệu dùng thuốc trên nhóm đối tượng này nên hiện đang có chống chỉ định;
  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Liều khởi đầu là 2,5mg/ ngày. Nếu cần thiết, liều hằng ngày có thể tăng lên tới 5mg/ ngày. Thận trọng, giám sát chặt chẽ khi dùng thuốc cho nhóm đối tượng này.

Liều dùng điều trị suy tim mạn tính:

  • Liều thông thường: Người bệnh cần có suy tim mạn tính ổn định, không có suy cấp tính trong vòng 6 tuần gần nhất. Với bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị tim mạch (Digoxin, thuốc lợi tiểu, chất ức chế ACE, đối kháng Angiotensin II) liều dùng cần ổn định suốt 2 tuần trước khi dùng Nebivolol. Liều xác định ban đầu thực hiện cách 1 - 2 tuần phụ thuộc dung nạp của từng người bệnh như sau: 1,25mg/ lần/ ngày -> tăng lên 2,5mg/ lần/ ngày -> tăng lên 5mg/ lần/ ngày -> tăng lên 10mg/ lần/ ngày. Liều khuyến cáo tối đa là 10mg/ ngày. Khi bắt đầu điều trị và tăng liều, cần được giám sát bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong ít nhất 2 giờ để chắc chắn tình trạng lâm sàng vẫn ổn định. Vì liều tối đa có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên nếu cần thiết thì liều dùng đạt được có thể giảm từng bước rồi lặp lại nếu phù hợp. Trong quá trình xác định liều dùng, nếu tình trạng suy tim xấu đi hay không dung nạp thì nên giảm liều thuốc Getvilol hoặc ngừng nếu cần thiết. Không nên ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây suy tim nghiêm trọng hơn. Nếu cần ngưng thuốc, nên giảm liều dần dần từng phần mỗi tuần;
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Getvilol cho người bệnh suy thận nhẹ tới trung bình. Không có kinh nghiệm sử dụng thuốc với bệnh nhân suy thận nặng nên không dùng thuốc cho đối tượng này;
  • Bệnh nhân suy gan: Chống chỉ định sử dụng thuốc Getvilol cho người bệnh suy gan vì hiện chưa có nhiều dữ liệu trên bệnh nhân suy gan, rối loạn chức năng gan;
  • Người lớn tuổi: Không cần phải điều chỉnh liều dùng thuốc Getvilol 2.5mg;
  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Không có nghiên cứu sử dụng thuốc Getvilol ở nhóm đối tượng này nên không dùng thuốc.

Quá liều: Khi dùng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg quá liều, người bệnh có thể bị chậm nhịp tim, hạ huyết áp, suy tim cấp tính và co thắt phế quản. Nếu quá liều hoặc mẫn cảm với thuốc, bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ, điều trị dưới sự chăm sóc thích hợp. Cần kiểm tra nồng độ glucose trong máu và có thể ngăn chặn hấp thu phần còn lại của thuốc bằng rửa dạ dày, dùng thuốc nhuận tràng và than hoạt tính.

Nên hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân. Nếu người bệnh bị chậm nhịp tim hoặc phản ứng phó giao cảm quá mức thì cần điều trị bằng atropin hoặc methyl atropin. Người bị hạ huyết áp và shock nên điều trị bằng huyết tương, dùng catecholamin.

Tác dụng của thuốc chẹn β có thể giảm với việc tiêm tĩnh mạch chậm isoprenalin hydroclorid, bắt đầu với liều 5 μg/phút hoặc dobutamin bắt đầu với liều 2,5 μg/phút tới khi đạt hiệu quả mong muốn. Trường hợp dai dẳng có thể kết hợp dùng isoprenalin với dopamin. Nếu vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn, nên tiêm tĩnh mạch glucagon 50 – 100μg/kg. Nếu cần, nên lặp lại tiêm tĩnh mạch trong 1 giờ, tiếp theo nếu cần thì truyền 70μg/kg/giờ. Trong trường hợp nhịp tim chậm quá mức đề kháng với việc điều trị thì nên sử dụng thêm máy điều hòa nhịp tim.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Getvilol Tablets 2.5mg, người bệnh nên uống thuốc càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp, bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Getvilol Tablets 2.5mg

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg:

  • Thường gặp: Đau đầu, dị cảm, chóng mặt, khó thở, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, phù nề, mệt mỏi;
  • Ít gặp: Ác mộng, trầm cảm, giảm thị giác, suy tim, nhịp tim chậm, chậm dẫn truyền nhĩ thất/chẹn nhĩ thất, đau cách hồi, hạ huyết áp, co thắt phế quản, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, ban đỏ, ngứa da, liệt dương, ảo giác, lú lẫn, loạn nhịp, lạnh/xanh tím các chi, khô mắt, độc tính trên da mô sinh dục, hiện tượng Raynaud,...

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Getvilol Tablets 2.5mg, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg:

  • Ngưng dùng thuốc Getvilol ít nhất 24 giờ trước khi phẫu thuật;
  • Thận trọng khi theo dõi một số loại thuốc mê gây nhồi máu cơ tim. Người bệnh có thể được bảo vệ chống lại những phản ứng thần kinh phế vị bằng cách truyền tĩnh mạch atropin;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Getvilol ở bệnh nhân suy tim sung huyết còn bù. Nếu suy tim nặng hơn thì nên xem xét ngừng dùng thuốc Nebivolol;
  • Theo dõi cẩn thận ở bệnh nhân tiểu đường khi dùng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg do Nebivolol có thể che lấp triệu chứng hạ đường huyết (đánh trống ngực, nhịp tim nhanh);
  • Thuốc Getvilol có thể gây cường giáp, nhịp tim nhanh. Việc ngưng dùng thuốc đột ngột có thể làm tăng cường các triệu chứng này;
  • Không nên ngừng đột ngột việc dùng thuốc Nebivolol vì có thể dẫn tới nguy cơ suy tim càng trầm trọng hơn. Nếu cần thiết ngưng dùng thuốc, nên giảm liều dần dần chia mỗi nửa tuần. Nếu người bệnh bị đau thắt ngực nặng hơn hoặc suy mạch vành cấp tính tiến triển thì nên uống lại Nebivolol kịp thời;
  • Thuốc Getvilol có thể thúc đẩy hoặc làm nặng thêm các triệu chứng suy động mạch ở người bệnh mắc bệnh mạch máu ngoại biên. Nên thận trọng khi dùng thuốc ở nhóm bệnh nhân này;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg ở bệnh nhân lọc thận;
  • Thận trọng, theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg ở bệnh nhân trên 75 tuổi;
  • Ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cần dùng thuốc Getvilol thận trọng vì thuốc có thể làm tăng thêm tình trạng co thắt đường thở;
  • Người bệnh có tiền sử bệnh vảy nến chỉ nên sử dụng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg sau khi xem xét cẩn thận bởi thuốc này làm tăng nhạy cảm với các chất gây dị ứng, làm trầm trọng thêm phản ứng phản vệ;
  • Thuốc Getvilol có chứa lactose nên không sử dụng cho người bị thiếu lapp - lactase, kém hấp thu glucose - galactose hoặc không dung nạp galactose;
  • Khi lái xe hoặc vận hành máy móc, nếu dùng thuốc Getvilol thì người bệnh nên lưu ý tới khả năng chóng mặt và mệt mỏi;
  • Thuốc Getvilol có thể gây ảnh hưởng có hại lên phụ nữ mang thai hoặc thai nhi, trẻ sơ sinh. Do đó, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc điều trị khi dùng thuốc trong thai kỳ, chỉ sử dụng thuốc nếu được bác sĩ cho phép;
  • Không nên cho con bú nếu bà mẹ đang dùng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg.

5. Tương tác thuốc Getvilol Tablets 2.5mg

Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh hoặc làm gia tăng tác dụng phụ của các loại thuốc. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc, thay đổi liều dùng,... nếu chưa được bác sĩ cho phép. Một số tương tác thuốc của Getvilol gồm:

  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với các thuốc chống loạn nhịp nhóm I (quinidin, hydroquinidine, cibenzolin, disopyramid, lidocain, flecainid, mexiletin, propafenone) làm tăng tác động lên thời gian dẫn truyền nhĩ thất, tăng tác động hướng cơ âm tính;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol 2.5mg với các thuốc chẹn kênh calci thuộc nhóm Verapamil/diltiazem có thể dẫn đến trụy tim, block nhĩ thất;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với các thuốc hạ huyết áp tác động lên trung ương (clonidin, guanfacine, moxonidine, methyldopa, rilmenidine) có thể làm xấu đi tình trạng suy tim, làm giảm trương lực thần kinh giao cảm. Ngưng dùng thuốc đột ngột có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp dội ngược;
  • Dùng đồng thời thuốc Getvilol với các thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III (amiodaron) làm tăng tác động lên thời gian dẫn truyền nhĩ - thất;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol và thuốc gây mê bay hơi dẫn xuất halogen có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, làm giảm phản xạ tim nhanh. Về nguyên tắc, nên tránh ngừng đột ngột thuốc Getvilol. Người bệnh đang dùng thuốc này nên thông báo cho bác sĩ gây mê;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol 2.5mg với insulin và thuốc trị tiểu đường đường uống có thể che lấp các triệu chứng của hạ đường huyết (mạch nhanh, đánh trống ngực);
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với Baclofen, Amifostine có thể làm giảm huyết áp. Do đó, nên điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với các glycosid digitalis có thể làm tăng thời gian dẫn truyền nhĩ - thất;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với thuốc chẹn calci nhóm dihydropyridine (Amlodipin, Felodipin, Nifedipin, Nicardipin, Nimodipin, Lacidipine, Nitrendipin) có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, hư hỏng chức năng bơm máu của tâm thất ở người bệnh suy tim;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm (Barbiturat và Phenothiazin, 3 vòng) có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol 2.5mg với thuốc kháng viêm không steroid có thể làm giảm tác động của Nebivolol;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với thuốc chống giao cảm có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, nhịp tim chậm nghiêm trọng, block tim;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Getvilol với các thuốc ức chế men CYP2D6 (Paroxetin, Fluoxetine, Thioridazine, Quinidine) có thể làm tăng nồng độ huyết tương của Nebivolol, tăng nguy cơ làm chậm nhịp tim quá mức cùng các tác dụng phụ khác;
  • Kết hợp thuốc Getvilol với Cimetidin làm tăng nồng độ của Nebivolol trong huyết tương;
  • Sử dụng đồng thời Nebivolol và Nicardipin làm tăng nồng độ trong huyết tương của 2 thuốc nhưng không làm thay đổi các tác dụng lâm sàng.

Khi sử dụng thuốc Getvilol Tablets 2.5mg, người bệnh nên tuân thủ đúng theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ về liều dùng, cách dùng, một số vấn đề thận trọng,... Đồng thời, nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để có sự can thiệp hợp lý, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan