Công dụng thuốc Grovatab

Thuốc Grovatab được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Spiramycin. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất thuốc.

1. Thuốc Grovatab có tác dụng gì?

1 viên thuốc Grovatab có thành phần chính là Spiramycin hàm lượng 1500000IU. Spiramycin là kháng sinh nhóm macrolid, có phổ kháng khuẩn tương tự thuốc Erythromycin và Clindamycin. Thuốc này có tác dụng kìm khuẩn trên các vi khuẩn đang phân chia tế bào. Ở nồng độ trong huyết thanh, thuốc có tác dụng kìm khuẩn, đạt nồng độ ở mô thuốc có thể diệt khuẩn. Cơ chế tác dụng của loại thuốc này là tác dụng trên các tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn, ngăn cản vi khuẩn tổng hợp protein.

Chỉ định sử dụng thuốc Grovatab:

  • Là lựa chọn thứ 2 để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn trên đường hô hấp, da và sinh dục gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm;
  • Điều trị dự phòng viêm màng não do Meningococcus, trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với rifampicin;
  • Dự phòng chứng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh ở thời kỳ mang thai;
  • Hóa dự phòng viêm thấp khớp tái phát ở bệnh nhân dị ứng với penicillin.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Grovatab:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn cảm với thuốc Spiramycin, Erythromycin.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Grovatab

Cách dùng: Thuốc được dùng bằng đường uống. Vì thức ăn trong dạ dày làm giảm sinh khả dụng của Spiramycin nên người bệnh cần uống thuốc trước bữa ăn tối thiểu 2 giờ hoặc sau bữa ăn 3 giờ. Bệnh nhân nên dùng Spiramycin hết đợt điều trị.

Liều dùng: Liều lượng và hoạt lực của Spiramycin được biểu thị bằng mg hoặc đơn vị. 1mg Spiramycin tương đương khoảng 3.000 đơn vị. Liều dùng cụ thể cho người bệnh như sau:

  • Người lớn: Dùng liều 1.5 - 3 triệu đơn vị quốc tế, 3 lần trong 24 giờ;
  • Trẻ em: Dùng liều 150.000 đơn vị quốc tế/ kg cân nặng/ 24 giờ, chia làm 3 lần;
  • Điều trị dự phòng viêm màng não do các chủng vi khuẩn Meningococcus:
    • Người lớn: Dùng liều 3 triệu đơn vị quốc tế, cứ 12 giờ/ lần;
    • Trẻ em: Dùng liều 75.000 đơn vị quốc tế/ kg cân nặng, 12 giờ/ lần trong 5 ngày;
  • Dự phòng nhiễm Toxoplasma ở thời kỳ mang thai:
    • Dùng liều 9 triệu đơn vị quốc tế/ ngày, chia làm nhiều lần uống trong 3 tuần, cứ cách 2 tuần thì dùng liều nhắc lại;
    • Dùng phối hợp hoặc xen kẽ với phác đồ pyrimethamin/ sulfonamid có thể đạt hiệu quả tốt hơn.

3. Tác dụng phụ của thuốc Grovatab

Thuốc Grovatab ít khi gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Thông thường, khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, tiêu chảy;
  • Ít gặp: Mệt mỏi, đổ mồ hôi, chảy máu cam, cảm giác đè ép ngực, dị cảm tạm thời, lảo đảo, loạn cảm, đau, cứng cơ và các khớp nối, có cảm giác nóng rát, viêm kết tràng cấp, ban da, mày đay, ngoại ban;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ hoặc bội nhiễm do dùng thuốc uống Spiramycin dài ngày.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Grovatab, người bệnh nên kịp thời thông báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về cách xử trí, ứng phó thích hợp.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Grovatab

Trước và trong khi sử dụng thuốc Grovatab, người bệnh cần lưu ý:

  • Thận trọng khi sử dụng Spiramycin cho người bệnh có rối loạn chức năng gan vì thuốc này có thể gây độc cho gan;
  • Thuốc Spiramycin không bài tiết dưới dạng có hoạt tính cho thận nên không cần điều chỉnh liều dùng ở bệnh nhân suy thận;
  • Spiramycin đi qua nhau thai nhưng nồng độ của thuốc trong máu của thai nhi thấp hơn so với trong máu của người mẹ. Spiramycin không gây tai biến khi sử dụng cho phụ nữ mang thai. Dù vậy, vẫn nên thận trọng khi dùng thuốc ở nhóm đối tượng này, chỉ sử dụng nếu có chỉ định của bác sĩ;
  • Spiramycin bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ cao nên người mẹ cần ngưng cho con bú khi đang sử dụng thuốc;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Grovatab ở người lái xe hoặc vận hành máy móc.

5. Tương tác của thuốc Grovatab

Về tương tác thuốc của Grovatab: Việc sử dụng đồng thời Spiramycin đồng thời với thuốc ngừa thai đường uống sẽ làm mất tác dụng ngừa thai.

Khi sử dụng thuốc Grovatab, người bệnh nên tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất cho các bệnh nhiễm khuẩn và giảm nguy cơ gặp phải các tai biến nguy hiểm.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe