Công dụng thuốc Moxoral 500

Thuốc Moxoral 500 là kháng sinh được chỉ định trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn tai mũi họng, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn răng miệng và nhiễm khuẩn đường tiêu hóa – gan mật... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Moxoral 500 trong bài viết dưới đây.

1. Moxoral 500 là thuốc gì?”

Thuốc Moxoral 500 chứa hoạt chất Amoxicillin 500mg, bào chế dưới dạng viên nang cứng.

Moxoral được chỉ định trong những trường hợp sau:

2. Cơ chế tác dụng

Hoạt chất Amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm Penicillin – tác dụng bền trong môi trường acid. Thuốc có phổ tác dụng rộng hơn Benzylpenicillin – đặc biệt là phổ tác dụng trong điều trị chống lại trực khuẩn gram âm.

Tương tự như các kháng sinh thuộc nhóm Penicilin khác, Amoxicillin có tác dụng diệt khuẩn thông qua cơ chế ức chế sinh tổng hợp Mucopeptid của thành tế bào. Phổ tác dụng của Amoxicillin bao gồm các vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương như tụ cầu không tạo Penicillinase, liên cầu, H.influenzae, N.gonorrheae, Diplococcus pneumoniae, E.coli và Proteus mirabilis.

Thuốc không có tác dụng trên các vi khuẩn tiết Penicillianse như tụ cầu kháng Methicillin, chủng vi khuẩn Pseudomonas, Klebsiella và Enterobacter.

3. Liều dùng của thuốc Moxoral 500

Moroxal 500 thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều sử dụng nên được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh. Thuốc có thể dùng cùng hoặc không cùng với bữa ăn.

Một số khuyến cáo về liều dùng Moxoral 500 như sau:

  • Người trưởng thành và trẻ em nặng trên 40kg: Liều thuốc khuyến cáo là 750mg – 3g mỗi ngày, chia làm 3 – 4 lần uống;
  • Trẻ em nặng dưới 40kg: Liều thuốc khuyến cáo là 25 – 50mg/ kg cân nặng/ ngày;
  • Đối với người bệnh suy thận, liều thuốc Moxoral nên được giảm theo hệ số thanh thải creatinin: Độ thanh thải creatinin < 10ml/ phút dùng liều 500mg/24 giờ, độ thanh thải creatinin > 10ml/phút dùng liều 500mg/ 12 giờ.

Người bệnh cần tuân thủ liều thuốc và thời gian điều trị, tuyệt đối không tự ý tăng liều hoặc rút ngắn thời gian điều trị khi cảm thấy triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc, giảm hiệu quả khi điều trị bằng kháng sinh ở những nhiễm khuẩn trong tương lai.

4. Tác dụng phụ của thuốc Moxoral 500

Thuốc Moxoral 500 có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Phản ứng quá mẫn: Nổi mày đay, ngứa, phát ban, ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử da nhiễm độc, viêm da bóng nước và mụn mủ ngoài da toàn thân cấp tính;
  • Phản ứng trên hệ tiêu hóa: Nôn, buồn nôn, tiêu chảy, viêm kết tràng, bệnh nấm Candida ruột;
  • Trên gan: Viêm gan, vàng da ứ mật;
  • Trên thận: Tinh thể niệu;
  • Trên huyết học: Giảm tiểu cầu thoáng qua, giảm bạch cầu thoáng qua, thiếu máu tán huyết, kéo dài thời gian prothrombin và thời gian chảy máu;
  • Trên hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, tăng động và co giật.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Moxoral 500.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Moxoral

Chống chỉ định sử dụng Moxoral ở người bệnh mẫn cảm với Amoxicillin, kháng sinh thuộc nhóm Beta – lactam hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Moxoral 500 như sau:

  • Người bệnh cần kiểm tra chức năng gan, chỉ số huyết học, chức năng thận định kỳ trong trường hợp điều trị bằng Moxoral 500 kéo dài;
  • Phản ứng quá mẫn trầm trọng có thể xảy ra ở người bệnh có tiền sử dị ứng với Penicilin hoặc các dị nguyên khác. Vì vậy trước khi điều trị bằng thuốc Moxoral, người bệnh cần được kiểm tra kỹ tiền sử dị ứng với Cephalosporin, Penicilin và các dị nguyên khác;
  • Điều trị bằng Amoxicillin ở người bệnh suy thận, người bệnh có tiền sử co giật trước đó có thể gây co giật (mặc dù hiếm gặp);
  • Người bệnh suy thận cần được hiệu chỉnh liều thuốc theo độ thanh thải creatinin hoặc nồng độ creatinin huyết;
  • Tiểu ít trong thời gian điều trị bằng Moxoral là 1 trong những nguy cơ cho thấy thuốc kết tinh. Vì vậy người bệnh cần uống nhiều nước trong thời gian điều trị bằng Moxoral;
  • Nguy cơ phát ban tăng lên ở người bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn;
  • Thận trọng khi điều trị bằng Moxoral ở người bệnh bị phenylketon, cần kiểm soát lượng phenylalanin khi dùng thuốc dạng viên hoặc bột pha hỗn dịch có chứa Aspartam (Aspartam chuyển hóa thành Phenylalanin trong đường tiêu hóa);
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu rõ ràng về độ an toàn khi điều trị bằng Amoxicillin ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy chỉ điều trị bằng thuốc Moxoral ở đối tượng này khi thật sự cần thiết.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Amoxicillin bài tiết được vào sữa mẹ với một lượng tương đối ít. Vì vậy có thể sử dụng Amoxicillin ở phụ nữ đang cho con bú;
  • Bảo quản thuốc Moxoral ở điều kiện nhiệt độ dưới 30oC, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm cao, để xa tầm tay trẻ em và thú cưng trong nhà.

6. Tương tác thuốc

Moroxal 500 có thể tương tác với các thuốc sau:

  • Mức độ hấp thu của Amoxicillin tăng lên khi sử dụng cùng với Nifedipine;
  • Nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn là phát ban của Amoxicillin tăng lên khi sử dụng đồng thời với Allopurinol;
  • Tác dụng đối kháng giữa Amoxicillin và Tetracyclin, Chloramphenicol;
  • Các thuốc khác: Methotrexate, Vắc-xin thương hàn, thuốc tránh thai đường uống, Warfarin, Probenecid.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Moroxal. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Moroxal.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Moroxal, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Moroxal điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

63 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan