Công dụng thuốc Neo Beta

Neo-Beta là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các tình trạng viêm nhiễm ở mắt, mũi và tai. Nắm rõ các chỉ định và liều dùng sẽ giúp hiệu quả điều trị được nâng cao, đồng thời tránh được các tác dụng phụ của thuốc.

1. Neo-Beta là thuốc gì?

Neo-Beta là thuốc gì? Thuốc Neo-Beta được bào chế dưới dạng dung dịch gồm:

  • Neomycin (Neomycin Sulfat): 17.500 IU
  • Betamethasone natri phosphat: 5mg
  • Tá dược: Natri hydroxyd, Natri chloride, Acid citric, Thimerosal và nước cất 5ml

Neomycin là loại kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid, với cơ chế ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn từ đó có tác dụng diệt khuẩn. Phổ diệt khuẩn của Neomycin gồm: Vi khuẩn tụ cầu, nhóm vi khuẩn Gram âm hiếu khí và các vi khuẩn tạo penicilinase và chủng kháng methicillin.

Betamethason thuộc nhóm thuốc corticosteroid tổng hợp. Tác dụng chính là ức chế miễn dịch từ đó thuốc có khả năng chống viêm, chống dị ứng. Ngoài ra, betamethason còn giúp giảm đáp ứng viêm của các tác nhân khác nhau, đồng thời giúp trì hoãn quá trình liền vết thương. Các thuốc thuộc nhóm corticoid thường được sử dụng kết hợp với các loại kháng sinh nhằm tăng hiệu quả điều trị trong những trường hợp nhiễm trùng.

2. Công dụng của thuốc Neo-Beta

Neo-Beta thường được chỉ định cho các trường hợp viêm ở mắt, mũi và tai:

  • Mắt: Viêm giác mạc, kết mạc, viêm củng mạc, viêm mống mắt, viêm tuyến lệ, viêm mí mắt. Ngoài ra, thuốc còn được dùng dự phòng trước phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật mắt, nhiễm trùng do chấn thương mắt.
  • Tai: Viêm tai ngoài trong trường hợp chưa thủng màng nhĩ, nhiễm trùng ở ống tai, hay chứng eczema
  • Mũi: Viêm mũi, viêm xoang, bội nhiễm ở những trường hợp polyp mũi. Viêm mũi dị ứng ở những trường hợp chỉ đáp ứng khi điều trị bằng corticoid.

3. Chống chỉ định sử dụng Neo-Beta

Chống chỉ định thuốc Neo-Beta trong các trường hợp sau đây:

  • Viêm loét giác mạc.
  • Viêm mắt, tai, mũi do nhiễm nấm, virus hoặc lao.
  • Nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng Neomycin.
  • Tiền sử bệnh tăng nhãn áp (glocom), nhiễm nấm, lao ở mắt.
  • Không sử dụng điều trị sau phẫu thuật lấy dị vật giác mạc.
  • Thủng màng nhĩ trong nhiễm khuẩn hay chấn thương.

4. Cách sử dụng và liều dùng Neo-beta

Mắt và mũi:

  • Liều tấn công: nhỏ 1-2 giọt x 1 lần cách nhau 2 giờ.
  • Liều duy trì: nhỏ 1-2 giọt x 1 lần cách nhau 4-6 giờ.

Thuốc mỡ tra mắt: bôi 1-1,5 cm x 1-4 lần/ngày.

Tai: Cho dung dịch thuốc tiếp xúc vùng tai bị viêm trong vài phút, rửa 2 lần/ngày. Không bơm thuốc vào tai. Sau 10 ngày điều trị, triệu chứng không giảm nên đi tái khám.

Để tránh các tác dụng phụ, cần đọc kĩ liều dùng của thuốc có trên bao bì hoặc điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Không được thay đổi liều dùng và cách sử dụng.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Neo-Beta

Tác dụng phụ khi dùng thuốc

  • Dị ứng hay kích ứng da tại chỗ thường xuất hiện trong thời gian ngắn.
  • Quá mẫn với các thành phần của thuốc sẽ xuất hiện các triệu chứng tạm thời tại chỗ: Nóng rát ở mắt, chảy nước mắt, khó chịu, sung huyết kết mạc, nhìn mờ tạm thời. Niêm mạc mũi khô, nóng rát, nhức đầu, ù tai...
  • Sử dụng thuốc quá liều hay điều trị trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến toàn thân.

Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra tạm thời và mất đi ngay khi ngưng thuốc. Trong trường hợp xảy ra các tác dụng phụ của thuốc cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.

Lưu ý sử dụng thuốc ở các đối tượng

  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng khẳng định việc tránh sử dụng thuốc cho những trường hợp phụ nữ mang thai và cho con bú. Bà mẹ cần cân nhắc về lợi ích và tác hại cho bản thân và bé. Trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị. Các bác sĩ nên thận trọng khi sử dụng trên những đối tượng này.
  • Ở những người làm việc trong môi trường cần điều tiết mắt nhiều như lái xe hay công nhân vận hành máy móc... Các tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng đến thị giác, vì thế nên tránh sử dụng thuốc trong khi làm việc.
  • Những nhóm đối tượng khác cần lưu ý khi sử dụng Neo-Beta: Người già, trẻ em dưới 15 tuổi, người bị nhược cơ, viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc...

6. Tương tác thuốc Neo-Beta

Tương tác thuốc với các thuốc khác

  • Neomycin làm giảm hấp thu một số thuốc như digoxin hay Phenoxymethyl Penicillin. Khả năng gây độc thận và thính giác khi sử dụng chung với các thuốc lợi tiểu như Furosemid hay Acid Ethacrynic. Tránh sử dụng Neomycin ở các bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc ức chế thần kinh cơ hoặc đang bị nhược cơ do sự kết hợp giữa Neomycin với các thuốc ức chế thần kinh cơ có thể tăng ức chế hậu quả có thể làm liệt cơ hô hấp. Ngoài ra, Neomycin còn làm giảm dự trữ Vitamin K, từ đó làm tăng tác dụng chống đông của thuốc Coumarin.
  • Betamethason có tác dụng đối kháng tác dụng của insulin, thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp. Sử dụng đồng thời các thuốc lợi tiểu quai, Carbenoxolon có thể làm tăng tác dụng hạ kali máu. Hiệu của chống đông của Coumarin có thể tăng khi dùng kết hợp với corticoid nên cần theo dõi tình trạng chảy máu tự phát.

Tương tác thuốc với thức ăn

Khi đang điều trị bằng Neo-Beta, tránh sử dụng rượu bia, đồ uống lên men, đồ uống có cồn hay thuốc lá. Những loại đồ uống đó chứa các tác nhân có thể làm mất hoặc thay đổi tác dụng và tính chất của các thành phần có trong thuốc.

Thuốc Neo-Beta được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao. Tránh xa tầm tay trẻ em.

Trên đây là giới thiệu về công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những lưu ý của thuốc Neo-Beta. Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và tuân theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan