Công dụng thuốc Rovacent

Thuốc Rovacent dạng viên nén bao phin, được chỉ định sử dụng cho các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới, nhiễm khuẩn đường sinh dục, xương khớp hoặc phòng ngừa tái phát thấp khớp cấp tính.

1. Thuốc Rovacent có tác dụng gì?

1.1. Thuốc Rovacent là thuốc gì?

Rovacent thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Thuốc có số đăng ký VNA-4606-05, do Công ty Dược TW3 – Việt Nam sản xuất và bao gồm các thành phần sau:

  • Hoạt chất chính: Spiramycin 3 MIU.
  • Tá dược: Avicel, Magnesi stearat, bột Talc, Tinh bột sắn, HPMC sodium starch glycolat, PEG 6000, titan dioxyd và ethanol 96%.

Thuốc Rovacent được bào chế dưới dạng viên nén bao phin hàm lượng 3MIU, vỉ 5 viên, hộp 2 vỉ. Thuốc được khuyến cáo sử dụng cho cả người lớn và trẻ em nhưng cần được sự giám sát của bác sĩ.

1.2. Thuốc Rovacent chữa bệnh gì?

Hoạt chất Spiramycinkháng sinh nhóm macrolid có phổ kháng khuẩn rộng.

  • Có khoảng 90% vi khuẩn thường nhạy cảm (MIC ≤ 1mcg/ml) với Spiramycin như: Streptococcus, Staphylococcus nhạy cảm với méticilline, Rhodococcus equi, Branhamella catarrhalis, Bordetella pertussis, Helicobacter pylori, Campylobacter jejuni, Corynebacterium diphteriae, Moraxella, Mycoplasma pneumoniae, Coxiella, Chlamydia trachomatis, Treponema palidum, Borrelia burgdorferi, Leptospira, Propionibacterium acnes, Actinomyces, Eubacterium, Porphyromonas, Mobiluncus, Mycoplasma hominis.
  • Vi khuẩn nhạy cảm trung bình có thể kể đến như: Neisseria gonorrhoeae, Vibrio, Ureaplasma và Legionella pneumophila.
  • Vi khuẩn không thường xuyên nhạy cảm: Streptococcus pneumoniae, Enterococcus, Campylobacter coli, Peptostreptococcus và Clostridium perfringens.
  • Vi khuẩn đề kháng (MIC > 4mcg/ml): hơn 50% chủng đề kháng gồm: Staphylococcus kháng methicillin, Enterobacteriaceae, Pseudomonas, Acinetobacter, Nocardia, Fusobacterium, Bacteroides fragilis, Haemophilus influenzae và para-influenzae.

Thuốc Rovacent được bác sĩ kê đơn sử dụng trong trường hợp:

  • Các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm: Viêm họng, viêm xoang cấp, viêm phế quản cấp bội nhiễm, cơn kịch phát viêm phế quản mạn, viêm phổi cộng đồng (không có yếu tố nguy cơ, không có dấu hiệu lâm sàng nặng, thiếu những yếu tố lâm sàng gợi đến nguyên nhân do pneumocoques).
  • Nhiễm trùng miệng, nhiễm trùng da, nhiễm trùng sinh dục không phải do lậu cầu.
  • Phòng ngừa viêm màng não do màng não cầu: Trong trường hợp chống chỉ định với rifampicin, mục đích là diệt N. meningitidis ở mũi hầu. Lưu ý, Rovacent không dùng để điều trị viêm màng não do màng não cầu, mà chỉ được chỉ định trong phòng ngừa cho bệnh nhân đã điều trị lành bệnh, trước khi trở lại sinh hoạt trong tập thể và cho người đã tiếp xúc với bệnh nhân trong 10 ngày trước khi nhập viện.
  • Dự phòng tái phát thấp khớp ở bệnh nhân dị ứng với Penicilin.
  • Dự phòng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh trong thời kỳ mang thai.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân dị ứng với Spiramycin, Erythromycin hay bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Phụ nữ đang cho con bú.

2. Cách sử dụng của Rovacent

2.1. Cách dùng thuốc Rovacent

  • Thuốc Rovacent dùng đường uống.
  • Người bệnh nên uống thuốc Rovacent với 1 lượng nước lọc vừa đủ.
  • Khi uống Rovacent thì chú ý không được nghiền, nhai, bẻ viên thuốc. Người bệnh phải uống 1 viên nguyên vẹn do đây là dạng bào chế bao tan trong ruột. Nếu không, thuốc sẽ bị phá hủy bởi dịch vị dạ dày, khi đến ruột sẽ không còn tác dụng điều trị.
  • Không trộn chung thuốc Rovacent với bất kỳ hỗn hợp nào khác.

2.2. Liều dùng của thuốc Rovacent

  • Người lớn 6 - 9 MIU chia làm 2 - 3 lần/ngày.
  • Trẻ em > 20 kg 1,5 MIU/10 kg/ngày chia làm 2 - 3 lần.
  • Điều trị dự phòng viêm màng não do Meningococcus: Dùng trong 5 ngày:
  • Người lớn: 3MUI/12 giờ, trong 5 ngày.
  • Trẻ em: 75.000UI/kg/12 giờ, trong 5 ngày.

Xử lý khi quên liều:

  • Dùng liều đó ngay khi nhớ ra.
  • Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, uống liều Rovacent tiếp theo như dự định.
  • Không uống gấp đôi liều Rovacent chỉ định.

Xử trí khi quá liều:

  • Trong trường hợp quá liều hoặc vô tình bị ngộ độc thuốc phải báo ngay cho bác sĩ.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Rovacent

  • Hoạt chất Spiramycin đi qua nhau thai, nhưng nồng độ thuốc trong máu thai nhi thấp hơn trong máu người mẹ. Ngoài ra, hoạt chất Spiramycin cũng không gây tai biến khi dùng cho người đang mang thai. Do đó có thể sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai trong trường hợp thật cần thiết.
  • Spiramycin bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ cao, nên ngừng dùng thuốc khi đang cho con bú.
  • Dùng Rovacent đồng thời với thuốc uống ngừa thai sẽ làm mất tác dụng phòng ngừa thụ thai.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người rối loạn chức năng gan
  • Thuốc Rovacent không bài tiết dưới dạng có hoạt tính qua thận, do đó không cần chỉnh liều trong trường hợp suy thận.

4. Tác dụng phụ của thuốc Rovacent

Ở liều điều trị, thuốc Rovacent được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Rovacent, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và khó tiêu.
  • Ít gặp: Mệt mỏi, chảy máu cam, đổ mồ hôi, cảm giác đè ép ngực và dị cảm tạm thời.
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ hoặc bội nhiễm do dùng dài ngày thuốc uống spiramycin.

5. Cách bảo quản thuốc Rovacent

  • Thời gian bảo quản thuốc Rovacent là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản Rovacent ở nơi khô ráo thoáng mát, nhiệt độ không quá 30°C, trong bao bì gốc và tránh ánh sáng.
  • Để Rovacent xa tầm tay trẻ em.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Rovacent, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Rovacent điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

85 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan