Công dụng thuốc Tiphadol

Thuốc Tiphadol được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là paracetamol. Thuốc Tiphadol được chỉ định sử dụng để giảm đau, hạ sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau.

1. Công dụng của thuốc Tiphadol 650

Thuốc Tiphadol có thành phần là Paracetamol với các dạng hàm lượng: Thuốc Tiphadol 650 mg, thuốc Tiphadol 500mg và thuốc Tiphadol 325mg. Bài viết chủ yếu đề cập tới dạng thuốc Tiphadol 650mg.

Paracetamol trong thuốc là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau, hạ sốt có thể thay thế aspirin. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa paracetamol và aspirin là paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. Paracetamol có khả năng làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt (hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường). Thuốc tác động lên vùng dưới đồi giúp hạ nhiệt do tình trạng tăng tỏa nhiệt vì giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên.

Thuốc Tiphadol được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Giảm đau mức độ nhẹ tới vừa cho các tình trạng: Đau đầu, đau nửa đầu, đau cơ bắp, đau họng, đau bụng kinh, đau răng, đau nhức do cảm cúm hoặc cảm lạnh, đau sau khi nhổ răng hoặc các thủ thuật nha khoa, đau sốt sau tiêm vắc-xin,...;
  • Hạ sốt.

Trong một số trường hợp sau, thuốc Tiphadol 650 sẽ không được chỉ định kê đơn:

  • Người bị mẫn cảm với paracetamol hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Người mắc bệnh gan, bệnh thận nặng;
  • Người bị thiếu men G6PD.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tiphadol 650

Thuốc Tiphadol 650 mg được sử dụng bằng đường uống, có thể uống thuốc cùng hoặc cách xa bữa ăn.

Dưới đây là liều dùng tham khảo của thuốc Tiphadol 650:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 1 - 2 viên/lần. Nếu cần thiết, có thể uống nhắc lại sau 4 - 6 giờ. Liều dùng thuốc tối đa là 8 viên (chia thành 4 lần) trong ngày;
  • Trẻ em từ 7 - 12 tuổi: Dùng liều 1 viên/lần. Nếu cần thiết, có thể uống nhắc lại sau 4 - 6 giờ. Liều dùng thuốc tối đa là 4 viên/ngày.

Nguy cơ quá liều paracetamol chỉ xảy ra khi dùng 1 liều độc duy nhất trên 30 viên hoặc dùng liều cao liên tiếp trong nhiều ngày. Các triệu chứng quá liều thường xuất hiện trong vòng 2 - 3 giờ đầu sau khi uống thuốc: Buồn nôn, nôn ói và đau bụng. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị xanh tím da và niêm mạc, rối loạn ý thức, suy giảm chức năng gan gây vàng da. Khi dùng thuốc quá liều, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để có những can thiệp kịp thời. Có thể dùng acetylcystein hoặc methionin để giải độc. Nếu xử trí muộn sau khi uống thuốc 36 giờ thì có thể gan đã bị tổn thương, khó hồi phục.

Trong trường hợp quên 1 liều thuốc Tiphadol 650, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu thời gian đã gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp đúng vào thời điểm được quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tiphadol 650

Ở liều điều trị, thuốc Tiphadol 650mg được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ, hiếm khi xảy ra, bao gồm: Phát ban da, rối loạn tiêu hóa, phản ứng dị ứng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và toàn thể huyết cầu. Tuy nhiên, so với aspirin hoặc các thuốc giảm đau không steroid khác thì paracetamol có ưu điểm là không gây kích ứng dạ dày nên thuốc được sử dụng rộng rãi hơn. Nếu gặp tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc, người bệnh nên báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tiphadol 650mg

Một số lưu ý người dùng cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Tiphadol:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bị thiếu máu mạn tính, bệnh lý gan, thận, nghiện rượu (vì paracetamol và rượu đều gây hại cho gan);
  • Thận trọng khi phối hợp thuốc Tiphadol với các chế phẩm khác cũng chứa paracetamol vì có thể gây quá liều hoặc ngộ độc thuốc;
  • Có thể xảy ra hội chứng Steven-Johnson: Dị ứng thuốc thể bọng nước với bọng nước khu trú ở quanh hốc mắt, mũi, miệng, tai, hậu môn và bộ phận sinh dục. Người bệnh có thể bị sốt cao, viêm phổi, rối loạn chức năng gan thận;
  • Sử dụng thuốc Tiphadol 650 có thể gây hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN): Là thể dị ứng nặng nhất, gồm tổn thương đa dạng ở da (phát ban da), tổn thương niêm mạc mắt (viêm kết mạc mủ, viêm giác mạc, loét giác mạc), tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa (viêm miệng, loét hầu, họng, thực quản, dạ dày và ruột), tổn thương niêm mạc đường tiết niệu, sinh dục. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị sốt, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm cầu thận, viêm gan, viêm phổi,...;
  • Dùng thuốc Tiphadol có thể gây hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP): Mụn mủ xuất hiện trên nền hồng ban lan rộng, thường ở các nếp gấp như nách, bẹn, mặt, có thể lan rộng ra toàn thân. Triệu chứng toàn thân là sốt, xét nghiệm máu bạch cầu trung tính tăng cao;
  • Khi phát hiện có dấu hiệu phản ứng trên da, bệnh nhân nên ngừng dùng thuốc Tiphadol. Người đã từng gặp các phản ứng da nghiêm trọng do paracetamol không được dùng thuốc trở lại, khi khám bệnh cần báo cho bác sĩ về tình trạng này;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Tiphadol ở phụ nữ có thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Tiphadol 650mg

Khi sử dụng đồng thời 2 hoặc nhiều loại thuốc với nhau rất dễ xảy ra tương tác thuốc, dẫn tới hiện tượng hiệp đồng hoặc đối kháng. Một số tương tác thuốc Tiphadol 650 gồm:

  • Dùng paracetamol (thành phần chính của thuốc Tiphadol) liều cao và dài ngày kết hợp với thuốc chống đông máu như coumarin và các dẫn chất indandion có thể làm tăng nhẹ các tác dụng của thuốc chống đông;
  • Thành phần paracetamol có thể gây hạ sốt nhanh ở bệnh nhân nếu dùng đồng thời với phenothiazin hoặc liệu pháp hạ nhiệt;
  • Dùng đồng thời paracetamol với các thuốc sau sẽ làm tăng nguy cơ gây độc cho gan: Thuốc chống co giật (barbiturat, phenytoin, carbamazepin) và thuốc chống lao isoniazid. Do vậy, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này.

Theo khuyến nghị của bác sĩ, trước khi sử dụng thuốc Tiphadol 650mg, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng và các bệnh lý mình đang/từng mắc phải. Đồng thời, người bệnh nên dùng thuốc đúng theo chỉ định, đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan