Công dụng thuốc Vimpat

Thuốc Vimpat được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền, có thành phần chính là lacosamid. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh ở người lớn.

1. Thuốc Vimpat có tác dụng gì?

Thuốc Vimpat có tác dụng gì? Vimpat là dung dịch tiêm truyền 10mg/ml. Mỗi ml dung dịch tiêm truyền có chứa 10mg lacosamid. Mỗi lọ dung tích 20ml dung dịch tiêm truyền có chứa 200mg lacosamid.

Lacosamid là 1 acid amin chức năng, được sử dụng trong điều trị bổ trợ cho các cơn động kinh cục bộ và tình trạng đau thần kinh tiểu đường. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Lacosamid chỉ ảnh hưởng tới các tế bào thần kinh bị khử cực hoặc hoạt động trong thời gian dài (điển hình là những tế bào thần kinh chỉ tập trung vào cơn động kinh). Tác dụng này trái ngược với các thuốc chống động kinh khác như lamotrigine hoặc carbamazepine làm chậm quá trình phục hồi, không hoạt động của tế bào thần kinh.

Chỉ định sử dụng thuốc Vimpat:

  • Điều trị bổ trợ động kinh khởi phát cục bộ có/không đi kèm động kinh toàn thể thứ phát ở bệnh nhân động kinh là người lớn và trẻ 16 - 18 tuổi.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Vimpat:

  • Người mẫn cảm với hoạt chất, thành phần tá dược của thuốc;
  • Bệnh nhân block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Vimpat

Cách dùng: Dung dịch tiêm truyền Vimpat được dùng thay thế cho các bệnh nhân tạm thời không sử dụng được thuốc theo đường uống. Dung dịch thuốc sẽ được truyền trong 15 - 60 phút x 2 lần/ngày. Dung dịch có thể truyền theo đường tĩnh mạch mà không cần pha loãng thêm. Việc chuyển đổi giữa đường uống và đường truyền tĩnh mạch có thể thực hiện trực tiếp mà không cần phải dò liều. Nên duy trì tổng liều hằng ngày và chế độ dùng thuốc 2 lần/ngày. Hiện đã có kinh nghiệm về việc truyền Vimpat 2 lần/ngày với thời gian điều trị kéo dài tới 5 ngày.

Liều dùng: Có thể bắt đầu bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch:

  • Sử dụng Vimpat 2 lần/ngày. Liều khởi đầu khuyến cáo là 50mg/lần x 2 lần/ngày. Sau 1 tuần có thể tăng liều điều trị là 100mg/lần x 2 lần/ngày;
  • Có thể bắt đầu với liều đơn khởi đầu là 200mg, sau 12 giờ dùng liều duy trì 100mg/lần, uống 2 lần/ngày (tương đương 200mg/ngày). Liều đơn khởi đầu có thể bắt đầu ở những người bệnh được bác sĩ chắc chắn sẽ nhanh chóng đạt được nồng độ lacosamid ổn định trong huyết tương, hiệu quả điều trị được bảo đảm. Việc dùng liều đơn khởi đầu cần được giám sát và cân nhắc, vì có thể làm tăng tỷ lệ xảy ra các phản ứng bất lợi trên thần kinh trung ương;
  • Tùy theo khả năng dung nạp và đáp ứng của người bệnh, sau mỗi tuần liều duy trì có thể tăng thêm 50mg/lần x 2 lần/ngày cho tới khi đạt mức liều tối đa khuyến cáo là 400mg (200mg/lần x 2 lần/ngày). Nếu phải ngừng thuốc, nên ngừng dùng thuốc Vimpat từ từ, ví dụ giảm dần liều hằng ngày với mức giảm 200mg/tuần.

Quá liều: Hiện vẫn còn khá ít kinh nghiệm về quá liều lacosamid ở người. Các triệu chứng quá liều có thể gặp khi dùng liều 1200mg/ngày gồm chóng mặt và buồn nôn (chủ yếu liên quan tới hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hóa), được giải quyết bằng cách điều chỉnh liều dùng thuốc. Quá liều cao nhất được báo cáo là 12g uống kết hợp với nhiều thuốc chống động kinh khác ở liều độc. Ban đầu người bệnh bị hôn mê, sau đó hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.

Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu trong trường hợp dùng lacosamid quá liều. Điều trị quá liều gồm các biện pháp hỗ trợ toàn thân và thẩm phân máu trong trường hợp cần thiết.

3. Tác dụng phụ của thuốc Vimpat

Khi sử dụng thuốc Vimpat, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Máu và bạch huyết: Mất bạch cầu hạt;
  • Hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn;
  • Tâm thần: Trầm cảm, lú lẫn, mất ngủ, kích động, tâm trạng phấn khích, gây sự, rối loạn tâm lý, ý định tự tử, hành vi tự tử, ảo giác;
  • Hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, rối loạn cân bằng, lơ mơ, run rẩy, phối hợp bất thường, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, rung giật nhãn cầu, rối loạn vận ngôn, giảm cảm giác, rối loạn khả năng tập trung;
  • Mắt: Nhìn mờ, nhìn đôi;
  • Tai và mê đạo: Ù tai, chóng mặt;
  • Tim mạch: Block nhĩ thất, rung nhĩ, cuồng động nhĩ, nhịp tim chậm;
  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, táo bón, khó tiêu, khô miệng;
  • Gan mật: Bất thường trong xét nghiệm chức năng gan;
  • Da và mô dưới da: Ngứa da, phát ban, phù mạch, mề đay;
  • Toàn thân và vị trí tiêm thuốc: Suy nhược, thay đổi dáng đi, ban đỏ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, đau hoặc khó chịu ở vị trí tiêm, kích ứng;
  • Chấn thương, ngộ độc và biến chứng: Ngã, rạn da.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Vimpat

Trước và trong khi dùng thuốc Vimpat, người bệnh cần lưu ý:

  • Điều trị bằng lacosamid có thể gây chóng mặt, làm tăng nguy cơ chấn thương do tai nạn hoặc té ngã. Do đó, người bệnh nên thận trọng cho tới khi quen với những ảnh hưởng của thuốc;
  • Một số nghiên cứu đã ghi nhận lacosamid gây kéo dài khoảng PR. Với những bệnh nhân có rối loạn dẫn truyền hoặc mắc bệnh tim nặng như tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc suy tim thì cần thận trọng khi sử dụng lacosamid. Đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho người cao tuổi vì họ có nguy cơ rối loạn tim mạch cao. Thận trọng khi sử dụng đồng thời lacosamid với các thuốc có liên quan tới kéo dài khoảng PR;
  • Block nhĩ thất độ 2 hoặc cao hơn có thể xảy ra khi dùng thuốc. Rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ có thể xảy ra khi sử dụng lacosamid để điều trị cho bệnh nhân động kinh. Người bệnh nên được thông báo về các triệu chứng của block nhĩ thất độ 2 hoặc cao hơn (nhịp tim chậm, nhịp tim không đều, choáng váng và ngất xỉu) và các triệu chứng của rung nhĩ, cuồng nhĩ (rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, khó thở). Người bệnh nên xin ý kiến bác sĩ khi gặp các triệu chứng này;
  • Ý định và hành vi tự tử có thể xảy ra ở bệnh nhân sử dụng thuốc chống động kinh, không loại trừ khả năng do lacosamid. Do đó, nên kiểm soát các dấu hiệu ý định và hành vi tự tử của bệnh nhân, đồng thời xem xét các biện pháp điều trị phù hợp. Người bệnh và người chăm sóc nên hỏi xin ý kiến bác sĩ khi xuất hiện các dấu hiệu của ý định và hành vi tự tử;
  • Thuốc Vimpat có chứa natri nên cần cân nhắc khi dùng thuốc ở người bệnh cần kiểm soát lượng muối;
  • Không nên sử dụng lacosamid trong thai kỳ, trừ khi thực sự cần thiết sau khi đã được bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Nếu người phụ nữ quyết định mang thai thì cần đánh giá cẩn thận về việc dùng thuốc;
  • Hiện chưa rõ lacosamid có được bài tiết vào sữa mẹ hay không nên để thận trọng thì bà mẹ nên ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc;
  • Thuốc Vimpat có ảnh hưởng nhẹ hoặc trung bình tới khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc do tác dụng phụ chóng mặt hoặc nhìn mờ. Do đó, người bệnh được khuyến cáo không nên lái xe hoặc vận hành máy móc cho tới khi quen với tác dụng phụ của thuốc và có thể thực hiện an toàn những hành động nêu trên.

5. Tương tác thuốc Vimpat

Một số tương tác thuốc của Vimpat gồm:

  • Lacosamid nên sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân đang điều trị với các thuốc có liên quan tới kéo dài khoảng PR (như lamotrigin, carbamazepin, pregabalin) và trên các bệnh nhân đang dùng thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I. Tuy nhiên, kết quả phân tích trong các thử nghiệm lâm sàng cho thấy nhóm bệnh nhân dùng đồng thời lacosamid và lamotrigin hoặc carbamazepin không phát hiện kéo dài khoảng PR;
  • Các thuốc gây cảm ứng enzyme mạnh như rifampicin hoặc cây cỏ ban có thể làm giảm tổng lượng lacosamid trong tuần hoàn. Do đó, nên thận trọng khi bắt đầu hoặc ngưng điều trị với các thuốc gây cảm ứng enzyme này;
  • Sử dụng lacosamid cùng các thuốc chống động kinh khác là những chất gây cảm ứng enzyme như carbamazepin, phenobarbital, phenytoin với các mức liều khác nhau làm giảm 25% tổng lượng lacosamid trong tuần hoàn.

Khi được chỉ định dùng thuốc Vimpat điều trị động kinh, người bệnh nên phối hợp với mọi yêu cầu của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và hạn chế nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ nguy hại.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

381 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Levetacis 1000
    Công dụng thuốc Levetacis 1000

    Thuốc Levetacis 1000 thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, dùng để điều trị các cơn động kinh cục bộ, hoặc có thể kết hợp với thuốc khác để điều trị cơn động kinh thứ phát trên người lớn hoặc trẻ ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Anatin 300mg
    Công dụng thuốc Anatin 300mg

    Anatin 300mg là một loại thuốc hướng tâm thần, thường được sử dụng trong điều trị động kinh và đau thần kinh. Để dùng thuốc hiệu quả, người bệnh cần tìm hiểu một số thông tin về công dụng, liều ...

    Đọc thêm
  • Rewisca
    Công dụng thuốc Rewisca

    Thuốc Rewisca thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần được bào chế ở dạng viên nang cứng. Thành phần của thuốc là pregabalin, chỉ định trong điều trị đau thần kinh nguồn gốc trung ương, ngoại vi, rối loạn lo âu ...

    Đọc thêm
  • axogurd
    Công dụng thuốc Axogurd

    Axogurd chứa thành phần chính là Pregabalin với hàm lượng 75mg, 150mg hoặc 300mg, thuộc nhóm thuốc hướng thần. Thuốc được sử dụng để điều trị đau thần kinh có nguồn gốc từ trung ương hoặc ngoại vi và hỗ ...

    Đọc thêm
  • thuốc gây rối loạn nhịp tim
    Công dụng thuốc Spydael

    Với hoạt chất chính là Gabapentin, thuốc Spydael được dùng trong điều trị động kinh và giảm đau do thần kinh. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về công dụng, chỉ định và ...

    Đọc thêm