Dị ứng thuốc có nguy hiểm không?

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thu Giang - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Phản ứng có hại của thuốc (ADR) được chia thành các phần có thể dự đoán được (liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc ở người bình thường) và phản ứng không lường trước được (liên quan đến phản ứng miễn dịch của từng cá nhân và đôi khi là do sự khác biệt di truyền ở bệnh nhân nhạy cảm). Dị ứng thuốc là một loại phản ứng không thể đoán trước và qua trung gian miễn dịch.

1. Dị ứng thuốc có nguy hiểm?

Theo Tổ chức dị ứng thế giới (WAO – World Allergy Organization), phản ứng dị ứng miễn dịch chia thành 2 loại:

  • Phản ứng tức thời: Xuất hiện trong vòng 1 giờ đầu sau khi dùng liều thuốc đầu tiên.
  • Phản ứng muộn: Xuất hiện sau 1 giờ, nhưng thường sau 6 giờ, thậm chí sau nhiều tuần, nhiều tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc.

Các dấu hiệu và triệu chứng chủ yếu của dị ứng thuốc là phát ban, nổi mẩn hoặc sốt. Tuy nhiên, dị ứng thuốc có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong vì dị ứng thuốc.

Phản ứng tức thời có nguy cơ gây ra sốc phản vệ đe dọa tính mạng nếu thuốc được tái sử dụng. Những phản ứng này thường xuất hiện trong vòng vài phút sau khi cơ thể tiếp xúc với thuốc, nhưng cũng có thể bắt đầu sau 1 giờ uống thuốc, đặc biệt với các thuốc uống cùng bữa ăn, bị thức ăn làm chậm hấp thu.

Phản ứng muộn ít xảy ra hơn nhưng thường nghiêm trọng, đe dọa tính mạng bao gồm hội chứng Stevens - Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN - toxic epiclermal necrolysis), hội chứng DRESS (The Drug Reaction with Eosinophilia and Systemic Symptoms).

Dị ứng thuốc tây
Dị ứng thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh

2. Triệu chứng của các phản ứng nghiêm trọng

2.1 Sốc phản vệ

Triệu chứng thông thường:

  • Da và niêm mạc: Ban đỏ, ngứa, mề đay, phù mạch, nổi da gà, ngứa ran, phù ở môi, lưỡi hoặc vòm miệng, cảm thấy có vị kim loại trong miệng, tỷ lệ gặp lên đến 90% số ca.
  • Hô hấp: Ngứa, nghẹt mũi, chảy nước mũi và hắt hơi; ngứa và "co thắt" cổ họng, khó thở, khàn giọng, khò khè, tức ngực, ho, tím tái, xuất hiện, tỷ lệ gặp lên đến 70% số ca
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và khó nuốt, tỷ lệ gặp đến 45% số ca
  • Tim mạch: Chóng mặt; ngất, thay đổi trạng thái tâm thần, đau ngực, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, khó nghe, tiểu tiện không tự chủ hoặc ngừng tim, tỷ lệ gặp đến 45% số ca
Dấu hiệu sốc phản vệ
Dấu hiệu sốc phản vệ

Ngoài ra, có thể có những thay đổi về tâm lý như lo lắng, sợ sệt, lẫn lộn, cảm giác sắp chết, co giật, đau đầu; trẻ nhỏ có thể có những thay đổi hành vi đột ngột (bám, khóc, trở nên cáu kỉnh, ngừng chơi), ngứa, ban đỏ và phù, chảy nước mắt, đỏ kết mạc và co thắt tử cung với phụ nữ và bé gái.

Sốc phản vệ gây tử vong thường do bị ngạt vì co thắt đường thở hoặc do ngừng tuần hoàn, có thể xuất hiện trong vòng vài phút. Sử dụng epinephrine sớm sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển thành các biểu hiện đe dọa tính mạng.

2.2 Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và hoại tử biểu bì độc hại (TEN)

Đây là các phản ứng niêm mạc nghiêm trọng, thường do thuốc, đặc trưng bởi hoại tử rộng và tách lớp biểu bì. SJS / TEN có thể xảy ra ở bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Nó phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, với tỷ lệ nam / nữ xấp xỉ 1: 2. Tỷ lệ tử vong chung ở những bệnh nhân mắc SJS / TEN là khoảng 30%, từ khoảng 10% đối với SJS đến tối đa 50% đối với TEN. Tỷ lệ tử vong tiếp tục tăng lên đến một năm sau khi khởi phát bệnh.

Biểu hiện:

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS): Xuất hiện bọng nước khu trú ở quanh các hốc tự nhiên: mắt, mũi, miệng, tai, bộ phận sinh dục và hậu môn. Ngoài ra có thể kèm sốt cao, viêm phổi, rối loạn chức năng gan thận.

Biểu hiện hội chứng Stevens-Johnson (SJS)
Biểu hiện hội chứng Stevens-Johnson (SJS)

Hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN): Là thể dị ứng thuốc nặng nhất gồm:

  • Các tổn thương đa dạng ở da: Ban dạng sởi, ban dạng tinh hồng nhiệt, hồng ban hoặc các bọng nước bùng nhùng, các tổn thương nhanh chóng lan tỏa khắp người.
  • Tổn thương niêm mạc mắt: viêm giác mạc, viêm kết mạc mủ, loét giác mạc.
  • Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa: Viêm miệng, trợt niêm mạc miệng, loét hầu, họng thực quản, dạ dày, ruột.
  • Tổn thương niêm mạc đường sinh dục, tiết niệu.
  • Ngoài ra còn có các triệu chứng toàn thân trầm trọng như sốt, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm phổi, viêm cầu thận, viêm gan...

2.3 Hội chứng DRESS

Đây là là một phản ứng hiếm gặp do thuốc đặc trưng bởi tăng bạch cầu ái toan và tổn thương nội tạng. Phản ứng quá mẫn này hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng, được đặc trưng bởi thời gian từ khi phơi nhiễm với thuốc cho đến khi khởi phát bệnh lên đến 2-8 tuần, bệnh thường xuyên tái phát trong một thời gian dài mặc dù đã ngừng sử dụng thuốc và thường liên quan với việc nhiễm herpes virus ở người.

Chưa rõ tỷ lệ phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan và triệu chứng toàn thân (DRESS), tuy nhiên một nghiên cứu kéo dài bảy năm ở Tây Ấn ước tính tỷ lệ mắc hàng năm là 0,9 / 100.000 người. DRESS có thể xảy ra ở trẻ em, nhưng hầu hết các trường hợp xảy ra ở người lớn. Tần suất thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân. Nó dao động từ 1 đến 5 trên 10.000 bệnh nhân tiếp xúc với thuốc chống co giật, carbamazepine và phenytoin, và dường như cao hơn ở những bệnh nhân dùng lamotrigine (1/300 người lớn và 1/100 trẻ em).

Biểu hiện ban đầu thường gặp là: Sốt 38 - 40°C, cơ thể khó chịu, mệt mỏi, viêm hạch bạch huyết và phát ban trên da. Trong hầu hết các trường hợp, ban đỏ trên 50% của bề mặt da, 20 - 30% bệnh nhân, ban đỏ tiến triển thành viêm da tróc vảy (ban đỏ lan tỏa và nhân rộng hơn 90% bề mặt da). Mụn nước, mụn mủ cũng có thể xảy ra. Có khoảng 90% bệnh nhân bị suy tạng, 50 – 60% bị suy từ 2 tạng trở lên, thường gặp nhất là gan (60-80% trường hợp), thận (10-30%) và phổi (5-25%). Các trường hợp sốc hoặc suy đa tạng hiếm gặp và thường liên quan đến đông máu nội mạch lan tỏa hoặc hội chứng tán huyết. Viêm gan nặng là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến DRESS. Men gan và bilirubin tăng rõ rệt với biểu hiện vàng da và bệnh não gan là những yếu tố dự báo tử vong hoặc cấp cứu đe dọa tình mạng ở trường hợp ghép gan.

Hội chứng DRESS
Hội chứng DRESS

3. Phòng ngừa dị ứng thuốc

Nếu bạn bị dị ứng thuốc, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh dùng các thuốc có tiền sử dị ứng và thông báo cho nhân viên y tế về tiền sử dị ứng của bản thân cũng như gia đình. Nếu gặp phản ứng dị ứng, bạn nên đến cơ quan y tế và đi khám chuyên khoa Miễn dịch – dị ứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Uptodate 2020

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan