Sau uống thuốc 30 phút đã ngấm chưa?

Trẻ nhỏ (và đôi khi cả người lớn) có thể bị nôn ói sau khi uống thuốc. Và câu hỏi được nhiều người đặt ra là uống thuốc 30 phút đã ngấm chưa, có cần uống thuốc bổ sung nếu bị nôn ói trong trường hợp này?

1. Thuốc được cơ thể hấp thu như thế nào?

Tùy dạng thuốc uống (viên nén trần, viên nén bao, viên nang, hỗn dịch, nhũ dịch, siro,...) mà sự hấp thu thuốc vào cơ thể có thời gian dài - ngắn khác nhau. Khi uống thuốc, thuốc sẽ đi qua thực quản, vào dạ dày. Một số loại thuốc sẽ bắt đầu hòa tan, còn dạng thuốc lỏng thì đã hòa tan sẵn.

Một vài loại thuốc được hấp thu ở dạ dày, số khác di chuyển vào ruột non (tùy thuộc lớp áo bao của viên thuốc). Nhiều loại thuốc được bao bởi lớp bọc đặc biệt bảo vệ viên thuốc tránh bị hủy hoại bởi acid dạ dày hoặc bảo vệ niêm mạc dạ dày không bị thuốc tác động trực tiếp (viên nén bao tan trong ruột, không tan ở dạ dày). Nhóm thuốc viên nang dạng con nhộng cũng có cách thức bảo vệ như thế này nên người bệnh không nên mở viên nang, lấy thuốc bên trong uống.

Thuốc được xử lý bởi dạ dày có thể hòa tan hoàn toàn, nếu không tan sẽ được chuyển vào ruột non. Ở đây, thuốc được hấp thụ vào niêm mạc của ruột non tại tá tràng, hỗng tràng hoặc hồi tràng. Thuốc được hấp thu ở ruột non sẽ di chuyển vào máu.

Nếu uống thuốc cùng bữa ăn, sự tương tác thuốc với thức ăn có thể làm thuốc chậm hấp thu hoặc không hấp thu. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý là có 4 loại thuốc uống: Uống khi bụng đói, uống khi bụng no, uống cùng bữa ăn hoặc uống tùy ý. Bác sĩ sẽ chỉ định cách dùng và thời điểm dùng phù hợp với từng loại thuốc.

2. Uống thuốc 30 phút đã ngấm chưa?

Vậy uống thuốc bao lâu thì ngấm? Một số loại thuốc đi thẳng từ đường tiêu hóa vào máu. Nhưng số khác phải đi qua gan trước. Thuốc ngấm mất bao lâu? Thông thường, thuốc sẽ đi vào máu không quá 8 giờ sau khi uống. Trong một số trường hợp, thuốc sẽ đạt đỉnh về nồng độ trong máu chỉ sau 30 phút.

Nếu bệnh nhân dùng thuốc giải phóng chậm thì thuốc được thiết kế để hòa tan chậm, cung cấp cho cơ thể một lượng thuốc ổn định trong cả ngày. Người bệnh sẽ cảm nhận được tác dụng của thuốc trong 6 - 8 giờ đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể uống thuốc lâu hơn để thấy bệnh tình được cải thiện đáng kể.

Nếu bạn bị nôn ói sau khi uống thuốc 5 - 15 phút hoặc khi nhìn thấy viên thuốc có trong dịch nôn, bạn nên uống ngay 1 liều khác vì thuốc có thể chưa có đủ thời gian để được hấp thu vào máu. Nếu bị nôn thêm lần thứ 2 thì không nên uống tiếp. Tuy nhiên, nếu đã qua 30 phút mới bị nôn thì bạn không cần uống bù liều. Hãy uống liều thứ 2 vào đúng thời điểm như chỉ định bình thường.

Tuy nhiên, chính bệnh nhân cũng không thể chắc chắn uống thuốc 30 phút đã ngấm chưa vì mỗi loại thuốc lại có thời gian hấp thu khác nhau. Vì vậy, nếu không chắc thì người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ.

3. Lời khuyên về việc uống thuốc bù liều sau khi nôn ói

Để quyết định tới việc chúng ta có thể cần uống bù liều nếu bị nôn ói hoặc không, cần cân nhắc tới nhiều yếu tố: Thời gian kể từ khi uống thuốc tới khi nôn, loại thuốc (tác dụng điều trị), tình trạng sức khỏe sau khi nôn, lượng thuốc có thể nhìn thấy được khi nôn ra, dạng bào chế của thuốc (dạng viên, hỗn dịch hay siro), lượng dịch nôn, tuổi tác,...

Có thể xem xét theo từng loại thuốc như sau:

  • Thuốc kháng sinh: Nên uống lại 1 liều để đảm bảo hiệu quả điều trị;
  • Thuốc hóa trị hoặc thuốc ức chế miễn dịch: Nên liên hệ với bác sĩ để được cân nhắc về việc dùng thuốc;
  • Thuốc chống đông máu (warfarin, vitamin K1,...): Không uống lại liều thuốc vì có nguy cơ gây độc tính khi quá liều;
  • Thuốc điều trị cao huyết áp (Captopril, Nifedipin, Enalapril, Metoprolol, Losartan,...): Không uống lại liều thuốc vì có nguy cơ gây độc tính khi quá liều;
  • Methotrexat, phenytoin, paracetamol, các opioid: Không uống lại liều thuốc vì có nguy cơ gây độc tính khi quá liều;
  • Amiodaron, fluoxetin, statins (atorvastatin): Không nên uống lại liều thuốc. Nguyên nhân vì việc bỏ sót 1 liều ít ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị nói chung;
  • Thuốc dạng viên ngậm, viên hòa tan trong nước, viên nhai, thuốc dạng lỏng: Không nên uống lại liều thuốc vì các dạng thuốc này có khả năng hấp thu rất nhanh vào cơ thể.

4. Lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ uống thuốc

Bên cạnh câu hỏi sau uống thuốc 30 phút đã ngấm chưa, các bậc phụ huynh cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi uống thuốc, giúp hạn chế nguy cơ bé bị nôn ói. Một số lời khuyên cha mẹ cần ghi nhớ là:

  • Với trẻ dưới 6 tuổi (đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi): Nên chọn các dạng thuốc dễ uống (thuốc bột, thuốc dạng lỏng) và có mùi vị dễ chịu. Trường hợp phải dùng thuốc viên, nên nghiền viên thuốc, hòa tan với nước khi uống. Không nên pha thuốc với sữa vì có thể xảy ra tương tác hoặc về sau có thể trẻ sẽ không chịu uống sữa vì đắng;
  • Trừ trường hợp yêu cầu phải uống thuốc khi no bụng hoặc ngay trước/ngay sau khi ăn, nên cho trẻ uống thuốc cách xa bữa ăn hoặc cữ sữa để hạn chế nguy cơ bị nôn ói;
  • Nếu bé phải uống nhiều loại thuốc thì nên phân chia thời gian dùng thuốc cho hợp lý. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc phân chia thời gian uống thuốc để vừa đảm bảo hiệu quả của thuốc lại hạn chế nguy cơ nôn ói do uống quá nhiều loại thuốc cùng lúc;
  • Nếu trẻ không đứng hoặc ngồi uống thuốc được, nên cho trẻ nằm hơi dốc với đầu cao hơn một chút so với thân người và hơi nghiêng người để tránh tình trạng bé bị sặc thuốc;
  • Với thuốc loại siro, không nên cho bé uống khi đang quấy khóc để tránh nguy cơ bị ngạt hoặc sặc thuốc. Nên tạo không khí vui tươi, dễ chịu để bé phối hợp uống thuốc. Với trẻ lớn, cha mẹ có thể giải thích cho bé hiểu rằng uống thuốc sẽ giúp bé nhanh hết bệnh để trẻ hợp tác với ba mẹ;
  • Trong trường hợp trẻ bị hít sặc khi dùng thuốc: Với bé dưới 1 tuổi, cha mẹ thực hiện thủ thuật vỗ lưng ấn ngực. Với bé trên 1 tuổi, cha mẹ thực hiện thủ thuật Heimlich. Sau đó, nên ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra, cấp cứu kịp thời.

Với câu hỏi uống thuốc 30 phút đã ngấm chưa, đáp án tùy thuộc vào từng loại thuốc. Khi dùng thuốc, điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất. Tùy trường hợp cụ thể mà bạn có thể lựa chọn uống thuốc bù liều hoặc không. Nếu chưa chắc chắn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có quyết định chính xác nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan