Thuốc Acupan®: Công dụng, tác dụng không mong muốn và những lưu ý khi sử dụng

Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga - Dược sĩ Lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc Acupan® có hoạt chất là nefopam, là một loại thuốc giảm đau được bào chế chủ yếu dưới dạng tiêm truyền và sử dụng trong bệnh viện. Vì thế, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

1. Acupan® là thuốc gì?

Acupan® có hoạt chất là nefopam. Đây là một thuốc giảm đau trung ương nhưng không thuộc nhóm opioid, không cùng nhóm với morphin. Trên thị trường Việt Nam, thuốc được bào chế dưới dạng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch và chủ yếu được sử dụng trong bệnh viện.

2. Công dụng của thuốc Acupan®?

Thuốc thường được sử dụng trong các trường hợp đau cấp tính, đặc biệt là đau hậu phẫu. Mặc dù cơ chế giảm đau của Acupan® chưa được biết rõ hết, thuốc có tác dụng giảm đau nhanh, mạnh, không gây nghiện. Thuốc có tác dụng giãn cơ, kháng cholinergic và kích thích giao cảm.

Thuốc cần được kê đơn và theo dõi bởi bác sĩ và nhân viên y tế, bạn không nên tự ý sử dụng khi không được kê đơn. Liều dùng của thuốc phụ thuộc vào mức độ đau cũng như cân nhắc dựa trên tình trạng chức năng gan thận của bạn. Liều dùng thông thường là 20mg/lần. Thuốc được tiêm truyền tĩnh mạch chậm ít nhất trong 15 phút. Có thể lặp lại liều mỗi 4 giờ nếu cần thiết, tổng liều tối đa một ngày không quá 120mg.

Thuốc nên được pha loãng bởi các dung dịch tiêm truyền thông thường như dung dịch muối hoặc đường đẳng trương để đảm bảo thời gian tiêm truyền thuốc đúng theo hướng dẫn.

Thuốc Acupan
Thuốc Acupan được sử dụng trong các trường hợp đau cấp tính

3. Đối tượng bệnh nhân nào không nên sử dụng thuốc Acupan®?

Thuốc Acupan chống chỉ định với trẻ em dưới 15 tuổi. Không nên dùng thuốc ở bệnh nhân co giật hoặc có tiền sử co giật, bệnh nhân có nguy cơ bí tiểu liên quan đến rối loạn niệu – tiền liệt tuyến, bệnh nhân glaucoma góc đóng, bệnh nhân nhồi máu cơ tim do thuốc có thể làm tăng nặng triệu chứng hoặc là yếu tố nguy cơ khởi phát triệu chứng trên những đối tượng bệnh nhân này.

Thuốc được chuyển hóa qua gan và thải trừ qua nước tiểu. Do đó, thuốc nên được cân nhắc kỹ càng ở bệnh nhân suy gan thận nặng. Thuốc có thể làm trầm trọng hơn các bệnh tim mạch do gây tăng nhịp tim nên bác sĩ có thể cẩn trọng hơn ở bệnh nhân có vấn đề tim mạch. Người cao tuổi có thể nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc, cần được cân nhắc kỹ trước khi dùng Acupan®.

Tránh sử dụng Acupan® trong các trường hợp mẫn cảm với thuốc đã biết từ trước. Thuốc tiết qua sữa mẹ ở nồng độ bằng nồng độ thuốc huyết thanh. Không có đủ dữ liệu về an toàn để sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.

4. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Acupan®?

Không phải tất cả các bệnh nhân đều gặp tác dụng phụ của thuốc và không phải tất cả tác dụng phụ của thuốc đều xảy ra trên một bệnh nhân.

Trong thời gian sử dụng thuốc, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ, buồn nôn, nôn, chóng mặt, khô miệng, bí tiểu, vã mồ hôi...

Bạn nên tuân theo mọi hướng dẫn của nhân viên y tế trong thời gian sử dụng thuốc và được điều trị tại bệnh viện. Khi thuốc được sử dụng với liều phù hợp và được theo dõi bởi nhân viên y tế, các báo cáo tác dụng không mong muốn thường ít gặp hoặc nhẹ và thoáng qua. Khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong hoặc sau quá trình tiêm truyền thuốc, bạn cần báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn, hỗ trợ và xử trí kịp thời.

Rất hiếm trường hợp xảy ra ngộ độc thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều, thuốc có thể gây giãn đồng tử, nhìn mờ, co giật, ảo giác, kích thích, ức chế hô hấp, nhịp tim nhanh và các rối loạn nhịp tim khác thậm chí ngừng tim, hôn mê.

Nefopam dạng viên uống không có sẵn tại Việt Nam, tuy nhiên, trong trường hợp quá liều thuốc uống (đặc biệt khi dùng tới 1,5 – 2g nefopam đường uống hoặc nhiều hơn), bệnh nhân cần được đưa ngay tới bệnh viện để được cấp cứu và xử trí kịp thời. Nefopam không thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid như morphin nên hiện không có thuốc đối kháng tương tự. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ cấp cứu như một tình trạng ngộ độc bằng việc sử dụng than hoạt nếu thuốc mới uống, hỗ trợ đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, điện tâm đồ và điều trị triệu chứng.

Thuốc Acupan
Người bệnh nên thông báo với bác sĩ những bất thường khi sử dụng thuốc Acupan

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Acupan®?

Bạn cần trao đổi với bác sĩ và nhân viên y tế về tiền sử bệnh và tiền sử dùng thuốc của mình, đặc biệt là tình trạng bệnh lý tim mạch; rối loạn tâm thần như lo âu, mất ngủ, trầm cảm; bệnh mắt như glaucom góc đóng đang điều trị hoặc phì đại tiền liệt tuyến có triệu chứng.

Thuốc dạng tiêm truyền thường được dùng ngắn ngày, tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ và dược sĩ khi cần sử dụng thêm thuốc nào khác trong quá trình điều trị, vì thuốc có thể tương tác với thuốc khác hoặc cần theo dõi kỹ hơn.

Bạn sẽ được khuyên nằm nghỉ 15 đến 20 phút sau khi tiêm truyền Acupan® để tránh một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, chóng mặt, vã mồ hôi.

Bạn cần tránh dùng rượu trong thời gian sử dụng thuốc, vì rượu có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc.

Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế, đồng thời, trao đổi với nhân viên y tế mọi bất thường và lo lắng để được tư vấn hỗ trợ kịp thời.

Thuốc Acupan® có hoạt chất là nefopam, là một loại thuốc giảm đau được bào chế chủ yếu dưới dạng tiêm truyền và sử dụng trong bệnh viện. Vì thế, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan