Thuốc giãn mạch điều trị tăng huyết áp

Có nhiều nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp với các cơ chế khác nhau. Một trong số đó là các thuốc giãn mạch có tác dụng làm giãn thành động mạch và/hoặc tĩnh mạch, từ đó làm hạ huyết áp.

1. Thuốc giãn mạch tác dụng theo cơ chế gì?

Cơ chế dược lý thuốc điều trị tăng huyết áp khá phức tạp. Mỗi nhóm thuốc có một cơ chế tác động riêng biệt. Nhóm thuốc giãn mạch điều trị tăng huyết áp có tác dụng làm giãn các thành động mạch và/hoặc tĩnh mạch, ngăn ngừa co thắt mạch máu. Từ đó, giảm áp lực lên thành mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng và làm giảm huyết áp.

2. Các loại thuốc giãn mạch trong điều trị tăng huyết áp

Nhóm thuốc giãn mạch trong điều trị tăng huyết áp bao gồm:

  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển (Captopril, Lisinopril, Enalapril...): Các thuốc thuộc nhóm này sẽ ngăn ngừa tạo ra angiotensin II (một loại hormon gây co mạch máu), giãn mạch, hạ huyết áp. Nhóm này thường gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như ho khan, hạ huyết áp (đặc biệt ở người đang dùng thuốc lợi tiểu hay ăn ít muối), phù mạch, tăng kali.
  • Nhóm thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II (Losartan, Valsartan...): Các thuốc trong nhóm này sẽ ngăn không cho hormone angiotensin II gắn vào thụ thể và nhờ đó gây giãn mạch, hạ huyết áp. Thuốc gây ra các tác dụng phụ tương tự như nhóm ức chế men chuyển kể trên.
  • Nhóm thuốc Nitrat (Glyceryl trinitrat, Isosorbid mononitrat, Isosorbid dinitrat...): Nhóm này có tác dụng làm giãn cả động mạch và tĩnh mạch, từ đó dẫn đến hạ huyết áp. Thuốc có thể dùng để điều trị đau thắt ngực, cơn tăng huyết áp hay suy tim cấp. Các tác dụng phụ khi dùng thuốc bao gồm hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đỏ bừng mặt, nhức đầu.
  • Nhóm thuốc chẹn kênh canxi (Amlodipin, Felodipin...): Thuốc có thể được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, đỏ bừng mặt, chóng mặt, phù cổ chân, hồi hộp, táo bón.
  • Hydralazin: Là loại thuốc giãn mạch trực tiếp gây hạ huyết áp. Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc gồm đau đầu, đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, chán ăn, đánh trống ngực.
  • Minoxidil: Thuốc có tác dụng làm giãn trực tiếp động mạch. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng cân, rậm lông, giữ muối nước, nhịp tim nhanh.
Hydralazin là loại thuốc giãn mạch trực tiếp gây hạ huyết áp
Hydralazin là loại thuốc giãn mạch trực tiếp gây hạ huyết áp

3. Các lưu ý khi sử dụng thuốc giãn mạch trong điều trị tăng huyết áp

Các thuốc giãn mạch có thể gây ra các tác dụng phụ như đỏ mặt, chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, phù... Nếu các tác dụng phụ trên xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và thay đổi thuốc nếu cần thiết

Không sử dụng thuốc giãn mạch cho người mắc bệnh huyết áp thấp hay đang bị thiếu máu nghiêm trọng, phụ nữ mang thai và cho con bú...

Không được sử dụng đồng thời nhóm thuốc nitrat với nhóm thuốc ức chế enzym PDE-5 (sildenafil, tadalafil, vardenafil...) vì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Phần lớn các thuốc giãn mạch cần kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng, phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.

Tăng huyết áp là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim,... Bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc điều trị tăng huyết áp theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh và phòng tránh các biến chứng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan