Thuốc kháng sinh nên uống mấy ngày thì dừng?

Sự phát triển của thuốc kháng sinh là một trong những khám phá vĩ đại của y học hiện đại. Kháng sinh giúp chống lại vi khuẩn và có thể chữa khỏi các bệnh truyền nhiễm đe dọa tính mạng như viêm phổi mà trước đây chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh không đúng cách đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều vi khuẩn kháng lại loại thuốc này. Vậy kháng sinh nên uống mấy ngày để hạn chế hiện tượng kháng thuốc.

1. Vì sao phải sử dụng kháng sinh đúng cách?

Trong y học, vi khuẩn được cho là có khả năng kháng thuốc nếu chúng có thể tồn tại khi tiếp xúc với các tác động đặc biệt từ bên ngoài. Ví dụ, hầu hết vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày cùng với thức ăn sẽ bị tiêu diệt bởi axit dạ dày (dịch vị), nhưng một số vi khuẩn được bao phủ bởi một lớp màng nhầy để bảo vệ chúng khỏi axit, các loại vi khuẩn này có khả năng chống lại axit dịch vị.

Đề kháng với thuốc kháng sinh theo nguyên tắc tương tự: Vi khuẩn đã có được một đặc tính mới giúp bảo vệ chúng khỏi thuốc kháng sinh. Ví dụ, một số loại vi khuẩn có thể tạo ra một chất làm cho một số loại kháng sinh không còn hiệu quả đối với chúng. Hiện tượng vi khuẩn có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiều loại kháng sinh khác nhau được gọi là "đa kháng".

Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn đề kháng thuốc.

Chủng vi khuẩn Streptococcus và Staphylococcus thường đề kháng với thuốc kháng sinh. Ví dụ “Staphylococcus aureus kháng methicillin” (MRSA). Staphylococci có thể được tìm thấy trên da, màng nhầy và có thể gây nhiễm trùng (nếu chúng dính vào vết thương hở). Các chủng kháng thuốc hiện đã phát triển ở các loại vi khuẩn khác như Escherichia coli, Klebsiella và pseudomonads.

XEM THÊM: Nên dừng thuốc kháng sinh khi nào?

2. Sử dụng kháng sinh ở các nước phát triển

Ở Đức, thuốc kháng sinh chỉ được dùng khi được bác sĩ kê đơn. Điều này có nghĩa là các bác sĩ là người đầu tiên và quan trọng nhất chịu trách nhiệm về việc sử dụng thuốc kháng sinh. Trước tiên, bác sĩ phải xem liệu bệnh nhân có thực sự bị nhiễm trùng do vi khuẩn hay không?

Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra, điều quan trọng là thuốc kháng sinh phải được kê đúng liều lượng và đủ thời gian, việc lựa chọn loại kháng sinh phù hợp và dùng đủ thời gian sẽ giúp chống lại vi khuẩn hiệu quả nhất.

Thuốc kháng sinh cũng được sử dụng trong thú y và nông nghiệp, bác sĩ thú y phải tuân thủ các quy tắc xử lý thuốc kháng sinh đúng cách.

kháng kháng sinh
Sử dụng kháng sinh không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn đề kháng thuốc

3. Kháng sinh nên uống mấy ngày?

Kháng sinh nên uống mấy ngày, có cần thiết uống kháng sinh 5 ngày không, uống kháng sinh 3 ngày có được không là những vấn đề được rất nhiều bệnh nhân và người nhà thắc mắc mỗi khi được kê đơn thuốc kháng sinh. Trên thực tế, thuốc kháng sinh bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi người bệnh dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh có thể không cảm thấy tốt hơn trong 2 đến 3 ngày đầu vì tác dụng của thuốc cũng phụ thuộc vào loại nhiễm trùng mà bệnh nhân đang điều trị.

Hầu hết các loại thuốc kháng sinh nên được dùng trong 7 - 14 ngày. Trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị ngắn ngày hơn (ví dụ uống kháng sinh 5 ngày) cũng cho tác dụng đầy đủ. Bác sĩ sẽ là người quyết định thời gian điều trị tốt nhất và loại kháng sinh chính xác cho người bệnh.

Mặc dù hầu hết người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn sau một vài ngày điều trị, nhưng tốt nhất bệnh nhân nên tuân thủ toàn bộ phác đồ điều trị kháng sinh để giải quyết triệt để tình trạng nhiễm trùng, điều này có thể góp phần vào việc ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Theo đó, người bệnh không được ngừng thuốc kháng sinh sớm mà không được sự đồng ý của bác sĩ.

uống kháng sinh
Nên uống đủ liều kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tình trạng kháng thuốc kháng sinh thì người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:

  • Thuốc kháng sinh phải được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, không có nghĩa là tất cả vi khuẩn đã bị tiêu diệt, vi khuẩn còn sót lại có thể khiến bệnh bùng phát trở lại, vì vậy việc sử dụng kháng sinh đủ số ngày là vô cùng quan trọng.
  • Không được vứt bỏ thuốc kháng sinh bằng cách đổ xuống cống hoặc xả xuống bồn cầu, điều đó có thể gây hại cho môi trường và góp phần vào sự kháng thuốc của vi khuẩn.
  • Thuốc kháng sinh thường được uống với nước hoặc với nước trái cây. Các sản phẩm từ sữa (bao gồm sữa cũng như bơ, sữa chua và pho mát) hoặc rượu có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ một số loại thuốc, vì vậy người bệnh có thể cần đợi đến 3 giờ trước khi ăn hoặc uống bất kỳ sản phẩm sữa nào. Nước bưởi và thực phẩm chức năng có chứa khoáng chất như canxi cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng sinh.
  • Một số loại thuốc kháng sinh cần dùng vào cùng một thời điểm trong ngày, một số loại khác dùng trước, cùng hoặc sau bữa ăn. Ví dụ: nếu người bệnh được chỉ định dùng thuốc 3 lần một ngày thì thuốc nên được dùng vào những thời điểm đã định để tác dụng được trải đều trong suốt quá trình điều trị (khoảng thời gian thông thường là 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối đối với một loại thuốc kháng sinh cần uống mỗi 8 giờ một lần).
  • Thuốc kháng sinh có thể tương tác với các loại thuốc khác như: một số chất làm loãng máu và thuốc kháng axit.
  • Một số loại thuốc kháng sinh có thể làm cho thuốc tránh thai kém hiệu quả hơn.

Thuốc kháng sinh có công dụng điều trị các bệnh lý nhiễm trùng, tuy nhiên thuốc kháng sinh cũng là “con dao 2 lưỡi” nếu người bệnh không sử dụng đúng cách. Vì thế, để đảm bảo an toàn thì người bệnh nên uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn, tránh lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh bừa bãi gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, ncbi.nlm.nih.gov, medicinenet.com, cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

224.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan