Thuốc Peritol có tác dụng gì?

Thuốc Peritol 4mg chứa hoạt chất cyproheptadin hydrochlorid, được chỉ định trong điều trị các tình trạng dị ứng có kèm ngứa. Cùng tìm hiểu về công dụng và liều dùng thuốc Peritol qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Peritol

1.1. Chỉ định

Thuốc Peritol có tác dụng gì?”. Thuốc Peritol chứa hoạt chất cyproheptadin hydrochlorid có công dụng trong điều trị các bệnh lý sau đây:

  • Tình trạng dị ứng có ngứa như mày đay cấp tính, mày đay mạn tính, ngứa, eczema, ngoại ban do thuốc, viêm da dạng eczema, viêm da thần kinh, viêm da do tiếp xúc, viêm mũi vận mạch, côn trùng cắn, bệnh huyết thanh;
  • Điều trị triệu chứng đau đầu do mạch máu (đau đầu do histamin, đau nửa đầu).

1.2. Dược lực học

Cyproheptadin thuộc nhóm thuốc kháng histamin - serotonin, thuốc có tác dụng an thần và kháng cholinergic. Cơ chế tác dụng của Cyproheptadin được chứng minh là gắn kết với thụ thể histamin H1 và thụ thể serotonin, vì vậy nó ức chế sự gắn kết cạnh tranh với histamin và serotonin.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy cyproheptadin hydroclorid kháng một số tác dụng của serotonin như sau:

  • Co thắt phế quản (thí nghiệm trên chuột lang);
  • Co mạch (thí nghiệm trên chó);
  • Co thắt (thí nghiệm trên tử cung chuột phân lập);
  • Phù (thì nghiệm trên chuột cống);
  • Gây chết (thí nghiệm trên chuột dùng haemophilus pertussis).

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy cyproheptadin hydroclorid kháng một số tác dụng của histamin như sau:

  • Co phế quản (thí nghiệm trên chuột lang);
  • Co mạch (thí nghiệm trên chó);
  • Co thắt (thí nghiệm ở tử cung chuột phân lập);
  • Sốc phản vệ (thí nghiệm trên chuột nhắt và chuột lang);
  • Tăng tiết dịch vị (thí nghiệm trên chó Heidenhain pouch).

1.3. Dược động học

Thuốc Peritol được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa sau khi uống. Nồng độ đỉnh đạt được trong huyết tương sau khi uống từ 4 – 8 giờ. Tác dụng của cyproheptadin hydrochlorid kéo dài trong thời gian từ 4 – 6 giờ sau khi uống liều đơn. Tuy vậy vẫn đo được nồng độ của thuốc sau 24 giờ uống liều duy nhất 4mg.

Chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa hiệu quả trên lâm sàng và nồng độ của thuốc trong huyết tương. Quá trình chuyển hóa của thuốc xảy ra chủ yếu ở gan, chất chuyển hóa chính là amoni bậc bốn của cyproheptadin (dạng liên hợp glucuronid). Các chất chuyển hóa không có tác dụng sinh học.

Quá trình thải trừ của thuốc qua phân và nước tiểu. Trong đó, ở liều dùng 4mg cyproheptadin có 2 – 20% liều được thải trừ qua phân (34% trong số này ở dạng không chuyển hóa), 40% liều được thải trừ qua đường nước tiểu. 50% lượng thuốc cyproheptadin được thải trừ qua thận dưới dạng chất chuyển hóa trong vòng 3 ngày dùng thuốc. Ở liều lặp lại hàng ngày 12 – 20mg không xuất hiện thuốc chưa biến đổi mà chỉ thấy chất chuyển hóa của thuốc được thải trừ qua nước tiểu. Thời gian bán thải của cyproheptadin là 16 giờ.

thuốc peritol
Thuốc Peritol 4mg chứa hoạt chất cyproheptadin hydrochlorid

2. Liều dùng

Công dụng của thuốc peritol trong điều trị các tình trạng dị ứng có kèm ngứa, tình trạng đau đầu do nguyên nhân mạch máu. Liều dùng của thuốc phụ thuộc vào tình trạng và độ tuổi của người bệnh, cụ thể như sau:

  • Hiệu quả của thuốc khi dùng liều đơn kéo dài từ 4 – 6 giờ. Liều duy trì mỗi ngày cần được chia làm nhiều lần, thông thường là 3 lần/ngày hoặc dùng thường xuyên khi cần thiết nhằm giúp duy trì hiệu quả liên tục. Tuy vậy, liều dùng cần được xác định cụ thể ở từng người bệnh;
  • Thuốc có tác dụng an thần xảy ra nhiều hơn ở liều điều trị đầu tiên, vì vậy khuyến cáo dùng liều đầu tiên sau bữa ăn tối;
  • Liều dùng khởi đầu mỗi ngày ở người trưởng thành là 4 – 20mg ( uống 1 viên/lần x 1 – 5 lần/ngày), phần lớn liều dùng phù hợp cho người bệnh là 12 – 16mg (uống 1 viên/lần x 3 – 4 lần/ngày);
  • Liều dùng khuyến cáo trong điều trị mày đay mạn tính là 2 mg/lần x 3 lần/ngày (1/2 viên nén x 3 lần);
  • Liều dùng trong điều trị đau đầu cấp tính: 4mg mỗi ngày. Trường hợp cơn đau vẫn còn thì lặp lại liều như trên sau 30 phút, lưu ý tổng liều dùng không vượt quá 8mg trong 4 – 6 giờ. Liều dùng duy trì trong điều trị đau nửa đầu là 12mg/ngày (1 viên/lần x 3 lần/ngày).

Liều dùng thuốc Peritol 4mg trên một số đối tượng đặc biệt như sau:

  • Người bệnh không thể tự vận động, người cao tuổi (trên 65 tuổi): Không nên dùng thuốc Peritol ở những đối tượng này vì nguy cơ gặp tác dụng phụ cao;
  • Trẻ em: Không điều trị bằng thuốc Peritol cho trẻ em dưới 2 tuổi. Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em trên 2 tuổi là 0,25 mg/kg/ngày hoặc 8 mg/m2. Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em từ 2 – 6 tuổi là 4 – 6mg/ngày, liều tối đa không quá 12mg. Đối với trẻ em từ 7 – 14 tuổi dùng liều 8 – 12mg/ngày. Trường hợp cần bổ sung thêm liều nên dùng vào lúc đi ngủ, liều tối đa không vượt quá 16mg;
  • Đối với người bệnh suy gan có thể cần phải giảm liều do cyproheptadin chuyển hóa ở gan;
  • Đối với người bệnh suy thận cần phải điều chỉnh liều và giảm liều.

3. Tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc Peritol như sau:

  • Tăng cân;
  • Đánh trống ngực, ngoại tâm thu, nhịp tim nhanh;
  • Giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt;
  • Các triệu chứng rối loạn hệ thần kinh: Ngủ lơ mơ, buồn ngủ, chóng mặt, an thần mất điều hòa, dị cảm, run, co giật, viêm dây thần kinh, yếu mệt;
  • Rối loạn mắt: Rối loạn điều tiết, mờ mắt, nhìn đôi;
  • Rối loạn mê đạo và tai: Chóng mặt, viêm mê đạo cấp, ù tai;
  • Rối loạn hô hấp, ngực: Dịch phế quản đặc, khô mũi và họng, nghẹt mũi, khó thở, chảy máu cam;
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, khô miệng, tiêu chảy, khó chịu vùng thượng vị, táo bón;
  • Rối loạn tiết niệu và thận: Khó tiểu tiện, buồn đi tiểu, bí tiểu;
  • Rối loạn mô dưới da và loạn da: Ban xuất huyết, ban đỏ, mày đay, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa: Tăng cảm giác thèm ăn;
  • Hạ huyết áp, cảm giác bị bóp nghẹt ở ngực, run rẩy, mệt mỏi, khó chịu;
  • Sốc phản vệ, phù dị ứng;
  • Rối loạn gan mật: Suy gan, viêm gan, ứ mật, vàng da, bất thường chức năng gan;
  • Rối loạn hệ sinh sản: Kinh nguyệt có sớm.
thuốc peritol
Đánh trống ngực, ngoại tâm thu, nhịp tim nhanh là tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc Peritol

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Peritol 4mg trong các trường hợp sau đây:

  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Peritol’
  • Người mắc hen cấp tính;
  • Người bệnh tăng nhãn áp;
  • Nghẹt môn vị, loét dạ dày có hẹp;
  • Người bệnh mắc các triệu chứng đi kèm bí tiểu (tắc nghẽn cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt);
  • Người bệnh đang điều trị với nhóm thuốc ức chế men MAO;
  • Phụ nữ đang cho con bú;
  • Người cao tuổi suy kiệt (trên 65 tuổi), người bệnh không tự vận động được;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 2 tuổi.

4.2. Lưu ý khi sử dụng

  • Không sử dụng các thuốc kháng histamin trong điều trị các triệu chứng đường hô hấp dưới, bao gồm cả cơn hen cấp tính.
  • Điều trị bằng thuốc Peritol nói riêng và các thuốc kháng Histamin nói chung có thể làm giảm sự tỉnh táo. Tuy nhiên đối với trẻ em thuốc có tác dụng kích thích.
  • Thuốc có tác dụng chống tiết cholin nên cần thận trọng khi dùng ở các trường hợp sau đây: Mắc bệnh lý tim mạch, cường tuyến giáp, tăng huyết áp.
  • Rượu có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của thuốc kháng histamin nên người bệnh điều trị bằng thuốc không được uống rượu bia.
  • Mỗi viên thuốc Peritol có chứa 128mg đường lactose. Vì vậy người bệnh không dung nạp galactose di truyền, kém hấp thu glucose – galactose hoặc thiếu hụt Lapp lactase không nên điều trị bằng thuốc này.
  • Mặc dù các bất thường về sự tạo máu như mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu, giảm tiểu cầu... hiếm khi xảy ra khi dùng thuốc Peritol. Tuy nhiên người bệnh cần kiểm tra công thức máu trong trường hợp sốt không rõ nguyên nhân, xanh xao, thương tổn niêm mạc, khó thở, suy nhược, chảy máu...

4.3. Tác động của thuốc trên các đối tượng đặc biệt

  • Người lái xe, vận hành máy móc: Khi mới bắt đầu dùng thuốc, người bệnh có thể bị buồn ngủ, chóng mặt hoặc ngủ gà. Vì vậy, người bệnh không nên lái xe hoặc vận hành máy móc khi mới dùng thuốc.
  • Phụ nữ đang mang thai: Không sử dụng thuốc Peritol trong điều trị ở phụ nữ đang mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Không sử dụng thuốc Peritol trong điều trị ở phụ nữ đang cho con bú.

Để tránh các tác dụng phụ không mong muốn do thuốc Peritol gây ra, người bệnh nên đọc kỹ tờ giấy hướng dẫn hoặc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan