Thuốc Tenofovir alafenamide: công dụng, tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng

Bài viết của Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tenofovir alafenamide (viết tắt TAF, tên biệt dược thường gặp Hepbest, Teravir) là thuốc kháng virus thuộc nhóm ức chế phiên mã ngược nucleotide (nucleotide reverse transcriptase inhibitor – NtRTI) dùng điều trị viêm gan siêu vi B mạn tính ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi. TAF có ngăn không cho virus viêm gan nhân lên trong cơ thể người từ đó giúp giảm tổn thương gan và kiểm soát bệnh.

1. Những lưu ý khi sử dụng Tenofovir alafenamide

Tenofovir alafenamide là thuốc chuyên khoa cần phải có chỉ định sử dụng của bác sĩ chuyên ngành, vì thế người bệnh không được tự ý dùng thuốc. Hơn nữa, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ trên gan, thận, cơ quan khác nếu không được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Do vậy người bệnh nên tái khám định kỳ và không được lạm dụng uống thuốc quá thời gian trên đơn mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử mắc các bệnh lý hoặc rối loạn chức năng gan hoặc thận khác do TAF có nguy cơ làm trầm trọng hơn các bệnh lý nền sẵn có tại gan, thận. Người bệnh cũng cần phải định kỳ lấy máu xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, chức năng thận trước khi dùng thuốc và trong những lần tái khám.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ đề nghị người bệnh kiểm tra xét nghiệm các bệnh viêm gan C, viêm gan D hoặc thậm chí là HIV trước khi bắt đầu điều trị.

Người bệnh đang có thai, nghi ngờ có thai, có kế hoạch có con cần phải thận trọng tham vấn bác sĩ điều trị về việc sử dụng TAF. Tương tự với trường hợp phụ nữ cho con bú, người bệnh cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để có quyết định phù hợp cân nhắc giữa lợi ích điều trị và các nguy cơ có thể xảy ra cho em bé.

Thuốc có thể gây ra chóng mặt làm ảnh hưởng đến việc lái xe hoặc vận hành công cụ, máy móc khác. Do vậy, người bệnh cần thận trọng khi thực hiện những việc trên đặc biệt là trong những ngày đầu dùng thuốc.

TAF được sử dụng 1 lần/ngày và cần phải được dùng mỗi ngày trong suốt khoảng thời gian điều trị. Do vậy người bệnh nên dùng thuốc cùng thời điểm trong ngày và tránh việc quên liều thuốc.

Nếu lỡ quên uống thuốc, người bệnh cần kiểm tra lại khoảng thời gian quên thuốc và xử trí phù hợp:

  • Nếu vẫn còn trong khoảng 18 giờ kể từ thời điểm quên uống thuốc, uống một liều càng sớm càng tốt và uống liều tiếp theo vào thời điểm uống thuốc thường ngày (hôm sau);
  • Nếu đã quá 18 giờ kể từ thời điểm quên uống thuốc, không uống bù liều thuốc đã quên và đợi để uống liều tiếp theo vào thời điểm dùng thuốc hàng ngày.

Trường hợp người bệnh nôn ói trong vòng 1 giờ sau khi uống thuốc, cần phải dùng thêm 1 liều thuốc để bù lại thuốc đã mất. Nếu nôn ói sau 1 giờ, người bệnh không cần dùng lại thuốc.

Người bệnh không nên ngừng thuốc trong thời gian điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Việc ngừng thuốc không phù hợp có thế khiến bệnh viêm gan B trở nặng hoặc thậm chí gây nguy hiểm tính mạng đặc biệt trong các trường hợp suy gan, xơ gan nặng, diễn tiến.

Thông báo cho bác sĩ biết các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc hoặc các thay đổi bất thường khi ngưng sử dụng thuốc. Các tác dụng phụ này có thể do thuốc gây ra hoặc cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm gan không kiểm soát.

Thuốc nên được bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, giữ nguyên trong lọ thuốc gốc để tránh ánh sáng và độ ẩm từ môi trường bên ngoài.

Thuốc Tenofovir alafenamide
Thuốc Tenofovir alafenamide cần được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

2. Các tác dụng phụ của Tenofovir alafenamide

Như bất kỳ loại thuốc nào, Tenofovir alafenamide cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khi dùng thuốc.

Đau đầu là tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi dùng TAF. Người bệnh cũng có thể gặp phải tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, đau bụng, đầy hơi, đau nhức khớp xương hoặc phát ban, ngứa da.

Các tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm phù mặt, môi hoặc họng lưỡi, nổi mề đay. Nếu gặp các triệu chứng này hoặc các triệu chứng thường gặp khác trầm trọng hơn, người bệnh cần đến khám lại hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí phù hợp, kịp thời.

Một tác dụng phụ đáng lưu ý khác của TAF là ảnh hưởng đến gan gây tăng men gan (ALT), làm suy giảm chức năng thận hoặc gây tăng cân, thay đổi đường huyết, mỡ máu. Đó cũng là lý do người bệnh cần phải tái khám định kỳ và dùng thuốc dưới sự theo dõi thăm khám của bác sĩ điều trị chuyên ngành.

3. Các tương tác đáng lưu ý của Tenofovir alafenamide

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết các thuốc hoặc thực phẩm chức năng, sản phẩm khác mà người bệnh đang dùng để đánh giá tương tác với Tenofovir alafenamide.

Các thuốc quan trọng cần lưu ý bao gồm:

  • Các thuốc kháng sinh, kháng lao như rifabutin, rifampicin hoặc rifapentine;
  • Các thuốc kháng virus điều trị HIV như ritonavir, lopinavir, atazanavir;
  • Các thuốc kháng nấm như ketoconazole hoặc itraconazole;
  • Các chế phẩm dược liệu điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu như cỏ thánh John (St John’s Wort)
  • Các thuốc điều trị động kinh như oxcarbazepine, carbamazepine, phenobarbital.

Các tương tác này có thể làm giảm hoặc tăng nồng độ của TAF dẫn đến giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng độc tính của TAF trên cơ thể người bệnh.

Cũng cần nên thận trọng khi sử dụng chung với TAF với các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (Nonsteroidal Anti-Inflammatory Drugs – NSAIDs) do nguy cơ tăng độc tính trên thận của TAF.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

72.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan