Vì sao phải dùng Adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ngừng tuần hoàn là một tình trạng cấp cứu, cần phải nhanh chóng khôi phục lại tuần hoàn cho bệnh nhân. Tình trạng ngừng tuần hoàn kéo dài sẽ làm tổn thương não không thể phục hồi, có thể đại lại những di chứng sau khi khôi phục tuần hoàn. Cùng với việc ép tim, thông đường thở, thổi ngạt thì việc sử dụng Adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là rất quan trọng.

1. Ngừng tuần hoàn là gì?

Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi... Có 4 trạng thái cơ bản là của ngừng tuần hoàn đó là rung thất, nhịp nhanh thất vô mạch, vô tâm thu và hoạt động điện vô mạch.

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khỏe mạnh như trong các tai nạn do sốc phản vệ, điện giật, đuối nước, đa chấn thương...

Nhưng ngừng tuần hoàn cũng có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như suy tim, suy thận, ung thư, xơ gan...

Trong y học, bác sĩ còn sử dụng một số thuật ngữ khác để chỉ việc cấp cứu trạng thái ngừng tuần hoàn như:

  • Cấp cứu ngừng tim phổi
  • Hồi sinh chết lâm sàng
  • Hồi sinh tim-phổi
  • Hồi sinh tim-phổi-não...

Lưu lượng máu não bình thường ổn định ở mức 50ml/100gr tổ chức não trong 1 phút cho dù huyết áp động mạch có thể dao động từ 50 – 150 mmHg. Sở dĩ có điều này đó là nhờ tính tự điều hòa hệ mạch não, khi huyết áp động mạch hạ thấp, các mạch máu não sẽ giãn ra để tiếp nhận nhiều máu hơn và ngược lại khi huyết áp tăng lên thì mạch máu não co lại.

Tế bào não có thể sống được khi lưu lượng máu não dưới 20 ml/100gr/phút, dưới ngưỡng này thì mạch não sẽ giãn tối đa và sự sống của tế bào não phụ thuộc trực tiếp vào thời gian thiếu máu não. Có thể nói tế bào não là tế bào đặc biệt nhất trong cơ thể, một khi đã tổn thương thì không có khả năng tái tạo và bù đắp như các tế bào khác.

Trong điều kiện bình thường thì khả năng chịu đựng thiếu oxy của não tối đa là 5 phút. Khoảng thời gian này còn được gọi là giai đoạn chết lâm sàng và việc cấp cứu ngừng tuần hoàn nhằm cung cấp lại máu và oxy cho não phải được tiến hành trong giai đoạn này thì mới có thể cứu sống được bệnh nhân.

Khi ngừng tuần hoàn kéo dài trên 5 phút, các tế bào não sẽ bị tổn thương không còn khả năng hồi phục và khi đó bệnh nhân chuyển sang giai đoạn sống thực vật hay chết não.

Trong một số trường hợp đặc biệt, khả năng chịu đựng thiếu oxy của não có thể kéo dài hơn như:

  • Ngừng tim trong điều kiện hạ thân nhiệt
  • Ngừng tim mà trước đó bệnh nhân có sử dụng các thuốc làm giảm tiêu thụ oxy não như Barbituric
  • Trẻ sơ sinh...
sử dụng adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn
Bác sĩ có thể sử dụng adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn

2 . Nguyên nhân nào gây ngừng tuần hoàn?

Nguyên nhân do tim:

Nguyên nhân tuần hoàn:

  • Thiếu khối lượng tuần hoàn cấp (các loại sốc: sốc mất máu, sốc mất nước, sốc giãn mạch,..)
  • Tắc mạch phổi (do khí, huyết khối, mỡ, nước ối,..)
  • Cơ chế phản xạ dây phế vị.

Nguyên nhân hô hấp:

  • Tràn khí màng phổi nặng(tràn khí màng phổi áp lực)
  • Thiếu oxy cấp (thường gây ra vô tâm thu): Do dị vật gây tắc đường thở.
  • Ưu thán (toan hô hấp nặng).

Nguyên nhân rối loạn chuyển hoá:

  • Rối loạn chuyển hóa kali.
  • Tăng canxi máu cấp.
  • Tăng catecholamin cấp.
  • Hạ thân nhiệt.
  • Hạ đường huyết.
  • Toan chuyển hóa

Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc:

  • Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim.
  • Do tác dụng phụ của thuốc(ma túy, an thần,..).

Nguyên nhân khác:

3. Nhận biết ngừng tuần hoàn

Ngừng tuần hoàn được chẩn đoán dựa vào 3 triệu chứng cơ bản sau:

  • Mất ý thức: được xác định bằng cách gọi hỏi bệnh nhân không có đáp ứng trả lời, kích thích đau không đáp ứng, không có phản xạ thức tỉnh.
  • Ngừng thở hoặc thở ngáp: Được xác định khi lồng ngực và bụng của bệnh nhân hoàn toàn không có cử động thở.
  • Ngừng tim: Là khi mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn.

Ngoài ra bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như:

  • Da nhợt nhạt hoặc tím tái
  • Giãn đồng tử và mất phản xạ đồng tử với ánh sáng
  • Nếu bệnh nhân đang trong quá trình phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy.

Nếu bệnh nhân đang được thở máy, hôn mê thì monitor tim sẽ báo động, SpO2 giảm đột ngột.

4. Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản

Khi phát hiện bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn bạn phải tiến hành cấp cứu ngay với 3 việc phải làm:

  • A (Airway): Khai thông đường thở.
  • B (Breathing): Hô hấp nhân tạo hay thổi ngạt
  • C (Chest compressions): ép tim ngoài lồng ngực.

Trong năm 2010 Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa ra hướng dẫn mới cho cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản, trong đó trình tự ban đầu của các bước được thay đổi từ (A-B-C) khai thông đường thở, thổi ngạt, ép ngực thành (C-A-B) ép ngực, khai thông đường thở, thổi ngạt. Nếu có thiết bị y tế nên cho dùng thuốc và sốc điện ngay.

adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn
Adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn có vai trò quan trọng

5. Cách dùng adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn

Thuốc đầu tay được sử dụng trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là Adrenalin ống 1mg/1ml. Loại thuốc này có tác dụng kích thích thụ thể adrenergic trên hệ thần kinh tự động của tim làm cho tim đập trở lại.

Liều Adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn qua đường tĩnh mạch (IV) hoặc đường truyền trong xương (IO) là 1 mg cho 1 lần tiêm đối với người lớn hoặc 0.01 mg/kg đối với trẻ em, nhắc lại 3-5 phút một lần nếu như tim vẫn chưa có mạch, trong trường hợp chưa có đường truyền tĩnh mạch (IV) hoặc chưa có đường truyền trong xương (IO) thì có thể dùng qua đường nội khí quản với liều 2-2.5 mg/ liều ở người lớn hoặc 0.1 mg/kg/liều ở trẻ em.

Cách sử dụng Adrenalin trong cấp cứu ngừng tuần hoàn tốt nhất là tiêm vào tĩnh mạch, đặc biệt là tiêm vào tĩnh mạch trung tâm vì đây là con đường nhanh nhất đưa thuốc tới nút xoang. Nếu bạn tiêm vào tĩnh mạch ngoại vi thì nên lựa chọn tĩnh mạch cảnh ngoài, tĩnh mạch đầu hoặc tĩnh mạch nền cánh tay. Trường hợp không lấy được đường truyền tĩnh mạch thì có thể sử dụng đường truyền trong xương.

Ở người lớn liều adrenalin 1mg cần được pha loãng trong 10 ml nước muối sinh lý NaCL 0,9% và được tiêm nhanh vào tĩnh mạch, theo ngay sau đó là bolus nhanh 20 ml nước muối sinh lý NaCl 0.9%. Nếu tiêm vào tĩnh mạch cánh tay cần nâng cao cánh tay bệnh nhân lên hơn mức tim trong khoảng 10 đến 20 giây sau mỗi liều tiêm, nếu đã đặt được một đường truyền tĩnh mạch thì sau khi tiêm thuốc vào dây truyền cần nâng cao phần cơ thể đặt đường truyền và cho dịch truyền chảy nhanh với mục đích làm cho thuốc về tuần hoàn trung tâm nhanh hơn. Không nên sử dụng các tĩnh mạch ở chân vì ít hiệu quả.

Con đường dự phòng để đưa thuốc Adrenalin vào khi chưa tiêm được thuốc vào tĩnh mạch, đó là tiêm thuốc trực tiếp vào ống nội khí quản bệnh nhân. Liều dùng Adrenalin theo đường này cần cao hơn tiêm tĩnh mạch, cụ thể là 2 – 2,5 mg adrenalin pha trong 5 – 10ml nước muối sinh lý NaCl 0.9%

Nhờ động tác thông khí, thuốc sẽ được đưa vào phế nang rồi ngấm qua màng phế nang – mao mạch vào hệ tuần hoàn phổi. Sau đó nhờ động tác ép tim về tim làm tim đập lại. Không nên nhắc lại việc tiêm thuốc Adrenalin vào khí quản quá nhiều lần vì sẽ làm ngập nước trong phổi bệnh nhân.

Đường truyền trong xương (IO) có giá trị sử dụng tương đương đường truyền tĩnh mạch (IV) được sử dụng trong trường hợp không thể lấy được đường truyền tĩnh mạch gây chậm trễ trong việc cấp cứu, nhất là đối tượng trẻ em. Bằng cách sử dụng một thiết bị chuyên dụng để xuyên kim vào tủy xương tại một trong các vị trí như: đầu trên xương chày, đầu xa (đầu dưới) xương chày, đầu xa xương đùi, gai chậu trước.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong khi xảy ra ngừng tuần hoàn lên đến 90%. Vì thế ngừng tuần hoàn là một cấp cứu tối cấp, khi phát hiện ngừng tuần hoàn cần phải ngay lập tức tiến hành cấp cứu. Đối với trường hợp ở bên ngoài bệnh viện, người dân nên học để biết cách ép tim cũng như hà hơi thổi ngạt trong khi chờ xe cấp cứu và nhân viên y tế đến. Việc chậm trễ có thể gây chết não thậm chí tử vong.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan