Bị viêm đại tràng uống thuốc gì?

Bệnh viêm đại tràng là một căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị dứt điểm. Vậy viêm đại tràng nên uống thuốc gì và cần làm gì để phòng ngừa căn bệnh này?

1. Viêm đại tràng là bệnh gì?

Đại tràng hay còn gọi là ruột già., đây là cơ quan nằm ở phần cuối của ống tiêu hóa với vai trò chính là hấp thụ muối khoáng và nước của thức ăn từ dạ dày chuyển xuống, sau đó cùng các vi khuẩn phân hủy tạo bã thức ăn thành phân. Nhờ vào nhu động co bóp của ruột để đào thải phân qua trực tràng.

Viêm đại tràng là bệnh lý tổn thương ở đại tràng với tình trạng viêm loét và rối loạn chức năng. Đây là bệnh tương đối phổ biến và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Độ tuổi thường gặp vào khoảng trung niên hoặc người lớn tuổi và nữ giới có tỷ lệ mắc phải cao hơn nam.

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng

Viêm đại tràng được chia thành 2 thể là cấp tính và mạn tính. Với mỗi thể có nguyên nhân gây bệnh khác nhau như:

Viêm đại tràng cấp tính

Viêm đại tràng cấp tính có nguyên nhân chủ yếu do lỵ amip hoặc lỵ trực tràng gây ra. Trong đó có một số yếu tố bắt nguồn dẫn đến tình trạng này bao gồm:

  • Bệnh nhân sử dụng thức ăn hoặc nước uống có nguồn gốc không đảm bảo vệ sinh khiến cho các loại vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và nhất là đường tiêu hóa. Trong đó, đại tràng chính là vị trí cuối cùng của đường tiêu hóa vậy nên hầu hết các chất thải và những vi khuẩn độc hại sẽ bị dồn tới đây gây viêm loét đại tràng.
  • Một số rối loạn diễn ra trong cơ thể như rối loạn đông tạo máu, xơ vữa động mạch, khối u, các vết sẹo,... làm cho quá trình lưu thông máu tới các bộ phận khác bị tắc nghẽn. Từ đó khiến oxy không được cung cấp đủ để tạo tế bào mới làm cho các chức năng đại tràng bị rối loạn.

Ngoài ra, còn có một số ít các trường hợp bắt nguồn từ việc lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc do mắc phải các bệnh lý liên quan từ hệ tiêu hóa,...

Viêm đại tràng dạng mạn tính

  • Nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng viêm đại tràng mạn tính là lao ruột. Tỷ lệ các bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh lao hoặc đang thực hiện điều trị lao sẽ có nguy cơ bị viêm đại tràng cao. Người bệnh sẽ có các biểu hiện như thường xuyên bị chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi thậm chí dẫn đến tắc ruột hay viêm phúc mạc nếu không được điều trị kịp thời.
  • Viêm đại tràng mạn tính không có nguyên nhân rõ ràng thường gặp ở những người thường xuyên rơi vào trạng thái stress, căng thẳng do công việc gây ra tình trạng chán ăn, đau bụng từng cơn, đi đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh.

Ngoài ra, một số trường hợp mắc phải viêm đại tràng mạn tính do trước đó mắc phải các bệnh như virus herpes simplex, AIDS,...

3. Triệu chứng thường gặp của viêm đại tràng

Viêm đại tràng mạn tính có những biểu hiện đặc trưng như:

  • Đau bụng kéo dài: Bệnh nhân thấy xuất hiện những cơn đau dọc theo khung đại tràng tại vị trí nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu. Cường độ đau xuất hiện theo từng cơn, đau quặn nhiều lần, đôi khi chỉ đau âm ỉ và cơn đau giảm bớt sau khi đi ngoài. Ngoài ra, bệnh nhân cảm thấy bụng luôn trong trạng thái chướng rất khó chịu, đặc biệt dọc khung đại tràng.
  • Tình trạng phân bất thường: Viêm đại tràng mãn tính có biểu hiện rõ ràng nhất ở phân, bệnh nhân chủ yếu đi ngoài ra phân lỏng vào nhiều lần trong ngày. Một số ít trường hợp có thể bị táo bón, mót rặn, phân có lẫn máu hoặc kèm theo nhầy. Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng kèm theo táo bón và tình trạng phân không ổn định nên khiến bệnh nhân không thấy thoải mái sau khi đi ngoài
  • Suy nhược cơ thể: Viêm đại tràng mãn tính là bệnh lý ảnh hưởng ở đường tiêu hóa và gây ra xáo trộn trong quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng nên biểu hiện suy nhược cơ thể tương đối rõ ràng. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả khác như chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, suy giảm trí nhớ, lo lắng,.. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến thể trạng, hốc hác, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

4. Bị viêm đại tràng uống thuốc gì?

Câu hỏi thường được đặt ra của bệnh nhân đó là viêm đại tràng nên uống thuốc gì? Thực tế việc điều trị viêm đại tràng có thể sử dụng theo tây y hoặc các bài thuốc đông y như:

Thuốc tây y có tác dụng nhanh chóng và rõ rệt giúp làm giảm đi những cơn đau. Tuy nhiên nhược điểm của các thuốc này có thể tiêu diệt cả những lợi khuẩn đường ruột. Trong số đó gồm có:

  • Thuốc điều trị triệu chứng như các thuốc chống táo bón, thuốc chống đi ngoài phân lỏng, thuốc ngăn ngừa các cơn co thắt, thuốc bổ sung vitamin.
  • Thuốc kháng sinh được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn trên niêm mạc đại tràng. Metronidazol 250mg là loại kháng sinh thường được sử dụng với liều lượng 2 - 4mg/ngày và sử dụng kéo dài trong khoảng 8 - 10 ngày.
  • Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch thuộc nhóm Corticoid được sử dụng cho những người mắc bệnh viêm đại tràng là do tình trạng tự miễn. Liều lượng thường dùng trong khoảng 30 - 40mg/ngày trong tuần đầu tiên. Sau đó giảm dần theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Thuốc đông y có ưu điểm là có thể điều trị cả 2 dạng viêm đại tràng cấp lẫn viêm đại tràng mãn tính và ít gây ra tác dụng phụ cho cơ thể. Tuy nhiên khi sử dụng cần kiên trì trong một thời gian dài để mang lại kết quả tốt nhất. Tùy thuộc vào từng thể bệnh với các triệu chứng khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định những bài thuốc phù hợp. Khi kết hợp điều trị thuốc đông y bằng những vị thuốc từ thiên nhiên khác nhau sẽ giúp điều trị cùng lúc nhiều triệu chứng, tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và hạn chế bệnh tái phát.

Việc sử dụng thuốc trong điều trị viêm đại tràng cần được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả tối đa và tính an toàn của thuốc.

5. Phòng ngừa viêm đại tràng mạn tính

Phòng ngừa viêm đại tràng mạn tính bằng những cách sau đây:

Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh

Nên kiểm soát tình trạng stress hoặc căng thẳng, vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm nhu động ruột. Do đó, đảm bảo tinh thần vui vẻ và lành mạnh cũng là một cách để phòng ngừa bệnh. Ngoài ra có thể kích thích tăng nhu động ruột bằng cách tăng cường vận động thể dục thể thao để sức đề kháng và uống đủ nước.

Xây dựng chế độ ăn hợp lý và lành mạnh

  • Một số thực phẩm tốt cho đại tràng và sự phục hồi của đại tràng như sữa đậu nành, gạo, khoai tây, rau xanh, trái cây, củ quả giàu chất xơ, chuối đu đủ giàu kali,...
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm lên men hoặc tươi sống như nem chua, tiết canh, gỏi các loại, rau sống, lòng heo,... để phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ và các chất gây kích thích đường ruột như cà phê, thuốc lá, rượu bia để giảm gánh nặng cho đường ruột.

Bệnh viêm đại tràng là một căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị dứt điểm. Vì thế, khi có dấu hiệu của bệnh thì bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị. Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn căn bệnh này và cách dùng thuốc sao cho hiệu quả nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan