Đau dạ dày uống bia được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bia rượu thường được liệt kê là một chất gây kích thích cho các vấn đề tại dạ dày. Tuy nhiên, sự có mặt của bia rượu trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, không ít bệnh nhân đau dạ dày gặp phải băn khoăn là đau dạ dày uống bia được không cũng như làm thế nào để bia rượu ít ảnh hưởng đến bệnh dạ dày.

1. Đau dạ dày là gì?

Đau dạ dày là biểu hiện của tình trạng viêm dạ dày một cách phổ biến nhất. Đây là một bệnh lý tiến triển có liên quan đến một số loại nhiễm trùng, gây kích ứng trực tiếp hoặc tổn thương mô cục bộ. Đau dạ dày có thể là cấp tính hoặc mạn tính, tương ứng viêm dạ dày mới khởi phát hay kéo dài đã lâu.

Các yếu tố được cho thường có ảnh hưởng tới bệnh dạ dày là dùng thuốc không steroid, bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, trào ngược dịch mật từ ruột non, rối loạn tự miễn dịch hay uống quá nhiều rượu. Ngoài ra, cũng có những yếu tố khác có thể góp phần gây ra sự kích thích tại dạ dày, bao gồm căng thẳng, hút thuốc và ăn một số loại thực phẩm chua, cay, nóng.

Trong đó, yếu tố bia rượu là một nguyên nhân quan trọng và có riêng một bệnh lý viêm dạ dày do rượu. Lúc này, việc điều trị cũng tương tự như bệnh dạ dày do các nguyên nhân khác nhưng trọng tâm luôn là việc cai rượu.

2. Ảnh hưởng của bia rượu đối với dạ dày như thế nào?

Bia rượu khi uống vào có thể làm tăng lượng axit trong dạ dày một cách nhanh chóng. Chính điều này có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và khởi phát ra các cơn đau dạ dày, khiến người bệnh có các triệu chứng như đau quặn bụng âm ỉ hay dữ dội, ợ nóng, buồn nôn hay nôn ói, chán ăn. Tình trạng kéo dài sẽ khiến người bệnh giảm hấp thu, suy dinh dưỡng và gầy yếu.

Đau bụng dưới
Người đau dạ dày thường xuất hiện các cơn đau quặn bụng âm ỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống

Bệnh cảnh này càng khiến dạ dày thêm tổn thương, nhất là khi không ngừng tiêu thụ bia rượu ở người nghiện rượu, dẫn tới viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày hay thủng dạ dày.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có thể ngừng uống rượu trong một thời gian, các biến chứng dạ dày có thể cải thiện và chức năng bình thường trở lại. Như vậy, loại bỏ rượu là cách để ngăn chặn các triệu chứng, biến chứng viêm dạ dày do rượu.

Ngược lại, nếu vẫn còn tiếp tục uống bia rượu, không chỉ dạ dày bị ảnh hưởng, người bệnh còn bị trào ngược chất axit dư thừa vào thực quản gây viêm loét thực quản, xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản, xơ gan hay ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác, suy giảm sức khỏe.

3. Làm thế nào để tránh đau dạ dày trước khi uống bia?

Nhìn chung, tiêu thụ rượu bia quá nhiều sẽ là một nguyên nhân gây ra đau dạ dày, đồng thời, ở những người đã có sẵn bệnh dạ dày, chất cồn cũng là một yếu tố khởi phát cơn đau. Tuy nhiên, rất khó để một người mắc bệnh dạ dày tránh khỏi hoàn toàn sức hút hấp dẫn từ rượu bia. Như vậy làm thế nào để tránh đau dạ dày trước khi uống bia cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Một số gợi ý sau đây có thể hữu ích trong việc phòng tránh bia rượu gây ra các cơn đau dạ dày:

  • Uống trà xanh, trà bạc hà trong ngày: Đây là một chất tuyệt vời cho dạ dày và cả cho gan. Vì vậy, việc nhấm nháp trà trong ngày để chuẩn bị cho cơ thể trước sự tấn công dữ dội của bia rượu là cần thiết.
  • Uống nước nhiều: Rượu là một chất lợi tiểu, càng uống nhiều sẽ khiến cơ thể càng bị mất nước. Điều này sẽ hiệu quả rõ ràng khi uống rượu trong lúc khát. Vì vậy, việc uống nhiều nước trước đó sẽ làm giảm tốc độ hấp thụ rượu cũng như ngăn chặn sự thiếu nước sau đó.
  • Ăn trước khi uống: Nên ăn một thứ gì đó, đặc biệt là thực phẩm giàu carbohydrate, trước khi bắt đầu uống có thể giúp làm chậm tốc độ cơ thể hấp thụ rượu. Điều này cũng giúp hạn chế tửu lượng, giảm bớt những ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới về tỷ lệ tiêu thụ rượu bia
Người bị đau dạ dày cần uống bia đúng cách giúp bảo vệ sức khoẻ

  • Ăn chất béo: Chất béo giúp làm chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày và thức ăn ở đó càng lâu, tốc độ rượu sẽ được hấp thụ vào máu càng chậm.
  • Không dùng đồ uống pha chế: Việc pha chế đồ uống sẽ khiến khó theo dõi lượng rượu đang tiêu thụ, do đó, rất có thể sẽ dẫn tới uống quá nhiều rượu hơn so với việc chỉ uống một loại đồ uống. Khi càng uống nhiều bia rượu, dạ dày càng bị ảnh hưởng.
  • Dùng thuốc kháng axit: Nếu việc uống bia rượu gây đau dạ dày, nên dùng một viên thuốc kháng axit trước khi uống. Điều này cũng cho tác dụng hơn là uống thuốc giảm đau thông thường.
  • Không uống rượu quá sớm: Các enzyme có chức năng chuyển hóa rượu thường được bài tiết vào đường tiêu hóa nhiều vào buổi tối nhưng ở mức thấp nhất vào giờ ăn trưa. Đó là lý do tại sao một ly rượu vào bữa trưa có thể cảm thấy mạnh hơn rất nhiều so với một ly tương đương vào bữa tối.

Tóm lại, rượu bia là các yếu tố kích thích của những cơn đau dạ dày. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi đau dạ dày uống bia được không, bản thân người bệnh dạ dày cần biết cách kiểm soát, hạn chế lượng bia rượu tiêu thụ cũng như áp dụng những lời khuyên trên đây để có thể phần nào giảm được ảnh hưởng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan