Nguyên nhân phổ biến của bệnh nứt hậu môn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Trong các bệnh lý ở vùng hậu môn trực tràng, nứt hậu môn là bệnh phổ biến thứ 3 sau trĩ và nhiễm trùng. Bệnh nứt hậu môn tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Vậy nguyên nhân bệnh nứt hậu môn là gì?

1. Bệnh nứt hậu môn là gì?

Bệnh nứt hậu môn là hiện tượng xuất hiện một vết rách nhỏ ở lớp niêm mạc mỏng của ống hậu môn với biểu hiện là đau và đi tiêu ra máu.

Điểm đặc trưng của vết rách trong nứt hậu môn là xảy ra ở vị trí của vùng lược, thường xuất phát từ rìa hậu môn phía ngoài và kết thúc ở phía dưới đường lược phía trong ống hậu môn. Đa số vết rách nằm ở mặt sau của hậu môn (hướng 6 giờ).

Những tổn thương kèm theo nứt hậu môn thường gồm một búi trĩ hoặc một mảnh da thừa ở phía ngoài và một nhú phì đại ở phía trong. Vì vậy, theo cơ chế bệnh sinh, bộ 3 tổn thương đặc trưng của bệnh nứt hậu môn là xuất hiện búi trĩ kèm loét niêm mạc và xuất hiện nhú phì đại.

Bệnh nứt hậu môn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng dễ gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Đa số trường hợp nứt hậu môn sẽ tự lành trong vòng 4 - 6 tuần. Nghiêm trọng hơn nếu bệnh kéo dài quá 8 tuần thì sẽ chuyển sang giai đoạn nứt hậu môn mãn tính.

Điều trị bệnh trĩ đau hậu môn
Nứt hậu môn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi

2. Nguyên nhân bệnh nứt hậu môn

Bệnh nứt hậu môn tương đối phổ biến, do đó chúng ta cần biết được nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Những nguyên nhân bệnh nứt hậu môn bao gồm:

  • Đại tiện ra khối phân quá lớn so với kích thước ống hậu môn hoặc phân quá cứng.
  • Bệnh lý táo bón, đi tiêu khó và phải rặn nhiều khi đi tiêu.
  • Ngược lại với táo bón thì tiêu chảy kéo dài cũng là nguyên nhân bệnh nứt hậu môn.
  • Những bệnh lý gây viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại trực tràng.
  • Mang thai và sinh đẻ.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Những chấn thương tác động trực tiếp lên niêm mạc ống hậu môn.
  • Một số nguyên nhân ít gặp hơn là ung thư hậu môn và một số bệnh nhiễm trùng như: HIV, lao, Zona sinh dục hoặc giang mai.

3. Triệu chứng bệnh nứt hậu môn là gì?

Bệnh nứt hậu môn có các dấu hiệu rất đặc trưng, nếu người bệnh xuất hiện những biểu hiện sau thì nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm:

  • Cảm giác đau nhói hoặc cơn đau dữ dội khi đi tiêu, đặc biệt là nếu khối phân lớn và cứng;
  • Sau đi đại tiện vẫn có cảm giác đau kéo dài nhiều giờ;
  • Trong phân hoặc giấy vệ sinh sau đi tiêu có dính máu đỏ tươi;
  • Đôi khi có cảm giác ngứa hoặc rát vùng quanh lỗ hậu môn;
  • Vùng da quanh lỗ hậu môn quan sát thấy được một vết nứt rách;
  • Có thể thấy một u cục nhỏ, mảnh da thừa hoặc nhú phì đại trên vùng da quanh vết nứt.
vết nứt hậu môn trực tràng
Bệnh nứt hậu môn có các dấu hiệu rất đặc trưng, dễ nhận biết

4. Chẩn đoán nứt hậu môn

Để chẩn đoán nứt hậu môn trên lâm sàng, phương pháp thăm khám được sử dụng chính là thăm hậu môn trực tràng bằng cách: bác sĩ sẽ đưa ngón tay đã đeo găng vào trong ống hậu môn hoặc sử dụng một ống soi ngắn để quan sát niêm mạc ống hậu môn.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt ở một số bệnh nhân, bác sĩ chỉ cần quan sát bên ngoài là đã thấy vết rách, mảnh da thừa hoặc nhú phì đại quanh rìa lỗ hậu môn, kết hợp với các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Bệnh nứt hậu môn cấp tính có vết nứt rách còn mới, nhìn tương tự như vết giấy rách, khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, các vết rách xuất hiện nhiều hơn.

Một số phương tiện hỗ trợ chẩn đoán giúp bác sĩ đánh giá được nguyên nhân bệnh nứt hậu môn:

  • Nội soi trực tràng: Thường được chỉ định cho bệnh nhân dưới 50 tuổi, ít có yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Nội soi đại tràng: Chỉ định cho bệnh nhân trên 50 tuổi giúp khảo sát toàn bộ đại tràng, phát hiện được những bất thường, đặc biệt là ung thư đại tràng.
  • Đo áp lực hậu môn.

5. Điều trị bệnh nứt hậu môn như thế nào?

5.1. Thay đổi lối sống

  • Bổ sung lượng nước cần thiết mỗi ngày, hạn chế thức uống chứa caffein vì đây là nguyên nhân làm cơ thể mất nước.
  • Chế độ dinh dưỡng cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ thể (khoảng 20-35g chất xơ mỗi ngày). Mục đích là phòng ngừa táo bón, giúp bệnh nhân dễ đi tiêu hơn. Một số thực phẩm giàu chất xơ là: rau, trái cây (chuối, đu đủ, các loại trái cây có múi), ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt...
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Trường hợp bệnh nhân vẫn mắc chứng táo bón kéo dài dù đã bổ sung đầy đủ lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Tác dụng của thuốc nhuận tràng là làm mềm phần, giữ lại nước trong đại tràng, giúp việc đi tiêu của bệnh nhân dễ dàng và giảm đau khi đi đại tiện.
  • Nếu có cảm giác mắc đại tiện thì nên đi ngay khi có thể, không cố gắng nhịn vì lâu ngày có thể dẫn đến táo bón, phân cứng hơn gây nứt hậu môn.
  • Hạn chế rặn mạnh khi đi đại tiện vì việc này sẽ làm tăng áp lực trong ống hậu môn, gây nên bệnh nứt hậu môn.
  • Ngâm nước ấm sẽ góp phần làm lành vết nứt hậu môn: Bệnh nhân có thể ngồi trong bồn nước ấm 2 hoặc 3 lần/ngày, mỗi lần từ 10 đến 15 phút giúp làm sạch hậu môn, cải thiện lượng máu nuôi hậu môn cũng như giúp các cơ ống hậu môn thư giãn.

5.2. Điều trị nội khoa

  • Thuốc làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh nứt hậu môn như: Các thuốc mỡ giảm đau, chống phù nề: Anusol-HC, oxit kẽm...
  • Thuốc bôi chứa hoạt chất Nitroglycerin: Giúp làm giãn các mạch máu ở vùng hậu môn, làm gia tăng lượng máu và giúp vết nứt hậu môn mau lành. Bên cạnh đó, Nitroglycerin còn có tác dụng làm giảm áp lực cơ thắt hậu môn, giảm co thắt và triệu chứng đau.
Thuốc mỡ
Thuốc bôi chứa hoạt chất Nitroglycerin sẽ giúp làm giãn các mạch máu ở vùng hậu môn

5.3. Điều trị ngoại khoa

Nếu bệnh nứt hậu môn kéo dài, chuyển sang giai đoạn mãn tính và các biện pháp nêu trên không còn hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Phương pháp mổ cắt giảm một phần nhỏ của cơ vòng hậu môn sẽ giúp giảm tình trạng co thắt và giảm đau, giúp vết nứt hậu môn mau lành.

Các nghiên cứu cho thấy đối với trường hợp nứt hậu môn mãn tính, việc phẫu thuật sẽ cho hiệu quả tốt hơn so với điều trị nội khoa. Tuy nhiên, biến chứng đáng lưu ý của phương pháp mổ cắt cơ hậu môn là đi tiêu không tự chủ (tỷ lệ xảy ra rất thấp).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan