Phân biệt viêm đại tràng co thắt với các bệnh tiêu hóa khác

Viêm đại tràng co thắt là rối loạn xảy ra ở đường tiêu hóa. Đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng lại có ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống của người bệnh. Bệnh co thắt đại tràng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa. Do đó, bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ích giúp bạn đọc phân biệt được viêm đại tràng co thắt với các bệnh lý đường tiêu hóa khác.

1. Viêm đại tràng co thắt là gì?

Viêm đại tràng co thắt (hay còn được gọi là hội chứng ruột kích thích, bệnh đại tràng chức năng, rối loạn chức năng đại tràng...) là bệnh lý đặc trưng bởi sự rối loạn chức năng của ống tiêu hóa. Bệnh gây nên các rối loạn chủ yếu là ở đại tràng.

Theo Thomson W.D. (1990), viêm đại tràng co thắt là bệnh lý có sự rối loạn chức năng của ruột. Người bệnh sau khi điều trị khỏi rất dễ bị tái đi tái lại nhiều lần và không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột.

Bệnh co thắt đại tràng có 3 đặc điểm sau:

  • Rối loạn sự cảm thụ của ống tiêu hóa: Tăng tính nhạy cảm, nội tạng dễ kích thích.
  • Tính chịu đựng của ruột bị thay đổi: Giảm khả năng chịu áp lực gây ra bởi khối thức ăn ở một số đoạn ruột.
  • Rối loạn vận động của ruột: Gây nên các rối loạn tiêu hóa. Tiêu chảy khi tăng nhu động ruột, giảm nhu động ruột gây táo bón.

Co thắt đại tràng không phải là bệnh lý nặng và để lại biến chứng nguy hiểm như viêm đại tràng. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh kéo dài gây ra những thay đổi trong thói quen sinh hoạt, ăn uống. Ngoài ra, còn gây ra những bất thường về tâm lý cho bệnh nhân như lo âu, căng thẳng...

2. Ai dễ mắc viêm đại tràng co thắt?

Khoảng 20% dân số trên thế giới bị co thắt đại tràng.

Ở Việt Nam, người bị viêm đại tràng co thắt chiếm khoảng 30 – 40% người đến khám các bệnh về đường tiêu hóa.

Viêm đại tràng co thắt thường xảy ra ở người lớn tuổi và tỷ lệ mắc ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Ngoài ra, người bị rối loạn thần kinh cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Có thể kể đến như rối loạn thần kinh chức năng (hysteria), trầm cảm, ám ảnh hay bị stress tâm lý cũng có nguy cơ bị co thắt đại tràng. Những người có chế độ sinh hoạt không hợp lý, thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích... cũng có nguy cơ cao.

Co thắt đại tràng thường gặp ở nữ giới hơn là nam giới
Co thắt đại tràng thường gặp ở nữ giới hơn là nam giới

3. Viêm đại tràng co thắt gây ra những rối loạn gì?

Viêm đại tràng co thắt có rất dễ nhầm với các bệnh đường tiêu hóa khác do có những triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, bệnh cũng có những đặc điểm riêng như: đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, có thể liên tục hoặc không, kèm theo:

  • Thay đổi hình dạng khuôn phân.
  • Thay đổi tần số đi đại tiện.

Ngoài ra có thể có các triệu chứng không phổ biến khác như:

  • Phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão).
  • Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, táo bón lẫn lộn, hoặc cảm giác đi chưa hết phân.
  • Đầy bụng, chướng hơi, cảm giác nặng tức bụng.
  • Phân không có máu nhưng có nhầy mũi.
  • Đau bụng: Xuất hiện những cơn đau, co thắt mạnh vùng bụng thường xuyên với đặc điểm: Cơn đau có thể kéo dài âm ỉ hoặc có thể dữ dội trong thời gian ngắn. Khi người bệnh ăn thực phẩm lạ, dễ gây kích thích như đồ chua cay, rượu bia,... thì đau tăng lên. Thăm khám bằng cách ấn tay vào bụng sẽ thấy bụng mềm, chướng căng, có thể sờ thấy các u cục cứng nổi lên vùng khung đại tràng.

Các triệu chứng trên thay đổi theo thời gian, chế độ sinh hoạt, ăn uống, theo cơ địa từng người. Nếu chế độ sinh hoạt hợp lý thì bệnh sẽ thuyên giảm. Nếu ăn uống không điều độ thì bệnh sẽ ngày càng nặng thêm.

Các dấu hiệu bất thường của co thắt đại tràng:

  • Chán ăn, sụt cân.
  • Thiếu máu.
  • Bệnh nhân có biểu hiện sốt, xét nghiệm máu thấy có tăng bạch cầu, tốc độ máu lắng tăng.
  • Đại tiện phân có nhầy máu.
  • Phân nhỏ dẹt thường xuyên.
  • Phân bất thường ở người lớn hơn 40 tuổi.
  • Gia đình người bệnh có tiền sử bị ung thư đại tràng.

Do chế độ ăn uống kiêng khem nên người bệnh rất dễ bị sụt cân; suy dinh dưỡng; niêm mạc xanh xao, nhợt nhạt; thể trạng suy yếu.

4. Căn nguyên gây viêm đại tràng co thắt

Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ nguyên nhân gây co thắt đại tràng. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ co thắt đại tràng như:

  • Nhu động ruột hoạt động kém
  • Tâm lý căng thẳng, lo lắng kéo dài: căng thẳng, stress kéo dài là nguyên nhân gây nên viêm đại tràng co thắt và hầu hết các bệnh lý đường tiêu hóa.
  • Viêm ruột, nhiễm trùng
  • Ăn uống kém lành mạnh: ăn nhiều đồ cay nóng, thức ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản, thức ăn để lâu hoặc không đảm bảo vệ sinh, sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn, nước có ga và các chất kích thích khác...
  • Rối loạn nội tiết tố: phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với đàn ông. Bệnh nặng hơn khi chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hay tiền mãn kinh. Do có sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ.
co thắt đại tràng
Căng thẳng lo lắng kéo dài có thể gây tình trạng co thắt đại tràng

5. Các phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng co thắt

Khi có các triệu chứng của viêm đại tràng co thắt hay rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán kịp thời. Một số xét nghiệm để chẩn đoán co thắt đại tràng, gồm:

  • Xét nghiệm mô bệnh học
  • Chụp X - Quang khung đại tràng.
  • Xét nghiệm không dung nạp Lactose: thực hiện các kĩ thuật kiểm tra hơi thở. Kiểm tra dấu hiệu có dung nạp Lactose hay không bằng cách loại bỏ sữa trong khẩu phần ăn.
  • Xét nghiệm máu: loại trừ bệnh Celiac.
  • Xét nghiệm phân: để kiểm tra có vi khuẩn hoặc có ký sinh trùng đường tiêu hóa. Ngoài ra còn kiểm tra xem có xuất huyết đường tiêu hóa không.
  • Nội soi: thông qua nội soi có thể quan sát các tổn thương viêm đại tràng. Ngoài ra, dựa vào nội soi có thể phân biệt viêm đại tràng, viêm ruột,... với co thắt đại tràng.

Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân để chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp. Nội soi là xét nghiệm được ưu tiên có hầu hết các trường hợp.

6. Co thắt đại tràng dễ nhầm lẫn với bệnh lý nào?

Co thắt đại tràngđau bụng đi ngoài cần chẩn đoán phân biệt với:

  • Nhiễm trùng đường ruột.
  • Suy giảm miễn dịch
  • Ung thư đại-trực tràng.
  • U lympho ruột.
  • Dị ứng thức ăn.
  • Thiếu men lactase.
  • Viêm loét đại trực tràng chảy máu,
  • Viêm đại tràng vi thể....

Viêm đại tràng co thắt có táo bón - đau bụng cần chẩn đoán phân biệt với:

đau bụng
Các cơn đau bụng có thể dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường tiêu hóa

7. Điều trị viêm đại tràng co thắt

Tạo thói quen ăn uống hợp lý

Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp nhuận tràng, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như:

  • Bột yến mạch
  • Thịt, cá, trứng, sữa không chứa lactose
  • Bổ sung đầy đủ nước, mỗi ngày uống 1,5 đến 2 lít nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm nước ép trái cây là rất tốt
  • Sữa chua và thực phẩm giàu prebiotic cần được thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày
  • Rau xanh và trái cây

Hạn chế tối đa việc sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích, thực phẩm khó tiêu hóa, đồ ăn sẵn, nhiều dầu mỡ...

Ngoài ra cần có thói quen ăn uống đúng giờ không được bỏ bữa cho bệnh nhân co thắt đại tràng.

Tinh thần thoải mái

Người bệnh cần duy trì một tâm trạng tốt, hạn chế căng thẳng, stress bằng cách:

  • Thực hiện các bài tập thư giãn như: Thiền, Yoga,...
  • Tập hít thở: có tác dụng ổn định tâm lý và giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn.
  • Tập thể dục mỗi ngày.

Điều trị bằng thuốc

Dựa vào các triệu chứng, tần số xuất hiện và mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc thích hợp.

  • Thuốc chống co thắt đại tràng giúp làm giảm tối đa những cơn co thắt bụng.
  • Thuốc nhuận tràng giúp điều hòa nhu động ruột, giảm rối loạn tiêu hóa, giảm táo bón.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, dùng cho người bệnh có tâm lý căng thẳng, lo âu.
  • Thuốc cầm tiêu chảy: nên dùng các loại thuốc thuộc nhóm thuốc Actapulgite và Loperamid.
  • Chỉ sử dụng các loại thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn ruột.

Co thắt đại tràng không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng lại gây nên những ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người bệnh. Người bệnh cần có thói quen sinh hoạt, ăn uống hợp lý để nâng cao thể trạng và giảm các triệu chứng của bệnh.

Nếu những phương pháp trên không làm tình trạng của bạn thuyên giảm, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ ra biện pháp điều trị hữu ích nhất dành cho bạn..

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan